Chuyện cảnh sát giao thông và người dân
2014-07-21
Cảnh sát giao thông, bạn dân. Ảnh minh họa
Photo soha.vn
Với một quốc gia bất kì và bình thường nào nhất, cảnh sát là lực lượng bảo an của nhân dân và là biểu tượng về an ninh của xã hội, đặc biệt, lực lượng cảnh sát giao thông luôn là tiêu điểm để hướng đến một trật tự chung nhằm duy trì an toàn trong lưu thông.
Nhưng, ở Việt Nam, trong thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa, lực lượng cảnh sát nói chung và cảnh sát giao thông nói riêng chưa bao giờ nắm giữ đúng vai trò và chức năng này. Với người dân, lực lượng cảnh sát giao thông luôn là nỗi ám ảnh và khi bóng áo vàng xuất hiện trên đường, sự rối loạn cũng xuất hiện đồng thời.
Người dân luôn lo sợ bởi cảnh sát
Một cư dân quận 7, Sài Gòn, tên Phúc, chia sẻ: Không riêng gì cảnh sát giao thông mà mọi thứ công cụ cảnh sát khác đều khiến dân sợ hãi hết. Dân họ cúi đầu lặng lẽ sống để được yên ổn. Trong cách sống người Việt Nam mình vậy thôi, người ta khinh bỉ và sợ hãi nhưng yên lặng để sống yên ổn. Một khi nó thổi thì không lỗi thì cũng thành có lỗi!
Theo ông Phúc, nếu như những năm trước 1975 ở Sài Gòn, hình ảnh người quân cảnh luôn làm cho người dân yên tâm mỗi khi ra đường. Đặc biệt, nếu gặp cướp, chỉ cần la to hai chữ “quân cảnh” thì nhất định tên cướp có ăn gan trời cũng phải chùng tay trong phút chốc để quan sát. Hoặc nếu lúc đó có quân cảnh ở gần đó thì bằng mọi giá, lực lượng quân cảnh cũng truy lùng cho được tên cướp để đưa về bốt. Còn Sài Gòn những năm sau 1975 thì hoàn toàn khác, mọi sự rối loạn nhen nhóm hình thành và cuối cùng là bùng phát dữ dội.
Hiện tại, nếu ra đường gặp cướp, dù có đang bị cướp ở vị trí rất gần đồn công an thì người dân cũng chỉ bằng mọi giá giữ lấy sinh mạng và tài sản nếu được, chuyện hô to kêu cứu chỉ có giá trị nếu gặp một vài cảnh sát chìm nào đó còn lương tri, họ sẽ truy đuổi, nếu không gặp những cảnh sát chìm như thế, chuyện mất mát là đương nhiên. Mà Sài Gòn hiện tại, lực lượng cảnh sát chìm có mặt trên mọi nẻo đường nhưng họ có mặt không phải để duy trì an ninh cho nhân dân mà là để đề phòng và phát hiện những cuộc biểu tình chống Trung Quốc bành trướng. Chính vì thế, khi có một cuộc biểu tình nhỏ vừa diễn ra thì ngay lập tức có công an bao vây và dập tắt. Số lượng công an chìm nổi nhiều vô kể.
Cảnh sát giao thông trên đường di sản Hà-Nội. RFA
“Không riêng gì cảnh sát giao thông mà
mọi thứ công cụ cảnh sát khác đều khiến
dân sợ hãi hết. Dân họ cúi đầu lặng lẽ sống
để được yên ổn. Trong cách sống người
Việt Nam mình vậy thôi, người ta khinh bỉ
và sợ hãi nhưng yên lặng để sống yên ổn.
Một khi nó thổi thì không lỗi thì cũng thành có lỗi!”
Một cư dân quận 7
Nếu so sánh giữa mức độ kêu cứu khi gặp cướp và mức độ hô hào biểu tình của một nhóm nhỏ, bao giờ mức độ kêu cứu cũng có cường độ âm thanh to và khẩn cấp hơn nhiều. Thế nhưng tiếng kêu cứu bị bỏ ngoài tai công an, cảnh sát nhưng tiếng hô của người biểu tình sẽ được phát hiện ngay tức khắc, thậm chí không hô, chỉ trương khẩu hiệu, biểu ngữ vẫn bị phát hiện như thường. Đó là trường hợp ngành công an nói chung, nếu xét riêng ngành công an giao thông thì mức độ gây sợ của họ đối với người dân còn cao hơn nhiều.
Bất kì con đường nào đang có xe cộ lưu thông một cách bình thường, nhịp nhàng, chỉ cần những áo vàng xuất hiện cộng thêm vài áo xanh của cảnh sát cơ động thì mọi chuyện trở nên phức tạp, người đi đường trở nên bất an, nháo nhào và dáo dác…
Trong một số trường hợp, cảnh sát giao thông chơi trò núp lùm, ngồi trong các bụi cây để bắn tốc độ hoặc ngồi phục kích ở những vị trí khuất tầm mắt, đợi cho các cô nữ chạy xe ngang qua thì nhảy xổ ra thổi còi một phát nghe đinh tai nhức óc và chỉ thẳng gậy vào mặt đối phương, làm cho đối phương bị bất ngờ, khủng hoảng tâm lý trong giây lát và dừng xe, không hiểu chuyện gì. Sau đó là hàng loạt cáo buộc của cảnh sát đối với người đi đường mà nếu người đi đường biết điều nhét cho cảnh sát vài trăm ngàn thì mọi chuyện sẽ êm xuôi, chuyến đi được tiếp diễn.
Và cứ như thế, nạn mãi lộ đối với cảnh sát giao thông trở thành một hoạt động thường nhật ở Việt Nam, nơi nào có cảnh sát giao thông, tất nhiên nơi đó có mãi lộ, việc mãi lộ đã ăn sâu vào tiềm thức và lâu ngày, trở thành một loại văn hóa của dân tộc. Hay nói cách khác, sợ cảnh sát giao thông khi ra đường đã trở thành một loại tâm lý tập thể của người Việt.
“Ai cũng mong được đứng đường. Việc
đứng đường của cảnh sát giao thông là
một cơ hội ăn nên làm ra, nó cũng giống
như một cô gái điếm thì phải ra đường
đứng vẫy khách, một công an giao thông
phải ra đường, phải chỉ gậy mới có thể
kiếm ăn, mới ăn nên làm ra, có của dư của để.”
Đầu tư để được đứng đường
Một cựu nhân viên ngành công an giao thông, yêu cầu giấu tên, chia sẻ: Mãi lộ cũng là thứ tham nhũng nhỏ nhỏ thôi chứ gì đâu. Đại khái là thứ tham nhũng nhỏ nhỏ đó nó đã tràn ngập xã hội rồi. Không phải nghĩa là có cảnh sát giao thông lả an toàn mà không có thì không an toàn. Người đi đường mà ý thức thì không có cảnh sát giao thông cũng tốt thôi! Cảnh sát nó núp trong lùm cây nó bắn tốc độ, đâu cần ở xa, ngay ở Sài Gòn, cảnh sát đầy đường đầy sá mà trộm cắp, cướp giật như rươi vậy thôi!
Theo ông này, tuy cảnh sát giao thông phải núp lùm, phải đứng đường và đại đa số là tạo ra hình ảnh xấu trong mắt nhân dân và có thể bị nhân dân phản ứng, đánh đập hoặc đánh đập nhân dân bất kỳ giờ nào nhưng đã là cảnh sát giao thông, ai cũng mong được đứng đường. Việc đứng đường của cảnh sát giao thông là một cơ hội ăn nên làm ra, nó cũng giống như một cô gái điếm thì phải ra đường đứng vẫy khách, một công an giao thông phải ra đường, phải chỉ gậy mới có thể kiếm ăn, mới ăn nên làm ra, có của dư của để.
“Chỉ cần được đứng ở các trạm này, mỗi đêm,
thu nhập của mỗi cảnh sát thấp nhất cũng được
năm triệu đồng, nếu trúng thì con số lên mười triệu,
thậm chí vài chục triệu nếu bắt trúng những xe chở
hàng lậu hoặc động vật quí hiếm. Cứ chia ca với nhau,
mỗi người đứng từ một đến ba đêm và ba ngày mỗi tuần”
Chính vì vậy mà phần đông các cảnh sát giao thông có đạo đức trong ngành hoặc cô thế, bị trù dập đều phải ngồi văn phòng đến mòn ghế và ăn lương chay ba đồng ba cọc, khó có cơ hội mà phất lên được. Còn những cảnh sát giao thông biết ăn chia, biết liều lĩnh và biết ép phạt đều tìm cách để được đứng đường. Thậm chí có những trạm đứng đường như trạm Hàng Xanh, trạm số 2 Thủ Đức là những trạm mà muốn được đứng đó, các cảnh sát phải tự đấu giá ngầm với nhau, phải chung chi tiền tỉ mỗi năm để được đứng đường.
Chỉ cần được đứng ở các trạm này, mỗi đêm, thu nhập của mỗi cảnh sát thấp nhất cũng được năm triệu đồng, nếu trúng thì con số lên mười triệu, thậm chí vài chục triệu nếu bắt trúng những xe chở hàng lậu hoặc động vật quí hiếm. Cứ chia ca với nhau, mỗi người đứng từ một đến ba đêm và ba ngày mỗi tuần. Có thể nói con số thu nhập của các cảnh sát này là con số khủng. Bởi chỉ cần một chiếc xe tải bình thường đi qua trạm, nếu có chở hàng thì cách gì cũng dừng lại để chung từ hai trăm đến năm trăm ngàn đồng. Mà lưu lượng xe trung bình trên đường phải là con số hàng ngàn chiếc, cứ như vậy nhân lên sẽ thấy ngay thu nhập của các cảnh sát đứng đường.
Đó là chưa nói đến những vụ tai nạn giao thông được dàn xếp “công bằng” bởi cảnh sát giao thông, họ cũng được hưởng đậm trong các vụ tai nạn. Và sở dĩ ngành cảnh sát giao thông có thể ăn tàn bạo mà không nói được gì là vì trên một tuyến xe, tất cả mọi trạm đều có chung chi cho cảnh sát giao thông, vì phải chung chi, người chủ xe buộc phải độn thêm hàng cho quá trọng tải cho phép mới bù được khoản chung chi này, mà một khi đã độn thì cái lỗi đã đeo trước ngực nên không chung không được.
Ngược lại, nếu không độn quá tải thì sẽ bị hạch họe đủ thứ, từ cái còi cho đến cái đèn, gương chiếu hậu và giấy phép lái xe, cảnh sát sẽ hạch họe bao giờ lòi ra lỗi mới thôi.
Chính vì thế, với người dân, cảnh sát giao thông nói riêng và công an nói chung là một thứ gì đó đáng kinh sợ và luôn gây rối loạn, bất an trên đường đi cũng như trên đường đời.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét