Người Buôn Gió - Chuyện anh bán rong và anh cảnh sát.
Anh Phong bán rong & Côn an Lương Việt Hà - Đây là hai hình ảnh
âm thầm và đối xứng!(*)
Anh bán rong Phong bị anh cảnh sát Hà dùng một thế võ hiểm quật ngã xuống nền đường.
Thiên hạ phản đối ầm ĩ và bênh vực cũng ầm ĩ anh cảnh sát và cả anh bán rong.
Những người bênh anh công an thường là những người làm việc trong điều kiện tốt, trong số họ chẳng có ai hiểu nhiều về tình trạng bán rong và quan hệ của người bán rong với cảnh sát. Họ nhìn theo lợi ích của họ. Hàng ngày họ đi làm, bị hàng rong làm cản trở giao thông, tắc đường. Khiến họ mất thời giờ và thấy bực bội. Từ tâm lý ấy họ bênh anh cảnh sát, mong muốn dẹp bỏ nạn hàng rong. Tất nhiên chỉ nói một số người trên, không phải người nào cứ làm văn phòng là bênh cảnh sát và phê anh bán rong cả.
Còn vô vàn nguyên nhân để bênh cảnh sát, chẳng hạn là dư luận viên, bồi bút và cả những người không phải loại như vậy nhưng muốn nhân cơ hội này để lấy lòng những người cảnh sát mà mình có quan hệ. Có những kẻ muốn ta đây nhân ái, ôn hoà khác biệt với đám đông đang giận dữ kia.
Những người này bênh anh cảnh sát bằng luận điệu, không có cảnh sát thì loạn, trộm cướp sẽ triền miên. Ai cũng chống đối cảnh sát thì còn gì là luật. Không trừng phạt người bán rong thì nạn bán rong còn nhức nhối đến bao giờ.
Đến nay tôi chưa có lời nào bênh anh bán rong, cũng không chỉ trích chuyện anh cảnh sát bắt anh bán rong. Tôi chỉ nói thế võ mà anh cảnh sát dùng quá ác ý, anh ta có thể dễ dàng khống chế anh bán rong bằng đòn khoá tay. Nhưng anh ta không làm mà chọn đòn giật vai, quét trụ. Ai biết một chút đều thấy trong tình thế đó, anh cảnh sát có thể nắm tay anh bán rong xoay nhẹ một vòng là anh bán rong thúc thủ quỳ xuống nền đường. Tay bị bẻ ngoặt sau lưng, một thế võ nhẹ nhàng mà hiệu quả. Người dân đứng xem chỉ có nước phục chứ không giận dữ vào đâu được. Sau đó cho anh dân phòng đi cùng đánh xe hàng rong về trụ sở nhốt. đợi tên Phong lên nộp phạt mức cao nhất.
Nhưng anh cảnh sát lại quật ngã, đấy mới là mấu chốt của vấn đề, cái chìa khoá của việc này ở chỗ đó. Anh cảnh sát quá giận dữ với anh bán rong, cái giận dữ ấy nó tich tụ sẵn từ lâu. Nó không phải là vừa chớm có. Ở đất nước này mỗi ngày phải có đến hàng trăm vụ, nếu không nói là hàng nghìn vụ bắt người bán rong, bạn cứ thử tính phường nào cũng có tổ trật tự gồm cảnh sát dân phòng đi bắt hàng rong thì sẽ thấy con số tôi nói không vô lý. Nhưng chẳng có anh cảnh sát, dân phòng nào tức giận với người bán rong đến mức độ ấy cả. Cùng lắm giằng co, chửi bới, giật đổ hàng, cướp bê lên xe chở về phường là đã ghê gớm rồi. Cái chuyện người bán rong giằng co giữ lại hàng chẳng ai quy kết là chống đối người thi hành công vụ cả. Nó quá nhỏ và nó nhiều như cơm bữa.
Nhưng anh cảnh sát lại quật ngã, đấy mới là mấu chốt của vấn đề…(*)
Bây giờ hãy hỏi sao anh Hà cảnh sát giận dữ đến mức vậy, vì người bán rong chống đối ư, vì anh Hà nóng lòng muốn dẹp nạn bán rong cho đường phố quang đãng sạch sẽ ư.?
Láo nháo , tất cả những cái lý lẽ ấy là của bọn ngồi văn phòng suy diễn ra thế, vì chúng bị thiệt hại bởi người bán rong khi chúng tham gia trên đường, chúng ước mong cảnh sát thẳng tay trị hàng rong. Tất nhiên mơ ước và lý ấy là đúng, nhưng nó không bao giờ là mấu chốt của vụ việc này. Đây không phải là quan hệ của người cảnh sát dẹp trật tự mang lại thông thoáng cho đô thị và một tên chuyên cản trở giao thông.
Đây là quan hệ làm ăn, quan hệ sinh tồn. Và anh bán rong đã vi phạm luật ngầm ấy. Đó là anh không đóng tiền hụi cho cảnh sát phường. Trong khi tất cả hàng rong khác đều nộp tiền hụi, anh cưỡng lại không nộp. Thái độ ấy của anh khiến anh Hà tức giận. Cho nên mới xảy ra hành động anh Hà dùng võ thuật quật ngã anh Phong.
Anh bán rong đầu tư vài triệu hoặc vài chục triệu làm cái xe bán rong đi kiếm ăn. Anh cảnh sát cũng mất vài trăm triệu chạy vào cảnh sát để có đời sống sung túc. Nếu đúng luật ngầm, luật giang hồ anh bán rong phải đóng hụi cho anh cảnh sát. Anh bán rong cần tiền để nuôi vợ chân chất hiền lành, anh cảnh sát cũng cần tiền để bao cô người yêu xinh đẹp.
Cả bao nhiêu người bán rong đóng tiền để vi phạm giao thông, mỗi anh Phong là không chịu đóng. Bảo sao anh Hà không ức. Nhưng anh ức quá đà, lẽ ra như nói trên anh chỉ dùng miếng khoá tay khống chế, cho dân phòng đánh xe về trụ sở là xong, anh lại dùng võ hiểm.
Tôi không thích lý lẽ ủng hộ anh bán rong khi nói rằng anh không nộp tiền hụi là anh hùng, là can đảm. Anh giằng lại xe hàng của mình là hay. Anh đã vi phạm khi bán rong, người ta đặt tiền hụi để anh vi pham thì anh phải đóng. Không đóng thì đừng vi phạm, đừng có ỷ lại bao nhiêu người bán rong vi phạm đấy , tôi cũng thế sao bắt tôi. Thế là chơi không đẹp, người ta vi phạm thì người ta đóng tiền hụi cho chính quyền, cho cảnh sát. Nếu anh cho rằng mức hụi quá cao, anh có thể đóng 2 phần 3 hoặc một nửa rồi trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, mong các anh cảnh sát giảm tiền hụi.
Tôi cũng không thích cái lý lẽ của những người salon, phòng lạnh ca ngợi anh cảnh sát làm thế là đúng, là vì giao thông trật tự của đường phố. Làm đéo có anh cảnh sát trật tự nào mong mỏi đường phố sạch sẽ , thông thoáng ở cái xã hội này. Các anh cần hàng rong vi phạm để họ đóng hụi cho các anh. Rồi các anh bớt phần tiền đó hàng tháng nộp cho cấp trên để cấp trên làm ngơ cho tình trạng ở địa bàn anh quản lý giao thông trật tự phức tạp.
Phải nhìn theo luật ngầm , luật rừng mới rõ vấn đề cốt lõi ở vụ việc này. Nhìn nhận theo góc độ pháp luật trên văn bản hay nhìn theo tình cảm con người để nhận định vụ việc này chỉ là thấy bói mù xem voi. Bởi đất nước này, trong những chuyện thế này, người ta không ứng xử bằng luật pháp văn bản, không ứng xử với nhau bằng tình cảm con người.
(*)Tâm Nhu gắn thêm hình minh họa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét