Liệu Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đến được Genève dự điều trần về nhân quyền?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng.
DR
Nhận lời mời từ UN Watch, một tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ có chức năng giám sát các vấn đề nhân quyền và dân chủ thuộc Liên Hiệp Quốc, nhà báo độc lập, tiến sĩ Phạm Chí Dũng dự kiến sẽ có chuyến đi Genève vào ngày 01/02/2014 từ sân bay Tân Sơn Nhất để tham dự một cuộc hội thảo về dân chủ và nhân quyền, bên cạnh cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) về nhân quyền tại Việt Nam diễn ra tại Genève ngày 05/ 02/2014.
Được giới thiệu như một trong những diễn giả chính của cuộc hội thảo trên, bài tham luận của tiến sĩ Phạm Chí Dũng sẽ đặt vấn đề về “Vai trò của các NGO nhằm thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam”. Bài tham luận này là bức tranh phác thảo về hiện tình kinh tế - xã hội - chính trị ở Việt Nam cùng những tiền đề cho xã hội dân sự tại quốc gia này. Đồng thời nêu ra một số dự báo cho năm 2014 và xu hướng những năm sau đó, đặt vấn đề về sự cần kíp xây dựng một mạng lưới liên kết giữa các NGO quốc tế và các nhóm dân sự Việt Nam nhằm thúc đẩy các vấn đề về quyền con người.
Ngày 29/01/2014, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã gửi văn thư cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, đại diện thường trực của Chính phủ Việt Nam tại Genève và đại sứ Việt Nam tại Bangkok, đề nghị hỗ trợ đầy đủ cho chuyến đi của TS Phạm Chí Dũng. Văn thư này cũng nêu rõ một trong những yêu cầu chủ yếu của cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền Việt Nam là sự tham gia của xã hội dân sự, và Liên Hiệp Quốc khuyến khích các nhóm dân sự và cá nhân Việt Nam tham dự cuộc kiểm điểm này.
Được biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam tạo thuận lợi cho chuyến đi Genève của tiến sĩ Phạm Chí Dũng.
Tuy nhiên, một câu hỏi thách đố đối với cá nhân tiến sĩ Phạm Chí Dũng và giới hoạt động dân chủ ở Việt Nam nói chung là liệu ông có được xuất cảnh theo lời mời của UN Watch đến Genève hay không.
Vào lần này, cũng đã xuất hiện tín hiệu “vận động” của cơ quan an ninh Sài Gòn đối với gia đình TS Phạm Chí Dũng về việc ông “không nên đi Thụy Sĩ để tránh bị lợi dụng”. Đến ngày 31/01/2014 (mùng một tết), một nhân viên công an của phường 1, quận Tân Bình là địa bàn TS Phạm Chí Dũng cư trú, đã đến nhà ông để đưa giấy mời ông đến trụ sở công an phường với lý do “làm việc” vào sáng ngày 01/02/2014 (mùng 2 tết). Người ký giấy mời là đại tá Nguyễn Thành Dân - trưởng phòng PA81 thuộc Công an TP.HCM.
Cần nhắc lại, vào tháng 8/2012 tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã bị một cơ quan an ninh Việt Nam khuyến cáo “không nên đi” khi ông được mời dự hội thảo mùa hè ở Singapore về cải cách kinh tế Việt Nam. Việc không đồng ý với khuyến cáo của cơ quan an ninh cũng được hiểu là đương sự hoàn toàn có thể bị ngăn chặn tại sân bay, nếu vẫn giữ nguyên kế hoạch xuất cảnh.
Gần đây nhất, vào khoảng giữa tháng Giêng năm 2014, một blogger ở Sài Gòn là Paulo Thành Nguyễn đã bị an ninh cửa khẩu ách chuyến bay sang Mỹ, dù blogger này đã được tòa lãnh sự Hoa Kỳ cấp visa. Theo blogger Thành Nguyễn, phía cơ quan an ninh chỉ đưa ra một lý do rất mơ hồ trong việc ngăn chặn là “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội’.
Theo Hiến pháp Việt nam, một trong những quyền con người được quy định là quyền tự do đi lại, trong đó ghi rõ “Công dân Việt Nam có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”.
Hành động “mời làm việc” của cơ quan công an Sài Gòn ngay trước chuyến đi Thụy Sĩ cho thấy vẫn có thể xảy ra việc cố tình ngăn chặn TS Phạm Chí Dũng, thậm chí ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất, bất chấp mối quan tâm đặc biệt của các cơ quan quốc tế về nhân quyền. Nếu xảy ra, hành động ngăn chặn như vậy rõ ràng sẽ trái với các cam kết về nhân quyền của Nhà nước Việt Nam trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, khi quốc gia này được chấp thuận là thành viên chính thức của Hội đồng nhân quyền vào tháng 12/2013.
TS Phạm Chí Dũng cho biết, nếu chuyến đi Thụy Sĩ bị ngăn chận bất hợp pháp, ông sẽ chính thức khiếu nại đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, đồng thời thông tin rộng rãi cho Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế về vụ việc này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét