TƯ MÃ PHONG - Kế hoạch xử lý và điều tra Phạm Quý Ngọ (Đề xuất cho Ban chuyên án – phần 1&2)
1. Giám sát chặt chẽ Phạm Quý Ngọ.
a. Do Ngọ đang nghỉ chữa bệnh nên sẽ có chế độ chăm sóc đặc biệt về y tế và bảo vệ đối với Ngọ. Lựa chọn các bác sỹ y tế, bảo vệ không phải là người quen, thân tín của Ngọ mà là người ban chuyên án (“BCA”) tin cậy, có trách nhiệm báo cáo với BCA. Yêu cầu Ngọ chỉ sử dụng một điện thoại, không được sử dụng sim rác, báo cho Ngọ biết (không báo Ngọ cũng biết) toàn bộ các cuộc điện thoại đi và đến đều được ghi âm. Trong khu vực Ngọ nghỉ đều được gắn camera 24/24h quan sát.
b. Trong trường hợp chưa áp dụng biện pháp giám sát a trên, có động thái “mật báo” cho Ngọ biết có nhiều thế lực “thù địch” nên Ngọ phải cẩn thận về ăn uống, trao đổi qua điện thoại, gặp gỡ, kể cả những kẻ quen biết với Ngọ nên BCA có trách nhiệm đối với Ngọ. Trường hợp Ngọ yêu cầu BCA bảo vệ thì áp dụng biện pháp a trên.
2. Phối hợp với các cơ quan thẩm quyền của Bộ Công an, của Đảng, yêu cầu Ngọ làm những bản tường trình, kiểm điểm sau:
a. Bản tường trình của Ngọ về tài sản, thu nhập của Ngọ và gia đình từ năm 2006 đến nay (kể từ thời điểm Ngọ chuyển công tác từ Thái Bình lên Bộ Công an). Đặc biệt Ngọ cần giải thích đã mua mấy căn hộ tại khu chung cư cao cấp Pacific Palace và một số bất động sản cao cấp ở nơi khác. Trong trường hợp Ngọ khai không mua mà do người khác biếu tặng hoặc cho ở nhờ, cần làm rõ mối quan hệ của những người đó với Ngọ. Cần thiết phải yêu cầu những người đó giải trình nguồn thu của họ và tại sao họ biếu Ngọ, cho Ngọ ở nhờ. Cần tìm hiểu doanh nghiệp của những người này (nếu có) để xem họ có lợi nhuận bao nhiêu, nộp thuế bao nhiêu mà lại đủ tiền làm từ thiện cho Ngọ? Kiểm tra những biên lai, chứng từ ai đã nộp tiền mua và duy trì những bất động sản cao cấp trên (kiểm tra thông tin bồ của Dương Chí Dũng có liên quan). Thu thập các bản kê khai tài sản thu nhập của Ngọ và những người nhà của Ngọ (thuộc đối tượng kê khai theo pháp luật).
b. Bản tường trình của Ngọ về quan hệ với Dương Chí Dũng (cùng Vinalines) và Dương Tự Trọng, phải nói rõ:
- Có quan hệ thân thiết, làm ăn, riêng tư với Dũng (cùng Vinalines), Trọng trước ngày 29/4/2012 hay không ?
- Nếu Ngọ nhận có quan hệ thân thiết với Dũng và Vinalines, Ngọ đã thông báo với cấp trên chưa?
- Từ ngày 29/4 đến 17/5/2012 Ngọ đã gặp và liên lạc với Dũng như thế nào, đã sử dụng số điện thoại nào, có sim rác không?
- Ngày 29/4 có ở Tuần Châu, Quảng Ninh không? Có tiếp Dũng và vợ Dũng (như lời khai của Dũng và vợ tại tòa) không? Nếu tiếp, có bàn về nội dung chuyên án Vinalines không?
- Ngày 2/5, 6/5 và 13/5/2012 có tiếp Dũng tại nhà Ngọ ở Pacific không? Nếu có thì hai bên nói về những nội dung gì, có nội dung liên quan đến chuyên án Vinalines không? Trong tối 13/5 có nghe điện thoại của vị lãnh đạo nào (như lời Dũng khai tại tòa) không? Nếu có tiếp Dũng, đã báo cáo cấp trên chưa khi Dũng bỏ trốn?
- Ngày 17/5 Ngọ có đi công tác ở ngoài Hà Nội về, qua sân bay Nội Bài? Buổi chiều cùng ngày có tham gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp của Ban chỉ đạo chống tham nhũng không? Sau buổi chiều có gọi điện thoại với ai (kể cả sim rác)?
- Với tư cách điều tra viên có kinh nghiệm, Ngọ cần giải thích nếu lịch trình của Ngọ đúng như Dũng khai tại Tòa, tại sao Dũng biết lịch trình đó?
- Tự kiểm điểm về việc Trưởng ban chuyên án tiếp đối tượng tại nhà riêng nhiều lần (nếu có). Có vi phạm gì không?
3. Triệu tập một số người có dấu hiệu chiếm đoạt hoặc tiết lộ bí mật trong chuyên án Vinalines
a. Triệu tập ông Hoàng Kông Tư – Thủ tưởng Cơ quan An ninh điều tra, yêu cầu giải thích ngày 8/1/2014 (tại thời điểm Tòa án khởi tố vụ án làm tiết lộ bí mật công tác) đã thông tin cho báo chí về việc cơ quan điều tra đã xác minh list điện thoại của ông Phạm Quý Ngọ nhưng không thấy những cuộc trao đổi giữa Dũng và ông Ngọ như Dương Chí Dũng khai báo. Theo điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự, lời khai của Dũng tố Ngọ tiết lộ bí mật và nhận hối lộ được coi là tố giác, tin báo về tội phạm. Khi nhận được tin tố giác, tin báo, cơ quan điều tra được quyền kiểm tra, xác minh và quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Vậy Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự chưa khi cho rằng lời tố của Dũng chưa đủ căn cứ? Nếu chưa ra quyết định không khởi tố phải giải thích tại sao? Nếu chưa ra quyết định này, tại sao lại thông tin với báo chí về việc đã xác minh list điện thoại để cho rằng không có trao đổi giữa Ngọ và Dũng. Yêu cầu ông Hoàng Kông Tư giải trình xem có sai phạm gì không khi chưa ra quyết định khởi tố và thông tin cho báo chí về việc xác minh các cuộc gọi giữa Ngọ và Dũng. Trường hợp có dấu hiệu tiết lộ bí mật (thông tin xác minh, điều tra chưa được công bố), cần xem xét trách nhiệm người đã tiết lộ.
b. Ông Nguyễn Như Phong – Tổng biên tập báo Petrotimes đã viết bài báo ngày 9/01/2014: trước phiên tòa 7 ngày, đã gọi điện cho Ngọ hỏi về khả năng Dũng sẽ khai ra tình tiết đưa hối lộ 500.000 USD cho Ngọ trước tòa. Ông Ngọ bình thản nói: “Kệ nó. Nó muốn khai gì thì khai”. Trước phiên tòa xử Dương Tự Trọng, thông tin này chỉ Cơ quan điều tra biết, chưa công bố công khai, tại sao ông Phong lại biết? Thông tin này có phải là bí mật điều tra không (trước khi Dũng khai tại Tòa) ? Ai đã tiết lộ cho ông Phong? Nếu thông tin này về nguyên tắc thuộc thông tin mật, nhưng ông Phong biết được, cần xem xét trách nhiệm về hành vi chiếm đoạt, mua bán bí mật. Ông Phong phải giải trình cho BCA.
4. Tập trung xác minh lời khai của Dương Chí Dũng liên lạc với Ngọ từ 29/4/2012 đến 17/5/2012
a) Lấy lời khai của vợ Dũng, lái xe của Dũng (xác minh Dũng có gặp Ngọ không trong các ngày 29/4, 2/5, 6/5, 13/5/2012, trong ngày 17/5/2012 Dũng ở khu vực nào ở Hà nội, có ở gần tòa nhà Pacific, nơi Ngọ ở như theo lời khai của Dũng tại tòa).
b) Xác minh list điện thoại của Dũng và Ngọ từ 29/4/2012 đến 17/5/2012 (Lưu ý: Cơ quan An ninh Điều tra đã phải thu thập hai list điện thoại này cho thời gian này).
c) Đề nghị đơn vị quản lý tòa nhà Pacific, 83 Lý Thường Kiệt, Hà nội cung cấp video giám sát trong các ngày 2/5, 6/5, 13/5/2012. Nếu đến nay đơn vị này không còn lưu giữ, đề nghị đơn vị này cho biết có cơ quan điều tra nào đã thu thập những video này chưa. Nếu chưa có cơ quan điều tra nào của Bộ Công an thu thập những video này vào tháng 9/2012 (khi Dũng bị bắt và đã khai về Ngọ), dẫn đến nay không thể có những bằng chứng này, cần yêu cầu thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra và cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an phải giải trình. Tại sao một nghiệp vụ điều tra đơn giản như vậy chưa được thực hiện?
d) Xác minh chiều 17/5/2012, Trưởng Ban chỉ đạo chống tham nhũng lúc đó – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp với những ai để xem xét về vụ án của Dương Chí Dũng. Xác định trong số những người đó có ai quan hệ với Dương Chí Dũng?
e) Cho dù chưa thu thập được bằng chứng (list điện thoại) Ngọ và Dũng liên lạc với nhau vào chiều 17/5/2012 nhưng nếu xác định những lời khai về việc Dũng gặp Ngọ trong các ngày 29/4, 2/5, 6/5, 13/5/2012 là có căn cứ, cần khởi tố bị can ngay đối với Phạm Quý Ngọ về tội tiết lộ bí mật Nhà nước theo Điều 263 Bộ luật Hình sự, trước đó đề nghị các cơ quan chức năng của Đảng và Chính phủ đình chỉ mọi chức vụ đối với Phạm Quý Ngọ.
g) Lưu ý thêm: ngày 14/6/2012, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đã trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội về việc bỏ trốn của Dương Chí Dũng. Theo ông Quang, ngay chiều 17/5/2012 “sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, ngay trong buổi chiều hôm đó, có thể nói rất nhanh, trong vài chục phút thôi, cơ quan cảnh sát điều tra triển khai các tổ công tác đến để thi hành lệnh bắt khám xét đối với ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, nguyên TGĐ Vinalines, sau này là Vụ phó Vụ vận tải – Bộ GTVT, ông Trần Hữu Chiều, Phó TGĐ Vinalines. Cơ quan cảnh sát đã bắt ông Phúc và ông Chiều, còn bị can Dương Chí Dũng thì không có ở cơ quan, không có ở nhà. Cơ quan cảnh sát điều tra đã mời ông Dũng về làm việc nhưng sau khi xác minh thấy bỏ trốn.” Như vậy theo Bộ trưởng Công an, chiều 17/5/2012, cơ quan điều tra đã triển khai bắt Dũng và có người của cơ quan điều tra liên lạc với Dũng để mời Dũng về làm việc. Cần xác minh lại thông tin này (cơ quan điều tra dưới sự chỉ đạo của Ngọ thực sự có triển khai bắt ngay Dũng, liên lạc với Dũng trong chiều 17/5 hay chỉ đến sáng ngày 18/5/2012 mới triển khai lệnh bắt). Nếu Ngọ chỉ đạo sáng 18/5/2012 mới triển khai bắt Dũng, cần xem xét truy cứu trách nhiệm về hành vi thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng theo Điều 285 Bộ luật Hình sự.
5) Cho Phạm Quý Ngọ một ân huệ cuối cùng
a) Giải thích với Ngọ rằng, tội tiết lộ bí mật theo Điều 263 Bộ luật Hình sự không thể cãi được đối với Ngọ vì:
- Việc tiếtt lộ bí mật cho Dũng là sự thật hiển nhiên, cả nước đều biết và đều phẫn nộ ngày từ khi Dũng trốn.
- Dũng đã khai ra Ngọ, là nhân chứng trực tiếp, đáng tin cậy.
- Dũng và Ngọ có quan hệ với nhau từ trước, Ngọ có động cơ để tiết lộ cho Dũng.
- Nếu Ngọ không tiết lộ, theo Ngọ ai là người tiết lộ?
b) Thuyết phục Ngọ rằng: hIện Ngọ sức khỏe kém, căn bệnh cũ nghiêm trọng có thể tái phát, cấp trên biết điều đó nên sẽ có cử chỉ nhân đạo với Ngọ. Có thể chỉ khoanh vùng tội danh theo Điều 263 cho Ngọ, nếu Ngọ nhận tội này. Tuy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 263 (hình phạt từ 10-15 năm tù), nhưng nếu Ngọ nhận tội, có nhiều tình tiết giảm nhẹ sẽ được xử dưới khung, ví dụ chỉ nhận 5 năm tù giam và thực tế chỉ sau 2 năm cải tạo tốt sẽ được tự do như trường hợp của Tướng Bùi Quốc Huy, cựu Thứ trưởng Bộ Công an trong vụ Năm Cam. Ngọ có thời gian 30 ngày để suy nghĩ. Cho phép đồng nghiệp thân thiết, người thân của Ngọ thuyết phục Ngọ nhận tội trong sự giám sát chặt chẽ.
c) Trường hợp Ngọ ngoan cố (khả năng này xảy ra nhiều), kiên quyết mở rộng vụ án sau khi hết thời hạn 30 ngày trên
(xem phần 3 kế hoạch sau).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét