Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

LÊ DIỄN ĐỨC - Tờ Petrotimes của Nguyễn Như Phong: Trí trá hoá ngu







LÊ DIỄN ĐỨC - Tờ Petrotimes của Nguyễn Như Phong: Trí trá hoá ngu



Ngày 2/01/2013, tờ Petrotimes đăng tải bài "Lật tẩy bộ mặt thật của Giải nhân quyền Hellman/Hammett 2012" nhằm bôi xấu hình ảnh 5 công dân Việt Nam được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao Giải thưởng Hellman/Hammett: Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Xuân Hoàng, Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy và Vũ Quốc Tú.


Lặp lại giọng điệu cũ rích của các tờ báo lề đảng đã từng thoá mạ những công dân Việt Nam khác cũng được trao tặng giải thưởng Hellman/Hammett trước đó, tờ Petrotimes nỗ lực tăng thêm công suất, nhưng vì bất lương nên để lộ sự thấp kém tay nghề và đạo đức.


Tôi không phân tích thêm sự bôi nhọ cá nhân, bởi vì với bài "Hãy sờ lên gáy mình, thưa anh Nguyễn Như Phong", Blogger Nguyễn Hữu Vinh, đã chỉ ra cho tờ Petrotimes sự ngu ngốc, thích lên cơ bắp nhưng quá non cơ khi quy chụp blogger Nguyễn Hữu Vinh là "một kẻ đội lốt tôn giáo".


Nhận định của Nguyễn Hữu Vinh, thiết nghĩ, mô tả đầy đủ nhân cách của một thân phận bồi bút vô liêm sỉ:


"Càng lớn tiếng anh càng thể hiện sự dốt nát của mình như để chứng minh cho câu nói của người xưa “nói dài, nói dai sẽ thành nói dại”, "thể hiện rõ ràng những tính cách" "đâm thuê, chém mướn", bẻ cong ngòi bút..",  với tính cách của "con… khuyển" "biết sủa"...


Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh Petrotimes đã cố ý sử dụng từ ngữ mập mờ, trí trá, nhằm thoá moạ, vu khống một tổ chức quốc tế có uy tín hàng đầu trên thế giới từ nhiều thập niên qua: Tổ chức Theo dõi nhân quyền và Giải thưởng hàng năm của nó mang tên Hellman/Hammett.


Bằng cách này, Petrotimes đã bóp méo sự thật về HRW, lừa mị những người hoặc kém hiểu biết, hoặc ngoài nguồn báo chí lề đảng ra không có điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin đa chiều.


Human Rights Watch


Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, tiếng Anh là "Human Rights Watch" (HRW), có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, là một tổ chức dân sự, phi chính phủ, với cương lĩnh hoạt động ủng hộ nhân quyền.


Hoạt động của các tổ chức dân sự, phi chính phủ phổ biến trên khắp thế giới, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và lành mạnh hoá xã hội. Các tổ chức này hoạt động trên cơ sở tự nguyện dấn thân, chi phí hoạt động được hỗ trợ bởi các nhà từ thiện, độc lập với nhà cầm quyền, không cần ai phong hàm tước hay chỉ đạo nhiệm vụ nào phải thực hiện.


Thành lập năm 1978, "Helsinki Watch" ra đời với chủ trương giám sát tình trạng nhân quyền tại Liên Xô, thu thập tư liệu về việc Liên Xô thực hiện các quy ước của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu, mà Liên Xô là một thành viên, và giúp đỡ "các nhóm bảo vệ nhân quyền trong Liên bang Xô Viết".


Năm 1988 "Helsinki Watch" hợp nhất với các tổ chức quốc tế khác có cùng chung mục đích, trở thành "Human Rights Watch".  


"Helsinki Watch" trở thành "Human Rights Watch" xuất phát từ nhu cầu và đòi hỏi của thực tế cần mở rộng phạm vi hoạt động, nâng uy tín, tầm vóc với những tiêu chuẩn cao của một tổ chức từ thiện, nên mang ý nghĩa quan trọng và cao cả.


Nhà từ thiện George Soros trong năm 2010 khi công bố ý định tặng 100 triệu USD cho HRW trong khoảng thời gian 10 năm, đã nói, "Human Rights Watch là một trong những tổ chức nhân quyền hiệu quả nhất mà tôi hỗ trợ với nguyện vọng củng cố quyền con người vĩ đại nhất của chúng ta".


Nói về sự thay đổi này, Petrotimes sử dùng các từ "biến dạng", "tự phong cho mình quyền giám sát nhân quyền thế giới" là cố ý lèo lái dư luận hiểu theo nghĩa xấu trong ngôn ngữ Việt Nam.


Hàng năm HRW ra báo cáo nghiên cứu về vi phạm nhân quyền quốc tế, như các quy định của bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là một thành viên và Công ước Quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết ngày 24/9/1982.


Những báo cáo về vi phạm nhân quyền của HWR bao gồm phân biệt đối xử xã hội và giới tính, tra tấn, sử dụng trẻ em trong quân đội, tham nhũng chính trị, lạm dụng trong các hệ thống công lý hình sự, và hợp pháp hoá phá thai, v.v... được sử dụng làm cơ sở nhằm thu hút sự chú ý quốc tế, tạo ảnh hưởng và áp lực lên các chính phủ và tổ chức quốc tế để cải cách và có biện pháp ứng phó.


Báo cáo của HRW, vì thế, phản ánh tình trạng vi phạm nhân quyền ở khắp mọi nơi trên thế giới, kể cả ở Tây Âu và Hoa Kỳ. Trong năm 2005, HRW đã kiện Donald Rumsfeld, Bộ tưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, tại tòa án tại Illinois, với cáo buộc Rumsfeld đã cố tình dung túng cho việc tra tấn trong các trại giam của quân đội Hoa Kỳ - là một ví dụ.


HRW không phải là "lực lượng thù địch" chỉ nhắm vào các chế độ cộng sản, độc tài, lại càng không bao giờ xem nhà nước Việt Nam là mục tiêu và "cổ xúy hoạt động chống đối, lật đổ", như Petrotimes vu khống trắng trợn. Nếu muốn, HRW hoàn toàn có thể kiện Petrotimes ra toà.


Giải thưởng Nhân quyền Hellman/Hammett


Nói về Lillian Hellman và Dashiell Hammett, những người được HRW đặt tên cho giải thưởng hàng năm, Petrotimes viết: "Nhà biên kịch Lillian Hellman và tiểu thuyết gia Dashiell Hammett, đều là những đối tượng vi phạm luật pháp".


Sử dụng cụm từ "đối tượng vi phạm luật pháp" cho hai nhà văn Mỹ, bôi bác hình ảnh của hai biểu tượng này và giải thưởng mang tên họ, tờ Petrotimes đã tỏ ra vừa bất lương vừa kém cỏi về chính trị.


Nghịch lý thay, Lillian Hellman và Dashiell Hammett, là bạn của những người cộng sản. Họ "vi phạm pháp luật" (theo Petrotimes) vì đã dám nói lên chính kiến chính trị của mình và không chịu khai báo với toà để bảo vệ những người bạn cộng sản của họ!


Nạn nhân của đàn áp chính trị


Chủ nghĩa McCarthy - McCarthyism là tên chung cho nhóm các chính sách do Ủy ban đặc biệt của Thượng viện Mỹ khởi xướng vào ngày 21/12/1950, được hỗ trợ trực tiếp bởi Tổng thống Mỹ Harry Truman và Thượng nghị sĩ Joseph Raymond McCarthy. Thuật ngữ "McCarthyism" được được nhà văn châm biếm Herbert của tờ "Washington Post" sử dụng lần đầu tiên ngày 29/3/1950. Các tổ chức McCarthy khác quan trọng là Ủy ban Dân biểu Nghiên cứu về Hoạt động chống Mỹ và Tiểu ban Điều tra Thuờng trực Thượng viện.


Mục đích ban đầu là thiết lập một ủy ban nhằm chống lại sự thâm nhập của Đảng Cộng sản (ĐCS) Mỹ và gián điệp Xô Viết vào các cơ quan chính phủ. Nhưng những hoạt động này nhanh chóng ra khỏi tầm kiểm soát và tập trung vào một nhóm thượng nghị sĩ xung quanh McCarthy, giám sát toàn bộ giới tri thức-sáng tạo trong xã hội Mỹ - các diễn viên, đạo diễn, nhà báo và các nhà khoa học.


Ủy ban của McCarthy đã thẩm vấn nhiều cá nhân từ danh sách được đưa ra chủ yếu dựa trên sự nghi ngờ của McCarthy. Những người bị thẩm vấn, nếu bất hợp tác, không kể ra tên tuổi những người bị tình nghi là hỗ trợ hoặc có mối quan hệ với các thành viên của ĐCS, sẽ gặp nhiều rắc rối.


Sử gia Mỹ Stanley Schultz trong cuốn "American History 102" đã viết: "Với những bằng chứng không có cơ sở, những lời buộc tội của McCarthy dựa trên sự vu cáo và bôi nhọ nhằm mục đích hủy hoại danh tiếng của các đối thủ chính trị. Vào năm 1954 lần đầu tiên khi hàng triệu người xem TV thấy các phương pháp của McCarthy, đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ và đưa tới việc kiểm duyệt chính thức các hoạt động của ông".


Nạn nhân của đàn áp chính trị của FBI và Ủy ban Thượng viện của McCarthy không chỉ bao gồm những người bị triêu tập thẩm vấn, điều trần, mà còn tạo ra một bầu không khí nghi ngờ xung quanh những người có cảm tình, ủng hộ Liên Xô.


Ở đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, cả hai bên của Bức màn sắt lúc bấy giờ dễ dàng khủng bố tâm lý về một mối đe dọa thường trực. Nghi ngờ "chống Mỹ" là lời buộc tội nghiêm trọng, có thể phá vỡ sự nghiệp, nạn nhân bị xã hội tẩy chay.


Tromg số các nạn nhân nổi tiếng của chủ nghĩa McCarthy lúc đó có bà Lillian Hellman và Dashiell Hammett, mà Petrotimes muốn bôi nhọ.


Hầu hết các nạn nhân của McCarthy, vào thời tuổi trẻ hoặc thời điểm bị thẩm vấn có cảm tình với các phong trào cánh tả, với ĐCS Mỹ, nhưng các "bằng chứng" khai tử sự nghiệp của họ, đa số đều bất tín. Cách thức hành động của chủ nghĩa McCarthy cuối cùng gặp rắc rối với chính nó và làm bất an những người khởi xướng từ giới chức trách, đã dẫn đến việc công khai hoá hoạt động của Uỷ ban trước công luận. Tiểu ban An ninh Nội bộ Thượng viện chỉ hoạt động tới năm 1972, nhưng sau khi bãi nhiệm McCarthy, đã hoàn toàn thay đổi các quy tắc hoạt động.


Lilian Hellman


Lilian Florence Hellman sinh ngày 20/6/1905 tại New Orleans, sống tới tháng 6/1984 tại Tisbury, bang Massachusetts, là nhà viết kịch và biên kịch, cả cuộc đời gắn bó với lực lượng cánh tả.


Bà sinh ra tại New Orleans trong một gia đình Do Thái. Thành công văn học nhất của bà vào những năm 30 và 40 của Thế kỷ 20, khi xuất hiện các vở kịch "The Children's Hour" (1934) và "The Little Foxes" (1939). Cả hai đều được bà viết thành kịch bản phim và bà là người phụ nữ đầu tiên được đề cử Oscar cho kịch bản hay nhất.


Năm 1950, bà Hellman bị truy bức chính trị vì những hoạt động bị xem là có lợi cho chủ nghĩa cộng sản. Bà phải đứng trước Ủy ban điều tra các hoạt động chống Mỹ và khước từ khai về bạn bè và người quen cũ của mình có cảm tình với những người cộng sản. Vì việc này bà đã phải trả giá đắt, bị Hollywood tẩy chay, do có tên trong sổ đen.

Trong ba mươi năm, bà có quan hệ tình cảm với Dashiell Hammett tác giả chuyên về đề tài trinh thám. Bà là nguồn cảm hứng để Hammlett cho hiện thân trong nhân vật Nora Charles.


Dựa trên lời kể của bà với tiêu đề "Pentimento" (1973), vào năm 1977 đạo diễn Fred Zinnemann đã xây dựng bộ phim về cuộc đời của bà. Bộ phim đã giành được ba giải Oscar, và nhân vật nữ nhà văn do ngôi sao Jane Fonda thủ vai.


Dashiell Hammett


Dashiell Hammett sinh ngày 27/0 5/1894 tại Quận Saint Mary, Maryland, sống đến tháng 10/1961 tại New York, là tiểu thuyết gia trinh thám, tác giả truyện ngắn và kịch, được xem là người sáng tạo ra thể loại văn học "trinh thám đen" (noir).


Ông lớn lên ở Philadelphia và Baltimore, bỏ học ở tuổi 13 và làm các công việc khác nhau trước khi được vào làm với vai trò thám tử tại Cơ quan Thám tử Pinkerton ở San Francisco, từ 1915 đến 1921. Trong Chiến tranh Thế giới I ông phục vụ trong Quân đoàn y tế của quân đội Mỹ. Năm 1921, ông kết hôn với một y tá, Josephine Dolan, có hai con gái Mary Jane (sinh 1921) và Josephine (sinh năm 1926). Sau đó, ông làm việc trong ngành quảng cáo và một thời gian sau thì bắt đầu viết. Nguồn cảm hứng của ông là công việc thám tử, được ông hiện thân trong nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết "Sam Spade".


Năm 1931, ông gặp nhà viết kịch, bà Lillian Hellman, và hai người có một cuộc tình kéo dài ba mươi năm.


Cuốn sách nổi tiếng nhất của Hammett là "The Maltese Falcon", bán chạy nhất lúc bấy giờ, được quay thành phim ba lần (1931, 1936, 1941).


Cuốn tiểu thuyết cuối cùng ông viết vào năm 1934. Phần còn lại của cuộc đời ông dành cho các hoạt động cánh tả, chống phát-xít đến điên cuồng. Năm 1937 ông gia nhập Đảng Cộng sản Mỹ và trong giai đoạn hợp tác Đức-Xô ông hoạt động trong "Keep America Out of War Committee" chống lại sự can dự của Mỹ vào Chiến tranh Thế giới II. Năm 1942, sau khi Trân Châu Cảng bị tấn công, ông gia nhập quân đội. Mặc dù bị bệnh lao, ông đã sử dụng ảnh hưởng của mình để tái nhập ngũ. Ông đã trải qua cuộc chiến trên quần đảo Aleutian với cấp bậc trung sĩ, biên tập viên báo quân đội.


Giống như người bạn gái Lillian Hellman, ông đã bị ủy ban của McCarthy thẩm vấn vào những năm 50 về các hoạt động chính trị thiên Cộng và ông từ chối hợp tác, vì vậy ông cũng bị liệt vào sổ đen của Hollywood. Năm 1951, vì không muốn làm tổn hại những đồng chí cộng sản của mình, ông khước từ làm nhân chứng trước toà nên bị phạt 5 tháng tù.


Lời kết


Những dữ kiện trên đây cho ta thấy, vào thập niên 50 của thế kỷ trước, những người có khuynh hướng cộng sản tại Mỹ đã bị đàn áp và khủng bố bởi chủ nghĩa McCarthy.


Mặc dù nhiều năm sau, những hoạt động của Uỷ ban Thượng viện của McCarthy được chứng minh là đúng đắn, nhưng trong rất nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, nên quốc hội Mỹ đã kịp thời ngăn chặn.


HRW, một tổ chức dân sự tại Mỹ lấy tên của một người cảm tình với CS - Hammett, và một người CS - Hellman, những nạn nhân của chủ nghĩa McCarthy, đặt cho Giải thưởng nhân quyền chứng tỏ sự vô tư, bất thiên vị, tính nhân bản và vị tha của tổ chức xã hội này.


Sự hành xử của an ninh CSVN hiện nay đối với những người cầm bút tự do và bất đồng chính kiến có nhiều nét tương đồng với chủ nghĩa McCarthy, nhưng tính thô bạo, bất nhân cao hơn gấp nhiều lần vì lối bắt giữ tuỳ tiện, vô cớ ngày mỗi lộng hành, phổ biến và bộ máy đàn áp được côn đồ hoá.


Vì thế, dễ thấy vì sao nhà cầm quyền CSVN rất khó chịu trước giải thưởng nhân quyền mang tên Hellman/Hammett dành cho các công dânViệt Nam và tờ Petrotimes đã cố nặn ra một bài viết vô cùng tệ hại. Nhưng tức tối, bất lương và trí trá đã hoá ra ngu dốt!


Ngày 4/1/2013


© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog


ledienduc's blog


_____________




Đại tá công an Nguyễn Như Phong: - “Tôi là anh thợ cày trên cánh đồng chữ”... “Làm báo, đừng… nghĩ vội, đi vội, viết vội “(*)...(mà chỉ cần làm nô tài, bồi bút thôi, đúng không?)!



(*) Nhà báo Nguyễn Như Phong: ‘Tôi không muốn là một ông quan báo’





1 nhận xét: