Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Hội nghị Trung ương đảng CSVN lần thứ 14 khai mạc: Hé lộ nhân vật cho chiếc ghế Tổng Bí thư



Hội nghị Trung ương đảng CSVN lần thứ 14 khai mạc: Hé lộ nhân vật cho chiếc ghế Tổng Bí thư





Hội nghị lần này còn giới thiệu thêm nhân sự thuộc trường hợp "đặc biệt". Giới quan sát tình hình chính trị tại Việt Nam thừa hiểu câu nói ấy ngấm ngầm nói đến việc ứng cử chức vụ Tổng Bí thư của ông Nguyễn Tấn Dũng. Như vậy, trong cuộc đua đến chiếc ghế Tổng Bí thư hiện nay chỉ còn lại ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Tấn Dũng. Hai người khác là ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã bị loại khỏi cuộc đua.(?)




Ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị lần thứ 14.
Ảnh: Tuổi Trẻ




Cali Today News - Sau nhiều lần hội nghị bất thành, sáng ngày 11/1, Trung ương đảng CSVN đã khai mạc Hội nghị lần thứ 14 để chốt lại vấn đề nhân sự cho "tứ trụ triều đình" sau hai lần thất bại tại Hội nghị lần thứ 12 và 13. Hội nghị lần này, bằng việc "giới thiệu thêm nhân sự thuộc trường hợp 'đặc biệt'" đã cho thấy những toan tính của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thất bại.

Cũng cần nhắc lại, trong Hội nghị Trung ương lần thứ 13, ông Nguyễn Phú Trọng, với quyền lực chính trị của mình đã đưa ra 3 phương án cho Trung ương đảng CSVN chấp nhận. Phương án 1 chỉ có một người trong "Tứ trụ" được tái cử; Phương án 2 gồm hai người là Tổng Bí thư và Chủ tịch nước tái cử; Phương án 3 gồm ba người tái cử là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, cũng trong hội nghị, sợ chức Tổng Bí thư sẽ lọt vào tay Nguyễn Tấn Dũng, ông Trọng đã nói rằng, chức Tổng Bí thư phải là người miền Bắc và có lý luận đảm nhiệm. Một câu nói khiến rất nhiều đảng viên, nhất là đảng viên miền Nam cảm thấy bị xúc phạm, cho dù đó như là luật bất thành văn từ trước đến nay.








Trước Hội nghị Trung ương lần thứ 13, ông Nguyễn Phú Trọng cùng với một số lãnh đạo cao cấp trước đây, trong số đó có Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị họp bàn về vấn đề nhân sự nhằm loại ông Nguyễn Tấn Dũng. Những người này cho rằng, nếu chức Tổng Bí thư lọt vào tay Thủ tướng Dũng thì chế độ Cộng sản tại Việt Nam sẽ không thể tồn tại.

Biết Trung ương đảng CSVN đang nằm trong quyền kiểm soát của Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng đã lộng quyền, tự đưa ra quyết định những người trong Bộ Chính trị muốn tái cử phải được sự chấp thuận của tập thể Bộ Chính trị bằng cách bỏ phiếu. Việc làm này chỉ là một trong những nước cờ mà ông Trọng đã đưa ra nhằm loại trừ Nguyễn Tấn Dũng.

Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng lên làm Tổng Bí thư đảng CSVN thì đây là lần thứ hai trong lịch sử đảng một người là Thủ tướng Chính phủ lên nắm chức Tổng Bí thư. Trước đây, ông Đỗ Mười, người từng là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, tương đương với chức Thủ tướng bây giờ cũng lên làm Tổng Bí thư sau đó.

Những toan tính, mưu đồ cùng với đó là nhận được sự hậu thuẫn của những lãnh đạo cao cấp trước đây, Nguyễn Phú Trọng đã có những bước đi được coi là khá thành công. Một loạt đơn tố cáo, kiến nghị nhằm hạ bệ ông Dũng diễn ra liên tục. Trong số đó có cả ý kiến của ông Phan Diễn, ông Trịnh Văn Lâu. Trong những đề nghị của 2 ông này có điểm chung là đánh vào lý lịch, mối quan hệ của ông Dũng với phía thông gia ông Nguyễn Bá Bang, vốn là một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Những tình tiết vụn vặt này chẳng những không nhận được sự ủng hộ của dư luận, mà nó còn cho thấy cái tư duy lỗi thời, độc đoán của cả ông Phan Diễn và Trịnh Văn Lâu.

Là một người kinh qua rất nhiều chức vụ, kinh nghiệm chính trường đã không làm cho Nguyễn Tấn Dũng nao núng. Lá thư của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh gửi cho ông Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN đã đánh tan tất cả những mưu tính của phe nhóm Nguyễn Phú Trọng. Trong lá thư, ông Lê Đức Anh nhắc lại cho ông Nguyễn Phú Trọng về nguyên tắc đảng, trong đó có nói đến quyền đề cử, quyền ứng cử và quyền bầu cử. Cùng với đó là những quan điểm nhằm ngấm ngầm ủng hộ cho ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành Tổng Bí thư.

Lá thư của Lê Đức Anh được gửi đi, những toan tính của Nguyễn Phú Trọng nhằm hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng đã hoàn toàn sụp đổ.

Trên tờ Tuổi Trẻ dẫn lời phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng đọc trong ngày khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 14 cho biết, ngoài việc đánh giá tác động trong việc gia nhập TPP (Trans- Pacific Strategic Economic Partnership Agreement- Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), Hội nghị lần này còn giới thiệu thêm nhân sự thuộc trường hợp "đặc biệt". Giới quan sát tình hình chính trị tại Việt Nam thừa hiểu câu nói ấy ngấm ngầm nói đến việc ứng cử chức vụ Tổng Bí thư của ông Nguyễn Tấn Dũng. Như vậy, trong cuộc đua đến chiếc ghế Tổng Bí thư hiện nay chỉ còn lại ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Tấn Dũng. Hai người khác là ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã bị loại khỏi cuộc đua. (?)


Như trong một bài bình luận mà chúng tôi đã nói trước đây, chính vì đã đặt được ảnh hưởng lên Trung ương đảng nên ông Nguyễn Tấn Dũng đã có những nước cờ đi rất lợi hại. Chẳng hạn như việc "xin không tái cử", cùng với đó là rút tên trong tất cả danh sách, đồng thời giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng vào chức vụ Tổng Bí Thư. Bên cạnh đó, việc ông Nguyễn Phú Trọng tự đề cử mình vào chiếc ghế Tổng Bí thư khiến cho nhiều người cứ nhầm tưởng đó là cuộc đua độc mã, ông Trọng một mình một ngựa tiến đến chiếc ghế Tổng Bí thư. Song, với tất cả những gì đang diễn ra thế thượng phong không nằm về phía ông Trọng mà lại nghiêng về phía ông Dũng. Con đường trở thành Tổng Bí thư đảng CSVN của một người miền Nam đang trở nên sáng hơn bao giờ hết.



Người Quan Sát
Cộng tác viên từ Việt Nam



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét