Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Đào Tiến Thi - Ngày tưởng niệm liệt sỹ Hoàng Sa và nỗi đau vong quốc


Đào Tiến Thi - Ngày tưởng niệm liệt sỹ Hoàng Sa và nỗi đau vong quốc

Thế sự hồi đầu dĩ nhất không
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng [1]
(Phan Châu Trinh)



Sáng 19-1-2014, tôi ra sân tượng đài Lý Thái Tổ cùng những người dân yêu nước tưởng niệm 74 liệt sỹ đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa chống quân Trung Cộng xâm lược nhân sự kiện xảy ra cách đây 40 năm (19-1-1974 – 19-1-2014).

Chưa đến 8g30 theo giờ hẹn trên mạng, công an mặc sắc phục (khoảng hơn chục người) và an ninh mặc thường phục (có dễ đến hơn trăm người, về sau còn đông hơn) đã đứng vòng trong vòng ngoài. Ngay trước tượng đài Lý Thái Tổ, hình như đang có cãi cọ. Tôi đi vào thì thấy lực lượng chức năng (không sắc phục) đang đuổi mọi người ra, lấy cớ là công trình đang thi công. Ngó vào “công trình đang thi công” thì chỉ thấy mấy anh thợ đang xẻ đá. Những hòn đá nhỏ, có hòn chỉ lớn hơn nắm tay một chút và chẳng rõ xẻ như thế để làm gì. (Cho đến cuối buổi, khi người đi mít tinh đã về thì cuộc “thi công” cũng ngừng luôn và mấy cục đá xẻ lung tung đó càng tố cáo cái trò lố không che đậy được ai).



Tiếng loa ngày càng chói gắt mà người thét loa thì không sắc phục, không cả mảnh băng đỏ, cho nên không rõ thuộc lực lượng nào, cấp bậc gì, thế mà lại có quyền giải tán mọi người ở nơi công cộng này.  

Lực lượng chức năng cứ dồn dần người dự mít tinh ra ngoài. Một số cố tụ lại hô được vài lượt “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” rồi cũng bị đẩy ra.

Một nữ phóng viên Nhật Bản, có lẽ thấy tôi có khẩu hiệu chữ Hán “Nhất thốn sơn hà nhất thốn kim” (Một tấc đất của Tổ quốc là một tấc vàng – thơ Phan Bội Châu) mà muốn phỏng vấn tôi. Nhưng mà (thật xấu hổ), tôi phải trả lời: “I’ m very sorry, I don’t speak English”. Tôi vừa cố diễn đạt thứ tiếng Anh “giả cầy” vừa ra hiệu cho cô rằng, tôi sẽ tìm được ai đó có thể trả lời cô. Sau vài phút tìm kiếm, may quá, vớ ngay được bác Phạm Toàn. “Bác trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh được chứ?” “Được”. “Hay quá, bác ra đây với cháu”. Và bác Phạm Toàn trả lời bằng tiếng Anh rất lưu loát, hùng hồn.



Ngoài mấy bác kiểu dân phòng rất hăng trong việc giải tán cuộc mít tinh thì so với các cuộc biểu tình gần đây, các lực lượng chức năng hôm nay không quá gây căng thẳng, thô bạo lắm. Có một số cậu thanh niên khi bị chất vấn họ chỉ biết đáp lại bằng ánh mắt buồn, trông cũng đáng thương. Tôi bảo: “Trung Cộng nó mà lấy xong nước ta thì với những người như các cháu nó sẽ thịt trước cả chúng tôi đấy. Xưa nay có ai tha cho kẻ phản quốc bao giờ”. Có cậu bảo: “Thôi bác ơi, chúng cháu hiểu mà”. Chẳng biết cậu ta có hiểu thật không, hay là nói cho qua chuyện. Cũng có cậu lý lẽ rất “củ chuối”: “Có giỏi đi ra Hoàng Sa, Trường Sa đi”. Nhiều người nghe thế thét lên phẫn nộ. Tôi liền bước theo cậu ấy, định bảo “Thế cậu cấp phép cho chúng tôi đi nhé? (Đứng đây các cậu cũng không cho thì không biết ai sẽ cấp phép cho chúng tôi ra Hoàng Sa, Trường Sa nhỉ?). Thế nhưng cậu ta miệng nói mà chân lủi nhanh, tôi chẳng muốn theo nữa.

Lúc sắp ra về, chị Hồng Xuân phỏng vấn tôi về cảm tưởng của mình hôm nay. Tôi nói nỗi buồn đau lớn nhất của tôi là nghĩ về dân tộc Việt Nam, từ một dân tộc anh hùng, hôm nay đã trở thành một dân tộc hèn nhát. Vừa nói đến đấy thì một lão già khoảng gần bảy mươi hung hăng xông đến chỉ mặt quát tôi: “Mày bảo dân tộc này hèn nhát à? Mày bảo dân tộc này hèn nhát à?”. Nếu không có mọi người xúm lại thì có thể lão ta đã đánh tôi rồi. Mọi ngườì xúm vào mắng lão. Có ai đó bảo:

- Ông bảo ông không hèn thì ông hãy nói “Hoàng Sa là của Việt Nam. Nói đi, có dám nói Hoàng Sa là của Việt Nam không?”



Lão già chưng hửng, tìm cách lủi. Về sau có người cho tôi biết lão ta là một quận trưởng công an về hưu.

Ra đến vỉa hè gặp một cậu thanh niên trẻ chạy đến “phỏng vấn”: “Hôm nay có cuộc gì ở đây mà lạ lùng vậy chú?”. Tôi bảo: “Cháu có biết cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974 không?” “Dạ không”. “Thế cháu đã nghe nói đến vấn đề Hoàng Sa bao giờ chưa? “Dạ chưa hề nghe”. Lực lượng chức năng không sắc phục thấy hai người “tụ tập” lại đến xua đuổi. Tôi bảo cậu thanh niên: “Thôi thế cháu về vào mạng tự tìm hiểu lấy nhé. Cứ vào Goole đánh chữ Hoàng Sa là biết hết. Còn nếu nói vài câu vắn tắt thì là thế này: Năm 1974, nhà cầm quyền Trung Cộng tấn công QĐ. Hoàng Sa của Việt Nam. 74 chiến sỹ Việt Nam đã chiến đấu anh dũng và hy sinh nhưng không giữ được. Hôm nay nhân dân đến đây tưởng niệm 74 chiến sỹ ấy nhưng chính quyền không cho”. Cậu thanh niên “Vâng ạ” nhưng xem ra cậu chẳng có ý niệm mô tê gì hết”. Nhớ lại hôm 11-1 mới đây, trong cuộc tưởng niệm liệt sỹ Hoàng Sa do Trung tâm Minh triết Việt Nam tổ chức, cũng gặp một cháu sinh viên (học KHXH và NV) tương tự như vậy.

Đi thêm vài bước gặp cậu an ninh đã từng làm việc với tôi sau một cuộc biểu tình năm 2012. Thấy cậu ta có vẻ thân thiện, tôi đứng lại nói chuyện. Đang giải thích cho cậu câu “Nhất thốn sơn hà nhất thốn kim” thì lại bị đuổi tiếp, dù trong hai người có một là người của họ. Tôi bảo: “Em ạ, cái hôm ấy anh khá nóng nảy, không thể kiềm chế được vì cuộc biểu tình vừa mới bị đàn áp khốc liệt, lại thêm hai chú chẳng hiểu gì cả mà cứ đòi dạy anh về cái gọi là “thế lực thù địch”. Hôm nay anh không nóng thế nữa. Nếu chú em đồng ý thì anh em mình sang bên mép hồ ngồi nói chuyện đi. Cậu ta đồng ý.

Nhưng chỉ được vài phút thì tôi đã không chịu nổi. (Chuyện này lúc nào có dịp kể sau). Hai bác cựu chiến binh Nguyễn Quốc Ân và Đào Việt Dũng thấy thế đến can ngăn, rằng thôi, có nói thế nào nữa thì cũng vô ích, họ không thể hiểu được đâu.



Một chút an ủi hôm nay có lẽ là tôi gặp lại nhiều cô bác, anh chị em quen thuộc, những người rừng rực ngọn lửa yêu nước thương nòi, đã từng nhiều lần xuống đường phản đối Trung Cộng xâm lược: Các chị Nguyên Bình (con gái cụ Nguyễn Trọng Vĩnh), Hiền Giang, Phương Bích, Hồng Xuân, cô Hạnh Tây Hồ,… những người phụ nữ mà tôi coi như các bậc anh thư của thời đại. Các bác trí thức lớn tuổi mà tài năng và đức độ cả nước đều biết đến: Phạm Toàn, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang A,… Các bác cựu chiến binh và các nhà báo dày dạn trong các cuộc đấu tranh vì công lý xã hội và chủ quyền đất nước: Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Đình Ấm, Nghiêm Việt Anh, Nguyễn Quốc Ân, Đào Việt Dũng, Nguyễn Hữu Vinh,… Và rất nhiều các anh, các bạn từ trung tuổi đến trẻ tuổi từng hăng hái xuống đường và cũng từng “nhẵn mặt an ninh”: Nguyễn Đông Yên, Ngô Nhật Đăng, Lê Thiện Nhân, Nguyễn Xuân Diện, Lã Việt Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Văn Phương, Tiến Nam, Tuấn Anh (Gió Lang Thang),…

Hôm nay còn có cả nghệ sỹ Kim Chi, người từng từ chối làm hồ sơ để thủ tướng khen. Có LS. Hà Huy Sơn, người từng bào chữa cho rất nhiều tù nhân lương tâm. Và tôi bỗng ngậm ngùi xót thương cho những người không thể có mặt hôm nay: nhà báo Phạm Viết Đào, LS. Lê Quốc Quân, bạn Trương Ba Không, bạn Aduku. Người thì đã bị kết án tù, người đang bị tạm giam chờ án, tất cả chỉ vì yêu nước, phản đối Trung Cộng xâm lược mà thôi.

Cũng thật cảm động khi thấy có cả một số bà con nông dân, dân oan tham gia. Biểu ngữ của họ thật ôn hoà, thật giản dị mà sâu sắc: “Tưởng nhớ những người con thân yêu của Tổ quốc đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược…”. Có bạn trẻ phàn nàn rằng do các bác nông dân làm “ồn ào” mà bị giải tán. Không phải thế. Bà con có phần xốc nổi, nhưng không phải lỗi ở bà con. Nhà cầm quyền đã có chủ trương kiên quyết giải tán là họ làm bằng được. Nếu cần tạo ra lý do “gây rối trật tự” thì họ cũng làm ra được, khó gì đâu



Nhưng tất cả niềm an ủi trên vẫn không xua được nỗi đau buồn đè nặng suốt ngày hôm nay và có lẽ còn nhiều ngày sau nữa. Cái cảm giác từ mấy năm nay, rằng đất nước này như là không còn của mình nữa, cho đến hôm nay thấy khá rõ ràng. Chỉ có việc tưởng niệm người chết vì Tổ quốc còn không được thì có cái gì còn là của mình đâu? Hôm nay tôi đi khóc các liệt sỹ Hoàng Sa và việc mất Hoàng Sa nhưng hoá ra là hai lần khóc cho cái chết của các anh và của Tổ quốc. Chẳng lẽ mảnh đất mình đang cư ngụ, con đường mình đang đi, nếu gọi là “của mình” thì chỉ còn cái nghĩa là “nền đất cũ của cha ông xưa” hay sao?

Tôi vốn không ưa than thở. Nhưng trong tâm trạng này xin quý độc giả cho tôi được than thở bằng bài thơ của cụ Đồ Chiểu dưới đây:

Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông [2]
Chúa xuân đâu hỡi có hay không?
Mây giăng ải Bắc trông tin nhạn
Ngày xế non Nam bặt tiếng hồng
Bờ cõi xưa đà chia đất khác
Nắng sương nay há đội trời chung
Chừng nào thánh đế ân soi thấu
Một trận mưa nhuần rửa núi sông.

(19-1-2014)


[1] Việc đời nhìn lại thấy chẳng còn gì
Giang sơn không còn nước mắt để khóc bậc anh hùng.

[2] Gió đông: gió từ phía đông báo hiệu mùa xuân đến, tượng trưng cho điều tốt lành.


Nguồn: basam.info


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét