Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Hai chiều chuyện gia đình Thủ tướng VN



Hai chiều chuyện gia đình Thủ tướng VN







Ông Trần Quốc Thuận cùng một số đảng viên gửi thư kiến nghị về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng




Cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, ông Trần Quốc Thuận, trả lời BBC hôm 08/01 về lá thư đề nghị xác minh những vấn đề liên quan tới Thủ tướng Việt Nam, đang lưu truyền trên mạng xã hội.

Cùng lúc có ý kiến không đồng ý với cách dùng 'lý lịch' vào đấu đá phe phái trong trường hợp của Thủ tướng Dũng.

Ông Trần Quốc Thuận cho biết, ý kiến đề tên ông trong lá thư đó đã được tổng hợp lại từ thư riêng do ông "gửi có địa chỉ, thư gửi riêng, không tiện nói ra" trên truyền thông.

"Nếu tổng hợp thành thư chung thì chắc là do các ban của cơ quan của Đảng, trong đó có thể là Ban tổ chức Trung Ương hoặc Ủy ban Kiểm tra Trung Ương hoặc Văn phòng Trung Ương. Những ban đó tổng hợp tất cả các đơn đề nghị, kiến nghị lên, hoặc đơn thư khiếu nại tố cáo.

"...Tôi cũng không rõ bản trên mạng đó là của ai tập hợp," luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC Tiếng Việt hôm 08/01.

Trả lời câu hỏi vì sao đưa ra một số đề nghị xác minh thông tin liên quan tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông nói: "Tôi là đảng viên mà đã gần 50 tuổi Đảng. Ở trong tổ chức lâu, tôi biết, những quy định của Đảng rất chặt chẽ.



“Muốn vào trung ương thì không được
vướng gì vào chuyện này, còn nếu anh
vướng chuyện này thì thôi.”
Trần Quốc Thuận



"Nghị quyết Trung ương 11 vừa qua quy định những điều kiện tiêu chí ứng cử vào Trung ương, trong đó quan hệ lý lịch phải rõ ràng, không chỉ là bản thân mà cả quan hệ bên nội ngoại, con cái này kia phải rõ ràng, không có vướng về mặt chính trị.

"Thứ hai, trong nghị quyết trung ương 11 có quy định là vợ con và người thân không được giàu có một cách không bình thường."

Ông nói thêm, một người ở trong tổ chức Đảng, "muốn vào trung ương thì không được vướng gì vào chuyện này, còn nếu anh vướng chuyện này thì thôi.

"Cần được hiểu rằng, những người trong tổ chức này đều được trong sạch và mọi thứ đều rõ ràng công khai, không có vấn đề gì uẩn khúc cả."


Nhưng một ý kiến khác từ Sài Gòn tỏ ra không đồng tình với chính sách lý lịch của Việt Nam:

"Có lẽ rất ít nơi trên thế giới có chính sách phân biệt dựa trên lý lịch rõ ràng như vậy. Có lẽ ở các nơi đều có sự không tin, nghi ngờ, nhưng người ta không được quyền biến nó thành chủ trương như thế, chỉ có ở Việt Nam," Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh nói với BBC vào chiều cùng ngày.


Quan hệ sui gia


Trả lời BBC về việc có đúng ông Trần Quốc Thuận đã đặt câu hỏi về mối quan hệ sui gia giữa ông Nguyễn Tấn Dũng và cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Bá Bang, ông xác nhận:

"Cái đó là đúng, cái đó là tôi có ý kiến về chuyện đó, và trong tập hợp họ nêu tên nhiều người trong đó có tên tôi.

"Tôi kiến nghị, giờ trên mạng họ đưa ra vấn đề đó thì cần làm rõ thực hư như thế nào. Một người ở vị trí đứng đầu Đảng, Nhà nước này mà người ta nói lý lịch thế thì đối với Việt Nam là một điều không bình thường."

Ông nói cả chuyện riêng như lấy vợ, lấy chồng, gia đình sui gia đều có quy định chặt chẽ do Việt Nam trải qua chiến tranh kéo dài.

Tuy việc này "không phù hợp với tự do hôn nhân," nhưng nếu đó là quy định của tổ chức chính trị "mà mình ở trong tổ chức chính trị đó thì mình phải chấp hành".



“Với tư cách là một người thuộc bên thua
cuộc thì tôi cho việc ông Dũng [Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng] có sui gia là cựu quân
nhân Việt Nam Cộng hòa là điều tốt.
Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh



Luật sư Trần Quốc Thuận nói Việt Nam vẫn có chủ trương giữ quy định "chống diễn biến hòa bình, chống những thành phần chống phá, thì đối với những người có lý lịch đó thuộc diện có khả năng thực hiện diễn biến hòa bình."

Tuy nhiên, Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh, nói với BBC 'với tư cách một người dân thường' rằng, chuyện lý lịch của ông Dũng, với bà, là 'dấu hiệu tốt'.

"Tôi là người hoàn toàn không ủng hộ chính sách lý lịch một chút nào vì tôi cũng đã từng là nạn nhân của nó. Vì tôi và gia đình thuộc bên thua cuộc, con em của bên thua cuộc nên bị ảnh hưởng rất nhiều.

"Với tư cách là một người thuộc bên thua cuộc thì tôi cho việc ông Dũng [Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng] có sui gia là cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa là điều tốt.

"Tất nhiên tại sao hay có mưu đồ gì không, có bị mua chuộc, gì đó không thì tôi không quan tâm như một thường dân tôi cho đấy là dấu hiệu tốt cho sự hòa giải.

"Đó là chuyện của Đảng. Nếu như các ông ấy không còn coi trọng nữa thì tôi mừng, còn nếu họ vẫn coi đó là chuyện rất quan trọng thì tôi thất vọng," bà Vũ Thị Phương Anh, một giảng viên đã nghỉ hưu ở Sài Gòn nhận xét.

"Kể cả diễn biến hòa bình, tôi không hiểu. Mọi thứ phải thay đổi chứ? Và nếu nó thay đổi trong hòa bình, vì thế giới thay đổi, suy nghĩ của con người thay đổi thì tại sao phải chống diễn biến hòa bình?" nữ tiến sỹ nói.


'Chuyện phe nhóm'




Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh



Bà Vũ Thị Phương Anh suy luận, việc Thủ tướng Việt Nam có sui gia như vậy là thông tin 'không thể giấu được' và chuyện xảy ra đã nhiều năm nay nhưng được đưa ra vào thời điểm này vì muốn 'ngăn cản' ông Nguyễn Tấn Dũng.

"Nếu điều đó rất quan trọng với an ninh quốc gia hay là chế độ... thì ông Dũng đã và đang ở vị trí quan trọng nhất, tại sao lâu nay không đặt vấn đề? Nếu để làm hại thì ông ấy đã tại vị 10 năm nay rồi.

"Nếu ai đó đặt vấn đề thì nên cảm thấy xem trách nhiệm của mình như thế nào. Tôi thấy rất khó hiểu."

Bà giải thích, bà thiên về nhận định của nhiều người, của 'đa số quần chúng' rằng đây là 'đánh' khi có thông tin cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng "muốn giành vị trí Tổng Bí thư".

"Những người chống ông Dũng phải đưa ra chuyện đã cũ như thế là có thể có ý gì đó. Là một thường dân, không đảng viên, tôi thấy khá bất thường nên nếu không có lời giải thích nào phù hợp hơn thì đấy là chuyện phe nhóm."

"Ông Dũng có những lỗi lầm gì thì đó là trách nhiệm của nhà nước, của Đảng bao nhiêu năm nay phải xác minh và đi đến những quyết định gì đó nếu ông ấy sai."

Trong thể chế của Việt Nam, theo nữ tiến sỹ, vị Thủ tướng không thể tự quyết định một mình và vì thế, cũng không thể một mình chịu trách nhiệm, "và người đứng đầu cao nhất cũng phải chịu [trách nhiệm]".

Bà đánh giá, trong hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có nhiều vụ truyền thông đã nhắc tới như Vinashin, Vinalines, hay các vụ án tham nhũng, nhưng "đổ hết cho ông Dũng cái hay hay cái dở tôi đều thấy là không hoàn toàn hợp lý. Ông Dũng mà có làm được là cũng phải được phép của Đảng, của Bộ Chính trị, chứ không phải một mình ông ý muốn làm gì thì làm."


'Giàu từ đâu ra?'




Thư tổng hợp ý kiến đề nghị xác minh thông tin liên quan đến Thủ tướng Việt Nam đang được chia sẻ trên mạng



Về vấn đề tài sản của gia đình Thủ tướng Việt Nam, cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nhận xét, truyền thông Việt Nam đã nhiều lần đưa về vấn đề này và không có gì bất thường.

"Cái không bình thường là từ đâu mà có tài sản đó? Và việc làm giàu nhanh như vậy phải có giải trình như thế nào?"

"Dĩ nhiên như tôi nói, nó là một tổ chức chính trị nên người ta đòi hỏi ngặt nghèo hơn. Còn nếu mình không ở trong tổ chức chính trị mà là người dân bình thường thì đòi hỏi ấy điều chỉnh bởi quy định pháp luật.

"Còn anh ở trong tổ chức thì phải chấp nhận những quy định, chấp hành điều lệ của quy định và những quy định khác của điều lệ."

Bình luận về những thông tin khác nhau được chia sẻ trên mạng xã hội liên quan tới nhân sự chính trị, bà Vũ Thị Phương Anh nói nếu những thông tin này là thật, "nó cho thấy sự chia rẽ phe nhóm rất rõ ràng. Nếu không thật thì cũng đáng quan tâm ở chỗ là chuyện gì đang xảy ra?"

"Rất dở là không thể biết được những thông tin đó là đúng hay không đúng, và rất tiếc là thông tin chính thức thì gần như không có gì cả, khiến tạo cơ hội cho thông tin ngoài luồng xuất hiện. Đặc biệt là lần này quá nhiều."



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét