Chuyện Sửa Hiến Pháp CSVN:
Từ “Trò Khỉ” Sẽ Tới Ba-lan Hay Rô-ma-ni?
Sơn Tùng
Ở Việt Nam , ngoài ý kiến trên các blog và facebook, “Kiến nghị về sửa đổi hiến pháp” do 72 người được gọi là nhân sĩ, trí thức soạn thảo với hơn 2,500 người trên toàn quốc ủng hộ (tính đến ngày 5/2) đã được dư luận đặc biệt quan tâm, bình luận, theo dõi.
Cho đến nay, chưa thấy ĐCSVN chính thức phản ứng về “kiến nghị” nói trên cũng như những đóng góp ý kiến khác mà hầu hết là đề nghị bỏ điều 4 trong hiến pháp 1992 của CSVN. Nhưng, ngày 25/2 vừa qua, trong một cuộc họp với tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã công khai lên án những người đòi bỏ điều 4 trong hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng, đòi tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội, vân vân… là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.
Chính ĐCSVN đã bày trò “sửa đổi hiến pháp” và cho phát động phong trào nhân dân góp ý, rồi cũng chính ông trùm ĐCSVN nặng lời kết tội những người đã đóng góp ý kiến được xem là nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân Việt Nam ngày nay.
ĐCSVN chỉ muốn tái diễn tấn tuồng đã từng diễn đi diễn lại nhiều lần trong quá khứ bằng cách đưa bản dự thảo hiến pháp do ĐCSVN soạn thảo tới từng làng, xã và tổ dân phố để nhân dân “góp ý” theo kiểu vỗ tay tán thành.
Ở hải ngoại, ông Đồng Phụng Việt (Giáo sư Đinh Việt?) gọi kiểu “nhân dân góp ý” trên đây là “trò khỉ”. Ông Huy Đức, tác giả cuốn “Bên Thắng Cuộc”, thì viết rằng “Bảo vệ sự cầm quyền của Đảng mà bằng cách hiến định lòng trung cho quân đội và cố thủ trong điều 4 như một thứ lô cốt thì chỉ gây ra tranh cãi về tính hợp hiến của đảng độc tôn và khiến dân chúng nghĩ rằng Đảng coi mục tiêu cầm quyền cao hơn chủ quyền quốc gia, dân tộc”.
Thật ra, từ nhiều năm nay, ai ngây thơ hay “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” lắm mới không thấy “Đảng coi mục tiêu cầm quyền cao hơn chủ quyền quốc gia, dân tộc”.
Theo ông Đồng Phụng Việt: “Trong 68 năm ở vị trí tổ chức chính trị nắm giữ quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội tại Việt Nam (1945-2013), Đảng đã ‘chế tạo thành công và đưa vào sử dụng’ năm bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992, 2001 - bản sửa đổi bản 1992 và đây mới thật là bản Hiến pháp hiện hành).”
Ông Đồng Phụng Việt nhận định rằng “cả trong lịch sử nhân loại, lẫn pháp chế sử của loài người, Đảng CSVN là tổ chức chính trị duy nhất lập - giữ kỷ lục về ‘chế tạo và sử dụng Hiến pháp’. Dưới ‘sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt’ của Đảng, ‘Hiến pháp’ trở thành một thứ áo khoác, thường xuyên được cắt – may ‘cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới’, ‘bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng’, tại Việt Nam.”
Một người khác ở hải ngoại, ông Phan Quang Tuệ, thẩm phán Liên bang Hoa Kỳ, cũng lên tiếng về chuyện sửa đổi hiến pháp tại Việt Nam qua một cuộc phỏng vấn của ông Mặc Lâm, ký giả của Đài Á Châu Tự Do (RFA). Ý kiến của ông Phan Quang Tuệ cũng giống như của những người đã nhìn rõ cái “trò khỉ” của ĐCSVN. Tuy nhiên, với tư cách là một thẩm phán liên bang của nước Mỹ, ông Phan Quang Tuệ đã không nói lên được sự quan trọng và ý nghĩa tuyệt vời trong phần mở đầu của bản hiến pháp Hoa Kỳ đã làm nền tảng cho thể chế dân chủ đưa nước Mỹ tới địa vị siêu cường thế giới trong vòng hơn 100 năm. Và ông cũng đã nói không chính xác về địa danh mà bản hiến pháp của nước Mỹ đã được khai sinh. Ông nói “Năm mươi lăm đại biểu họp ở Pennsylvania để viết bản Hiến pháp Hoa Kỳ”, Thật ra, họ đã họp tại Philadelphia , một thành phố của tiểu bang Pennsylvania , để soạn thảo bản hiến pháp 1787.
Trở lại với cái “trò khỉ” của ĐCSVN. Càng ngày càng có nhiều người tại Việt Nam đứng lên công khai chống đối. Ngay sau khi lời phát biểu ngông cuồng của TBT Nguyễn Phú Trọng được công bố, Nguyễn Đắc Kiên, một nhà báo trẻ của tờ Gia Đình và Xã Hội, đã dõng dạc lên tiếng:
“Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách. Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu muốn dùng hai chữ ‘suy thoái’ thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với những người đang là đảng viên cộng sản, ông không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước. Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4, muốn giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hoá quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì đó chỉ là ý muốn của riêng ông và đảng cộng sản của ông. Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việt Nam . Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những ý muốn trên chỉ nên xem là của riêng ông tổng bí thư Trọng, chưa chắc đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay.”
Không còn gì minh bạch hơn và dứt khoát hơn. Và Nguyễn Đắc Kiên còn lừng lững đi xa hơn nữa:
“Tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản của các ông ban cho, nên các ông cũng không có quyền tước đoạt hay phán xét nó. Vì thế, tôi có thể xem những lời phán xét trên của ông, nếu có hướng đến tôi là một sự phỉ báng cá nhân. Và tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.”
Trả lời của ĐCSVN là ông Nguyễn Đắc Kiên bị “cho thôi việc” khỏi báo “Gia Đình Và Xã Hội”. Trong lúc ấy, nhiều trăm người đã minh danh công khai lên tiếng trên các diễn đàn điện tử ủng hộ những lời tuyên bố tuyệt vời và can đảm của một trí thức trẻ Việt Nam ý thức được trách nhiệm của mình trước vận mệnh điêu linh của đất nước.
Trong bài “Nét đẹp Nguyễn Đắc Kiên” trên blog “Dân Làm Báo” ngày 2 tháng 3, tác giả Le Nguyen viết:
“Hiện tựơng Nguyễn Đắc Kiên chỉ ra cho đảng cộng sản Việt Nam thấy rằng, đã qua rồi cái thời vì nhiều lý do thế hệ Hồ Chí Minh, thế hệ biết đảng nói láo, cam chịu nghe đảng nói láo, làm theo lời đảng nói láo ‘đảng lãnh đạo là sự lựa chọn của lịch sử được nhân dân thừa nhận’.
…
“Hiện tượng Nguyễn Đắc Kiên rất ngẫu nhiên, thật sự là chọn lựa tình cờ của lịch sử đứng lên thay mặt nhân dân Việt Nam dõng dạc tuyên bố những điều ‘nhạy cảm’ tưởng chừng như không thể, giúp cho chúng ta tin rằng ngày mai trời lại sáng, bóng tối tội ác cộng sản sẽ qua đi bởi trong lớp người trẻ tuổi sinh ra sau cuộc chiến, trưởng thành trong lòng chế độ không vướng bận hận thù của chuyện thắng thua quá khứ. Họ đã dấn thân nhập cuộc, không chỉ có một bạn trẻ Nguyễn Đắc Kiên, còn rất nhiều Nguyễn Đắc Kiên nữa sẽ nhập cuộc và những bạn trẻ ai cũng có thể là Nguyễn Đắc Kiên, thể hiện nét đẹp Nguyễn Đắc Kiên để làm nên cuộc đổi thay lịch sử, không phải xin xỏ hay chờ ai ban phát quyền tự nhiên mà mọi người sinh ra đều được hưởng.”
Quả thật “hiện tượng Nguyễn Đắc Kiên” cho thấy dân Việt Nam đã không còn sợ nhà tù, một trong hai “bệ đỡ” duy trì quyền lực của ĐCSVN. Bệ đỡ kia là sự lừa dối đã gẫy đổ từ lâu do cuộc bùng nổ truyền thông của Internet.
Khi người dân đã nhìn ra sự thật và không còn sợ hãi kẻ đàn áp họ, guồng máy cai trị của cộng sản độc tài sẽ sụp đổ, không sớm thì muộn. Sự tan biến của Đế quốc đỏ Xô-viết vào cuối thập niên 1980 đầu 1990 đã chứng minh.
Cộng sản VN là một trong bốn nước cộng sản cuối mùa đã tìm cách kéo dài cơn thoi thóp bằng “đổi mới”, bỏ con đường tiến mau tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội, để bám víu lấy quyền lực mà chính họ cũng biết càng ngày càng gần bờ vực.
Bờ vực ấy nay đã hiện ra với vụ “sửa đổi hiến pháp” đang biến thành phong trào toàn dân đứng lên đòi cởi bỏ xiềng xích, trong ngoài một lòng để tới “mức đến” con đường mà bao nhiêu người đã đổ xương máu và chịu khổ đau theo đuổi không bỏ cuộc.
Ngày 26.2.2013, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, một trí thức ở hải ngoại từ nhiều năm nay đã nỗ lực chuyển tải về Việt Nam những thông điệp đầy tâm huyết, nhận được email dưới đây từ một trí thức trẻ ở Hà-nội:
“Cháu chào bác,
Sau khi nhà nước thông báo về trưng cầu ý kiến cho Dự thảo Hiến pháp 92, trên báo mạng lề trái đã có nhiều ý kiến về vấn đề này. Bác có thể vào trang Basam, Bauxite Vietnam với các tác giả như Hoàng Xuân Phú, Nguyễn Trung, Hoàng Lại Giang và Nhóm trí thức VN với dự thào bản Hiến pháp mới, nay đã có hơn 2,000 chữ ký ủng hộ.
Nay có bản Hải Ngoại Huyết Thư* với những yêu sách quyết liệt cho một VN thống nhất để hướng tới tương lai. Nhưng, với một điều kiện mà những người tiến bộ mong mỏi là bao giờ hay với điều kiện gì chính quyền VN chấp nhận ngồi bàn tròn với các tổ chức chính trị, xã hội hay đảng phái trong xã hội để bàn việc nước. Câu trả lời đã được Đảng Cộng sản nói ra trong chương trình Thời sự tối 02.02.2013 VTV1, là không có chuyện thay đổi Điều 4 HP92. Như vậy cuộc chiến đấu vì tự do dân chủ vẫn tiếp diễn rất khó khăn và lâu dài, bởi cộng sản bắt đầu thể hiện bản chất ngoan cố của mình. Họ bắt đầu thể hiện nỗi sợ hãi trước ‘phe đối lập chính trị” và một “diễn biến hòa bình” thực sự.
Kính mến.
Lekhanhhanoi”
Đấu tranh chống lại một chế độ cộng sản không bao giờ là một sự dễ dàng, bởi độc tài cộng sản là thứ độc tài nham hiểm, tàn bạo, vô nhân tính nhất. Họ không ngần ngại hay từ nan bất cứ tội ác nào đối với chính đồng bào của họ.
Chắc chắn trong hơn hai mươi năm qua, CSVN đã nghiên cứu học hỏi rất nhiều về sự sụp đổ của Đế quốc đỏ Xô-viết, “cái nôi” và “hậu phương lớn” của họ. Bây giờ là lúc người cộng sản VN cần chọn lựa: ra đi như ở Ba-lan hay như Rô-ma-ni?
Những người đang nắm quyền trong ĐCSVN cũng nên ra khỏi cơn mê quyền lực đôi phút để suy nghĩ về lời khuyên của ông Đồng Phụng Việt:
“Ở tình thế hiện nay, các bác nên làm cho thiên hạ thương, đừng tiếp tục hành xử theo kiểu vừa gian, vừa láo. Các bác cũng nên thôi hoang tưởng về khả năng ‘Muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ’ như Nhậm Ngã Hành trong ‘Tiếu ngạo giang hồ’ của Kim Dung. Hãy xem ‘Kiến nghị 72’ là một cơ hội. Bỏ qua cơ hội cuối cùng này, các bác sẽ mất luôn cái ‘quần đùi’, hoàn toàn trần truồng, ở không được mà về cũng chẳng còn lối.”
Với người dân Việt Nam, hãy ra khỏi não trạng sợ hãi, để lấy lại quyền làm người với Tự do và Nhân phẩm, vì chính những kẻ cầm quyền đang run sợ:
Chúng sợ trí nhớ của người già
Chúng sợ ước mơ của tuổi trẻ
Chúng sợ những bài thơ
Chúng sợ cả cây đàn
Vậy tại sao ta lại sợ chúng nó?
Hai mươi năm trước, 1993, đứng trước quảng trường Đỏ ở Mạc-tư-khoa, nhìn Điện Kremlin, vào Lăng Lê-nin xem cái xác khô nhỏ bé của kẻ đã làm hơn một trăm triệu người vô tội chết thảm cùng với “làn sóng đỏ” trên thế giới, tôi khó diễn tả cảm nghĩ của mình lúc ấy. Nó như một giấc mơ mà ngay trong khi ngủ cũng không thể nhìn thấy. Điều không ai tưởng tượng nổi đã xảy ra. Hơn một năm trước, Đế quốc đỏ Xô-viết đã sụp đổ như cái chết bất ngờ của một con quái vật ngã xuống, không một cái dẫy, không cả một tiếng rống. Tàn tích của 70 năm dưới ách thống trị của cộng sản còn để dấu thê lương ở mọi nơi, nhưng các tượng đài của những “lãnh tụ vĩ đại” đã biến mất cùng với dấu hiệu hồi sinh hiện rõ trên từng gương mặt người dân Nga.
Nay thì tôi mơ, không – tôi hy vọng một ngày không xa có thể trở về Việt Nam , đứng giữa Sài-gòn hay Hà-nội không còn bóng lá cờ đỏ đã hiện diện như một ấn tượng hãi hùng ám ảnh tôi cả trong những giấc ngủ.
Sơn Tùng
Virginia tháng 3.2013
còn cộng sản, con cháu ta còn khổ, tôi và anh cũng chả làm dc gì, chỉ mong cái bất thình lình đó mang lại thực sự hai chữ "dân chủ". cái gì nó cũng nói "vì dân" mà nó không thấy ngượng mồm, hay nó chỉ cẩm giấy đọc thôi nên quên hết sự xấu hổ mà chỉ lo đọc cho đúng chính tả, ôi Việt nam !
Trả lờiXóa