Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

PHƯƠNG BÍCH - CÂU CHUYỆN VỀ SỰ THA THỨ



PHƯƠNG BÍCH - CÂU CHUYỆN VỀ SỰ THA THỨ




Tha thu 1.jpg



Đưa cô bạn Nguyễn Thị Khánh Trâm từ miền Nam ra, đi thăm bà Trâm còng đang nằm viện. Mình chỉ người đàn ông nhỏ bé (tên Khánh) đang chăm sóc vợ ốm, bảo bạn:

- Bác ấy là dân Diploma, từng đăng lính Tây (chức đồn phó). Chừng được 6 tháng thì Pháp thất thủ. Bác ấy cũng như bao nhiêu người, được đưa đi cải tạo. Sau vài năm thì được thả. Nhưng hễ có chuyện gì quan trọng sắp xảy ra, là lại có người đến đưa bác ấy vào trại. Cứ xách ra xách vào như đi chợ như thế, tổng cộng là 12 năm tù mà không có một bản án nào.

Bác Khánh nghe mình nói vậy thì chỉ cười hiền. Loanh quanh thế nào, bác ấy kể chuyện này:

Cùng tù với bác ấy có một ông đại úy, thù cộng sản lắm. Khi ông ấy được truyền đạo, cha nói ông không được thù hận nữa, thì mới vào đạo được. Chả hiểu lúc ấy “mê man” thế nào, ông ấy đồng ý. Được vài bữa, ông ấy nghĩ lại, thấy uất quá nên lại bảo:

- Thế này thì không thể chịu được. Thôi! Cho tôi xin ra (khỏi đạo)

Đến lúc gần chết, chả hiểu ông ấy nghĩ gì, lại xin được vào lại.

Chả cứ lớp người cũ. Lớp trẻ bây giờ mà “dấn thân” cũng bị săn đuổi, o ép ghê lắm. Khi nói đến chuyện tha thứ, vì kẻ trực tiếp làm điều xấu với mình cũng chỉ là công cụ, họ bảo: còn để nghĩ cái đã!

Nghe thế, mình lại xin kể một câu chuyện ở nước Nga (cuốn Trên mảnh đất đời người). Một người đàn ông bị bạn mình dàn dựng cảnh để đẩy ông vào tù. Trong khi bị giam, chiến tranh nổ ra. Người ta huy động cả tù nhân ra trận. Một lần nữa, trong một trận đánh, ông bị phát xít Đức bị bắt làm tù binh. Chiến tranh kết thúc, ông được đưa trở về quê hương, vào tù nằm tiếp cho đến khi mãn hạn. Ra tù, ông mới biết vợ chưa cưới của ông đã lấy kẻ thù.

Tay chủ tịch huyện bảo ông: theo tôi, ông không nên sống làm gì nữa. Còn chủ tịch Lâm trường, sau khi nghe kể thì khuyên, ông nên làm chân gác rừng.

Người đàn ông này thường đến cửa hàng bán rượu của kẻ thù, chỉ để nói mỗi một câu: Tao sẽ giết mày!

Mặc cho kẻ thù sợ hãi đến phát điên, ông chẳng làm gì, chỉ đe có mỗi câu nói đó. Một ngày ông gặp kẻ thù bị rơi xuống một hố băng. Ông đứng nhìn kẻ sắp chết đuối kêu la cầu cứu, giằng co giữa ý nghĩ cứu kẻ thù, hay để mặc hắn chết? Khi ranh giới giữa sự sống và cái chết đang cận kề, ông đã quyết định kéo kẻ khốn nạn ra khỏi hố băng.



Tha thu 2.jpg


Những năm tháng sống đơn độc trong rừng, thiên nhiên hoang dã đã chữa lành vết thương trong lòng người đàn ông lúc nào không hay. Từ đó, ông không còn đe dọa giết chết kẻ thù của mình nữa.

Nhưng như người đời vẫn nói, kẻ ác có thể thoát khỏi sự trừng phạt của tòa án, nhưng không thể thoát khỏi sự trừng phạt của lương tâm, khi rốt cuộc, hắn tự kết liễu cuộc đời mình.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét