Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Phạm Chí Dũng - 2014: Ai sẽ diện kiến Barak Obama?



Phạm Chí Dũng - 2014: Ai sẽ diện kiến Barak Obama?




NguyenPhuTrong-sang-dung-03-danlambao.jpg


Có lẽ Giáo Sư Carl Thayer của Học Viện Quốc Phòng Úc là một trong số ít ỏi học giả quốc tế có được nguồn thông tin tương đối xác thực về tình hình và những biến động trong triều chính Việt Nam. Cuộc trả lời phỏng vấn của ông với đài RFI Việt ngữ mới đây lại một lần nữa biểu tả những gì mà dư luận đang rất nghi ngại và nghi ngờ về “diễn biến nội bộ.”


“Nguyễn Tấn Dũng bị gạt qua một bên”?


Ngay sau cuộc rút lui không kèn trống của giàn khoan HD 981 của Trung Quốc khỏi khu vực Biển Ðông với lý sự “tránh bão Rammasun,” Giáo Sư Carl Thayer đã nêu ra một nhận định mà có thể làm nhiều người sửng sốt: “Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có nguy cơ bị gạt qua một bên.” Cơ sở của nhận định này được ông Thayer dẫn luận: Phe gọi là ủng hộ Trung Quốc, hoặc là thỏa hiệp (accommodationist), sẽ chống lại bất kỳ hành động nào có thể sẽ làm xấu thêm quan hệ với Trung Quốc. Ðiều này có nghĩa là phương án pháp lý và việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ không có khả năng xảy ra trong tương lai gần.

Còn trong quá khứ gần, trước tháng 5, 2014 - thời điểm Trung Quốc bắt đầu khai triển giàn khoan HD 981 ở Biển Ðông, vị thế và thế lực của ông Nguyễn Tấn Dũng có vẻ khá ổn, đặc biệt là tỷ lệ khá cao trong số 175 ủy viên trung ương đảng mà ông nắm được, theo đánh giá chung của giới quan sát quốc tế và trong nước. Tuy nhiên cũng theo nhận định của một số quan sát viên, gần đây bắt đầu xuất hiện dấu hiệu quyền lực của ông thiếu tính thăng bằng. Ngay cả một tuyên bố có vẻ ngẫu hứng của Nguyễn Tấn Dũng về “hữu nghị viễn vông” ám chỉ Bắc Kinh, cho tới nay vẫn luôn bị dư luận phê phán là “thiếu tính thực tiễn.”

Không thể nói khác hơn là sự vụ giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đã làm lộ ra những bí ẩn nơi chốn cung đình Việt Nam. Một sự thật mười mươi hiện rõ trong tâm não toàn dân là sau gần ba tháng “kiên định đấu tranh mềm dẻo,” vẫn chẳng lộ ra một mảnh hồ sơ kiện cáo nào của nhà nước Việt Nam đối với kẻ vi phạm trắng trợn Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển. Ngược lại như một trò ú tim, chỉ mỗi lúc bị dồn vào thế cùng quẫn, Hà Nội mới khe khẽ vén áo cho Washington.


Bài phân tích của Giáo Sư Carl Thayer là đáng chú ý về cả hai mặt ẩn dụ cũng như lộ thiên, sau khi những người bảo thủ ý thức hệ lẫn lợi ích hệ được Bắc Kinh động viên tối đa qua chuyến “thăm và làm việc” của ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội vào cuối tháng 6, 2014, tức thời điểm sau cuộc bạo động Bình Dương, Ðồng Nai và Hà Tĩnh mà đã khiến Bộ Chính Trị Trung Hoa tỏ ra khá bối rối.

Nhưng sau chuyện Trung Quốc bất ngờ rút giàn khoan HD 981 trước thời hạn “thăm dò dầu khí” một tháng, nếu “nguy cơ” đối với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là có thực như giả thiết của ông Thayer, chính trường Hà Nội có thể xoay chuyển sang một khúc ngoặc phức hợp hơn nhiều.

Một minh chứng sống động cho mối quan hệ “môi răng” vẫn tiếp tục tỏ ra gắn bó là lời tuyên bố ngập ngừng “không loại trừ Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Ðông” của Ðại Sứ Lê Hoài Trung - Việt Nam - tại Liên Hiệp Quốc. Vào lần này, không phải Thông Tấn Xã Việt Nam, cũng không phải do người phát ngôn hay trang web của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, mà lại là đài Tiếng Nói Nước Nga (Voice of Russia) phát đi thông tin nóng sốt đến mức quay quắt này. Cung cách khá điển hình cho tính không chính danh như thế khiến người ta lập tức liên tưởng đến tư thế né tránh và còn có vẻ lén lút của giới ngoại giao đoàn Việt Nam trước con mắt quốc tế, và dĩ nhiên trước cả 90 triệu người dân quốc gia này. Ngay sau hành sự được xem là “cát tát” của HD 981 vào mặt Hà Nội, tuyên bố của ông Lê Hoài Trung lại như bồi thêm một cái tát vào mặt những trí thức và quan chức còn quá trông chờ vào thái độ hồi tâm dân tộc của những người “đu dây.”


“Tam quốc”


Những tin đồn về một cuộc họp trung ương bất thường sẽ diễn ra trong thời gian sớm nhất có vẻ đang dần hợp lý. Nghe nói Bộ Chính Trị họp liên tục. Và cũng nghe nói vẫn chưa thống nhất được một quan điểm về việc “hướng Bắc” hay “sang Tây.” Ðiều này cũng phù hợp với tin tức mà Giáo Sư Carl Thayer nhận được: “Một cuộc họp của Ban Chấp hành Trung Ương Ðảng dự kiến sẽ cân nhắc lợi hại của hành động pháp lý chống Trung Quốc. Cuộc họp đó sẽ chuyển khuyến nghị lên Bộ Chính Trị,” cũng như một nhận định khác của ông: “Sự kiện Trung Quốc rút giàn khoan sẽ dẫn đến việc giảm căng thẳng và làm tăng khả năng các cuộc đàm phán song phương cấp cao Việt-Trung. Ðiều đó sẽ có lợi cho những người muốn thỏa hiệp với Trung Quốc. Ðấu đá trong nội bộ Ðảng có khả năng tăng cường độ trên những bất đồng về lợi ích ngắn hạn so với lợi ích lâu dài.”

Không chỉ nhân dân, mà cả các chính khách thâm sâu đều khó bỏ qua một sự kiện buồn thảm: khi nhìn lại là từ thời điểm nêu ra Thông điệp đầu năm 2014 với hàng loạt khái niệm mới mẻ như “đổi mới thể chế,” “nắm chắc ngọn cờ dân chủ,” “xóa độc quyền” và cả “nhà nước kiến tạo phát triển,” cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ nội dung nào được thủ tướng Việt Nam hóa giải thành hành động.

Bởi thế, cung đường mà ông Nguyễn Tấn Dũng muốn vượt qua để tiến tới đại hội đảng 12 vào năm 2016 chắc chắn sẽ biến thành một con đường và mang tính thử thách hơn cả một lý thuyết. Khái niệm “lợi ích ngắn hạn” nhiều khả năng sẽ bao trùm cho một cuộc chạy đua vai trò lãnh đạo thay cho lợi ích lâu dài của quê hương.

Vậy tình hình đó sẽ dẫn đến hệ quả xung khắc nào?

Có lẽ không phải vô căn cứ mà Giáo Sư Carl Thayer cho rằng, “Nếu lãnh đạo Việt Nam tiếp tục chia rẽ giữa phe thân Trung Quốc và phe thân Mỹ, điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ không thể đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Việt Nam sẽ thận trọng tiến hành việc này và một cách thất thường.”

Không chỉ tiến đến đại hội 12, mà trong tình thế “thù trong giặc ngoài” như hiện nay, ông Nguyễn Tấn Dũng còn phải tìm cách chinh phục cảm tình của Washington. Nhưng không chỉ người đại diện cho chính phủ, thậm chí những lãnh đạo tượng trưng cho nhà nước và điểm xuyết cho khối đảng cũng có thể muốn hiện diện tại xứ Cờ Hoa, với mong muốn ít nhất để diện kiến vị tổng thống chưa hề đặt chân đến Việt Nam nhưng đã công du gần hết Châu Á.

Năm 2013, đã chỉ có Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang bước qua ngưỡng cửa tòa Bạch Ốc.

Thế “tam quốc” như thế lại càng khiến cho tình thế triều chính thêm phức hợp và hấp dẫn, dù cho triển vọng “đối tác chiến lược toàn diện” và nhu cầu dinh dưỡng của Việt Nam về “hiệp ước tương trợ quốc phòng” với người Mỹ vẫn không bớt trừu tượng.


Nguồn: Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét