Một công trình xây dựng nhà cao tầng
ở Hà Nội ngày 22/12/2012.
2012 – MỘT NĂM KHÓ KHĂN CỦA KINH TẾ VIỆT NAM
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2012-12-27
Năm 2012 khép lại, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ở mức 5,03%, được xem là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó là ngổn ngang những thách thức như đầu tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm, bất động sản đóng băng, tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng cao ngất, kéo theo là sự phá sản của hàng chục ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn năm 2012 dừng ở mức 5,03% thấp hơn nhiều mức 6.5% mà Chính phủ dự tính ban đầu, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 1999. Con số trên của Tổng Cục Thống Kê công bố hôm 24/12, khiến giới chuyên gia cả trong nước và quốc tế đều tỏ ra quan ngại về tình hình kinh tế Việt Nam.
Tăng trưởng không bền vững
Bài viết trên trang nhất tờ Bloomberg, một tờ báo tài chính uy tín của Hoa Kỳ ra ngày 25/12 chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng kinh tế Việt Nam, trong đó, tác giả nêu bật lý do là bởi khối ngân hàng hạn chế cho vay, khiến nhu cầu nội địa gặp bất lợi. Bài báo trích ý kiến của một chuyên gia quản lý quỹ đầu tư ở nước ngoài nhận xét “chỉ nhờ tăng trưởng tín dụng ồ ạt mà Việt Nam mới có được tốc độ tăng trưởng như thời gian qua.” Điều này như một ngầm ý ám chỉ sự tăng trưởng của Việt Nam không bền vững, chủ yếu dựa trên tín dụng cho vay mà không có một cơ sở chắc chắn.
“Nợ xấu là một loại cam thối,
thế thì Nhà nước mua loại cam thối đó
với giá nào. Đây là vấn đề có thể tạo ra
biết bao tiêu cực.”
Bùi Kiến Thành
Trong khi đó, mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tệ (IMF) cho biết hai định chế này sẽ có một bản báo cáo về tình hình ngân hàng, khung pháp lý và hạ tầng tài chánh của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam. Theo đó, WB cho rằng tài chính của Việt Nam có dấu hiệu của sự tuột dốc khá rõ ràng và việc tái cơ cấu tỏ ra chậm chạp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại là do năng suất sụt giảm đi kèm với sự thiếu hiệu quả của hệ thống doanh nghiệp Nhà nước, khối ngân hàng và đầu tư công.
Điều này được minh chứng rõ nét bằng việc hãng lượng giá tín dụng Moody hạ chỉ số tín dụng của Việt Nam hồi tháng 9, với kết luận “có những yếu kém rõ rệt trong hệ thống ngân hàng.” Được biết hiện tại tổng số nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam là vào khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 8% tổng số dư nợ trong hệ thống ngân hàng. Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam cho biết nợ xấu có thể khiến Việt Nam mất 7 tỉ đô la, xấp xỉ 5% của toàn bộ GDP Việt Nam.
Bên ngoài một chi nhánh ngân hàng Techcombank ở Hà Nội
trưa ngày 24/12/2012. RFA photo.
Nhận xét về các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành đưa ra nhận xét của mình:
“Nợ xấu là một loại cam thối, thế thì Nhà nước mua loại cam thối đó với giá nào. Đây là vấn đề có thể tạo ra biết bao tiêu cực, nguyên tắc là không thể dùng tiền của nhân dân để mua nợ xấu của ngân hàng, mà để cho nhân dân phải gánh chịu những lỗi lầm của các ngân hàng được, không thể chấp nhận được. Bất kỳ ngân hàng cũng như một doanh nghiệp nào nếu làm ăn thua lỗ mất khả năng thanh toán thì phải giải quyết theo vấn đề phá sản…”
Những “nghĩa địa chôn tiền”
Một trong những lý do dẫn đến những núi nợ xấu khổng lồ tại Việt Nam, tích tụ trong khoảng 3-4 năm trở lại đây chính là sự đóng băng của thị trường bất động sản, khi khu vực này vay tín dụng quá nhiều từ giới ngân hàng và giờ thì trở thành những “nghĩa địa chôn tiền”. Với nhiều số liệu thống kê khác nhau, số nợ liên quan đến bất động sản hiện tại ở Việt Nam là xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng, trong đó hơn 10% là nợ xấu.
Điểm lo ngại đối với thị trường bất động sản Việt Nam nằm ở chỗ những sản phẩm cao cấp, đắt tiền là những sản phẩm đóng băng, trong khi lượng nhà ở hướng tới người dân có thu nhập thấp hoặc có diện tích vừa phải thì vẫn có thể tiêu thụ được nhưng lại không được chú ý xây dựng.
“Đặc biệt là đầu tư nước ngoài đóng góp
đến 55% xuất khẩu cho năm nay,
do đó, nếu đầu tư nước ngoài giảm đi
cũng sẽ đe dọa đến việc tăng trưởng
trong xuất khẩu.”
TS Lê Đăng Doanh
Theo phân tích của T.S Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế Việt Nam thì từ năm 2005 đến nay, lĩnh vực bất động sản và xây dựng luôn chiếm từ 8-9% GDP và chúng có tính lan tỏa mạnh mẽ đối với nhiều vực lĩnh vực khác của nền kinh tế. Vì thế, khi một mắt xích bị khựng lại thì cả cỗ máy kinh tế bị đình trệ kéo theo là điều khó tránh khỏi.
Trong bức tranh kinh tế 2012, bên cạnh những mảng màu tối về nợ xấu và bất động sản, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng được đánh giá là không mấy tích cực. Theo số liệu mới được Bố Kế hoạch đầu tư công bố hồi đầu tuần cho thấy số lượng đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong năm 2012 chỉ ở mức 12,7 tỷ USD, giảm hơn 15% so với năm ngoái, trong đó lượng vốn được giải ngân cũng giảm gần 5%. Lý giải về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, T.S Lê Đăng Doanh giải thích:
“Tình hình đầu tư nước ngoài, những cam kết mới trong đầu tư nước ngoài giảm sút rõ rệt, trong khi đó, đầu tư nước ngoài đang chảy rất mạnh vào Myanmar, Indonesia. Tôi cũng lưu ý là số vốn thực hiện trong các dự án đầu tư nước ngoài vẫn đảm bảo như các năm trước đây vì Việt Nam đang còn một số dự án nhất định đang được thực hiện.
Song những dự án đó không được tăng lên bằng những cam kết mới thì nó sẽ dần dần cạn và điều đó đẩy Việt Nam vào một thế bất lợi. Bởi tính cho đến nay, đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 25-26% tổng lượng đầu tư xã hội và nếu lượng đầu tư đó giảm đi, thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng sẽ giảm đi.
Đặc biệt là đầu tư nước ngoài đóng góp đến 55% xuất khẩu cho năm nay, do đó, nếu đầu tư nước ngoài giảm đi cũng sẽ đe dọa đến việc tăng trưởng trong xuất khẩu của Việt Nam sẽ chậm lại.”
Tòa nhà căn hộ cao cấp ở Hà Nội, ảnh chụp
hôm 14-08-2011. RFA photo.
Ngoài ra, T.S Lê Đăng Doanh giải thích thêm lượng vốn chảy vào Myanmar và Indonesia nhiều là do những quốc gia này, trong khi cải cách kinh tế đã có những cải cách đáng kể về hệ thống chính trị, đã đảm bảo tự do về mặt báo chí, có tiếng nói của các lực lượng có thể kiểm soát được quyền lực của Nhà nước và họ đã thành công.
Tuy nhiên, có lẽ yếu tố cơ bản vì sao nền kinh tế Việt Nam phát triển chậm lại chính là do năng suất chất lượng hay trình độ tay nghề của Việt Nam chưa cao, đi kèm với đó là sự thiếu hiệu quả của hệ thống doanh nghiệp Nhà nước đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Thẳng thắn nhìn nhận về những nhược điểm vẫn tồn tại trong một nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi, PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét:
“Nếu muốn tăng trưởng nhanh mà nguồn lực không tốt, rồi cứ đầu tư thật nhiều, đến lúc không hoàn thành thì vừa làm chậm, đồng thời cũng tạo sơ hở trong việc quản lý. Bây giờ là phải làm như thế nào để cân đối giữa nỗ lực tăng trưởng nhanh, đầu tư mạnh nhưng phải phù hợp về tính khả thi, về các điều kiện nguồn lực phải bảo đảm. Năng lực quản trị ở tầng vi mô, khâu này là khâu do Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường chưa lâu, rồi cạnh tranh cũng chưa phát triển, cho nên năng lực quản trị ở các doanh nghiệp, các dự án chưa thực sự tốt.”
2012 được xem là một năm khó khăn với kinh tế Việt Nam, nhưng nó cũng đánh dấu một số thành công nhất định trong chính sách điều tiết vĩ mô. Trước hết là lạm phát được đánh giá là khống chế hiệu quả, mặc dù, trong năm sắp tới mục tiêu ưu tiên của Chính phủ vẫn tiếp tục là kiềm chế lạm phát. Lĩnh vực thứ hai là thặng dư thương mại, Việt Nam đã có cán cân thương mại dương 284 triệu đô la và đây là con số dương Việt Nam đạt được sau đúng 20 năm. Ngoài ra, các chỉ tiêu như dự trữ ngoại hối cũng được cải thiện đáng kể và tiền đồng Việt Nam cũng từng bước ổn định, dù rằng năm sắp tới 2013 vẫn được xem là rất khó khăn đối với kinh tế Việt Nam như lời nhận định của T.S Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tiền Tệ Tài chính quốc gia.
Những nhân tố bên ngoài như cuộc khủng hoảng tài chính Châu Âu sắp qua đi, nền kinh tế tại Hoa Kỳ cũng có dấu hiệu cải thiện, dù chưa có gì đảm bảo sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng kỳ vọng rằng Việt Nam năm tới sẽ có những thay đổi tích cực hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét