Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

PHƯƠNG BÍCH - CUỘC CHIẾN KHÔNG CÂN SỨC





PHƯƠNG BÍCH - CUỘC CHIẾN KHÔNG CÂN SỨC




I.    Đêm trước ngày biểu tình 9/12,


Buổi tối, khi anh trai lên tập cho bố như thường lệ, anh tôi bảo chủ tịch phường có thăm dò qua anh tôi về cuộc biểu tình ngày mai. Tôi cũng thấy lạ vì sát nút rồi mà không thấy chính quyền đả động gì, đang mừng thầm vì có vẻ họ ủng hộ cho cuộc biểu tình này. Cũng nghĩ chỉ là họ hỏi chiếu lệ, nên tôi chủ động gọi cho anh cảnh sát khu vực (CSKV), nói tôi sẽ đi biểu tình và nhớ là đừng có vào thuyết phục tôi đấy.


Chưa đầy 10 phút sau, CSKV cùng chủ tịch phụ nữ phường, tổ dân phố lại gõ cửa nhà tôi. Toàn những người quen cả, mà tôi cứ hay cả nể, không nỡ từ chối không cho họ vào nhà. Sau một hồi một bên thì cứ chị hết sức thông cảm, chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ, một bên thì cứ tôi hiểu rồi, ghi nhận rồi, rốt cục anh CSKV cũng đọc cái biên bản làm việc (mặc dù vào thời điểm đó chả có sự vụ gì xảy ra trong nhà tôi cả). Tôi yên lặng lắng nghe phần thủ tục, nhưng khi anh SCKV đọc đến câu: “đề nghị chị Phượng không được đi tụ tập gây rối” là tôi giơ tay stop liền.


- Xin lỗi anh, anh có thể dừng biên bản tại đây vì tôi sẽ không nghe thêm một lời nào nữa. Thứ nhất ở tuổi tôi mà anh cho rằng tôi lại đi tụ tập gấy rối như thế là xúc phạm tôi. Thứ hai, anh cho việc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược là một hành động gây rối là không thể chấp nhận được. Tôi sẽ không tranh cãi với các anh chị, nhưng muốn nói thêm là các anh chị muốn nghĩ gì thì nghĩ, nhưng việc các anh các chị nói và nghĩ như vậy là hết sức vô trách nhiệm.


Tôi không còn giữ được thái độ vui vẻ thân thiện ban đầu nữa, cũng không to tiếng gay gắt nhưng tôi rất dứt khoát. Lúc trước tôi có hỏi, các anh các chị có biết những hành động gây hấn, xâm lược của Trung Quốc không? Cá nhân các anh các chị nghĩ thế vào về việc đó?


Dù biết trước là họ sẽ trả lời thế, rằng để đảng và nhà nước lo, rằng phải tin vào đảng và nhà nước, rằng đã có hẳn một bộ ngoại giao người ta lo việc đó rồi, cá nhân mình làm được gì mà đi biểu tình – tôi vẫn không khỏi chua chát về suy nghĩ của những người mang tiếng là học cao hiểu rộng hơn tôi.


Tôi nói rằng không có một quy định nào bắt buộc người dân phải tin vào đảng và nhà nước. Việc bảo vệ danh dự và sự an nguy của đất nước không phải là độc quyền của đảng và nhà nước, một mình đảng và nhà nước không thể cáng đáng nổi việc này đâu. Và cách suy nghĩ để đảng và nhà nước lo là hết sức vô trách nhiệm. Thử hỏi riêng việc chống tham nhũng, đảng và nhà nước đã lo được chưa? Khi có chiến tranh, một mình đảng và nhà nước có lo được không nếu không dựa vào sức dân?


Gay gắt chút thế thôi. Họ cũng không có ý định ép buộc tôi. Anh CSKV gấp tờ biên bản lại và tất cả đứng dậy chào tôi ra về. Lại vui vẻ bắt chân bắt tay tạm biệt nhau với mấy lời : chị hết sức thông cảm, chúng tôi không hề muốn thế.


II.  Đất nước không thể đứng lên?


Tôi lại có cảm giác hồi hộp khó tả. Lo thì ít mà buồn nhiều hơn. Cảm thấy việc lên tiếng bảo vệ cái thiện, chống lại cái ác thời này sao khó khăn, gian truân đến thế. Hơn 12 giờ đêm quyết định đi ngủ, để giữ sức cho ngày mai mà tôi linh cảm rằng, sẽ chẳng kịp về nhà vào buổi trưa như thường lệ.


Hơn 5 giờ sáng hôm sau tôi đã tỉnh giấc. Một giấc ngủ không yên, trằn trọc và đầy mộng mị. Mơ thấy người ta vào nhà tôi “ăn vạ”, canh không cho tôi đi biểu tình, tranh cãi quyết liệt.


Tôi không nằm rốn mà trở dậy, vào mạng xem tin tức, chia sẻ đôi ba điều rồi quay ra chuẩn bị bữa sáng trái lệ cho bố. Bố cũng đã dự liệu sẽ bị muộn bữa tối, nên bảo tôi đem hộp bánh bích quy để cạnh giường cho bố ăn trừ bữa, phòng khi tôi không về kịp chuẩn bị bữa tối. Đang loay hoay trong bếp, thoáng thấy bóng người lướt qua cửa sổ, tôi mở cửa ngó ra thì thấy hành lang đầy người, họ nhỏm cả dậy khi thấy tôi mở cửa, lần này có thêm cả lực lượng thanh niên trẻ măng.


Tôi thoáng chút ân hận là không nghe lời rủ rê của mấy người bạn, đi “dạt vòm” từ đêm hôm trước. Chỉ thoáng chút thôi, vì tôi không cho giải pháp này là hay với trường hợp của mình. Tôi muốn công khai, trực diện với họ, khẳng định cái quyền của mình chừng nào có thể (cho đến khi họ cũng buộc phải công khai, nói rằng người dân như tôi chả có cái quyền gì cả).


Cả trưởng phó công an phường đều có mặt, cứ bắt tay tôi thật chặt, cười nói cứ như họ chưa hề lập hồ sơ đòi giáo dục tôi, cứ như chúng tôi vốn là những người bạn thân thiết lâu năm vậy. Tôi biết họ nịnh nọt tôi thế chỉ để tôi ở nhà là họ hoàn thành nhiệm vụ. Và tôi cũng biết, một khi họ đã quyết liệt ngăn cản tôi thế này, tôi có ra ngoài kia thì họ cũng sẽ lại hốt tôi ngay trước khi tôi có thể nhập vào đoàn biểu tình. Tôi bảo họ:


- Các anh có thể dùng số đông (ở đây) để ngăn được tôi, nhưng cuộc biểu tình hôm nay dư luận quốc tế người ta đều biết cả, người ta đang nhìn vào các anh đấy.


Ừ! Họ thì cần biết gì đến quốc tế, đến thể diện quốc gia. Họ chỉ cần biết cấp trên bảo sao nghe vậy. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, có thể họ sẽ bị cắt lương cắt thưởng, bị khiển trách, rồi con đường quan lộ của họ sẽ bị ảnh hưởng...


Tôi yêu cầu tất cả rời khỏi hành lang nhà tôi, chỉ để một người vào nhà tôi (tôi rất thiện chí đấy chứ). Bọn họ đồng ý nhưng lại ém ở cầu thang, và ở một nhà cuối hành lang. Khi tôi phát hiện ra, lập tức tôi xỏ giầy vào, bảo sẽ đi bằng bất cứ giá nào, lúc đó họ mới rút hẳn. Nhưng tôi biết họ vẫn đứng ngồi quanh đâu đó mà không dám về. (ngần ấy người chỉ để canh một người vô hại như tôi?)


Biết là không đi được, tôi bật vô tuyến cho chị Hội trưởng hội nông dân phường ngồi xem một mình ngoài phòng khách, rồi vào buồng, lên facebook buồn rầu báo tin, nghe ngóng tin tức về cuộc biểu tình.


Những dấu hiệu của sự đàn áp xuất hiện ngay bằng việc phong tỏa, ngăn chặn quyết liệt một số nhân vật. Đêm qua, tôi có đăng một status lên facebook: Nếu ngày mai họ quyết tâm chặn biểu tình, họ sẽ trở thành những tội đồ không thể tha thứ được trong lịch sử.


Và họ đã trở thành những tội đồ của lịch sử!


Những tin nhắn đầu tiên qua điện thoại như một tiếng kêu thảng thốt, chọc vào tim:


- Phương (Nguyễn Văn Phương, chàng thanh niên đọc tuyên cáo trên thềm nhà hát lớn), Lã Dũng bị bắt rồi!


- Họ bắt hết rồi! Lên xe buýt hết rồi!


Gõ vội những dòng thông tin lên facebook. Những cơn nóng lạnh làm tôi run cả người. Tôi đã không nhìn thấy được những hình ảnh của đoàn người đơn độc, xuất phát từ nhà hát lớn rồi đi dọc trên phố Tràng Thi.


Một trận đánh đẹp như viên giám đốc công an thành phố Hải Phòng nói về cuộc cưỡng chế đất của gia đình Đoàn Văn Vươn. Họ chờ cho đoàn biểu tình đi vào con phố nhỏ một chiều để khóa đầu khóa đuôi, cô lập đoàn biểu tình để hốt trọn họ. Chao ôi, nghe cứ như chuyện đánh giặc thời nội chiến. Họ coi người dân như kẻ thù rồi chăng?


Sau này xem cái clip trên mạng, thấy công an chạy rầm rập, triển khai đội hình bắt người mà thương những người biểu tình tay không đến trào nước mắt, vũ khí của họ chỉ là băng rôn khẩu hiệu chống Tàu. Cảm giác thương xót lẫn uất nghẹn trong lòng. Tôi nghe thấy nhiều lắm rồi câu nói: Tổ quốc tôi có bao giờ đau như thế này chăng?


Cô bạn Khánh Trâm (con dâu út của cụ Trần Độ) từ Sài Gòn nhắn tin:


“Hà Nội thế nào? Sài Gòn đã xong!”


Đã xong ư? Mới bắt đầu (chưa đầy 15 phút) mà đã xong rồi ư? Hôm qua, cô ấy còn náo nức nhắn tin, hẹn hò nhau hôm nay Sài Gòn Hà Nội cùng được xuống đường. Đọc cái tin nhắn gọn thon lỏn, tôi như cảm nhận được nỗi đau tê tái trong đó.


Nhà văn Thùy Linh thì thốt lên: “Hôm nay, khi đất nước tôi không thể đứng lên. Thét vào mặt quân xâm lược những lời yêu nước.


Tôi ứa nước mắt vì bất lực! Vì xót thương bạn bè....


Trên mạng dư luận đánh giá ngày 9/12/2012 là một ngày rất đặc biệt, bởi đúng ngày này cách đây 5 năm, ở Sài Gòn và Hà Nội cũng đã nổ ra biểu tình chống Trung Quốc. “Sự kiện 9/12 đã đánh dấu một cuộc vận động mới mang tính nội tại thể hiện sức sống dân tộc, tách rời ý chí áp đặt của chính quyền."  - Bài “5 năm nhìn lại các cuộc biểu tình” của nhà văn Nguyễn Viện.


Một status của Donghailongvuong Mới trên facebook thì nói:


Nếu ngày mai chủ nhật ở 2 đầu cầu Sài Gòn, Hà Nội mà số lượng người đi biểu tình ít hơn so với cách đây đúng 5 năm thì đó là một điều thực sự đáng buồn cho việc thức tỉnh tinh thần dân tộc, họa ngoại xâm của Trung Cộng. Điều này cũng tỉ lệ thuận với sự gia tăng trắng trợn của giặc Tàu trong suốt 5 năm qua.


CS Tàu có thể khinh bỉ, hạ nhục CS Ta nhưng những người dân dù rất bình thường trong cuộc sống cũng không thể để CS Tàu nó coi thường ý chí của dân tộc Việt Nam.


Nó đã khinh dân tộc mình rồi chẳng những cái chuyện mất biển-đảo chỉ là chuyện nhỏ mà bị thôn tính, khống chế nhiều cái khác nữa cơ. Đã và đang và sẽ...


Dù các bạn đã từng đi biểu tình nhiều (hàng nhàu), đi vài lần (có trách nhiệm) và đi 1-2 lần (đi cho biết) và thậm chí là chưa đi bao giờ thì không thể không xuống đường vào ngày mai được. Đừng thoái thác vì bất cứ lý do gì trừ trường hợp bất khả kháng như người thân đi cấp cứu, bị CA khống chế, bản thân đang bị đau-ốm, nhà có con nhỏ phải trông...”


Sự thực đáng buồn đã xảy ra!

Đất nước đã không thể đứng lên!

Đoàn biểu tình đơn độc quá!


Có hơn trăm người dân tay không vũ khí  như thế, chống lại được với cường quyền được chăng mà phải đàn áp, bắt bớ? Quả là một cuộc chiến không cân sức. Qua đó, người ta thấy kinh sợ vì dường như tinh thần phản kháng của cả một dân tộc đã bị tê liệt (hay đã bị triệt tiêu?)


9 giờ cuộc biểu tình bắt đầu. 9 giờ 24 phút người biểu tình đã bị bắt và cuộc biểu tình kết thúc. Trong lúc căm phẫn, có người nói, dân tộc này không xứng đáng để được hưởng tự do, hạnh phúc. Nói như vậy là không nên và oan ức cho rất nhiều người. Tôi nghĩ, con người sống cần phải hy vọng cho đến giây phút cuối của cuộc đời. Chuyện tranh luận còn cả cuộc đời trước mắt, còn bây giờ sang Lộc Hà thôi, ở đó có những người anh em của tôi đang bị giam cầm ở đó.


III Sức mạnh của chính nghĩa và tình đoàn kết.


Một người bạn đèo tôi bằng xe máy sang Lộc Hà. Đây là lần thứ hai, tôi có dịp đến địa danh này. Chỉ khác lần này, tôi là người ở bên ngoài cổng. Từng đóng cả hai vai, nên tôi hiểu cảm giác của cả hai bên. Người bị bắt luôn hiểu bạn bè, đồng đội không một phút nào bỏ rơi họ. Tất cả những người bị bắt đều tin tưởng vào việc mình làm là trong sáng nên không có gì phải sợ. Nhưng tiếc thay cái cần đối phó lại là trò lường gạt của những kẻ ngồi đối diện, trong vai đại diện pháp luật. Họ lừa gạt người già, phụ nữ, dùng vũ lực với thanh niên lăn tay, chụp ảnh để ngụy tạo hồ sơ, gán cho họ cái tội danh thật bỉ ổi là gây rối trật tự công cộng. Vì có một niềm tin tuyệt đối rằng mình vô tội và nắm chắc kiến thức về pháp luật, Nguyễn Văn Phương tuyên bố chỉ có thể chặt rời ngón tay của Phương mới có thể lăn tay Phương như một tội phạm được. Với sức lực của một chàng thanh niên như thế, ngay cả những kẻ võ biền kia cũng trở nên bất lực. Nhưng với những người yếu ớt, họ sẵn sàng bẻ tay bằng được.


Cái quán nước bên kia đường chả hiểu vô tình hay cố ý đóng cửa. Mọi người lang thang, vạ vật quanh đó, ngạc nhiên khi gần trưa thấy nhà báo Đoan Trang một mình thảnh thơi đi ra cổng. Cô ấy kể tóm tắt, rằng sau một hồi đối đáp, cô ấy bị “tống” ra khỏi trại mặc cho cô ấy đòi ở lại chờ mọi người. Nghe câu truyện đối đáp của Đoan Trang rất thú vị. Mặc dù những điều Đoan Trang nói vốn bản thân nó hoàn toàn tuân theo logic, nhưng qua “miệng” một nhà báo điềm đạm và sắc sảo, nó càng thêm sáng tỏ, dễ hiểu hơn. Khổ là vị đại diện pháp luật lại tỏ ra kém cỏi, hoặc cố tình lờ tịt những câu hỏi xác đáng của nhà báo, hoặc chẳng thể trả lời một câu hỏi nào nên hồn, chỉ biết lặp đi lặp lại như một cái máy những câu nói chả ăn nhập gì vào câu hỏi. Có lẽ vì Đoan Trang là nhà báo, lại là báo pháp luật, họ sợ cô ấy đưa lên báo, nên sống chết đẩy cô ấy ra khỏi cửa chăng?


Ăn trưa xong, mọi người kéo nhau ra vỉa hè đối diện cửa trại đứng chờ. Được một lát thì một số người rủ nhau về nhà hát lớn, tranh thủ làm một cuộc biểu tình mini ở đó. Trước khi đi, một nhóm kéo nhau sang trước cửa, hô đòi người, phản đối bắt người biểu tình. Hô một chặp thì một toán hơn chục gã mặc thường phục từ bên trong túa ra, lừ lừ áp sát chúng tôi với vẻ lì lợm đầy đe dọa.


Nhóm có ý định sang nhà hát lớn lên đường, còn lại hai ba người chúng tôi vẫn đứng chờ, để lỡ có ai từ trong đó ra còn nhìn thấy đồng đội.


Quen sống trong một môi trường đơn thuần là cơ quan nhà nước, tôi thực sự không lường được hết những tính cách phức tạp của con người. Đứng giữa những kẻ cũng mang bộ mặt người bình thường, tôi nhận thấy mọi phép tắc lễ nghi thông thường nhất trong cuộc sống mà tôi chứng kiến đều trở thành con số không. Cái hè phố trước đó chả có ai ngoài chúng tôi, giờ đầy nhóc những bộ mặt nhâng nháo. Chúng trơ trẽn áp sát vào bên cạnh chúng tôi, nhòm vào tận mặt, nhìn chúng tôi với những ánh mắt thách thức đểu giả. Chúng tôi nhích ra xa đến đâu, bọn chúng bám theo tới đó. Chúng tôi chuyển sang đứng ở khu vực khác, chúng lại lừ lừ đi theo, đeo bám một cách công khai với vẻ hăm dọa. Tôi không hề sợ gì chúng, nhưng sự có mặt của chúng làm tôi thực sự ngột ngạt, khó thở.


Thời gian nặng nề trôi qua. Khác với lần trước, lần này họ thả từng người một, bắt phải ra khỏi trại ngay. Có lẽ hình ảnh cả đoàn người chúng tôi rộn ràng kéo nhau ra về lần trước làm họ ngứa mắt chăng? Dù họ có làm cách gì thì cứ mỗi khi có người bước ra khỏi trại, bất chấp những cái nhìn hằn học, chúng tôi reo lên chạy lại đón, ôm nhau, hồ hởi bắt tay nhau, hỏi han kể lể.
Người từ Hà Nội sang mỗi lúc một đông, trong số đó có cả giáo sư Ngô Đức Thọ và cụ bà Lê Hiền Đức. Mọi người chuyện trò như pháo rang, lắng nghe câu chuyện của từng người mới được thả. Phẫn nộ nhất là chuyện Nguyễn Văn Phương, Phạm Chính và một số người bị dùng vũ lực một cách hết sức thô bạo khi bị bắt cũng như khi ở trong trại.


Tôi ghê tởm việc dùng vũ lực, càng ghê tởm hơn khi đó là một cuộc chiến không cân sức và không công bằng. Một người lần đầu tiên tham gia biểu tình, tình nguyện lên xe buýt theo bạn đã thẳng thắn chỉ trích sự khuất tất của chính quyền, về việc dùng những kẻ không chính danh (không mặc sắc phục) để bắt người biểu tình. Khách quan nhìn vào, người ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng đó là một đám côn đồ, được thuê mướn. Thậm chí dân phòng cũng có quyền xông ra bắt người biểu tình yêu nước thì quả thật là luật pháp đã đến hồi cáo chung?


Giờ tôi mới hiểu cái thái độ của đám người lạ kia. Có người giải thích, bọn chúng chỉ là đám lính đánh thuê có bảo lãnh không hơn không kém. Có lẽ vậy! Vì chí ít nếu có bộ sắc phục trên người, bọn họ còn có cái để giới hạn những hành động vô văn hóa giống như bất cứ một kẻ lưu manh nào đó. Tôi vẫn nhớ thái độ của viên công an làm việc với tôi trong Lộc Hà ngày 5/8/2012, ít ra anh ta không tỏ ra thô bỉ mà rất hiền lành, lễ phép (hay cười) – mặc dù rốt cục anh ta vẫn vì nhiệm vụ mà lừa tôi lăn tay chụp ảnh. Thật đau lòng khi nghe tôi kể vậy, người nghe cười nhạo tôi, bảo lọc lừa là bản chất của họ mà tôi thì quá ngây thơ (nếu không nói là ngu ngốc) nên mới bị lừa thế!


Xúc động trước việc cụ giáo sư già hơn 80 tuổi lặn lội sang tận Lộc Hà, chúng tôi muốn chụp vài kiểu ảnh làm kỷ niệm. Ngay lập tức, đám “người lạ” chen vào đứng chắn trước ống kính một cách thô bỉ. Khi cụ giáo sư yêu cầu đám người đó tránh ra, chúng bèn tỏ thái độ hỗn láo với cụ khiến tất cả mọi người đều rất bất bình. Tuy nhiên, ai cũng hiểu đó là trò khiêu khích của bọn chúng nên đành phải kiềm chế nhau. Thời buổi mà người tử tế, có học lại phải “sợ” kẻ lưu manh vô học là đến hồi mạt vận rồi chăng?


Ngày sắp hết, vẫn còn hai người chưa được thả. Tất cả chúng tôi lại kéo nhau ra trước cổng trại, hô đòi thả người. Đám côn đồ kia bám theo, không thôi trò khiêu khích. Chưa đầy mươi phút, bỗng dưng một góc sân trở nên huyên náo. Tôi thấy rất nhiều người chen vào can ngăn, nhưng những kẻ mặc thường phục vẫn lôi anh Trương Dũng là người mới được thả ra trở lại bên trong trại. Ai cũng đồ rằng sẽ có đòn đánh hội đồng hèn hạ ở trong đó.


Rốt cục khi hai người cuối cùng đã ra khỏi trại, tất cả chúng tôi lại phải tiếp tục ngồi chờ người mới bị lôi trở lại trong trại. Vậy là mặc dù không bị bắt, tôi vẫn không thể về lo bữa tối cho bố, đành gọi điện bảo bố chịu khó ăn bánh bích quy vậy.


Hơn nửa ngày trời vạ vật, tất cả ai nấy đều vô cùng mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể xác. Toàn thân tôi đau như dần, nhưng không ai nghĩ đến chuyện bỏ về mặc dù trời đã bắt đầu tối. Thú vị nhất là khi chiếc xe ô tô cuối cùng rời khỏi trại, người biểu tình chúng tôi mới nghĩ ra cách, nhất định đứng chặn cửa không cho xe ra khỏi trại khi chưa thả người. Cuối cùng chiếc xe buộc phải lùi trở lại trong sân. Lúc này tôi mới thấy sức mạnh của chính nghĩa và tình đoàn kết là như thế nào.


Tôi không nhớ thời gian chờ đợi là bao lâu, chỉ biết mọi người chợt ồ cả lên hò reo – anh Trương Dũng vừa ra khỏi cổng. Tôi vội chen vào hỏi: có bị đánh không? Nó đánh chứ, nhưng đối với anh, anh nói thật là anh coi khinh...


Mọi người ồn ào chào tạm biệt nhau, huyên náo cả cái khoảng sân trước cổng trại. Người đi xe máy, người đi ô tô, người đi xe buýt, tất cả chúng tôi vui vẻ cười nói kéo nhau rời khỏi Lộc Hà.
Trong bóng tối nhập nhoạng, tôi ngoái đầu lại nhìn đám người đứng lặng lẽ đứng bên cánh cổng hắc ám của Lộc Hà đang nhìn theo chúng tôi. Tôi tự hỏi trong lòng họ cảm thấy có chút nào ghen tỵ? Trong suốt thời gian qua, họ đã chứng kiến cảnh từng người bị bắt trở về trong vòng tay chào đón hân hoan của đồng đội như thế nào. Dám cá rằng khi người của họ gặp nguy hiểm, họ cũng chẳng thể có được tình cảm gắn bó và thân thiết như chúng tôi. Cho dù họ có là lính đánh thuê, máu trong người họ có lạnh, con tim và khối óc của họ là những cỗ máy lạnh lùng, vô cảm, nhưng tôi tin chắc rằng qua những gì họ chứng kiến hôm nay, chắc chắn có một cái gì đó khiến họ sẽ phải suy nghĩ ít nhiều.


Cho dù cuộc biểu tình hôm nay là một cuộc chiến không cân sức và đã bị đàn áp, nhưng nhiều người vẫn cho đây là một thắng lợi, buộc chính quyền phải lộ mặt. Ai đó chớ có nghĩ rằng, khi trở về làm người dân thường, họ có thể rũ bỏ được trách nhiệm cá nhân và đổ tại cho thể chế chính trị này. Hãy nhớ như vậy!






Biểu tình chống Trung quốc năm 2007 ở Hà Nội


Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 9/12/2012


Bắt người biểu tình ngày 9/12/2012 ở Hà Nội



Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 9/12/2012


Bắt người biểu tình ngày 9/12/2012 ở Hà Nội


Biểu tình viên Chí Đức trước sứ quán Trung Quốc ngày 9/12/2012.



PHƯƠNG BÍCH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét