Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

PHẠM THANH NGHIÊN - Lan Man từ chuyện Câu Tiễn đến đền Preah Vihear







PHẠM THANH NGHIÊN - Lan Man từ chuyện Câu Tiễn đến đền Preah Vihear



.
Khi giải tán cuộc biểu tình ôn hòa đầu tiên của người dân Hà Nội ngày 9-12-2007 chống bá quyền Trung Quốc (và nhiều cuộc biểu tình sau này), công an cộng sản Việt Nam đã loa rằng: “Việc này của đảng và nhà nước, để đảng và nhà nước lo, để đảng và nhà nước đòi”. Ngoài việc “loa” công khai giữa cuộc biểu tình, công an còn “mời” hoặc triệu tập những người yêu nước lên trụ sở để giải thích (thực chất là răn đe) rằng: “Trung Quốc mạnh, ta yếu, phải biết lùi. Phải tạm thời nhún họ. Yên tâm! Kiểu gì cũng lấy lại được những gì đã mất. Cho nên đừng dại mà gây rối”.


Có nghĩa là chính quyền cộng sản Việt Nam hoàn toàn biết ta đã mất, đang mất những gì. Ở đây, chỉ phân tích hai ý trong lời vỗ về, hứa hẹn của công an cộng sản Việt Nam.


Họ khẳng định ta (chỉ chính quyền cộng sản Việt Nam) yếu, Trung Quốc mạnh, phải biết lùi, biết nhún. Tức các ông cầm quyền không hề hèn, không hề “bán nước” như một số nhân vật đối kháng hay những trang báo “lề dân” nhận định. Mà họ đang dùng chiến thuật “nghị hòa để cứu nước”, hoặc “lùi một bước tiến ba bước”. Hay hiểu nôm na rằng, cứ để đối phương “tạm thời” cướp và hả hê với chiến thắng, ta “ngấm ngầm” chuẩn bị lực lượng cho lớn mạnh, chờ khi có cơ hội, nhân lúc địch thiếu cảnh giác, ta tấn công đòi lại những thứ chúng đã cướp (Thế là hoàn thành sứ mệnh một cách đơn giản). Chiến thuật này là một trong những kế dụng binh được một số mưu lược gia thời cổ áp dụng khá thành công.


Xin mượn một chuyện cổ để minh họa và để “ôn cố tri tân”:


Khi Việt Vương Câu Tiễn đại bại trước đại binh của Ngô Vương Phù Sai, ông này đã phải tính kế sách “nghị hòa cứu nước”, chấp nhận sống thân phận con tin ba năm ở nước Ngô, chịu đủ thứ gian khổ, tủi nhục. Trong cuốn “Những mẩu chuyện lịch sử Trung Quốc” có đoạn viết: “Vợ chồng Câu Tiễn mặc y phục tội phạm, nước mắt giàn giụa, quỳ trước Ngô Phù Sai ngỏ ý đầu hàng và một dạ trung thành với nước Ngô”. Trong thời gian làm con tin, có hai nỗi nhục mà Câu Tiễn đã nếm trải, khiến bản thân ông ta phải than rằng “không còn muốn sống”. Lần thứ nhất, đích thân ông phải đi bộ, dắt ngựa cho Phù Sai cưỡi đi chơi trước sự giễu cợt, khinh bỉ của dân chúng nước Ngô. Lần thứ hai, ông phải “dùng lưỡi nếm phân” để bắt bệnh cho Ngô Vương. Mọi việc làm của ông ta đã lấy được sự tin tưởng tuyệt đối của Ngô Vương. Cuối cùng, sau ba năm, Câu Tiễn thoát thân phận nô lệ, trở về cố quốc.


Về nước, Việt vương Câu Tiễn đẩy mạnh việc xây dựng quốc gia, đưa nước Việt tiến lên con đường giàu mạnh, tích cực chuẩn bị chiến tranh để tấn công nước Ngô, trả mối nhục quốc thể. Sau khoảng mười năm chuẩn bị từ khi về nước, Câu Tiễn đã tiêu diệt được nước Ngô, thu về vô khối chiến lợi phẩm cho nước Việt, bản thân Phù Sai phải tự vẫn vì cầu hòa bất thành.


Trở lại chuyện bên ta. Bản Hiến Pháp nước CHXHCN Việt Nam (thời Lê Duẩn), trong phần “lời nói đầu” đã chỉ đích danh Trung Quốc là “bọn bá quyền Trung Quốc” (được hiểu là kẻ thù của Dân tộc). Rõ ràng, chính giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam hơn ai hết hiểu rất rõ dã tâm thôn tính nước ta về mọi mặt của Trung Cộng. Nhưng rồi, “nhận thức” trên của lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã thay đổi, thể hiện bằng việc bỏ đi cụm từ “bọn bá quyền…” trong bản hiến pháp năm 1992. Tệ hại đến mức, đến nay, kẻ thù của Dân tộc nghiễm nhiên trở thành “ông bạn quý” lấp lánh mười sáu chữ vàng với tinh thần bốn tốt: “láng giềng tốt, đ…tốt, …tốt, …tốt”. Những khẩu hiệu, cụm từ hoa mỹ được nở rộ trên môi trên miệng của các vị lãnh đạo cộng sản Việt Nam ở bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ thời điểm nào khi nói đến Trung Quốc. Cảm thấy như thế còn chưa lột tả hết thiện ý, các báo đài cùng cả hệ thống truyền thông, ra rả ca ngợi mối tình thủy chung son sắt (!) của hai nước Việt- Trung. Họ nhồi cho con nít cũng phải thuộc nằm lòng, còn người lớn phải… chướng bụng mửa ra.


Nhận thức của “ta” thì thay đổi, vậy nhận thức của “địch” có thay đổi cho tương xứng với mười sáu chữ vàng hay không? Người viết bài này không có tham vọng “thống kê” các tội ác, hành động của Trung Cộng trong đó bao gồm cả sự thỏa thuận, tiếp tay của phía Việt Nam trong chính sách xâm chiếm của họ vì đã có quá nhiều nhà nghiên cứu, bậc trí thức hay những người quan tâm đến vận mệnh của đất nước phân tích, đánh giá và phản ánh. Dưới đây, chỉ xin nhắc lại một vài sự kiện, lấy mốc thời gian từ năm 1958 đến nay để minh họa cho ý kiến của mình.


Năm 1958, ông Phạm Văn Đồng đã đại diện cho ĐCS Việt Nam ký bản Công Hàm chấp nhận và tán thành Bản tuyên bố của ĐCS Trung Quốc về bề rộng lãnh hải của Trung Quốc bao gồm Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.


Năm 1979 Trung Quốc đem quân sang “Dạy cho Việt Nam một bài học” gây ra cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu.


Tháng ba năm 1988, đánh chiếm thêm 7 đảo và bãi đá của ta ở Trường Sa.


Hiệp định biên giới trên đất liền VN-TQ tháng 12/1999 và hiệp định phân định lãnh hải VN-TQ một năm sau đó đã làm mất gần một ngàn cây số vuông dọc biên giới Việt-Trung. Thác Bản Giốc và Ải Nam Quan cùng một phần Vịnh Bắc Bộ đã được cống hiến cho Bắc Triều.


Năm 2007, xây dựng khu hành chính Tam Sa để quản lý Trường Sa và Hoàng Sa của ta. Liên tiếp những hoạt động xâm chiếm công khai được phía Trung Quốc thực hiện ngang nhiên.


Do lú lẫn tình nguyện tròng cổ vào cái xiềng XHCN, phía “bạn” còn rất dễ dàng thôn tính cả các lĩnh vực từ chính trị, văn hóa đến kinh tế…


Đồng bào trong nước cũng như cộng đồng người Việt tại hải ngoại đã dấy lên làn sóng quyết liệt phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc và cảnh tỉnh nhà cầm quyền Việt Nam nhưng suốt mấy năm qua, chính quyền VN không những không lấy lại được những gì đã mất mà còn tiếp tục để Trung Quốc lấy đi những gì mà chúng ta còn lại! Họ không những không trân trọng những tiếng nói yêu nước mà còn gia tăng đàn áp bằng cách bỏ tù, sách nhiễu, khủng bố, đánh đập… những ai dám động chạm đến “ông bạn vàng” của họ.


Rõ ràng mấy ông lãnh đạo cộng sản Việt Nam không phải đang dùng kế “nghị hòa cứu nước”, chịu nhục trước mắt (chấp nhận cho bọn quan chức cấp thấp Trung cộng tiếp cấp cao cộng sản Việt Nam) để báo thù sau này. Câu Tiễn xưa chỉ giả vờ thuần phục (tạm thời) để nuôi kế báo thù. Ông ta cũng chỉ mất khoảng một thập kỷ là hoàn thành sứ mệnh vì đã có kế hoạch định sẵn. Một mình Câu Tiễn chịu nhục, trong khi cả dân tộc đồng lòng, chờ mệnh lệnh của ông ta tấn công đánh giặc.


Mấy ông công an tự xưng đại diện cho đảng, nhà nước hứa với tôi sẽ lấy lại được những gì đã mất nhưng, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, đất vẫn mất, biển đảo vẫn mất, con dân Việt Nam vẫn phải chết oan ức trên biển của Tổ Quốc mình, nỗi nhục quốc thể cả Dân tộc vẫn phải mang nặng. Đến bao giờ…! Nhìn sang hai nước trong khu vực là Thái Lan và Cam-pu-chia, thấy thẹn và… thèm.


Tôi không định cổ xúy cho xung đột, cho chiến tranh. Cũng không định bình luận hay kết luận chủ quyền của ai tại ngôi đền tranh chấp Preah Vihear. Nhưng ít ra, lãnh đạo của cả hai quốc gia này đều hiểu rõ giá trị tinh thần mà họ mang lại cho người dân. Công dân của họ cảm thấy yên tâm khi thấy mình thật sự được tôn trọng và được bảo vệ. Hoặc chí ít, không bị chính quyền coi là kẻ chống đối nếu hô: “Preah Vihear là của Thái Lan”, “Preah Vihear là của Cam-pu-chia”. Ngôi đền Preah Vihear có thể mang nặng giá trị về tín ngưỡng, tinh thần hơn là giá trị kinh tế, nhưng cả Thái Lan lẫn Cam-pu-chia đều không muốn mất. Điều gì khiến hai nước tranh chấp kéo dài suốt cả thế kỷ qua và gia tăng trong những năm gần đây? Tất nhiên có nhiều nguyên nhân mà một công dân ở một nước láng giềng như tôi, hạn chế về thông tin cũng như hiểu biết có hạn không thể tường tận được. Song cũng xin mạo muội mà bày tỏ suy nghĩ đơn giản rằng: Phải chăng, lãnh đạo của họ muốn ngăn chặn những thứ sẽ mất trong tương lai khi hai bên đều nhìn thấy nguy cơ nếu để mất ngôi đền? Đứng trước sự lựa chọn khó khăn, không để đối phương “được đằng chân lân đằng đầu”, dẫn đến nhiều hệ lụy về sau đời con cháu gánh chịu. Không vô lý khi cho rằng, giới lãnh đạo hai nước đã chấp nhận xung đột “tạm thời”, hòng tìm kiếm cơ hội cho cả hai bên. Bởi vấn đề này đã được đưa lên Tòa án Quốc tế vì Công lý. Khi binh sĩ hai bên đã nã súng vào nhau, lập tức cả phía Thái Lan lẫn Cam-pu-chia đều tiến hành các biện pháp ngoại giao nhằm ngăn chặn chiến sự leo thang.


Trong một thế giới bị chi phối bởi những mối quan hệ đa phương, song phương phức tạp, cộng thêm các vấn đề về chủ quyền và lợi ích Dân tộc, giải pháp cho tất cả các bên liên quan rất khó khăn nhưng không phải không thực hiện được. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là quyết định sáng suốt của nhà cầm quyền. Người lãnh đạo cho dù có là thiên tài thì ông ta cũng tự làm ngu mình nếu coi thường ý kiến của người dân, nguy hiểm hơn là coi dân là kẻ thù. Điều đó mang mầm mống của sự diệt vong.


Người Thái Lan và người Cam-pu-chia không chịu mất ngôi đền với diện tích nhỏ bé Preah Vihear. Chẳng nhẽ người Việt chúng ta cứ để mất dần những gì cha ông để lại mà không làm được gì sao?


Ngày hôm nay là tấm hộ chiếu Trung Quốc in hình lưỡi bò, ngày mai có thể đến lượt hình Tháp Rùa Hà Nội, hay chợ Bến Thành xuất hiện lên đâu đó trong tấm bản đồ Trung Quốc. Và để đối phó với những tiếng nói yêu nước, biết đâu trong một chuyến “đi đêm”, lãnh đạo cộng sản Việt Nam lại cầu cạnh rằng: “Ông anh vừa vừa hoặc cầm chừng cho thằng em nhờ. Bọn dân ngu khu đen trong nước phản đối ghê quá, em không thể làm ngơ mãi được”. Thế là lãnh đạo Trung cộng đành tặc lưỡi mà rộng lượng phán rằng: “Thôi chú mày cứ cho bọn ngư dân ra biển đánh cá, anh sẽ tạm thời không bắn giết gì hết. Nhưng nhớ là phải dẹp ngay bọn to mồm nhé. Phải thiến hoạn hết chất anh hùng của chúng nó, dạy cho chúng sống kiếp tôi đòi như các chú ấy. Có như thế, anh mới cứu được chú. Có mỗi thế mà chú mày cũng không làm nổi”. Cuộc “mặc cả” xong xuôi, bà con ngư dân Việt Nam ra biển không bị mất mạng (tất nhiên chỉ một thời gian nhất định nào đó thôi, khi Trung cộng có kế hoạch mới thì coi như lời hứa kia hết hiệu lực). Lãnh đạo cộng sản Việt Nam sẽ được thể lên mặt với nhân dân rằng: Đấy là do chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo của ta nên ngư dân mới được yên tâm ra biển. Thể hiện trí tuệ đỉnh cao của đảng và nhà nước v.v… và v.v… Bọn “chống đối” không còn cơ hội lên tiếng, bọn khác đang trên đà nhận thức lại sẽ không có cơ hội nghi ngờ, sẽ phải tin và khen đảng rối rít. Rồi ra sẽ tự ân hận vì chót nghi ngờ đảng, chuộc lỗi bằng cách mắng mỏ chửi rủa bọn “phản động”, bọn “gây rối”.


Việt Nam không phải không có hay không còn cơ hội lấy lại những gì của chính mình. Nhưng phải dựa vào sức mạnh của Dân tộc, dựa vào bằng chứng lịch sử và Luật pháp Quốc tế chứ không phải bằng con đường “đi đêm” của lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Chừng nào những người yêu nước còn bị bỏ tù, chừng nào đảng cộng sản Việt Nam còn cầm quyền thì sẽ có ngày nhân dân Việt Nam phải sống lưu vong trên chính mảnh đất quê hương của mình. Và nguy cơ về một Dân tộc lưu vong sẽ thành hiện thực.
.

Hải Phòng, tháng 12/2012


Phạm Thanh Nghiên


Tác giả gửi cho blog Nguyễn Tường Thụy





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét