Phạm Trần - 16 chữ “đần” và tinh thần 4 “dốt”
VRNs (06.06.2014) – Washington DC, USA – Tổ tiên người Việt thật thâm thúy và tài tình khi để lại cho con cháu câu nói “cháy nhà ra mặt chuột”. Đem câu răn đe này áp dụng cho “khúc xương Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 đã mắc trong họng Việt Nam khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhìn nhận chủ quyền của Trung Cộng tại Hòang Sa và Trường Sa” thì thấy ngay tại sao Trung Cộng lại có thể đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào trong vùng biển của Việt Nam mà không sợ bị trục xuất.
Trước tiên nên biết Tuyên bố chủ quyền 12 hải lý (mỗi hải lý dài 1,852 mét) của Trung Cộng công bố ngày 04.09.1958 đã nói gì về hai quần đào Hòang Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Theo tài liệu của Bộ Ngọai giao Mỹ, điểm quan trọng nhất của Tuyên bố này quy định ở khỏan số 4 viết: “The principles provided in paragraphs 2) and 3) likewise apply to Taiwan and its surrounding islands, the Penghu Islands, the Tungsha Islands, and Hsisha Islands, the Chungsha Islands, the Nansha Islands, and all other islands belonging to China.”
(Tạm dịch: Những nguyên tắc quy định ở đọan 2 và 3 [Chú thích: nói về chủ quyền của Trung Quốc trên đất liền, lãnh hải và các hải đảo ngòai khơi và vùng phụ cận] được áp dụng cho Đài Loan và các đảo chung quanh, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa và Tây Sa (Việt Nam gọi là Hòang Sa), Trung Sa (Bãi Macclesfield mà Trung Cộng có tranh chấp với Phi Luật Tân) và Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa) và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc.)
Điều này rõ ràng nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thời Mao Trạch Đông đã sử dụng Bản đồ hình “lưỡi bò” hay còn được gọi là “đường 9 đọan” để xác nhận chủ quyền của họ trên lãnh thổ của nước khác trong khu vực có tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông.
Bản đồ này nguyên thủy có 11 đọan đứt chiếm gần hết 3.5 triệu cây số vuông của Biển Đông, vẽ từ năm 1947 nhưng xuất bản tháng 2 năm 1948 bởi Bộ Nội vụ của Chính phủ Quốc dân đảng (Cộng hòa Trung Hoa) của tướng Tưởng Giới Thạch, khi ấy cai trị Trung Quốc.
Sau khi đánh bại quân Tưởng Giới Thạch để cai trị Trung Hoa, vào khỏang năm 1953 Chính phủ Cộng sản (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) Mao Trạch Đông đã tự động bỏ đi “2 đọan đứt ” tại khu vực Vịnh Bắc Bộ nên bản đồ hình chữ U giống như lưỡi bò chỉ còn lại “9 đọan” cho đến ngày nay.
KHÚC XƯƠNG PHẠM VĂN ĐỒNG
Như vậy, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng của nhà nước Cộng sản miền Bắc -Việt nam Dân chủ Cộng Hòa (VNDCCH) – vào ngày 14.9.1958, gửi Công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Laiđể “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa” , trong đó có việc Trung Hoa đã tự ý xác nhận chủ quyền của họ tại Hòang Sa và Trường Sa, khi ấy đang do Chính phủ miền Nam -Việt Nam Cộng Hòa (VNCH – cai qủan thì chẳng nhẽ ông Đồng chỉ muốn “nói cho đẹp lòng người phương Bắc” để đội ơn Trung Cộng đã giúp cho đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đánh thắng giặc Pháp ở Điện Biên Phủ hay sao?
Nguyên văn Công hàm của ông Phạm Văn Đồng viết:
“Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”.
Công hàm quan trọng và cực kỳ “phản quốc” này của ông Đồng được viết vào lúc hai quần đảo Hòang Sa và Trương Sa thuộc quyền cai qủan hợp pháp của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ở trong Nam. Nó “nằm ngủ bình yên” trong hộc tủ của Trung Cộng, ngay cả khi Trung Cộng đánh chiếm Hòang Sa từ tay quân lực VNCH ngày 19.01.1974.
Trước biến cố Hòang Sa, phía nhà nước VNDCCH không dám nói một lời nào mà ngược lại trong thâm tâm lãnh đạo chóp bu thời đó, kể cả Bí thư thứ nhất Đảng Lao Động Việt Nam Lê Duẩn cho đến ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều “yên tâm hoan hỉ” thấy Hòang Sa đã được “các đồng chí Trung Quốc giải phóng và qủan lý dùm” trong khi miền Bắc đang ráo riết tập trung nỗ lực đánh chiếm miền Nam!
Nhưng sau khi Trung Cộng xua quân tràn qua biên giới đánh vào 6 tỉnh tháng 2.1979 để gọi là “dậy cho Việt Nam một bài học” rồi sau đó đánh chiếm 8 Đá Ngầm ở Trương Sa năm 1988, quan trọng nhất là bãi Gạc Ma, giết hại 64 lính của Việt Nam và không chịu nói chuyện “chủ quyền Hòang Sa” với Việt Nam thì lúc đó lãnh đạo Hà Nội mới mở mắt ra thì qúa muộn mất rồi.
Thêm vào đó, cũng không ai có thể hiểu nổi tại sao Việt Nam gần Trường Sa hơn Trung Cộng mà Quân đội Việt Nam lại để yên cho quân lính Trung Cộng bình an chiếm đóng, lập khu nuôi hải sản trên biển và kiến thiết nhiều đồn bót, lập đài khí tượng, dàn radar quân sự trên một số bãi đá, kể cả Gạc Ma là vị trí chiến lược nằm chen giữa các bãi đá khác do Việt Nam kiểm soát.
Vậy phải chăng điều được gọi là “đại cục quan hệ” và “tình đồng chí” giữa “hai nước Cộng sản anh em” đang được Việt Nam thi hành ở Trường Sa?
Cũng nên biết khi hai nước Việt-Trung nối lại bang giao năm 1991 sau Hội nghị Thành Đô (Tứ Xuyên) năm 1990 mà theo nhiều bài viết từ Việt Nam thì lãnh đạo Việt Nam gồm Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng, chỉ vì nôn nóng muốn tái lập bang giao với Bắc Kinh mà “đã bị Chủ tịch Trung Cộng Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng” lừa và ép nhiều vấn đề quan trọng.
Trong số các “thỏa hiệp bí mật” được tiết lộ ra ngoài có việc Trung Cộng “cấm” Việt Nam không được nhắc nhở đến chuyện Hòang Sa và cuộc chiến biên giới năm 1979, theo lời Cụ Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ CSVN tại Bắc Kinh từ 1974 đến 1987.
Cũng tại Thành Đô, chủ yếu là hai ông Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười còn đồng ý với Bắc Kinh ép phe kháng chiến chống “Khmer đỏ thân Trung Cộng” phải đồng ý một giải pháp chính trị bất lợi cho họ khiến nhiều lãnh đạo Cao Miên sau này thù ghét Việt Nam.
Sau khi đã “lôi Việt Nam vào rọ bang giao có điều kiện” rồi thì Trung Cộng dùng “mồi kinh tế” và “áp lực chính trị” để nắm dạ dầy và cưỡng bách Việt Nam phải “gác tranh chấp để cùng khai thác” với Trung Cộng ở Biển Đông như chủ trương từ năm 1979 của Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình.
Chính sách này đã được liên tục lập lại bởi các thế hệ lãnh đạo Trung Cộng với chủ trương “quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển” của đương kim Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước Trung Cộng Tập Cận Bình.
NGUYỄN PHÚ TRỌNG MẮC BẪY?
Nhưng trong khi phiá Việt Nam cứ ra rả ngày đêm “tụng kinh” ca tụng phương châm 16 chữ vàng của Bắc Kinh trao cho là: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt: “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” thì vào ngày 03.05.2914 Tập Cận Bình lại ra tay “giáng cho Việt Nam cú đấm nổ đom đóm mắt’ khi họ Tập ra lệnh đặt giàn khoan tìm kiếm dầu khí Hải Dương 981 vào vị trí bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đến 80 hai lý (trên 148 cây số).
Phiá Việt Nam chỉ trích Trung Cộng không giữ những cam kết giữa các cấp cao của hai nước, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam và đe dọa an ninh và hòa bình trên Biển Đông và đòi phải rút giàn khoan HD-981.
Phiá Bắc Kinh phản công mạnh mẽ bằng các biện pháp dùng cả trăm tầu “bán quân sự”, kể cả tầu cá bọc sắt có công sức máy gấp 10 lần hơn tầu cá Việt Nam, để phun nước cực mạnh, dâm húc, đánh chìm, vây hãm và ngăn chận các tấu đánh cá, tầu cảnh sát biển và tầu kiểm ngư của Việt Nam tham gia chống giàn khoan HD-981.
Sau 1 tháng, Trung Cộng nhất định không rút gìan khoan mà còn đem tầu chiến, tầu võ trang hỏa tiễn, súng lớn và máy bay trực thăng, vận tải và phản lực chiến đấu đến đe dọa các tầu Việt Nam. Trung Cộng còn bảo bảo họ hoạt động hợp pháp trên vùng “biển của Trung Quốc” và đòi phiá Việt Nam phải ngưng khiêu khích, phá họai công tác tìm dầu!
Nhưng cho đến nay (tháng 06.2014) CSVN và Trung Cộng đã thỏa thuận ở cấp cao nhất về Biển Đông như thế nào?
Nổi bật và quan trọng hơn cả là thỏa hiệp 6 điểm quy định các ”Nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung” được ký giữa phái đòan hai nước tại Bắc Kinh ngày 11.10.2011, trước sự chứng giám của hai Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư-Chủ tịch Nhà nước Trung Cộng Hồ Cẩm Đào.
Tuyến bố hai bên viết nguyên văn như sau:
“Ngày 11.10, ngay sau các cuộc hội đàm, hội kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hồ Cẩm Đào cùng hai Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và Trung Quốc đã chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Nhà nước.
Trong các văn kiện trên, có văn kiện Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Theo đó, Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhất trí cho rằng, giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc là phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.
Hai bên nhất trí căn cứ vào những nhận thức chung mà Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong vấn đề trên biển, trên cơ sở “Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” năm 1993, xử lý và giải quyết vấn đề trên biển tuân theo những nguyên tắc dưới đây:
1. Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
2. Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển.
3. Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC).
Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.
4. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.
5. Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.
6. Hai bên tiến hành cuộc gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên tổ chức, khi cần thiết có thể tiến hành các cuộc gặp bất thường. Hai bên nhất trí thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển.”
HẬU QỦA NHÃN TIỀN
Rõ ràng là Trung Cộng trong thời đại Tập Cận Bình đã không coi Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và chính phủ Việt Nam ra gì. Bắc Kinh đã xóa đi tất cả những cam kết với Việt Nam, trong đó có cả những cam kết trong năm 2013 giữa hai chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và Tập Cận Bình ở Bắc Kinh (tháng 06.2013) và giữa hai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Lý Khắc Cường ở Hà Nội (tháng 10.2013) về hợp tác ở Biển Đông. Ngỏai ra Trung Cộng cũng không muốn có cuộc đối thọai giữa Lãnh đạo cao cấp nhất của đôi bên từ khi có cuộc khủng hòang giàn khoan HD-981.
Vì vậy, trái với các lần nói chuyện sau cánh cửa giữa đôi bên về tranh chấp ở Biển Đông từ thập niên 1990 đến nay, lần này Trung Cộng công khai nói đi nói lại nhiều lần về sự nhìn nhận chủ quyền của Trung Cộng ở Hòang Sa và Trường Sa trong Công hàm 1958 Phạm Văn Đồng.
Dường như Bắc Kinh muốn nói với Thế giới rằng Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 đã “phủ nhận” tất cả những chứng cớ Hòang Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Trong các cuộc thương thuyết song phương, Trung Cộng luôn luôn không muốn bàn đến vấn đề ai có chủ quyền ở Hòang Sa. Họ thường bảo phiá Việt Nam “vấn đề Hòang Sa không có gì cần bàn cãi nữa.”
Vậy Nhà nước Việt Nam và một số “chuyên viên về Công pháp Quốc tế và Biển Đông” đã phản bác lại lập luận của Trung Cộng như thế nào?
Tóm tắt từ phiá Chính phủ hay ủng hộ quan điểm của CSVN thì cho rằng Công hàm Phạm Văn Đồng chưa hề bao giờ từ bỏ chủ quyền của Việt Nam ở Hòang Sa và Trường Sa, không hề nói gì đến vấn đề lãnh thổ. Hơn nữa, Công hàm Phạm Văn Đồng không có “tư cách pháp lý” để thừa nhận chủ quyền của Trung Cộng tại Hoàng Sa và Trường Sa khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ờ miền Bắc lúc bấy giờ không là “chủ hữu pháp nhân” của 2 quần đảo lúc đó thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam.
Một số Luật gia và chuyên gia khác cũng giải thích ông Đồng chỉ công nhận quyết định tôn trọng chủ quyền lãnh hải 12 hải lý của Trung Cộng mà thôi, và Nhà nước Việt Nam bây giờ (Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) không có trách nhiệm “kế thừa” lời tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng.
Phản ảnh quan điểm này, xin trích một số đọan quan trọng của mạng Thông tin của Chính phủ CSVN viết như sau trong Bản tin ngày 23.05.2014:
“Trung Quốc mới đây lại viện dẫn Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như một “bằng chứng” về việc Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Song đây là một “vở diễn lại” quá lố của Trung Quốc bởi công luận Việt Nam đã từng phân tích sáng tỏ nội dung Công hàm 1958, khẳng định rằng văn bản này được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Dưới đây, Báo điện tử Chính phủ xin dẫn lại bài báo “Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam” đăng trên báo Đại Đoàn kết vào tháng 7.2011 trong đó tác giả bài báo phân tích rõ nội dung Công hàm 1958 cũng như chỉ ra những diễn giải xuyên tạc của Trung Quốc đối với văn bản này:
Ngoài bối cảnh “phức tạp và cấp bách” đối với Trung Quốc như đã nêu trên, theo Thạc sĩ Hoàng Việt (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông), Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đời trong bối cảnh quan hệ đặc thù VNDCCH -Trung Quốc lúc đó “vừa là đồng chí vừa là anh em”. Năm 1949, bộ đội Việt Nam còn tấn công và chiếm vùng Trúc Sơn thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ tay các lực lượng khác rồi trao trả lại cho Quân giải phóng Trung Quốc. Năm 1957, Trung Quốc chiếm giữ đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam từ tay một số lực lượng khác, rồi sau đó cũng trao trả cho Việt Nam. Điều này cho thấy quan hệ đặc thù của hai nước VNDCCH – Trung Quốc lúc bấy giờ. Do vậy, trong tình hình lãnh thổ Trung Quốc đang bị đe dọa chia cắt, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai khiến Hải quân Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào can thiệp, việc Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải bao gồm đảo Đài Loan trước hết nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của Trung Quốc trong tình thế bị đe dọa tại eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không quên mục đích “sâu xa” của họ trên Biển Đông nên đã “lồng ghép” thêm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào bản tuyên bố.
Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất phát từ mối quan hệ rất đặc thù với Trung Quốc trong thời điểm VNDCCH đang rất cần tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa bấy giờ và là một cử chỉ ngoại giao tốt đẹp thể hiện quan điểm ủng hộ của VNDCCH trong việc tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc trước các diễn biến quân sự phức tạp trên eo biển Đài Loan.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu những lời ủng hộ Trung Quốc trong hoàn cảnh hết sức khẩn trương, chiến tranh chuẩn bị leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ đang tiến vào eo biển Đài Loan và đe dọa Trung Quốc.
Nội dung Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi, hơn ai hết, chính Thủ tướng VNDCCH thấu hiểu quyền tuyên bố về lãnh thổ quốc gia thuộc thẩm quyền cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội, và việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia luôn luôn là mục tiêu hàng đầu đối với Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh ra đời của Công hàm như đã nêu trên.
Công hàm 1958 có hai nội dung rất rõ ràng: Một là, Chính phủ VNDCCH ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý; Hai là, Chính phủ VNDCCH chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố.
Trong Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung Quốc đã nêu. Do vậy, chỉ xét về câu chữ trong một văn bản có tính chất ngoại giao cũng dễ dàng nhận thấy mọi suy diễn cho rằng Công hàm 1958 đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó là bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý….”
Đó là “lập luận” và “diễn giải” Công hàm Phạm Văn Đồng của phiá đảng và nhà nước Việt Nam. Nhưng ai sẽ trưng ra được “bằng chứng” đó là “chủ trương, ý nghĩ thầm kín và chủ tâm” thật sự của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã “cất giấu” trong Công hàm 1958?
Và liệu Trung Cộng có “cứu xét” hay sẽ “bịt tai không nghe” lối giải thích chủ quan này của Việt Nam?
Cho đến bây giờ, khi xẩy ra vụ giàn khoan HD-981 thì mới thấy Công hàm Phạm Văn Đồng đã để lại những “khó khăn khôn lường” và “cực kỳ nguy hiểm” cho việc bảo vệ tòan vẹn chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Ngòai hành động “lời nói không đi đôi với việc làm của Trung Cộng đang xẩy ra ở Biển Đông” mà lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN đã biết từ khi có cuộc chiến biện giới 1979 và Trường Sa năm 1988, có ai giải thích được tại sao các lãnh đạo Việt Nam từ thời Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh (1990) cho đến thời Nguyễn Phú Trọng (2011) còn “lưỡng lự” trong quyết định kiện Trung Cộng ra trước Tòa án Quốc tế về hành động chiếm đóng bất hợp pháp Hòang Sa và một số bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam?
Hay vì đã mắc quai bị “cấm nói” đến Hòang Sa như tiết lộ của Cụ Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh mà đảng CSVN cũng “im luôn cho xong chuyện” ở Trường Sa?
Hoặc là lãnh đạo Việt Nam đã bị “say khướt” sau cuộc rượu với Dương Trạch Dân ở Thành Đô năm 1990 mà quên rằng:
Sơn thủy tương liên,
Lý tưởng tương thông,
Văn hóa tương đồng,
Vận mệnh tương quan.
cũng có nghĩa như “16 chữ đần” và “tinh thần 4 dốt” nên Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 mới gây họa cho dân tộc ngày nay?
Phạm Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét