NGUYỄN AN DÂN - NƯỚC CỜ XUẤT TƯỚNG CỦA ĐẢNG
Mấy hôm nay dư luận bàn tán xôn xao chuyện bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đi Mỹ và báo chí truyền thông nhận định “vận động Mỹ ủng hộ Việt Nam”
Trước nhất, chính thức là ông Phạm Quang Nghị đi với tư cách đại biểu Quốc Hội, không phải với tư cách Ủy Viên Bộ Chính Trị và bí thư thành ủy. Vì vốn dĩ dù có chức vụ cao trong đảng và thiết chế quyền lực trong nước (nhóm 16 ủy viên Bộ Chính Trị), nhưng với thông lệ quốc tế, chính phủ các nước tư bản không tiếp đảng viên các đảng theo nghi lễ quốc khách, dù là đảng cầm quyền, nếu người đó không có chức danh trong chính phủ.
Sự trái khoáy này làm Việt Nam đã bị “việt vị” hai lần. Năm 2000, Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu thăm Pháp, cuối cùng đã đẩy ngành ngoại giao nước Pháp vào thế lúng túng vì họ không biết sắp xếp ai để tiếp. Chính phủ Pháp không thể tiếp công khai và long trọng một ông Tổng bí thư đảng cầm quyền Việt Nam được vì không chính danh, thế là sau cùng họ cử Tổng bí thư đảng Cộng sản Pháp ra tiếp, và chuyến đi của ông Lê Khả Phiêu thành chuyện đầu voi đuôi chuột trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.
Một sự kiện khác là sau khi lên Tổng Bí Thư, ông Nguyễn Phú Trọng tiến hành công du các nước Châu Mỹ trong năm 2012. Trong lịch trình có Brazil, tuy nhiên khi phái đoàn công du của Tổng bí thư rời Cu-Ba và chuẩn bị đáp máy bay sang Brazil thì Tổng thống Brazil có thông báo khẩn hủy lịch gặp dù việc này đã lên nghị trình rất lâu. Có lẽ do những tuyên bố bất lợi ở Cuba của ông Trọng. Brazil là một quốc gia tự do dân chủ, nên sau khi nghe bài phát biểu của ông Trọng ở Cu ba, Brazil e ngại ông Trọng khi đến Brazil lại thuyết giảng về chủ nghĩa Cộng Sản tiếp tục thì bất lợi cho chinh quyền Brazil
“Tổng bí thư dự bị”
Với lịch sử ngoại giao không mấy tự hào của chức danh Tổng bí thư đảng khi ngoại vận các nước tư bản như thế, nên dễ hiểu là vì sao phía Việt Nam im lặng và có vẻ “giấu kín” chuyến đi Mỹ của ông Phạm Quang Nghị, phải chăng phía đảng sợ rằng coi chừng lịch trình bị “đầu voi đuôi chuột” như hai chuyến trước chăng? Ở cấp Tổng bí thư đương nhiệm mà còn bị Brazil và Pháp ứng xử như thế, huống chi là vai trò “Tổng bí thư dự bị”.Cũng có khi là đảng e ngại Trung Quốc sẽ “phá rối” nếu Việt Nam ồn ào quá nên đi bài “nín thở qua sông” ?
Muốn xét về chuyến đi này của ông Nghị, trước tiên hãy xét về nhu cầu của hai nước xem nước nào cần đi và nước nào cần mời. Điểm lại các chuyến đi ngoại giao của hai bên qua lại, ta có thể thấy chỉ có lời mời của John Kerry dành cho Phạm Bình Minh hiện nay. Rõ ràng lời mời này có mục đích xúc tiến ký kết công khai các nội dung hợp tác giữa chính phủ hai bên nhằm làm cho Trung Quốc “chùn tay” trong việc lấn lướt Việt Nam, ký kết một cách chính thức theo nguyên tắc ngoại giao quốc tế. Ngoài ra Mỹ thấy chưa cần mời ai khác phía Việt Nam sang Mỹ lúc này.
Về mặt Quốc Hội Mỹ, trong tháng 5 và tháng 6, đã có hai đoàn đại biểu quốc hội Thượng Viện và Hạ Viện sang Việt Nam và xúc tiến các vấn đề song phương giữa quốc hội hai nước. Còn ông Nghị đi Mỹ với tư cách đại diện đoàn đại biểu Quốc Hội Hà Nội, không đủ thẩm quyền để đại diện Quốc Hội Việt Nam. Nên nếu ông Nghị trao đổi thông tin với Quốc Hội Mỹ thì nên xem như là ông Nghị học hỏi Quốc Hội Mỹ hơn là Quốc Hội Mỹ cần học hỏi Quốc Hội Việt Nam.
Như vậy việc ông Nghị đi Mỹ “theo lời mời của bộ ngọai giao Mỹ” (mà không theo lời mời của Quốc hội Mỹ) là để làm gì? Và có cần thiết gì giữa quan hệ hai nước lúc này không? Rõ ràng là không. Về hành pháp-không, về lập pháp-cũng không. Như vậy không có nhu cầu quan trọng vậy sao Mỹ mời? (mà có thật Mỹ chủ động mời không? Hay mời, nếu có, theo yêu cầu của phía đảng Cộng Sản VN?). Đơn giản là ông Phạm Quang Nghị cần đi hơn là Mỹ cần mời. Nên khả năng gần như chắc chắn là đảng đã thông qua đại sứ Mỹ ở Việt Nam tác động để Mỹ ra 1 thư mời cho ông Nghị để ông Nghị danh chính ngôn thuận đi Mỹ.
Vì sao phải thế?
Trong bối cảnh đảng đang lúng túng vì khó có thể trả lời trước dư luận là “vì sao chưa kiện Trung Quốc” cũng như sự xì xào là đảng đã “mắc kẹt vào tinh thần hội nghị Thành Đô” nên ảnh hưởng đến tính chính danh cầm quyền của đảng, nhất là trong tình thế “không biết giàn khoan quay lại khi nào”. Việc dư luận nhìn đảng “không tỏ ra nỗ lực thực sự trong ngoại vận để bảo vệ chủ quyền” dĩ nhiên đảng hiểu, vì thế đảng “ráng vận động hành lang” cho chuyến đi này của ông Nghị là điều dễ thấy, ngoài động thái xoa dịu quần chúng là “đảng cũng đã đi với Mỹ” thì còn có các mục đích “kềm chân phe chính phủ” trong chiến lược xoay trục của phe này, cũng như ra mắt ông Nghị là “lãnh đạo cao nhất của đảng cầm quyền Việt Nam sắp đến”
Toàn đảng đang chuẩn bị tiến hành đại hội đảng lần thứ 12 năm 2016. Theo truyền thống, tổng bí thư “phải” là người miền Bắc thì các nhân vật phù hợp còn lại trong Bộ Chính Trị lại thừa cái này thiếu cái kia cùng chưa đủ uy vọng, ngay cả Phạm Quang Nghị cũng thế. Cần chú ý là các đời Tổng bí thư trước đây như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng đều kinh qua các chức vụ quan trọng trong “tứ trụ” như chủ tịch quốc hội 1 nhiệm kỳ rồi mới vào tổng bí thư trong giai đoạn gần đây.
Nếu Phạm Quang Nghị lên thẳng từ bí thư Hà Nội vào ghế Tổng bí thư thì cũng còn “hơi non”. Nên động thái cho ông Nghị đi Mỹ là nằm trong 1 chuỗi các động thái “gây dựng hình ảnh” cho ông Nghị trước dân và nội bộ đảng, vì ngoài Phạm Quang Nghị ra, có vẻ đảng không còn nhân vật nào hội đủ các điều kiện cần và đủ cho chức danh Tổng bí thư kỳ này, người có uy tín và kinh nghiệm trong đảng thì phải về hưu vì đến tuổi, người còn đủ tuổi thì uy tín không đủ, nên “bó đũa chọn cột cờ” có vẻ hợp lý cho đảng.
Vì sao Mỹ tiếp ?
Ba nguyên nhân chính chủ yếu lý giải việc ông Phạm Quang Nghị đi Mỹ như trên đã rõ, câu trả lời là phía Việt Nam cần hơn là Mỹ cần, nhưng vì sao Mỹ vẫn tiếp ông Nghị ?
Thứ nhất, về nguyên tắc hành xử của Mỹ, hễ quan chức nước nào muốn đi Mỹ thì Mỹ đều tiếp, vì nó có lợi cho Mỹ, ít nhất là ở chỗ có thêm thông tin để đánh giá, để tìm hiểu nội bộ bên kia, Mỹ được nhiều mà không mất gì nên Mỹ tiếp và ủng hộ. Dư luận đừng ngộ nhận rằng Mỹ tiếp là do nhà nước Mỹ hay đảng phái nào ở Mỹ “muốn quan hệ với đảng cộng sản Việt Nam (hoặc với Tổng bí thư tương lai) qua chuyến đi này”, không như một số ý kiến trên mạng nhận xét “khó có thể nghi ngờ rằng đến nay quan hệ hai đảng Việt-Mỹ làm đảng cộng sản Trung Quốc ghen tị”
Vấn đề thứ hai cần chú ý là Mỹ tiếp đúng nguyên tắc ngoại giao, ông Nghị có tư cách trưởng đoàn đại biểu Quốc hội một địa phương, nên Mỹ cử thứ trưởng ngoại giao tiếp, chứng tỏ giữa hành pháp cao cấp Mỹ và ông Phạm Quang Nghị “không có gì để bàn với nhau vì không đối đẳng”. Cũng thế ta dễ hiểu vì sao Mỹ sắp xếp chủ tịch Thượng Viện, Ông Leahy là chủ tịch (về nghi lễ ngoại giao sau phó TT Mỹ Biden) của đảng Dân Chủ ở Thượng Viện, và nghị sĩ McCain vì ông này hiểu Việt Nam nhiều và là đại diện cho phía đảng Cộng Hòa trong Thượng Viện (President Pro Tempore) để tiếp ông Nghị
Vấn đề thứ ba là có nhận định cho rằng các việc ông Nghị bàn với phía Mỹ là các việc “ở tầm nguyên thủ” thì không đúng. Rõ ràng các nội dung hai bên trao đổi không có gì quan trọng hay triển khai cái mới, về kinh tế thì là xúc tiến đầu tư hai nước…về chính trị thì “Việt Nam cám ơn Mỹ trong vấn đề tranh chấp biển Đông”, chỉ là những cái nói lại những cái hai bên đã có từ hiệp định thương mại Mỹ-Việt mà thôi cũng như nhắc lại nghị quyết 412 của Quốc Hội Mỹ dành cho Biển Đông.
Vấn đề thứ tư là có dư luận nói rằng điều này cho thấy đảng cầm quyền Việt Nam đang “âm thầm xoay trục sang Mỹ và phương tây” thì rõ ràng chưa hợp lý. Nếu đảng cầm quyền muốn xoay trục thật thì vì sao Phạm Bình Minh chưa đi sang Mỹ để hai bên chính danh ký kết một cái gì đó khả thi để cùng nhau làm mà cử Phạm Quang Nghị đi trong tư thế “nín thở qua sông” để làm gì? Nếu lập luận là Phạm Quang Nghị đi với tư cách “thái tử kế vị” để trình bày chính sách “âm thầm xoay trục của toàn bộ đảng” thì sao không đi cùng Phạm Bình Minh như ông Nguyễn Phú Trọng cùng đi với Hồ Xuân Sơn sang Trung Quốc năm 2011? Điều này chỉ làm bộc lộ sự chia rẽ và “tranh công” ở nội bộ đảng trong vấn đề “thân Mỹ, thoát Trung”: đảng cử Phạm Quang Nghị đi, nhưng lại không hay chưa cho Phạm Bình Minh, Bộ trưởng ngoại giao của chính phủ, đi dù đã được mời chính thức từ lâu.
Vấn đề thứ năm là vì sao Trung Quốc không tỏ ra quan tâm và e ngại gì về chuyến đi này (truyền thông Trung Quốc không lưu ý) ? Phải chăng Trung Quốc đã biết trước do “có trao đổi ngầm giữa 2 đảng” hay là Trung Quốc đã quá hiểu mình sẽ lại chi phối được Việt Nam nên họ vẫn “bình chân như vại và chả quan tâm gì” ???
Có ý kiến nói rằng có khi Mỹ xem xét để chọn Phạm Quang Nghị thay cho Nguyễn Tấn Dũng trong việc duy trì ảnh hưởng của Mỹ trong đảng cầm quyền Việt Nam. Nhận xét này xem ra không có cơ sở lắm. Xét về các mặt quyền lực cầm nắm thực sự, ảnh hưởng quốc tế và uy tín trong dân thì ông Nguyễn Tấn Dũng trội hơn rất nhiều, vậy hà cớ gì Mỹ lấy cái ít mà bỏ cái nhiều, bỏ cái hiện đang có mà lấy cái chưa hình thành?
Tóm lại, việc ông Phạm Quang Nghị đi Mỹ chuyến này có lợi ích chăng là lợi ích của riêng ông Nghị và đảng, chứ chẳng có tác dụng gì về mặt chiến lược cho quan hệ hai nước dấn sâu hơn và cũng không thể hiện gì là “toàn đảng đang xoay trục qua Mỹ”. Chúng ta nên chờ chuyến đi của Phạm Bình Minh, nghe đâu sẽ thực hiện vào tháng 9 này.
Nguyễn An Dân
26-7-2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét