Trần Trung Đạo: Nhìn lại chiến tranh
Thỉnh thoảng tôi đọc trong Internet một vài lá thư có nội dung bày tỏ thái độ không đồng ý của người viết đối với số chính sách của đảng và nhà nước, được gởi ra từ trong nước. Các tác giả của những lá thư đó tuy khác nhau ở tên họ, địa chỉ, nhưng chung dưới một tên gọi là "các cựu chiến binh lão thành".
Những lá thư như thế chắc không phải được viết bằng máy vi tính hiện đại như tôi đang sử dụng mà có lẽ bằng những cây viết có ruột cao su mềm, bơm mực bằng tay được cất giữ kỹ lưỡng từ lâu lắm. Nhìn vào tên tuổi và chức vụ, tôi biết các cụ thuộc thế hệ Điện Biên và không ít là người của thời mùa thu 1945 còn lại. Địa chỉ của các cụ tuy khác nhau nhưng giống như lá thư tập thể, phần đông sống trong các khu nhà cũng có tên chung là Khu Tập Thể.
Trong suốt bảy, tám mươi năm của đời mình, các cụ sống, làm việc và được rèn luyện để thừa hành chỉ thị của cấp trên chứ không quen đặt vấn đề, các cụ tập chịu đựng đau đớn chứ không được phép rên la. Và vì thế, viết một lá thư đã là một việc khó khăn, gởi lá thư đó đến các cấp đảng và nhà nước trung ương là một can đảm chưa từng nghĩ đến và phổ biến lá thư rộng rãi ngoài quần chúng quả thật là một hành động phi thường. So với việc ôm ngọn tầm vông vót nhọn lao vào phòng tuyến thực dân trong những ngày còn trai trẻ, hành động viết lá thư gởi lên trung ương đảng ngày nay có thể còn nguy hiểm hơn nhiều. Những kẻ mà các cụ lo sợ sẽ trả thù, dèm pha, nghi kỵ không phải bọn thực dân mắt xanh, mũi lõ dễ phân biệt mà là những người cùng tổ chức, cùng đảng, cùng gọi nhau là đồng chí và ngay cả những kẻ còn thuộc hàng con cháu các cụ.
Tôi hình dung cái đêm các cụ tập trung nhau ở nhà một người nào đó trong nhóm để thảo lá thư, chắc phải bí mật, hồi hộp hơn cả giờ ra trận và xúc động hơn cả đêm cuối cùng bên cạnh vợ con trước ngày lên đường đi Lai Châu, Hà Nam, Hà Bắc không biết có ngày trở lại, của mấy chục năm về trước. Các cụ lo sợ là phải. Những kẻ mà các cụ chống đối ngày nay, không những biết rõ nơi ăn chốn ở mà còn là người quyết định các chỉ tiêu lương thực, thực phẩm, tiền hưu trí, phụ cấp nhà ở của các cụ. Những kẻ đó không những nắm quyền sinh sát cho đoạn đời ngắn ngủi còn lại của các cụ mà cũng có luôn cả quyền xóa bỏ quá khứ mà các cụ vô cùng trân quý.
Tôi nghĩ đến các cụ và thương các cụ rất nhiều. Không phải sau khi đọc những lá thư được gởi từ các khu nhà tập thể, không phải sau khi đã ra được nước ngoài mà ngay cả từ thời mới lớn tại miền Nam trước 1975, hình ảnh các cụ vẫn rất đẹp trong lòng tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ tất cả những người Việt Nam sống bên kia sông Bến Hải là cộng sản, trái lại tin rằng ẩn khuất sau đám mây đen độc tài đảng trị đó vẫn có những tấm gương sáng của lòng yêu nước chân thành. Dân tộc nào trên thế giới cũng yêu thương và gắn bó với đất nước của họ, nhưng tôi vẫn có một niềm tin chủ quan rằng con người Việt Nam nặng lòng với quê hương đất nước nhiều hơn các giống dân khác. Bởi vì không có một đất nước nào, ở đó, mỗi ngọn núi, mỗi dòng sông, mỗi con đường đã được gìn giữ bằng một giá đắt như ông bà chúng ta đã phải hy sinh trong suốt dòng lịch sử.
Những ngày còn ở trung học, tôi thuộc lòng bài thơ “Nhà tôi” của Yên Thao và “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm. Cả hai bài thơ được đăng trong tạp chí Bách Khoa ở Sài Gòn, trong đó có những câu làm tôi rơi nước mắt:
Đêm buông xuống dòng sông Đuống
- Con là ai? Con ở đâu về?
Hé một cánh liếp
- Con vào đây bốn phía tường che
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời không nói năng.
(“Bên kia sông Đuống”, Hoàng Cầm)
hay là:
Đêm nay tôi trở về lành lạnh
Sông sâu buồn lấp lánh sao lưa thưa
Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ
Chắp tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ
Làng tôi đấy bên trại thù quạnh quẽ
Nằm im lìm như một nắm mồ ma
Có còn không! Em hỡi một mẹ già?
Những người thân yêu khóc buổi tôi xa.
(“Nhà tôi”, Yên Thao)
Tôi thường tự nhủ, nếu được sinh ra cùng thời với các cụ và có đủ can đảm, con đường đẹp nhất mà tôi chọn có lẽ cũng là con đường mà các cụ đã đi:
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
(“Đất nước”, Nguyễn Đình Thi)
Sau 1975, nghe bài hát “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết trong thời chống Pháp, tôi cũng vô cùng cảm động:"Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo, người mẹ nghèo trong áo rách, áo rách nên thương, áo rách nên thương, các con ra đi đã mấy chiến trường, mang theo cả tình thương của mẹ." Trong hình ảnh nghèo nàn, đau xót đó đã toát lên một vẻ đẹp thiêng liêng của tình mẹ và tình đất nước.