Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Giới đối kháng ở Việt Nam bị ngăn cản gặp phái viên LHQ



Giới đối kháng ở Việt Nam bị ngăn cản gặp phái viên LHQ


Monday, July 28, 2014 2:58:33 PM


HÀ NỘI  (NV) .- Tư gia của nhiều nhân vật đối kháng đã bị công an vây chặt trong nhiều ngày. Họ không thể rời khỏi nhà để đến gặp ông Heiner Bielefeldt, Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc.



An ninh CSVN vây kín con hẻm vào nhà cụ Lê Quang Liêm – lãnh tụ PGHH. Giam lỏng đối kháng là chuyện phổ biến khi có giới chức ngoại quốc đến Việt Nam tìm hiểu về nhân quyền. (Hình: VRNs)


Ông Bielefeldt được Liên Hiệp Quốc cử đến Việt Nam để tìm hiểu việc thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tại Việt Nam. Đợt công tác này kéo dài 11 ngày, kể từ 21 tháng 7 đến 1 tháng 8. Trước khi khởi hành, ông Bielefeldt cho biết, đợt công tác vừa là cơ hội để ông tìm hiểu cách thức chính quyền Việt Nam bảo vệ và thúc đẩy tự do tín ngưỡng, vừa để chia sẻ kiến thức của ông về những vấn đề liên quan tới quyền tự do tín ngưỡng.

Cuối tuần qua, ông Bielefeldt từ miền Bắc vào miền Nam. Ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập, tố cáo, từ ngày 25 tháng 7 đến nay, công an Sài Gòn và công an một số địa phương khác đã vây tư gia của nhiều nhân vật đối kháng, dùng vũ lực ngăn chặn họ ra khỏi nhà để họ không thể tiếp xúc với phái đoàn của ông Bielefeldt.

Trong vài trò Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc, ông Bielefeldt có trách nhiệm xác định những trở ngại về việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tại Việt Nam, cũng như đưa ra những khuyến cáo cụ thể cho chế độ Hà Nội. Ngoài việc gặp gỡ các viên chức nhà nước CSVN, ông Bielefeldt còn cần tiếp xúc với đại diện các tôn giáo, tín ngưỡng, các tổ chức dân sự.

Trong thư tố cáo, ông Dũng cho biết ông chỉ là một trong số các nạn nhân. Bị công an Việt Nam giam lỏng tại tư gia còn có ông Nguyễn Đan Quế, ông Phạm Bá Hải, bà Dương Thị Tân (vợ ông Nguyễn Văn Hải - blogger Điếu Cày) và hai mục sư Tin Lành là ông Nguyễn Hoàng Hoa, ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Tất cả các nhân vật vừa kể đều là những “nhân chứng” mà ông Bielefeldt dự định gặp gỡ để kiểm chứng những điều mà Việt Nam đã cam kết sẽ thực thi trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.


Cuối năm ngoái, trước cuộc bầu chọn thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhiệm kỳ 2014 – 2016, nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra một loạt cam kết, trong đó có cam kết sẽ để Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam tìm hiểu về tự do tôn giáo và sẽ “tạo điều kiện” để Đặc phái viên này tiếp xúc với bất kỳ ai.

Cộng đồng quốc tế và nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền vẫn thường xuyên bày tỏ sự lo ngại về nhân quyền tại Việt Nam bởi luôn có khoảng cách rất lớn giữa các tuyên bố, các hứa hẹn của nhà cầm quyền với thực tế.

Tuần trước, tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) lại vừa kêu gọi Úc hối thúc Việt Nam tôn trọng nhân quyền, trước cuộc đối thoại giữa hai bên về nhân quyền vào ngày 28 tháng 7. Trong thông cáo phát hành ngày 24 tháng 7-2014, HRW nhận định, Úc cần sử dụng cuộc đối thoại vừa kể, hối thúc Việt Nam thực hiện những cải thiện cụ thể và có thể đo lường được về nhân quyền.

Những cải thiện cụ thể và có thể đo lường được về nhân quyền được HRW nêu ra là trả tự do cho toàn bộ tù chính trị, chấm dứt việc hạn chế công dân thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do tôn giáo.

Bà Elaine Pearson, người phụ trách chi nhánh ở Úc của HRW, nói thêm rằng, ngoài việc đối thoại với chính quyền các quốc gia khác, chế độ Hà Nội cần đối thoại với các công dân của mình thay vì bắt giữ và phạt tù để buộc họ im tiếng.

Cùng lên tiếng về đề tài này, trong cuộc trò chuyện với VOA, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW, cảnh báo, nếu Úc và cộng đồng quốc tế “dễ dãi” với Việt Nam trong các cuộc đối thoại nhân quyền thì sẽ không thể có những thay đổi đáng kể đối với “thói quen đàn áp” của chính quyền Việt Nam.

Theo HRW, các quốc gia thực hiện đối thoại nhân quyền với Việt Nam nên công bố công khai nội dung trao đổi, hiệu quả đối thoại và những phản hồi nhận được từ phía Việt Nam để gia tăng áp lực cần thiết, buộc Việt Nam phải cải thiện nhân quyền theo các chuẩn mực quốc tế.  (G.Đ)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét