China Leaks: Tiết lộ khối tài sản ở nước ngoài của các lãnh đạo Trung Quốc
Thượng tầng lãnh đạo Trung Quốc : Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo cất giấu tài sản tại các thiên đường thuế khóa - REUTERS /David Gray
Những người thân của các lãnh đạo cao cấp Trung Quốc, trong đó có các ông Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng …đã che giấu một khối tài sản to lớn tại các thiên đường trốn thuế ở nước ngoài.
Tiết lộ trên từ cuộc điều tra công phu của Liên minh quốc tế các phóng viên điều tra (ICIJ) có trụ sở tại Washington, được nhiều tờ báo lớn trên thế giới cùng công bố hôm nay 22/01/2014 khiến người ta càng thêm nghi ngờ về nỗ lực chống tham nhũng của Bắc Kinh.
Vụ China Leaks này là phần tiếp theo của chiến dịch Offshore Leaks do ICIJ khởi động từ tháng 4/2013. Ban đầu là sự rò rỉ một ổ cứng chứa các dữ liệu của hai nhà cung cấp dịch vụ vi tính tại Singapore và quần đảo Virgin thuộc Anh, với hai triệu rưỡi tài liệu mật.
Khi nghiên cứu tỉ mỉ các tài liệu trên, các nhà báo ban đầu đã phát hiện ra các tài khoản ở nước ngoài của cựu thủ quỹ ông François Hollande, tài sản che giấu của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, con gái nhà cựu độc tài Ferdinand Marcos của Philippines. Nhưng phần liên quan đến Hoa lục và Hồng Kông phải mất thêm nhiều tháng trời, chủ yếu là do khó khăn từ chữ Hán.
Trong số 22.000 cái tên được tiết lộ, có thân nhân của các lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc, chủ yếu là tầng lớp « thái tử đỏ ». Hiện diện đông đảo trong danh sách này là các đại biểu Quốc hội, những người thân của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, các cựu Thủ tướng Lý Bằng, Đặng Tiểu Bình, Ôn Gia Bảo, và đặc biệt là đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình. Tổng cộng Nhà nước Trung Quốc bị thiệt hại khoảng 3.000 tỉ euro do khối tài sản trốn thuế này.
Theo ICIJ, đại gia bất động sản Deng Jiagui đã kết hôn với chị của Tập Cận Bình năm 2006, sở hữu 50% vốn một công ty đăng ký tại quần đảo Virgin thuộc Anh là Excellence Effort Property Development. Con trai ông Ôn Gia Bảo là Ôn Vân Tùng (Wen Yunsong) cũng lập một công ty tại đây năm 2006, trong đó Ôn Vân Tùng là cổ đông duy nhất.
Giáo sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) của Claremont McKenne College nhận định, cho dù các công ty trên « có thể không hẳn là bất hợp pháp », nhưng thường là những « xung đột lợi ích, phục vụ cho các quan hệ ở trung tâm quyền lực ».
Chủ đề này quá nhạy cảm đối với Bắc Kinh, nên hôm nay trang web của ICIJ hoàn toàn không truy cập được tại Trung Quốc, cũng như các trang mạng của những tờ báo liên kết với ICIJ như tờ The Guardian của Anh, Le Monde của Pháp, El Pais của Tây Ban Nha, hay Minh Báo của Hồng Kông.
Một trùng hợp ngẫu nhiên là cũng trong hôm nay diễn ra phiên tòa xử luật sư chống tham nhũng Hứa Chí Vĩnh, nhà sáng lập phong trào Tân Công dân đã kiên trì đòi minh bạch tài sản của các lãnh đạo cao cấp.
Vài ngày trước đó, một lá thư của ông Ôn Gia Bảo được công bố trên một tờ báo Hồng Kông nhằm minh oan trước các tiết lộ của báo chí. Hồi tháng 11/2013, tờ New York Times khẳng định ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase đã tuyển dụng con gái ông là Wen Ruchun, có thể là nhằm giành được những hợp đồng béo bở tại Trung Quốc.
Theo tờ báo trên, Ngân hàng này với chính sách tuyển mộ người thân của các lãnh đạo Bắc Kinh, từng bị chính quyền Mỹ điều tra, đã chi 1,8 triệu đô la cho công ty tư vấn của con gái ông Ôn Gia Bảo từ 2006 đến 2008. Tài liệu của ICIJ hôm nay cho thấy cách thức bà Wen Ruchun đã xóa dấu vết liên hệ giữa công ty của bà và người cha, sử dụng tên giả là Lily Chang.
Cũng theo ICIJ, đến 90% khách hàng Hoa lục đã lập các công ty tại quần đảo Virgin thuộc Anh để trốn thuế, 7% tại quần đảo Samoa, 3% còn lại tại các thiên đường thuế khóa khác.
Hôm nay phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã cho rằng : « Logic các bài viết của ICIJ là không thuyết phục, đặt ra dấu hỏi về động cơ của họ ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét