Đòn Tiền Tệ Của Trung Quốc: Việt Nam làm sao chống đỡ?
Trọng Nghĩa - Nguyễn-Xuân Nghĩa RFI Ngày 150817
Tạp Chí Việt Nam
* Un employé d'une succursale de la Banque agricole de Chine compte des billets de 100 dollars et de 100 yuans, à Qionghai, le 12 novembre 2012.REUTERS/China Daily *
Liên tiếp trong ba ngày từ 11/08/2015, Trung Quốc đã mặc nhiên phá giá đồng yuan (nhân dân tệ) của họ, cho dù Ngân hàng trung ương Trung Quốc luôn phủ nhận điều đó. Hành động của Trung Quốc đã tác động mạnh đến tiền tệ các nước khác, đặc biệt là các quốc gia bị lệ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc. Việt Nam nằm trong diện các quốc gia này.
Chỉ một hôm sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lập tức tung ra một biện pháp chống đỡ : cho mở rộng biên độ tỷ giá đồng nội tệ Việt Nam so với đồng đô la Mỹ từ 1% lên thành 2%, một biện pháp tạm thời nhằm giảm áp lực đến từ Trung Quốc.
Ngày 14/08, Chính phủ Việt Nam cũng đã họp bàn về tác hại của sự kiện Trung Quốc phá giá đồng tiền của họ và kế sách đối phó.
Trong những ngày qua, giới chuyên gia kinh tế trong nước đã không ngớt phân tích về ảnh hưởng của việc đồng nhân dân tệ Trung Quốc giảm giá đối với kinh tế Việt Nam, và các ý kiến nói chung đều rất bi quan, cho rằng Việt Nam sẽ phải chịu tác hại rất lớn vì đã để cho mình bị lệ thuộc Trung Quốc quá nặng về mặt kinh tế.
Nhập siêu với Trung Quốc lớn thêm, cạnh tranh thêm khốc liệt
Lo ngại đầu tiên là khoảng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc vốn đã rất lớn, nay lại có khả năng tăng thêm, với nguy cơ hàng Trung Quốc, được giá rẻ hơn nâng đỡ, sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sẽ mất sức cạnh tranh so với hàng Trung Quốc trên các thị trường quốc tế. Báo chí Việt Nam trong những ngày qua đã trích dẫn Tiến Sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích một cách tượng hình như sau:
«Nếu ngày xưa Trung Quốc bán cho ta 100 đồng thì nay, giá chỉ còn 95 đồng. Ngược lại, hàng Việt Nam bán vào Trung Quốc ngày xưa là 100 thì giờ giá là 105. Khi đó, đương nhiên hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ khó hơn, do bất lợi về giá».
Tình trạng tương tự cũng sẽ diễn ra trên các thị trường quốc tế. Một ví dụ cụ thể, được Tiến Sĩ Thành nêu lên là trường hợp tôm hay hàng quần áo đang xuất khẩu vào Mỹ. Nếu trước đây, hàng Việt Nam và Trung Quốc đều như nhau ở mức 100 chẳng hạn, nhưng nay, hàng Trung Quốc sẽ chỉ là 95, còn hàng Việt Nam vẫn là 100.
Điều này sẽ rất bất lợi khi hàng Việt cạnh tranh trực tiếp hàng Trung Quốc giá rẻ hơn trên thị trường quốc tế, nhất là khi hàng Trung Quốc tương đồng với hàng Việt Nam.
Bắc Kinh phá giá đồng yuan: "Cơ hội cho Việt Nam tỉnh giấc"
Ngón đòn tiền tệ của Trung Quốc tai hại đến mức nào đối với Việt Nam, và Việt Nam có thể làm gì để ứng phó? Trả lời phỏng vấn của RFI, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ trước hết đã vạch trần thủ đoạn của Bắc Kinh, đã khởi động một cuộc chiến tranh tiền tệ bằng cách phá giá đồng nhân dân tệ, nhưng luôn lớn tiếng cho rằng họ không hề phá giá, và sở dĩ đồng tiền Trung Quốc hạ giá, đó là do cơ chế thị trường!
Về phản ứng tức thời của Việt Nam trước động thái của Trung Quốc, mở rộng biên độ tỷ giá đồng nội tệ Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng đó là một biện pháp tích cực, nhưng chưa đủ, cần phải kèm theo một chiến lược lâu dài là dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc về mặt kinh tế. Một trong những biện pháp là quyết tâm gia nhập khối kinh tế Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Đối với chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa, việc Trung Quốc khơi mào một cuộc chiến tiền tệ, là một cơ hội giúp Việt Nam tỉnh giấc.
Sau đây mời quý vị nghe phân tích của chuyên gia Nguyên Xuân Nghĩa về tác hại của việc đồng nhân dân tệ Trung Quốc bị phá giá đối với Việt Nam:
Phỏng vấn chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa 17/08/2015 nghe
1- Ảo thuật Trung Quốc: Thế nào là phá giá?
Bắc Kinh vẫn duy trì chế độ kiểm soát hối đoái, là dân không được giữ ngoại tệ, có xuất cảng mà thu về ngoại tệ thì phải bán cho nhà nước theo hối suất do nhà nước quy định. Thứ hai, họ neo giá đồng Nguyên (Yuan) - mà họ gọi với cái tên xảo là “Nhân dân tệ” hay Renminbi - vào đồng đô la Mỹ và ấn định hối suất trao đổi. Họ thường ấn định thấp để thu đô la về mà trả ra ít tiền hơn cho nhà sản xuất.
Đấy là một khía cạnh của hiện tượng mà giới kinh tế gọi là “bóc lột tài chánh”, répression financière, vì người dân thắt lưng buộc bụng bán hàng cho rẻ khi thu về ngoại tệ thì nạp nhà nước và được trả với giá bèo. Hậu quả của chánh sách này là hàng rẻ của Trung Quốc tràn ngập khắp nơi và thực tế là cạnh tranh bất chính, nhưng nhà nước có một khối ngoại tệ khổng lồ, lên tới gần bốn ngàn tỷ đô la.
Bây giờ ta mới đi vào chuyện chuyên môn hơn, là nhìn ra nhiều ngoắt ngoéo khiến Bắc Kinh vẫn cãi là họ đang theo quy luật thị trường chứ không phá giá!
Vì bị thế giới than phiền, từ 2005, Bắc Kinh chậm rãi nâng hối suất qua hai đợt với kết quả là từ tám đồng hai lên sáu đồng hai đã ăn một Mỹ kim. Họ còn vẽ ra một con rắn, cũng là un serpent monétaire, là “biên độ giao dịch” mua vào hay bán ra đô la trong khoảng trên dưới 1% so với hối suất chính thức. Từ Tháng Ba thì họ mở rộng biên độ giao dịch từ 1% lên 2% như Hà Nội vừa làm vào ngày 12 vừa qua (nhưng quyết định ấy của Hà Nội chưa thật sự là phá giá như nhiều người lầm tưởng).
Từ đầu năm nay, thị trường chật hẹp (xê xích 2%) đã có hướng giao dịch với tâm lý là đồng Nguyên mất giá tới mức thấp nhất so với giá chính thức. Hôm Thứ Ba 11, Bắc Kinh đưa ra cách chấm một giá thấp trong biên độ 2% của hôm trước làm giá chính thức được loan báo vào 9:15 sáng hôm sau. Giá hôm 11 đó giảm 1,9% so với giá chính thức hôm trước, tức là họ mặc nhiên phá giá 1,9%.
Hôm sau, Thứ Tư 12 thì họ lại chọn giá thấp hơn 1,6% và tiếp tục như vậy. Tức là mỗi ngày có thể hạ 2%, trong biên độ hay con rắn ngoằn ngoèo của hôm trước. Tính đến Thứ Năm 13, trong ba ngày họ phá giá gần 4% rồi cho nhích lên chút đỉnh.
Không nói về những khó khăn chồng chất dẫn đến quyết định phá giá thì Bắc Kinh vẫn kiểm soát và thực tế can thiệp vào thị trường hối đoái chứ không thả nổi cho đồng bạc lên xuống theo quy luật cung cầu. Nhưng Bắc Kinh khéo lòe ở việc buông tay cho giá rớt vì chọn giá giao dịch ngày hôm trước làm giá hôm sau và nói rằng giá ấy là của thị trường. Họ mới chỉ nới dây neo một chút như vậy thì chưa thể gọi là giải tỏa được.
Chuyện thứ hai mới lòi ra tính chất gian trá. Vài ngày qua, vào 15 phút cuối ngày giao dịch thì các ngân hàng thương mại của nhà nước được lệnh kín đáo nhảy vào bán đô la khiến đồng Nguyên lên giá chút đỉnh. Mục đich là để làm cơ sở cho Ngân hàng Nhà nước của Bắc Kinh chấm giá chính thức vào hôm sau.
Đấy cũng là nhà nước can thiệp vào thị trường chưa có tự do. Nhìn cách khác thì người dân thấy chiều hôm trước chính quyền Bắc Kinh bật tín hiệu cho thị trường hôm sau, tức là nhà nước vẫn lũng đoạn theo cái hướng đẩy lên hay dìm xuống cho thần dân theo đó mà chơi và tin vào cái lưới đỡ của nhà nước!
2- Việt Nam đỡ đòn
Nói về Việt Nam thì Hà Nội mới chỉ mở rộng biên độ mua bán chứ chưa ấn định một hối suất hay tỷ giá chính thức thấp hơn, nên chưa thể gọi là phá giá. Nhưng quyết định cũng tạo ra hoàn cảnh cho doanh nghiệp lách sâu hơn xuống dưới để phần nào thoát được hiệu ứng phá giá của Bắc Kinh.
Tuy nhiên bi kịch của Việt Nam rộng lớn hơn vậy. Kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc và bị nhập siêu nặng, mua nhiều hơn bán đến 40 tỷ, cả qua ngả chính thức lẫn ngoại ngạch, tiểu ngạch - hay nôm na là buôn lậu - với sự đồng lõa của các chính quyền địa phương trong hệ thống mậu biên. Vì vậy, việc Bắc Kinh phá giá là tai họa trước mắt. Trong việc buôn bán với Tầu, họ xuất cảng rẻ hơn và Việt Nam xuất cảng đắt hơn.
Đã thế, vế bên kia còn thê thảm hơn. Việt Nam cũng mắc nợ quá nhiều và khi Mỹ kim quá rẻ trong các năm Tổng suy trầm thì nhiều người vay bằng đô la với lãi suất hạ để kiếm lời ở nhà. Nay đô la lại lên giá và lãi suất cũng sẽ tăng thì gánh nợ trở thành đắt đỏ và khó trả hơn. Đâm ra, Việt Nam bị đồng Nguyên ghìm xuống đáy và bị đồng Mỹ kim kéo lên trời nên sẽ căng mỏng và rách nát!
Về lâu dài, Hà Nội phải quan niệm lại từ chiến lược đến tổ chức để thoát Tầu và việc gia nhập TPP là một cơ hội. Nhưng người ta không lạc quan về khả năng của lãnh đạo vì họ đã giàng buộc số phận của quốc gia vào các quyết định của Bắc Kinh.
3- Làm sao bây giờ?
Việc Bắc Kinh phá giá và mở ra trận chiến ngoại tệ với các bạn hàng của mình là một cơ hội tỉnh giấc cho Việt Nam. Sau biện pháp chống đỡ mau lẹ là cũng mở rộng biên độ giao dịch, chính quyền Hà Nội nên có những biện pháp và tuyên bố rõ ràng hơn để trấn an dư luận và nghiên cứu kế hoạch “Thoát Tầu” một cách cụ thể, ít ra về mặt kinh tế.
(1) Thứ nhất là nên bít lỗ hổng trong luồng giao dịch với Trung Quốc, như loại tiểu ngạch hay ngoại ngạch mậu biên, thực chất là buôn lậu.
(2) Thứ hai là thiết lập chiến lược kinh doanh hầu Việt Nam ra khỏi tình trạng làm gia công cho Tầu để xuất cảng nguyên nhiên vật liệu của Tầu dưới dạng “hàng chế biến tại Việt Nam”, và như vậy cũng phải tìm nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu khác.
(3) Thứ ba, trong chiều hướng đó, cố gắng cải cách để có điều kiện gia nhập hiệp ước TPP trong năm tới. Khi đã gia nhập thì đừng tiếp tục là “con ngựa chiến thành Troie của Trung Quốc”, là mũi nhọn kinh tế để bán hàng của Trung Quốc cho 11 thành viên còn lại là TPP dưới cái nhãn “Made in Vietnam”.
Dù sao, việc Bắc Kinh phá giá và thực tế khai chiến với các bạn hàng Á Châu cũng khiến các nước nhìn lại những hứa hẹn hợp tác và thịnh vượng của Trung Quốc về Con Đường Tơ Lụa, Ngân hàng BRICS, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á Châu AIIB, v.v….
Nhìn sâu xa hơn thì khi đồng Nguyên mất giá như vậy, các ngoại tệ khác đều bị hiệu ứng nhưng nặng hay nhẹ thì còn tùy vào mối giao dịch thương mại với thị trường Hoa lục.