Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

CANH LE - NGẪM VỀ CHUYỆN "NGỒI TRÊN SÁCH"


CANH LE - NGẪM VỀ CHUYỆN "NGỒI TRÊN SÁCH"



MỘT CĂN PHÒNG KHÔNG CÓ SÁCH VỞ, NHƯ MỘT THÂN XÁC KHÔNG CÓ TÂM HỒN !!!



Một cách cá nhân, lâu nay tôi ít coi phim Việt, vì nó "mỏng văn hóa" quá ; tôi cũng chẳng bao giờ coi thi hoa hậu, vì nó cũng "mỏng văn hóa" quá !

Không biết là tôi có "chủ quan" quá không, nhưng nếu kết hợp cả hai cái "mỏng văn hóa" đó lại, thì cái chuyện một gã đạo diễn với một ả hoa hậu chơi trò "giựt gân" bằng cách "ngồi trên sách" để nói chuyện là chuyện ... "tất yếu khách quan".

Tôi cũng chẳng biết họ "ngồi trên sách" để nói chuyện gì, nếu quả là họ cũng có "chuyện" để nói, ngoài những chiêu trò câu khách rẻ tiền vẫn thường nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng ...
Chỉ nhớ chuyện ngày xưa, các cụ bà đâu có được học hành gì, nhiều khi một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhưng nếu đi đường mà bắt gặp một tờ giấy có chữ "thánh hiền", thì vội nhặt lấy, phủi sạch sẻ, vuốt phẳng phiu, rồi ... đốt ...
Các cụ ông khi đọc sách "thánh hiền", thường ăn mặc chỉnh tề, dáng vẻ ngay ngắn, tinh thần nghiêm cẩn, có khi còn trai giới thanh tịnh, tắm gội sạch sẽ, xông hương trầm, đốt bạch lạp ...
Sách, là nhu cầu thiết yếu của nhân loại, để truyền đạt lại những kinh nghiệm, cả xấu lẫn tốt, của thế hệ đi trước dành cho thế hệ đi sau, hình thành nên nền Văn Minh Nhân Loại. Do đó, mà từ xa xưa, con người đã phải viết trên đá, da thú, vỏ cây, thẻ tre, vải ..., cho đến khi phát minh ra giấy, và kỹ thuật in ấn, những sách quý còn được viết lên vàng, bạc dát mỏng ...
Có những dân tộc khi còn dã man, rất hiếu chiến, khi xâm lược những dân tộc văn minh hơn, thì ngoài việc cướp bóc vàng bạc châu báu, cái họ quan tâm là sách. Họ đánh chiếm khắp nơi và gom góp sách vở về một thư viện khổng lồ, chất chứa tinh hoa nhân loại, cả xấu lẫn tốt. Nhờ vậy mà họ duy trì được sự hùng mạnh lâu dài, và kiến tạo nên một nền Văn Minh rực rỡ ...
Ta hẳn cũng còn nhớ, để tiêu diệt nền Văn Hóa - Văn Minh Đại Việt, Minh Thành Tổ đã từng liên tiếp hạ các đạo chiếu thư ra lệnh tịch thu tất cả sách vở nước Việt đưa về Yên Kinh, đốt phá tất cả những gì có dấu vết văn tự, cả xấu lẫn tốt ...
Phương Đông, ngoài khái niệm Văn Hóa, Văn Minh, còn có khái niệm Văn Hiến. Và cái mốc của Văn Hiến được tính từ thời điểm có "thi thư - lễ nghĩa" ...
SÁCH, VỪA LÀ NGUYÊN NHÂN VỪA LÀ KẾT QUẢ CỦA VĂN HIẾN - VĂN HÓA - VĂN MINH !!!

Tần Thủy Hoàng nổi danh "bạo chúa" khi đã "phần thư, khanh nho" - đốt sách, chôn học trò.
Những người cộng sản mang một vết nhơ khó gột rửa khi đã "trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ", "bài trừ văn hóa đồi trụy phản động" - đốt sách, cải tạo, giam cầm, đày đọa, khinh rẻ trí thức. Di họa đến ngày hôm nay chăng !?
Ngày nay, ở các nước phát triển, sách vẫn được tôn trọng, cả xấu lẫn tốt.
Những người cộng sản vẫn "tự hào" là sách về Triết Học Marx vẫn được xuất bản và nghiên cứu ở các nước phát triển. Bình thường mà, Triết Học Marx cũng chỉ là một trong vô vàn triết thuyết đã từng xuất hiện trong tiến trình phát triển của nền Văn Minh Nhân Loại. Vả lại, "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng", hà cớ gì mà không nghiên cứu về đối phương !?
Sách, ngoài giá trị thực tế - mang lại kiến thức, và cả thực dụng - mang lại của cải, còn mang giá trị "biểu tượng" - ngành Giáo Dục, Xuất Bản vẫn chọn hình ảnh quyển sách để làm biểu tượng. Nếu sách không mang giá trị "biểu tượng", thì sẽ chỉ là những tờ giấy có viết chữ mà không hề được các cụ bà, cụ ông, minh quân, bạo chúa ... quan tâm gìn giữ thành kính hoặc hủy diệt bạo liệt đến như vậy. Cũng như tiền, nếu không mang giá trị "biểu tượng" - "vật trao đổi ngang giá", thì sẽ chỉ là những tờ giấy có viết chữ ...
Nghệ thuật, vốn có "khả năng thay đổi thế giới một cách sâu sa" ( "Tôi không gọi là thi sĩ những người làm thơ có vần điệu hay không có vần điệu. Tôi gọi là thi sĩ người có khả năng thay đổi thế giới một cách sâu xa ..." - Henry Miller - văn sĩ, họa sĩ ). Để làm được điều đó, đôi khi nghệ sĩ cần gây sốc để đánh mạnh vào tâm thức vốn đã chai lì của công chúng, kéo họ ra khỏi những lối mòn của định kiến, định niệm ... Giống như trong y học, người ta vẫn dùng xung điện để gây sốc khiến cho tim hoạt động trở lại !
Khi Marcel Duchamp đem một cái bồn tiểu - một sản phẩm "ready-made", thường đặt ở nơi chốn "riêng tư", vào một cuộc triển lãm - một không gian nghệ thuật, và đặt tên là "Đài Phun Nước" - thường đặt ở nơi "công cộng", là ông muốn thách thức và đánh đổ cái định kiến, định niệm "Nghệ Thuật Vị Định Chế", nhằm thực hiện các ý niệm "Giải Cấu Trúc", "Giải Trung Tâm" của Triết Học và Nghệ Thuật Hậu Hiện Đại ... Nếu như Pablo Picasso thiên về nghệ thuật thị giác : "Giá như chúng ta có thể tháo bộ não ra và chỉ dùng đôi mắt thôi" ( mặc dù cũng nói : "Vẽ cái nghĩ, không vẽ cái thấy" ), thì Marcel Duchamp thiên về nghệ thuật ý niệm : "Tôi quan tâm tới những ý niệm, chứ không phải vào những sản phẩm thị giác. Tôi muốn đặt hội họa trở lại phục vụ cho trí óc", và quan niệm : "Nói chung, hành động sáng tạo không chỉ thực hiện một mình bởi người nghệ sĩ … ; người xem cũng mang tác phẩm tiếp cận với thế giới bên ngoài bằng việc giải mã và thông giải những phẩm chất nội hàm của nó, và như vậy đóng góp thêm vào hành động sáng tạo", do vậy : "Nghệ thuật không phải là về tự thân nó mà là sự quan tâm mà chúng ta mang lại cho nó".
Hay như khi Andres Serrano thực hiện tác phẩm "Đái Vào Chúa" - "đối tượng cho sự giận dữ của phe kiểm duyệt - là một bức hình đẹp đẽ mơ hồ … Bức tượng đóng đinh câu rút nhỏ bé làm bằng gỗ và nhựa dẻo, được phóng lớn bằng nhiếp ảnh, đã trở nên một tượng đài ảo khi bồng bềnh trôi trong một ánh sáng rực rỡ của sắc đỏ và vàng sâu thẳm - đồng thời vừa thông báo tai họa, vừa tỏa rạng vinh quang. Những đốm bọt sủi nhỏ tỏa ngang bề mặt bức ảnh gợi ra cảnh tượng của một đám tinh vân. Song nhan đề tác phẩm, có ý nghĩa dấn thân lớn lao, bằng cách đơn giản thay đổi văn cảnh thưởng lãm tác phẩm, lại đã chuyển hóa thánh tượng văn hóa dễ chấp nhận này thành một dấu hiệu của nổi loạn hoặc một vật thể ghê tởm” ( Lucy Lippard - phê bình gia nghệ thuật ).

...

Như vậy, một hành động văn hóa - nghệ thuật phải gắn với một ý niệm, nhằm chuyển tải một thông điệp nào đó !
Vậy, hành động "ngồi trên sách" gắn với ý niệm gì , nhằm chuyển tải thông điệp gì !?
- Đánh đổ một lối học "tầm chương trích cú", hay thách thức một nền giáo dục "giáo điều khuôn mẫu" !?
-  Đánh đổ một lối học thuật "vị chính trị", hay thách thức một nền xuất bản "vị định hướng" !?

  
Đạo diễn Lê Hoàng và Hoa hậu Triệu Thị Hà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét