DÂN LÀM BÁO - HUY ĐỨC và BÊN THẮNG CUỘC
“Rất nhiều thế hệ, kể cả con em của những người đã từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, sau ngày 30-4-1975 đã trở thành sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Nhiều người không biết một cách chắc chắn điều gì đã thực sự xảy ra thậm chí với ngay chính cha mẹ mình.
Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ kể lại những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền... Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, và về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để dành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc.
Đây là công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật.” - Huy Đức
*
Sách Bên Thắng Cuộc của Huy Đức
Nguyễn Xuân Long - Đôi khi tôi vẫn hỏi sao đến giờ mới có một quyển sách về lịch sử Việt Nam như của anh Huy Đức. Và khi quyển sách ra đời, ta không khỏi lo lắng cho anh, khi về nước có thể bị chính quyền làm khó dễ. Nhưng như Huy Đức đã viết: “Không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ, nhất là một quá khứ mà chúng ta can dự và có phần cộng đồng trách nhiệm… Lịch sử cần được biết như nó đã từng xảy ra, và sự thật là một con đường đòi hỏi chúng ta không bao giờ bỏ cuộc.”...
*
Vừa đọc xong Bên thắng cuộc, phần một, của nhà báo Huy Đức. Mấy ngày mùa đông cuối học kỳ, còn bao nhiêu việc phải làm, báo phải review, bài phải nộp, thư giới thiệu phải viết. Nhưng không thể nào dứt ra được gần nghìn trang sách đầy ắp những dữ liệu, những thông tin mới và quen, những hồi ức Việt Nam chung và riêng, mà tôi tin hàng triệu người Việt đã mong đợi từ rất lâu. Có vài suy nghĩ không đầy đủ chép lại đây.
Đầu tiên là tựa đề “Bên thắng cuộc”. Thắng cuộc ở đây là thắng một cuộc binh đao huynh đệ tương tàn kết thúc vào ngày 30/4/1975. Thường thì câu chuyện hiển nhiên được viết bởi bên thắng cuộc, với một “chân lý” đã được đoán định sẵn. Nhưng nói theo Bertrand Russell, “War does not determine who is right — only who is left”. Cuốn sách là câu chuyện của những người còn lại từ cả hai phía của cuộc chiến, với nguồn tư liệu lấy từ ngay trong lòng bên thắng cuộc.
Tư liệu không phải là thông tin mật rút từ kho lưu trữ của CIA hay KGB hay Hoa Nam TB cục gì cả. Một số lượng lớn là tin chính thống, từ báo chí của chế độ (Sài Gòn Giải Phóng, Nhân Dân, v.v.), cùng với hồi ký, hồi tưởng của các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp của nhà nước. Rất ấn tượng là nguồn thông tin lấy từ hàng ngàn cuộc phỏng vấn của chính tác giả, một nhà báo kỳ cựu, với các nhân chứng lịch sử, từ những vị lãnh đạo cao nhất, cho đến các thường dân. Huy Đức đã dày công, âm thầm thu thập trong suốt mấy chục năm qua.
Quyển sách này không đưa ra phân tích. Đó sẽ là việc của các nhà lý thuyết. Quyển sách này mang cho ta biết nhiều thông tin và dữ liệu, bằng cách hành văn rất Huy Đức, rành rọt, bình tĩnh. Thông tin từ nhiều góc độ, từ những câu chuyện mà chúng ta có thể đã từng nghe đơn lẻ, thậm chí quen thuộc, dù cái logic của nó khi đặt đứng đơn lẻ thì chúng ta thấy không hiểu được. Khi các câu chuyện đơn lẻ ấy được sắp đặt lại có hệ thống, dưới bàn tay của Huy Đức, ta cảm nhận được sức mạnh hoang sơ của sự thật. Độc giả sẽ hình dung rõ hơn về một chặng lịch sử khốc liệt của dân tộc, những bi kịch của hàng triệu anh em đồng bào. Sẽ hiểu rõ hơn cái logic đằng sau những chính sách kỳ cục của chính phủ, những suy nghĩ, tính toán và cuộc đời của những cá nhân đứng sau nó.
Quyển sách cũng cho thấy, ngay cả những nhân chứng quan trọng của lịch sử, kể cả những vị lãnh đạo cao nhất, những người đã đóng góp những mảng đề tài lớn cho quyển sách, phần lớn trong số họ cũng không hình dung được vị trí đích thực của mình trong dòng lịch sử, không giải thích được hết sự vận hành khó hiểu đã xảy ra ở đất nước mình lãnh đạo.
Anh Huy Đức từ lâu đã nổi tiếng với các bài chính luận sắc sảo, đầy nhiệt huyết. Nhưng đó là các bài viết chỉ vài nghìn từ. Với công trình hàng nghìn trang này ta thấy một phong cách scholar thực thụ. Các thông tin quan trọng hầu hết được trích dẫn tỉ mỉ và có sự đối chiếu nguồn cẩn thận. Mục chú thích ở cuối sách cho thấy sự công phu, dài đến 1/5 cuốn sách, cho biết nhiều chi tiết sâu sắc, nhưng không làm loãng đi mạch chảy của câu chuyện.
Tuy vậy có vẻ có sự chưa đồng đều về phong cách viết và chất lượng giữa các chương. Các chương trong Phần 1 (Miền Nam), về những ngày cuối của cuộc chiến, cải tạo, đánh tư sản, vượt biên và chiến tranh biên giới Tây Nam, đặc biệt xuất sắc. Có lẽ quá nhiều biến cố lịch sử bi thương trong một thời gian ngắn ngủi 5 năm, được dồn nén trong từng ấy trang sách, với một giọng văn rành rọt, có tiết chế, đã tạo nên một hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ với người đọc. Ngược lại, các chương sau của Phần 2 (Thời Lê Duẩn) lại hơi “xìu”, chắc cũng giống như phong cách các bác nông dân thời hợp tác xã ra đồng lúc 9 giờ sáng, các vị ủy viên BCT thời bao cấp ngồi nhàn tản đánh bài với giúp việc. Phần trích dẫn hồi tưởng của các chuyên viên về các lãnh tụ hơi nhiều và loãng. Tất nhiên ở nước mình được nghe nói những chuyện đời thường của lãnh tụ thế này vẫn là của hiếm, và có thể còn nhạy cảm. Chắc chắn đã có nhiều quyết định phải thỏa hiệp trong tổ chức về cấu trúc và nội dung, của Huy Đức. Có thể không thỏa mãn được mọi tiêu chí, nhưng tôi đánh giá cao nỗ lực của tác giả.
Đôi khi tôi vẫn hỏi sao đến giờ mới có một quyển sách về lịch sử Việt Nam như của anh Huy Đức. Và khi quyển sách ra đời, ta không khỏi lo lắng cho anh, khi về nước có thể bị chính quyền làm khó dễ. Nhưng như Huy Đức đã viết: “Không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ, nhất là một quá khứ mà chúng ta can dự và có phần cộng đồng trách nhiệm… Lịch sử cần được biết như nó đã từng xảy ra, và sự thật là một con đường đòi hỏi chúng ta không bao giờ bỏ cuộc.”
Tôi sẽ mua mấy bộ sách này để đem tặng một số người. Một bộ cho cha tôi, một đảng viên cộng sản mà có những đêm ông vẫn còn run lên vì xúc động khi kể cho tôi những gì xảy ra với chính gia đình cha ông mình thời cải cách ruộng đất. Một bộ sách cho O dượng tôi, anh chị họ của cha, gia đình công chức bình thường của chế độ cũ với tám người con đã bỏ Sài gòn bơ vơ khắp lục tỉnh miền tây trong suốt năm năm trời trước khi vượt biên thành công. Trải nghiệm 5 năm vượt biên của họ được viết thành hồi ký chỉ để chuyền tay cho con cháu trong nhà đọc. Và một bộ sách cho bố vợ tôi, ông là một người lính giản dị miền Bắc đã đặt chân vào đến Sài gòn trong chính những ngày tháng 4 lịch sử ấy.
*
Những giới thiệu về Bên Thắng Cuộc tại Amazon:
"Bên Thắng Cuộc của Huy Đức là quyển sách hay nhất về lịch sử Việt Nam sau 1975 mà tôi được biết, kể cả những công trình bằng ngoại ngữ của các học giả nước ngoài.” – Trần Hữu Dũng, Đại học Wright, Ohio, USA
“Cuốn sách này nói về những sự thật khốc liệt, nhưng vì rất trung thực nên nó khiến ta bình tĩnh hơn trong thế giới và giữa đất nước khốc liệt ngày nay.” - Nguyên Ngọc, Đại học Phan Chu Trinh, Hội An, Việt Nam
“Bên Thắng Cuộc là tác phẩm ‘thực’ nhất, cho đến thời điểm này, ghi lại một giai đoạn lịch sử khốc liệt, thông qua tư liệu, của dân tộc từ biến cố 1975 đến nay.” – Đinh Quang Anh Thái, Nhật báo Người Việt, California, USA
“Cuốn sách phân tích tình hình Việt Nam từ năm 1975 - của một nhà báo sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản - một cách chuyên nghiệp và công bằng hiếm có. Nó là một kho tàng dữ liệu quý báu, có thể làm ngạc nhiên cả những chuyên viên theo dõi chính trị Việt Nam trong nhiều thập niên qua.” – Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason, Virginia, USA
"Huy Đức viết công trình khảo cứu lịch sử đặc sắc này với lương tâm trong sáng và tay nghề lão luyện của một nhà báo chuyên nghiệp có trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước. Có công minh lịch sử mới có hòa giải dân tộc thưc sự" – Chu Hảo, Nhà Xuất bản Tri Thức, Hà Nội, Việt Nam
http://www.amazon.com/dp/B00AKAQUJA
*
Bên Thắng Cuộc
2012-12-13
“Bên thắng cuộc” là cuốn sách đang gây sôi nổi cho cư dân mạng cả trong và ngoài nuớc. Quyển sách được viết bởi nhà báo Huy Đức, người nổi tiếng với trang blog Osin với những bài chính luận độc đáo có số người đọc rất cao.
Bìa sách "Bên thắng cuộc". Photo courtesy of Osinbook
Amazon phát hành chính thức
Sau ba năm mài miệt, “Bên thắng cuộc” chính thức ra đời vào ngày 12 tháng 12 vừa qua với hai cách: sách in do chính tác giả xuất bản và sách điện tử do Amazon phát hành dưới hình thức Kindle.
Có lẽ đây là lần đầu tiên một nhà văn Việt Nam có lượng sách bán trên hệ thống Amazon qua hình thức sách điện tử. Sự đột phá này có ý nghĩa quan trọng cho những ngòi viết đang bị cho là có vấn đề tại Việt Nam, từ nay họ có thể lập ra kế hoạch cho cuốn sách sắp tới phát hành một cách rộng khắp nhưng lại không hề bị lưỡi kéo kiểm duyệt gây rắc rối. Huy Đức là nguời đầu tiên và chắc chắn không phải là cuối cùng tận dụng lợi thế khoa học kỹ thuật này.
“Bên thắng cuộc” vừa ra đời một ngày đã tạo tiếng vang lớn khi nhiều tiếng nói uy tín giới thiệu nó một cách trân trọng, trong đó có bài viết của Giáo sư Trần Hữu Dũng, hiện giảng dạy tại đại học Wright thuộc tiểu bang Ohio Hoa Kỳ. GS Dũng cũng là chủ website Viet-Studies có luợng người vào xem rất lớn. Chia sẻ với chúng tôi về cuốn sách ông cho biết:
Tôi thấy cuốn sách có rất nhiều chi tiết và thông tin nào cũng hay cả! Nhưng nếu đưa cho người khác đọc thì có thể họ lại cho rằng cuốn sách này không phân tích tổng quan nên những học giả hàn lâm họ sẽ chê cuốn sách chỗ đó. Đối với tôi thì chuyện ấy sau này Huy Đức có thể làm được, viết một cuốn sách riêng để phân tích những sự kiện nào đáng nhất.
Có nhiều anh em cũng cho rằng Huy Đức nên viết lại, chia các chi tiết ra thì cuốn sách sẽ hay hơn. Nhưng muốn làm như vậy thì phải nhiều năm nữa mà Huy Đức không có thời gian. Cuốn sách phải ra liền không thể trễ hơn nữa. Hãy xem cuốn sách này như một nguồn tài liệu vì vậy nó rất tốt chứ không phải một cuốn viết về sử theo như cách hàn lâm.
Có một điều rất hay, đó là tôi hỏi Huy Đức, khi Huy Đức phỏng vấn những người trong cuốn sách này thì họ có biết rằng Huy Đức viết sách hay không? Huy Đức nói là biết! Thành ra tôi không hiểu tại sao mà họ tin cẩn Huy Đức để mà nói những điều như vậy trong khi biết rằng Huy Đức dùng những lời nói của họ để viết sách? Huy Đức rất cẩn thận và đức tính này rất hay.”
Ba muơi tháng tư
“Bên thắng cuộc” có thể nói là một cẩm nang cho những ai muốn biết về các sự kiện xảy ra tại Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 tới nay. Tác giả đã bỏ công hàng chục năm để phỏng vấn hàng trăm người trong cuộc. Tác giả cũng sử dụng tư liệu từ nhiều nguồn trong đó chủ yếu là các hồi ký của những người có dính đến cuộc chiến tranh Việt Nam hay tham gia vào guồng máy chính trị của chế độ hiện nay.
Điều quan trọng nhất mà Huy Đức có được nhưng nhiều nhà báo khác không có đó là vào năm 2005-2006 anh được sang Mỹ du học tại tiểu bang Maryland và phỏng vấn hàng trăm người khác để kết nối với những điều anh đã thu thập từ trong nước.
Lượng thông tin kếch xù này được Huy Đức xử lý một cách khôn ngoan qua bút pháp chừng mực, dẫn người đọc tới cánh cửa bí ẩn mà người ta tin rằng trong thế giới cộng sản khó có người thứ hai làm được như anh.
Huy Đức không phải là một nhà viết sử vì vậy “Bên thắng cuộc” không thể là một cuốn sách lịch sử theo lối hàn lâm. Mặc dù vậy nó vẫn có thể dùng vào việc tra cứu sự kiện lịch sử xảy ra trong nhiều năm nhất là giai đoạn sau ngày 30 tháng 4. Mức độ chính xác và khả tín của “Bên thắng cuộc” có thể làm người sử dụng nó yên tâm vì nhân chứng hầu hết đều còn sống và họ sẵn sàng chịu trách nhiệm những gì họ cung cấp.
Nhà báo Huy Đức, ảnh chụp trước đây.
Photo courtesy of Osinbook.
Bắt đầu bằng chương 30 tháng 4, Huy Đức lần luợt mang ra ánh sáng những câu trả lời về trại cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền, rồi vượt biên, nạn kiều cũng như các cuộc chiến tranh khác sau năm 1975. Những góc cạnh Huy Đức đưa ra so với kinh nghiệm của hàng triệu người từng sống và chịu sự dày xéo, sai lầm của chế độ vẫn còn nguyên những yếu tố hấp dẫn bởi anh đào sâu chi tiết từng mảng đời, hoàn cảnh như một tác phẩm văn chương để từ đó người đọc cảm thấy như đọc lại chính mình.
Bên cạnh các vấn đề kinh tế chính trị, Huy Đức khéo léo lồng vào những mối tình có thật, bị chà đạp, ngăn trở do ý thức hệ hay lý lịch khiến “Bên thắng cuộc” trở nên đa dạng và sống động hơn rất nhiều so với loại sách khô khan chỉ viết và bình về các biến cố lịch sử.
Quen biết nhiều quan chức cao cấp của chính phủ qua những lần tác nghiệp cộng với mối xã giao rất rộng khiến Huy Đức có cái nhìn bao quát xã hội và anh mang hơi thở đậm đặc mồ hôi ấy vào tác phẩm khiến những biến cố lớn đều có chất người, chất thời sự báo chí qua từng trang viết của anh.
Tự sát hay Tuẫn tiết?
Huy Đức tập hợp dữ kiện và phân phối chúng một cách thông minh khiến người đọc không có thời gian bỏ cuốn sách xuống để làm việc gì khác. Bên cạnh đó, điểm Huy Đức thuyết phục người đọc nhất là tâm thức nhân bản của anh.
Người ta không lạ gì các bài viết mang tính “lịch sử” lại chỉ kể về những thất bại của đối phương và xem những người lính phía bên kia là kẻ thù, kể cả khi họ đã buông vũ khí để trở về với làng mạc, đồng lúa Việt Nam. Sự quen thuộc ấy không được lập lại trong “Bên thắng cuộc”, Huy Đức nhìn người lính cả hai bên trước nhất là những con người, mọi dị biệt về tính tình hay cách ứng xử đều thuộc về cá nhân để từ đó anh thật sự sống cùng và nghiền ngẫm từng trường hợp xảy ra để viết.
Trong chương 1, Ba mươi Tháng Tư, Huy Đức đặt một tiểu tựa khiến người đọc ngỡ ngàng. Họ ngỡ ngàng vì biết tác giả là người trưởng thành từ bên kia nhưng dùng hai chữ Tuẫn Tiết đặt cho câu chuyện của các tướng lãnh bên này tự kết liễu đời mình trong ngày chế độ sụp đổ.
Các tướng lãnh như Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ hay Đại tá Đặng Sĩ Vinh lần lượt kết liễu đời mình trước sự chứng kiến của thuộc hạ hay vợ con dưới cái nhìn của Huy Đức là một sự tuẫn tiết.
Những người chấp nhận kết liễu đời mình như thế chỉ có thể dùng hai chữ “tuẫn tiết” chứ không thể có từ nào hay hơn.
Một điểm quan trọng nữa, Huy Đức viết: “Nhưng đấy vẫn chưa phải là những phát súng cuối cùng của cuộc chiến tranh. Nhiều quân nhân vô danh vẫn tìm đến cái chết trong những ngày sau đó”.
Trong “Bên thắng cuộc” người đọc tại Việt Nam, nhất là những bạn trẻ sẽ phát hiện ra nhiều nhân vật đang sống chung quanh mình đã và đang đi vào lịch sử, mặc dù không chắc hình ảnh của họ là sáng hay tối.
Ông Hồ Ngọc Nhuận là một trong những người như thế.
Những khuôn mặt lịch sử
Huy Đức kề lại cuộc trao đổi giữa dân biểu Hồ Ngọc Nhuận và Đại tướng Dương Văn Minh trước giờ Sài Gòn thất thủ. Câu chuyện có thể do chính ông Nhuận kể lại bởi ông thuộc thành phần thứ ba, vẫn sống và mới đây xuất hiện tại Sài gòn lên tiếng trong việc biểu tình chống Trung Quốc.
"Bên thắng cuộc" phiên bản Kindle bán trên trang web Amazon. Screen capture.
Hình ảnh ông Hồ Ngọc Nhuận sống động trên các trang mạng khiến câu chuyện của Huy Đức kể đậm đặc thêm tính thời sự. Nó rất khác với những trang sử cố vẽ lại sự kiện nhưng thiếu người ngồi mẫu. Câu chuyện của Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Đặng Đình Đầu, Huỳnh Bá Thành cùng hàng trăm người khác đã làm cho cuốn sách có lực hút của một hành tinh.
Một nhân vật khác nổi bật lên trong Đảng Cộng sản Việt Nam là Tổng bí thư Lê Duẩn. Huy Đức đã lặn lội không biết bao nhiêu cây số để theo dõi từng bước chân của ông từ Nam ra Bắc cũng như các nước cộng sản anh em. Mỗi một sự kiện, Huy Đức tìm đến một nguồn khả tín để mang ra công luận những gì chưa biết hay chưa trọn vẹn về nhân vật này.
Theo Huy Đức thì Lê Duẩn rất ghét Trung Quốc. Các vụ đi đêm với Mỹ đã khiến ông này nổi giận và trở nên gay gắt thẳng thừng với Chu Ân Lai, trách móc họ Chu đã phản bội Việt Nam. Lê Duẩn cũng là người có đôi tai tình báo thính như tai thợ săn trong đêm tối. Ông từng nói với vợ là Hoa Kỳ hứa với Trung Quốc sẽ không động tĩnh gì nếu Bắc Kinh tấn công Hoàng Sa, khi ấy còn trong sự kiểm soát của chính phủ Sài Gòn.
Vậy mà Lê Duẩn vẫn không thoát nỗi cái bẫy mềm mại của Trung Quốc, đó là những đồng tiền viện trợ đánh Mỹ nhiều đến nỗi sau khi chiến thắng vẫn còn lại 50 triệu Mỹ kim trong két của B29 và 51 triệu Mỹ kim khác của chiến trường B2 và Khu 5 vẫn chưa xài tới.
Nếu câu chuyện của Tổng bí thư Lê Duẩn là thâm cung bí sử thì Công hàm ngoại giao năm 1958 do Phạm Văn Đồng ký phải thuộc trách nhiệm của nhiều người, trong đó có ông Hồ Chí Minh và Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trách nhiệm này không thể quy cho một mình Thủ tướng Đồng khi bên cạnh ông còn quá nhiều người có khả năng lũng đoạn một người hay một nhóm.
Phương án II
Trong chương Nạn kiều, Huy Đức góp phần bạch hóa câu chuyện tổ chức cho Hoa kiều vượt biên để gom vàng của nhà nước. Dẫn lời ông Nguyễn Đăng Trừng, phó Phòng chống phản động bành trướng bá quyền, Phương án II là tên gọi của tổ chức cho Hoa Kiều Vượt biên nhằm đưa “đối tượng ra khỏi điểm nóng”. Đối tượng là người Hoa, điểm nóng là cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc gần kề. Biết bao nhiêu thảm cảnh đã xảy ra trong cái gọi là Phương án II này. Huy Đức ghi lại hoàn cảnh của các nạn nhân Hoa lẫn Việt qua các câu chuyện có thực của người kể.
“Bên thắng cuộc” ghi lại: “Người di tản được đóng vàng để công an mua thuyền hoặc đóng thuyền cho đi mà không sợ bị bắt hay gây khó khăn. Việc thực hiện Phương án II chỉ do ba người là bí thư, chủ tịch và giám đốc công an tỉnh quyết định. Công an được giao làm nhiệm vụ đứng ra thu vàng và tổ chức cho người di tản”.
Gấp cuốn sách lại là một chương khác mở ra trong lòng người đọc: một thời kỳ biến động của đất nước đã khuấy động sự trầm lắng mà nhiều người muốn quên sau hơn bốn muơi năm nhọc nhằn, thao thức cùng dân tộc. Huy Đức đã đốt lên ngọn lửa trong đêm dài để soi rọi những mất mát thực sự của đất nước, con người. Đọc “Bên thắng cuộc” để biết rằng từng có những mảnh đời như thế. Họ bị bạc đãi, bị vùi dập và tâm hồn họ rách rưới tả tơi ngay cả khi được sống và định cư ở nước ngoài.
Trong lời nói đầu, Huy Đức chia sẻ:
“Rất nhiều thế hệ, kể cả con em của những người đã từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, sau ngày 30-4-1975 đã trở thành sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Nhiều người không biết một cách chắc chắn điều gì đã thực sự xảy ra thậm chí với ngay chính cha mẹ mình.
Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ kể lại những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền... Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, và về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để dành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc.
Đây là công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật.”
Vì khao khát tìm kiếm sự thật nên “Bên thắng cuộc” không thể xuất hiện công khai tại Việt Nam. Thực tế cho thấy nó đang lưu lạc trên khắp thế giới tới nơi nào có người anh em của nó. “Bên thắng cuộc” sẽ mãi mãi đứng ngoài mảnh đất mà nó yêu thương để mỗi đêm thủ thỉ bên tai người đọc những câu chuyện đắng lòng về một đất nuớc liên tục gặp bi kịch trong các cuộc chiến mà căn cước kẻ chiến thắng vẫn rất mù mờ.
Có một điều chắc chắn rằng mặc dù Việt Nam có rất nhiều giải thưởng được cho là cao quý để trao tặng những cuốn sách độc đáo, thế nhưng không giải thuởng nào đủ giá trị để trao cho “Bên thắng cuộc”.
Vì nó quá lớn.
Và chứa đầy máu cũng như nước mắt của toàn dân tộc.
một nửa sự thật chắc chắn không là thật vì tự nói về mình thì không thể thật 100% nhất là csVN . như Trần Dân Tiên với " vưà đi đường vưà kể chuyện " là do HCM tự ca tụng mình .
Trả lờiXóaBTC khách quan mà nói chỉ đọc để tham khảo , chưa có thể có giá trị lịch sử được vì thiế nhiều yếu tố căn bản , có tính cách quyết định:
-yếu tố thời gian , thời hiệu 100 năm sau khi những pháp nhân được nóio đến không còn có thể chi phối sự kiện , hoặc đã ra đi vĩnh viễn
-yếu tố nhân vật , nói về những sản phẩm xã hội ,thành tích , thành quả , lỗi lầm cuả chính mình , người thân cận của mình . làm sao thật được . nhất là đối với cs là lấy dối trá làm nền tảng , lừa bịp là đảng tính .điều này đã được đánh giá qua thực tế sau khi toàn bộ hệ thống cs quốc tế sụp đổ trên thế giới .