CANH LE - NGHỆ THUẬT VÀ CHÍNH TRỊ - 1&2
1
Ca sĩ Khánh Ly có một giọng hát "đặc biệt". "Đặc biệt", trước tiên là vì rất "riêng", sau đó là "hay" ...
Nhưng nếu không có các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thì cái "riêng" và "hay" ấy cũng sẽ lẫn vào hàng chục, trăm, ngàn ... cái "riêng" và "hay" khác ... Nghe Khánh Ly hát các ca khúc Tiền Chiến, hay các ca khúc của các nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Việt Dzũng ..., ta có thể cảm nhận được điều này ...
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người viết ca khúc "đặc biệt". "Đặc biệt", trước tiên là vì rất "riêng", sau đó là "hay" ...
Nhưng nếu không có giọng hát Khánh Ly, thì cái "riêng" và "hay" ấy cũng sẽ lẫn vào hàng chục, trăm, ngàn ... cái "riêng" và "hay" khác ... Nghe các ca khúc của Trịnh được / bị hát bởi các ca sĩ Lệ Thu, Trịnh Vĩnh Trinh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng ..., ta có thể cảm nhận được điều này ...
Nhạc sĩ là người tạo tác ra ca khúc lần thứ nhất, ca sĩ là người tạo tác ra ca khúc lần thứ hai.
Hai con người này, ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với cái "riêng" và "hay" của mỗi người, dường như được sinh ra là để dành cho nhau, trên bầu trời nghệ thuật ... Cả hai hòa quyện thăng hoa chìm đắm cùng nhau trong cái không gian miên man của nắng, thăm thẳm của mưa, huyền hoặc của đêm, hoang hoải của ngày, hun hút của muôn trùng, bàng bạc của hư không, mộng mị của liêu trai địa đàng, hưng hoại của sắc không vô thường ...
Hai con người này, ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với cái "riêng" và "hay" của mỗi người được hòa quyện lại, đã gieo vào lòng người Việt Nam những xúc cảm "đặc biệt" ...
Nhưng nghệ thuật có liên can đến chính trị không !?
1. Nếu hiểu chính trị là "toàn bộ những hoạt động có liên quan đến các mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các tầng lớp xã hội, mà cốt lõi của nó là vấn đề giành chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước, sự tham gia vào công việc của nhà nước, sự xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước".
2. Nếu hiểu chính trị là "hoạt động của con người nhằm làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung mà những luật lệ này tác động trực tiếp lên cuộc sống của những người góp phần làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung đó".
Nếu Trịnh Công Sơn chỉ viết Tình ca, đó là chính trị theo nghĩa thứ 2. Và Trịnh còn viết ca khúc Phản Chiến, đó là chính trị theo cả hai nghĩa !
Nếu Khánh Ly chỉ hát Tình ca, đó là chính trị theo nghĩa thứ 2. Và Khánh Ly còn hát ca khúc Phản Chiến, Chống Cộng, đó là chính trị theo cả hai nghĩa !
Thực ra, chính trị chỉ là một thành tố của Văn Hóa. Văn Hóa là tâm tư tình cảm, là lời ăn tiếng nói, là cung cách ứng xử, là phong tục tập quán, là hình thái xã hội, là thể chế chính trị ... vv ...
"Văn Hóa bao hàm chính trị" ...
"Văn Hóa dẫn đường cho chính trị" ...
Người làm nghệ thuật - nghệ sĩ - đương nhiên phải "nói" về Văn Hóa, do đó, đương nhiên "nói" về chính trị ... Dù là một người làm nghệ thuật - nghệ sĩ - "duy mỹ", "nghệ thuật vị nghệ thuật" thuần túy nhất, nhưng khi đã mang hơi thở thời đại vào tác phẩm - nghệ phẩm - thì, một cách vô thức, đã là chính trị ... Mà một người làm nghệ thuật - nghệ sĩ - thực sự, chân chính, thì phải có một đặc tính quan trọng là cực kỳ nhạy cảm với thời cuộc, một cách vô thức, và phả nó vào trong tác phẩm - nghệ phẩm - của mình, một cách vô thức ... Điều đó giúp cho tác phẩm - nghệ phẩm - hàm súc được chiều tư duy sâu, thông đạt được tầm khái quát cao, khai triển được độ phổ quát rộng, ..., khiến cho tác phẩm - nghệ phẩm - trở thành một "kiệt tác" ...
Hoặc không, không bao giờ ... ! ...
Việc Khánh Ly đã từng hát ca khúc Phản Chiến ở trong nước trước năm 1975, từng hát ca khúc Chống Cộng ở hải ngoại sau năm 1975, và sẽ về lại nước nhà để trình diễn chính thức vào năm 2014 ..., dù muốn dù không, dù hữu thức hay vô thức, đều ít nhiều có bóng dáng của chính trị, mặc dù, một cách hiển nhiên, Khánh Ly vẫn là một con người của nghệ thuật thuần túy, không phải là một con người của chính trị ...
"Theo Khánh Ly thì người ca sĩ đứng trên sân khấu hay ngoài đời thường thì đã nhận lời khen thì cũng phải chấp nhận lời chê thậm chí là những lời chê cực đoan liên quan đến vấn đề chính trị vì không phải ai cũng yêu mình cả và việc chống đối vì nhiều lý do cũng là tự nhiên". Về vấn đề kiểm duyệt, Khánh Ly cho rằng "một ca sĩ lỡ hát những bài người ta không cho phép thì phiền lắm", "Mình vào nhà người ta thì chỉ được làm những gì người ta cho phép", việc kiểm duyệt "chẳng làm phiền gì mình hết, tại vì nhiều khi cái mình thích chưa chắc là cái người ta thích".
Văn hóa vốn có "đại đồng" và "tiểu dị" ...
Xưa, người Kinh - Yuôn - Dị Chủng - Dị Văn - vô nhà người Thượng, không được xoa đầu trẻ em để bày tỏ tình cảm thương yêu, âu yếm, vì theo phong tục tín ngưỡng của người Thượng, như vậy là xúc phạm đến Linh Hồn Tổ Tiên ...
Xưa, Trần Nhật Duật - đại diện cho triều đình nhà Trần - vô nhà chúa đạo Trịnh Giác Mật đã nói bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân tộc Đà Giang : "Lũ tiểu đồng của ta khi đi đường thì nóng tai trái, vào đây thì nóng tai phải", dùng tay bốc thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngửa mặt, cầm gáo rượu bầu từ từ dốc vào mũi - Tị Ẩm - hết sức thành thạo, khiến Trịnh Giác Mật phải kinh ngạc thốt lên : "Chiêu Văn Vương là anh em với ta rồi !"
...
Những sự tôn trọng văn hóa đó, dù muốn dù không, dù hữu thức hay vô thức, đều ít nhiều có bóng dáng của chính trị ...
Nay, thế giới đã phẳng, "toàn cầu hóa", theo quá trình giao thoa, văn hóa cũng hướng đến "đại đồng", những phong tục "tiểu dị" ngày càng bớt khắc khe, ràng buộc ... Để có thể hội nhập, một nền văn hóa không thể cứ khăng khăng bảo thủ lấy cái "dị biệt", "lập dị" của mình, mà cần phải biết "tiếp biến" ...
Trong chuyện bang giao giữa hai quốc gia, nếu các cấp lãnh đạo tiếp xúc với nhau ở một nước thứ ba, sẽ mang một ý nghĩa khác ; nếu các cấp lãnh đạo tiếp xúc với nhau tại một trong hai quốc gia một cách không chính thức, sẽ mang một ý nghĩa khác ; nếu các cấp lãnh đạo tiếp xúc với nhau tại một trong hai quốc gia một cách chính thức, với các nghi tiết ngoại giao, sẽ mang một ý nghĩa khác ... Các ý nghĩa ấy còn phụ thuộc vô sự phân loại các cấp lãnh đạo ; sự phân loại vấn đề, nội dung thảo luận ; sự phân loại trình tự thời điểm, thời gian tiếp xúc ; sự phân loại các nghi tiết ngoại giao ... vv ...
Các ca sĩ Tuấn Ngọc, Hương Lan, Ý Lan, Quang Lê ... chỉ hát Tình ca, về lại nước nhà Việt Nam trình diễn chính thức, mang ý nghĩa khác ...
Thậm chí ca sĩ Chế Linh, vốn nổi tiếng với các ca khúc về lính Cộng Hòa, nhưng chỉ mang tính tự tình, tự sự, về lại nước nhà Việt Nam trình diễn chính thức, mang ý nghĩa khác ...
Khánh Ly, trên tư cách một cá nhân, về lại nước nhà Việt Nam để thăm viếng cố hương, cố nhân, tìm về với các dấu chân kỷ niệm một thời, hát trong các buổi liên hoan bè bạn riêng tư ..., mang ý nghĩa khác, có thể không cần phải cân nhắc nhiều ... ; nhưng nếu trên tư cách một Ca Sĩ - Người Của Công Chúng - người đã từng hát những ca khúc Phản Chiến, Chống Cộng, và dù muốn dù không, đã trở thành một biểu tượng, như là một "ngọn cờ" của hòa bình chống chiến tranh, "ngọn cờ" của văn minh chống dã man, "ngọn cờ" của tự do chống áp bức, "ngọn cờ" của dân chủ chống độc tài ... - đối với quyết định về lại nước nhà Việt Nam để trình diễn chính thức, sẽ mang ý nghĩa "đặc biệt", nên / cần / phải cân nhắc "đặc biệt" đến "bóng dáng của chính trị" ...
Xin chớ quên, mà hãy nhớ :
Ta đã thấy gì trong đêm nay
Cờ bay trăm ngọn cờ bay
Rừng núi loan tin đến mọi miền
Gió hòa bình bay về muôn hướng
Ngày vui con nước trôi nhanh
Nhịp sống bao la xóa bỏ hận thù
Gặp quê hương sau bão tố
Giọt nước mắt vui lay lòng gỗ đá
Ta đã thấy gì trong đêm nay
Bàn tay muôn vạn bàn tay
Những ngón tay thơm nối tật nguyền
Nối cuộc tình nối lòng đổ nát
Bàn tay đi nối anh em
Về suối quê hương tắm gội nhục nhằn
Mười năm đêm trong tiếng súng
Ruộng lúa bãi dâu qua con kinh hoàng
Mẹ già cười xanh như lá mới trong khu vườn
Ruộng đồng Việt Nam lên những búp non đầu tiên
Một đoàn tàu đi nhả khói ấm hai biên thùy
Một đàn gà cao tiếng gáy đánh thức bình minh
Ta đã thấy gì trong đêm nay
Cờ bay trăm ngọn cờ bay
Đường phố hôm nay sáng rực đèn
Sáng rực đèn trong làng trong xóm
Người đi như nước qua đê
Mặt đất ưu tư đã mở nụ cười
Hàng cây xanh thay áo mới
Người bước bước nhanh như rừng đi tới
Ta đã thấy gì trong đêm nay
Đèn soi trăm ngọn đèn soi
Mặt đất rung rinh bước triệu người
Phá ngục tù đi dựng ngày mới
Rạng đông soi sáng tương lai
Dòng máu anh em đã nhuộm mặt trời
Cùng xương khô lên tiếng nói
Đời sống ấm êm nhân danh con người ... ! ...
( Ta Đã Thấy Gì Trong Đêm Nay - Trịnh Công Sơn ).