Phỏng vấn: Đảng Chính Trị “Khác” của Việt Nam
The Diplomat
Shawn W. Crispin
8/4/2016
The Diplomat trò chuyện với phát ngôn nhân của đảng chính trị nổi bật nhất và bị cấm đoán tại Việt Nam về tình hình chính trị của quốc gia này.
Hoàng Tứ Duy là phát ngôn nhân từ Hoa Kỳ của Việt Tân, đảng chính trị bị cấm đoán nổi bật nhất của Việt Nam và cho biết là có hàng ngàn thành viên tại Việt Nam và trong các cộng đồng người Việt trên thế giới.
Trong lúc Việt Nam chuẩn bị bầu cử quốc hội vào ngày 22 tháng Năm, ông Duy trò chuyện với Shawn Crispin của The Diplomat về sự khác biệt cơ bản giữa Việt Tân và đảng Cộng Sản cầm quyền cũng như tại sao cuộc bầu cử Quốc Hội sắp tới không nên được xem ngay cả như là một bước tập tễnh hướng đến dân chủ đa đảng tại Việt Nam. Sau đây là phần biên tập của cuộc phỏng vấn.
Việt Nam đã tổ chức bầu cử Quốc Hội từ năm 2002, nhưng Đảng Cộng Sản vẫn nắm giữ sự ưu thế. Tại sao thế?
Việt Nam là một thể chế cộng sản độc đảng, chứ không phải là một nền dân chủ nghị viện. Đảng Cộng Sản cầm quyền xem quốc hội như một bù nhìn và tiến trình bầu cử không có tự do và bình đẳng. Một cách ngắn gọn, người dân Việt Nam không quan tâm gì lắm đến cuộc bầu cử Quốc Hội và Đảng Cộng Sản cũng vậy.
Tin tức báo chí nêu lên con số chưa từng thấy của các ứng viên độc lập tự ra ứng cử trong lần bầu cử này. Lần chuẩn bị bầu cử năm nay khác biệt ở chỗ nào, nếu có?
Trên lý thuyết, Quốc Hội đại diện cho người dân và mọi công dân có quyền làm ứng viên. Trong thực tế, phần lớn người dân Việt Nam thờ ơ hoặc xem thường Quốc Hội vì họ biết là Đảng Cộng Sản không tôn trọng những từ ngữ cao cả trong hiến pháp hay luật pháp.
Một số ứng cử viên độc lập tiêu biểu.
Điều khác biệt trong năm nay là nhiều nhà hoạt động sẵn sàng thách đố nguyên trạng bằng cách thực thi quyền hạn của họ theo hiến pháp Việt Nam. Việc này cũng như bất tuân dân sự nhưng thay vì thách thức luật pháp bất công của chế độ, các nhà hoạt động thách thức việc áp dụng bất công luật lệ hiện thời của chế độ.
Giới chức của đảng khoe tiến trình bầu cử đến nay như là bằng chứng của “tinh thần dân chủ” của Việt Nam? Đánh giá so sánh của ông thế nào?
Để so sánh cho rõ, Đảng Cộng Sản hay khoe là Việt Nam “dân chủ ngàn lần hơn” các quốc gia Tây Phương. Như mọi khi, có khác biệt rất lớn giữa tuyên truyền nhà nước và thực tế ngoài đời. Điều mà chúng tôi thấy hiện nay là sự quyết tâm và sáng tạo trong giới hoạt động để thực thi quyền căn bản của họ và thúc đẩy cho một sân chơi chính trị rộng lớn hơn - bất chấp rủi ro bị nhà cầm quyền xách nhiễu và đàn áp.
Cuộc bầu cử tới đây có nên được xem như là một bước tập tễnh hướng đến dân chủ đa đảng?
Chắc chắn là không.
Thế thì tại sao nhà cầm quyền cảm thấy buộc phải đưa ra cách nhìn như vậy khi mà Việt Nam nhìn kiểu nào đi nữa vẫn là một thể chế chuyên chính độc đảng?
Ngay cả các chính quyền chuyên chính cũng buộc phải giả vờ tính chính danh của họ. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trước đây là “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.” Bắc Hàn thì gọi là “Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên” và Đông Đức là “Cộng Hòa Dân Chủ Đức.”
Rất là xấu hổ để nhìn nhận rằng bạn vi phạm nhân quyền hay các nguyên tắc dân chủ. Đó là tại sao giới chức Hà Nội giả vờ là Việt Nam không có tù nhân chính trị nào cả và bầu cử thật sự không cần thiết bởi vì Đảng Cộng Sản đã được sự hậu thuẫn của quần chúng.
Nhưng tất cả chính quyền cuối cùng đều cần có sự đồng ý của người được cai trị. Trong một quốc gia tự do, sự đồng ý được phát ra qua thùng phiếu. Trong một xã hội chuyên chính, sự đồng ý của quần chúng bị ép buộc bằng nỗi sợ hãi. Tuy thế qua mạng xã hội và sự bất tuân dân sự rộng lớn hơn ngoài đời, người Việt Nam cho thấy là họ không còn dễ bị ép buộc nữa.
Xin ngắn gọn về các thành viên Việt Tân, chính sách và hiện tình mối quan hệ với Đảng Cộng Sản.
Việt Tân có thành viên từ mọi giai tầng xã hội tại Việt Nam và trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy thay đổi chính trị bằng những phương thức ôn hòa. Chúng tôi muốn có một Việt Nam phát triển, hiện đại với nhân quyền được tôn trọng. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi tất cả người dân Việt Nam có tiếng nói quyết định vận mệnh của đất nước họ.
Buổi huấn luyện về kỹ năng truyền thông và cách áp dụng công cụ StoryMaker tại Singapore Tháng 5, 2015.
Chúng tôi tích cực trong việc hỗ trợ một nền truyền thông tự do trên thực tế - xuyên qua việc cổ xúy cho tự do internet và thúc đẩy dân báo vì tự do thông tin là sức mạnh. Cũng thế, Việt Tân tin rằng người dân Việt Nam phải là tác nhân tạo thay đổi. Vì thế, chúng tôi cố gắng hỗ trợ các phong trào quần chúng và xây lực.
Khác biệt quan điểm cốt lõi giữa hai đảng là gì? Tại sao nhà cầm quyền đôi khi gọi Việt Tân là một tổ chức “khủng bố”?
Mặc dầu vào trong thời gian đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam thu hút rất nhiều người có lý tưởng, nhiều người đã hy sinh cho những điều mà họ cho là đúng đắn cho quốc gia, Đảng Cộng Sản ngày nay là rào cản lớn nhất cho sự tiến bộ và phát huy trọn vẹn tiềm năng của Việt Nam. Việc khăng khăng nắm giữ độc quyền của Đảng đã đưa đến nhiều vi phạm nhân quyền và bất công xã hội. Giới lãnh đạo đảng cộng sản xem bất cứ ai với quan điểm khác biệt là kẻ thù và thấy bị đe dọa khi quần chúng tham dự vào chuyện nước.
Nhiều lần nhà cầm quyền đã bắt giữ các thành viên của Việt Tân với tội cáo buộc “lật đổ” hoặc “khủng bố”. Nghe thì rất đáng ngại nhưng các hoạt động thật sự của họ là: viết blog, tham dự các khóa huấn luyện về xã hội dân sự, phát truyền đơn, dự các buổi tụ họp công chúng, và tổ chức các nhóm quần chúng bất bình. Đây là những hành vi ôn hòa của việc bày tỏ chính kiến hoàn toàn trong khuôn khổ các quyền căn bản đã được tôn vinh trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và trong nhiều trường hợp cũng có ghi trong hiến pháp Việt Nam.
Blogger Nguyễn Ngọc Già, một trong 7 nhà hoạt động bị kết án “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 88 bộ luật hình sự trong những ngày qua.
Cũng không riêng gì Việt Tân. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền, hoạt động đơn lẻ hoặc với các nhóm dân chủ khác, đã bị bắt giữ tùy tiện. Trong những ngày qua, bảy nhà hoạt động bị kết án “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lạm dụng tự do dân chủ.” Vấn đề cốt lõi là chế độ cộng sản tại Việt Nam không chấp nhận chống đối ôn hòa và vì thế họ thường xem giới chống đối như kẻ thù truyền kiếp và là “kẻ khủng bố.”
Bao nhiêu thành viên của Việt Tân tự ra ứng cử trong cuộc bầu cử sắp tới và ở mức độ nào đó họ có thể vận động tranh cử tự do dưới bảng hiệu Việt Tân?
Chúng tôi hỗ trợ mọi nỗ lực để gia tăng không gian chính trị tại Việt Nam và thách thức nhà cầm quyền Hà Nội tuân thủ với cam kết quốc tế cũng như luật lệ trong nước. Tuy thế, chúng tôi không xem đây là một cuộc bầu cử thật sự cũng như Quốc Hội không phải là một thực thể chính trị chính danh, do đó không hợp lý cho Việt Tân đưa ra các ứng viên.
Thành viên Việt Tân, hay ngay cả những người được xem là thành viên, có bị nhà nước xách nhiễu trong giai đoạn đăng ký bầu cử?
Nhiều nhà hoạt động Việt Nam đã gặp sự xách nhiễu từ nhà nước. Đây là điều chúng tôi quan tâm vì bất cứ lúc nào một ai bị trù dập, đó là mối quan tâm cho toàn thể giới dân chủ.
Anh chị em hoạt động dân chủ trong và ngoài nước học hỏi kinh nghiệm Miến Điện. Tướng Tin Oo trao đổi với phái đoàn về vấn đề đối lập chính trị và chia sẻ nhiều bài học về phong trào.
Ông có nghĩ là nỗ lực của Đảng Cộng Sản tô vẽ bầu cử quốc hội là tự do và bình đẳng sẽ gây âm vang trong cộng đồng quốc tế, kể cả Washington?
Tôi không nghĩ một vài bài báo trên truyền thông nhà nước Việt Nam sẽ làm thay đổi cách nhìn hoặc hiện tình của hệ thống chính trị chuyên chính của Việt Nam. Trước khi Việt Nam có thể giống như Miến Điện [hiện đang dân chủ hóa], giới lãnh đạo cộng sản cần phải thả các tù nhân lương tâm và chấp nhập đối lập chính trị.
Hoàng Thuyên biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét