Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

TRẦN LÝ SỰ - CHIÊU THỨC ÂM NHU



TRẦN LÝ SỰ - CHIÊU THỨC ÂM NHU


bocongan.jpg

Thuở xa xưa khi đất nước ta còn là cửa ngõ giao lưu của nền văn minh Ấn Hoa gồm ba học thuyết Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo, tổ tiên ta đã biết thu nhận chắt lọc những tinh hoa tư tưởng thích hợp để phong ohú hóa nền văn hóa dân tộc: Trọng hiền, hiếu học, ngưỡng mộ đạo đức, "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" của Khổng Tử, nguyên tắc chính trị "dân vi quý" của Mạnh Tử; luật nhân quả, "ở hiền gặp lành", "cứu nhân độ thế" của Đức Phật; "an nhiên tự tại", "an bần lạc đạo" của Lão Tử...  Và nếu nhìn từ văn tự, kiến trúc đến cái ăn cái mặc, sinh hoạt, nếp sống Việt... nhất nhất đều thấy toát lên một tinh thần nhân bản, tự chủ, tự cường.
Vậy mà, dân ta, nước ta như một kiếp hồng nhan tài hoa lắm nỗi truân chuyên, gặp toàn một lũ Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh, đầu trâu mặt ngựa làm cho điêu đứng đến "ba chìm, bảy nổi, chín cái lênh đênh, mười hai cái gập ghềnh". Nhưng rồi "Sơn hà thiên cổ điện kim âu", non sông muôn thuở vững âu vàng. Người đẹp truân chuyên vẫn tài hoa, sắc nước hương trời, dù cho con Tạo có trớ trêu xoay vần đến đâu cũng vậy. Tại sao?
Năm 43, Mã Viện nhà Đông Hán đánh thắng quân của Hai Bà, trước khi về Tầu, hắn bèn trồng một cột đồng trên khắc sáu chữ " Đồng trụ chiết, Giao Chỉ Diệt", ý nói cột đồng mà đổ thì đất Giao Chỉ mất. Lời đe dọa "ác ôn côn đồ" này là một thách đố sấc sược, người nông dân Việt Nam thời đó có đối sách thế nào? Thật giản dị. Họ chỉ cần bảo nhau: xin ông đi qua bà đi lại, mỗi người ném vào gốc cột đồng một hòn đá thôi. Dưới con mắt kẻ thống trị thì thấy: " Bọn dân ngu khu đen này đã biết oai thiên triều, sợ cột đồng đổ nên bảo nhau chất đá cho vững".  Chúng đâu có ngờ những hòn đá vô tri ấy mông mênh hồn sử Việt, với tháng năm chồng chất, cột đồng không những không đổ mà nó lại mất tăm mất tích trong trùng trùng điệp điệp đồi núi quê ta. Đất Giao Chỉ trải qua các thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần..., lúc thăng lúc trầm, lúc thịnh lúc suy nhưng vẫn đời đời bền vững mở ra một dải non sông gấm vóc. Và suốt dọc lịch sử đấu tranh của ngót hai ngàn năm sau đó đã bao lần dân ta chứng tỏ cái tinh thần bất khuất kiên cường, chan chứa tình yêu nước thương nhà nhưng cũng vô cùng khát khao hòa bình yên ấm.
Chắc hẳn không phải tình cờ mà tổ tiên ta lại tự nhận mình là con Rồng cháu Tiên. Rồng, lúc gặp thời gặp thế thì vùng vẫy phương cương như Rồng Mây mở hội, "đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông" (*) xoay chuyển cơ đồ. Lúc thất thế chờ thời thì chịu cảnh "Rồng vàng tắm nước ao tù", nhẫn nhịn "lên rừng tìm ngà voi, xuống biển mò ngọc" cho bọn cường khấu nhưng vẫn nuôi chí quật cường. Tiên thì phải đầy tâm từ ái, bao dung, thanh thoát vô biên, biến hóa khôn lường. Thời yên bình, Tiên hiện thân trong ca dao, trong tình làng nghĩa xóm vào lúc chiều xuống, trăng lên, không gian lơ lửng tiếng sáo diều và thơm mùi hương lúa. Thời loạn ly đối kháng, Tiên xuất hiện trong trí tuệ và mưu lược để đánh trả kẻ thù, hoặc trong chiêu thức âm nhu để châm biếm, riễu cợt, lố bịch hóa chế độ cường quyền, giải giới thế lực hung hiểm, chờ ngày vùng dậy.
Chiêu thức âm nhu diễn biến muôn hình muôn trạng. Có khi là hình ảnh những viên đá dưới chân cột đồng Mã Viện. Có khi là hàm răng đen, tục vẽ mình, cái váy đụp ... của dân tộc trong quá khứ để bảo vệ cho sự sống còn. Có khi là những câu hò vè, chế riễu, tiếu lâm, làm cho kẻ thù chết đến nơi mà vẫn mỉm cười thích thú. Nó không rầm rộ tiếng bước chân đi của đoàn quân xung kích. Nó cũng không ồn ào tiếng va chạm của gươm đao, vũ khí nên kẻ địch và cường quyền không ngờ mà phòng bị hay chống trả. Dù bạo quyền có ác ôn, có tinh khôn phát giác, ngăn cấm cũng không nổi vì nó rộng rãi không ranh giới, bàng bạc như đám mây trôi, lặng lẽ như nước thủy triều lên xuống, hình như không  người phát chiêu khởi động. Đúng hơn, cái chiêu thức âm nhu ấy có được là do cả một cộng đồng dân chúng bị đọa đày, áp bức ở lúc này lúc khác, nơi nọ nơi kia trong bàn dân thiên hạ. Bởi vậy, sức mạnh của các chiêu này là sức mạnh ghê gớm của những kho thuốc súng đang chờ châm ngòi để cùng lúc phát nổ dây chuyền.

Khi thời đại qua đi, những chiêu thức âm nhu để lại chứng tích cho người sau chuyên tâm nghiên cứu về hoàn cảnh xã hội, nếp sống vui buồn của dân tộc trong thời đại đó. Nhưng ở thời đương đại, nó có thể là tiếng than ai oán, kết án cường quyền hay cảnh giác dân tâm, nhưng đồng thời cũng có thể là tiếng kèn tập hợp ý chí đoàn kết để thay đổi vận mạng chung cho cả nước.
Trước đây, dưới chế độ phong kiến vua chúa, quan quyền tung hoành, dấu tích của những chiêu thức âm nhu còn để lại những câu như:
Bộ Binh Bộ Hộ Bộ Hình
Ba Bộ đồng tình bóp vú con tôi.
---------
Ngày thì quan lớn như thần,
Đêm thì quan lớn tần mần như ma.
-------
Tháng chín có chiếu vua ra,
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng. (**)
Không đi thì chợ không đông,
Đi ra bóc lột quần chồng sao đang?
Có quần ra quán bán hàng,
Không quần đứng nấp đầu làng trông quan.
Thời nay, dưới chế độ cầm quyền của Cộng Sản Việt Nam, dân ta đã có vô số những chiêu thức âm nhu đánh vào chế độ, thay đổi tùy theo tình hình. Lúc ngặt nghèo bị đàn áp và khủng bố trắng, chiêu thức len lỏi truyền miệng trong dân gian. Lúc "mở cửa dụ khị đầu tư" dân ta đánh theo kiểu "mở cửa". Dưới đây Lý Sự tôi xin trích một số Thư Nhà gửi qua Email để độc giả thưởng lãm một số chiêu âm nhu đang thịnh hành:
Mười Mê
Một mê - Thư ký "no tròn"
Hai mê - Cấp dưới giỏi "lòn" khéo thưa.
Ba mê - Công quỹ tiêu bừa
Bốn mê - Bia rượu sớm trưa đủ xài
Năm mê - Quà biếu lai rai
Sáu mê - Thượng cấp có tài giương "ô"
Bảy mê - Mỗi "cứ" một "bồ"
Tám mê - Ký kết có... "đô ăn liền"
Chín mê - Mua sắm liên miên
Mười mê - Ngồi mãi, bình yên ghế này.

------

Tục ngữ mới
Quan liêu là người yêu Trì trệ
Trì trệ là mẹ Phiền hà
Phiền hà là bà Tham ô,
Tham ô là "bồ" Buôn lậu
Buôn lậu là cậu Maphia
Maphia là cha Quan liêu.

------

Văn Tế sống bọn tham ô, buôn lậu
(Nhại theo Văn Tế Nghĩa sĩ Cần Giộc của cụ Nguyễn Đình Chiểu)
Nhớ khi xưa ... ma mãnh làm ăn, mưu toan giàu có!
Chưa quen văn hóa, đâu tới trường chuyên, chỉ mánh mung đầu ga, xó chợ.
Việc cúi, việc luồn, việc đút, việc lót, thân vốn quen làm
Việc xây, việc dựng, việc học, việc hành mắt chưa từng ngó.
Bữa thấy "đô", vàng bày lớp lớp, muốn tới vớ ngang
Ngày xem gái, rượu dọn ê hề, hám lên tận cổ!
Một khối của, tiền đồ sộ há để ai chiếm đoạt, giựt giành
Hai chữ danh, lợi sờ sờ đâu dễ mà buông tha, rời bỏ!
Kẻ "bóc" ngang, thằng "lột" ngược làm cho dân lành khiếp vía, hồn kinh
Bọn vô trước,lũ chuyền sau, trối kệ tiếng dân hờn to, trách nhỏ

***

Những toan tọa hưởng lâu dài, không sợ cửa tù vội mở
Nếu mai kia, chốn xà lim năm canh ứng đóng lạnh, vàng trăm cây gởi lại con xài!
Tòa pháp đình, một khắc bước vào tù, bạc triệu đồng nhường cho "bồ nhí" hưởng!
Sống nữa đi, theo quân tà đạo, xa hàng xóm bỏ anh em, dân thấy thêm hờn!
Sống nữa đi, ở chốn gian tà, chia lợi lộc, giựt tiền tài, dân nghe càng hận!
Ôi một kiếp sống tham! Nghìn năm chết hổ!
Nay ta,
Giận vì lũ tham ô, căm bởi đoàn buôn lậu
Tế sống mấy lời
Lọt tai
Thượng hưởng!
Đám đầu lãnh CSVN đưa ra bốn nguy cơ cho chế độ, trong đó có một nguy cơ gọi là nguy cơ "Diễn Biến Hòa Bình". Diễn biến hòa bình là một tên gọi khác của chiêu thức âm nhu!...
Trần Lý Sự
------

Chú thích:

(*) Lời bà Triệu: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng-kình ở bể đông chứ không thèm bắt-chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì-thiếp người ta.”

(**) Quần không đáy: ý nói cái Váy. Đàn bà xứ Bắc vốn xưa vẫn mặc. Đến thời Minh thuộc (1414-1427)  Hoàng Phúc muốn đồng hóa dân ta nên bắt con trai không được để tóc ngắn, đàn bà con gái không được mặc váy, phải mặc áo ngắn quần dài như người Tàu. Khi tự chủ, vua Lê Huyền Tông (1665) muốn rửa cái nhục nô lệ nên bắt đàn bà mặc váy. Đến đời vua Minh Mệnh (1828) lại bắt đàn bà phải mặc quần, cấm mặc váy. Ôi! thân phận Cái Váy của ta cũng lao đao lắm chứ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét