TRẦN TRUNG ĐẠO - KỶ NIỆM 84 NĂM NGÀY MẤT CỦA NHÀ ÁI QUỐC NGUYỄN THÁI HỌC VÀ 12 ĐẢNG VIÊN VNQDĐ (17.6.1930-17.6.2014)
Không ai trong số họ hô “Việt Nam Quốc Dân Đảng muôn năm” !!!
Vào khoảng thời gian này 84 năm trước, tức vài hôm sau Ngày Tang Yên Bái, ngày 17 tháng Sáu năm 1930, bức hình bên đây được đăng trên báo Pháp. Mười ba chiếc đầu của các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng vừa bị chém còn phơi trên bãi cỏ. Chiếc đầu được đánh dấu tròn được tờ báo ghi chú "đây là đầu của Nguyễn Thái Học".
Theo tác giả Hoàng Văn Đào trong tác phẩm “Từ Yên Bái tới ngục thất Hoả Lò”: Trong chuyến xe lửa bí mật, riêng biệt khởi hành từ Hà Nội lên Yên Bái, các tử tù cứ hai người còng làm một, trò chuyện ở toa hạng tư trên một lộ trình dài 4 tiếng đồng hồ. Cùng đi với các tội nhân còn có thanh tra sở mật thám Pháp, hai cố đạo người Âu là Linh mục Mechet và Dronet. Máy chém di chuyển theo cùng chuyến xe. Đao phủ thủ phụ trách buổi hành quyết là Cai Công. Cuộc hành quyết khởi sự vào lúc 5 giờ kém 5 phút sáng ngày 17.6.1930 trên một bãi cỏ rộng với sự canh phòng cẩn mật của 400 lính bản xứ. Xác chết 13 người chôn chung dưới chân đồi cao, bên cạnh đồi là đền thờ Tuần Quán, cách ga xe lửa độ một cây số.
Tác giả Louis Roubaud in trong cuốn sách Việt Nam, xuất bản 1931, được trích dẫn khá nhiều, viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái và những diễn biến tại pháp trường. Ngay ở trang đầu Roubaud đã viết: “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! 13 lần tôi nghe tiếng hô này trước máy chém ở Yên Bái. 13 người bị kết án tử hình đã lần lượt thét lên như vậy cách đoạn đầu đài hai thước”. Tác giả cũng viết về nhà cách mạng Nguyễn Thái Học: “Anh mỉm miệng cười, cực kỳ bình thản, đưa mắt nhìn đám đông công chúng và cúi đầu chào đồng bào rồi cất giọng đĩnh đạc, trầm hùng mà hô lớn: “Việt Nam vạn tuế”. Cô Giang, vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học, cũng có mặt trong đám đông.”
Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã dành hơi thở cuối cùng của đời mình trên mặt đất này để gọi tên hai tiếng Việt Nam trước khi bước lên máy chém. Như hai tác giả Louis Roubaud và Hoàng Văn Đào viết, không ai trong số họ hô “Việt Nam Quốc Dân Đảng muôn năm”.
Đó cũng là điểm khác biệt chính giữa các đảng cách mạng thật sự chiến đấu vì tự do, độc lập của dân tộc và đảng CSVN. Với những người yêu nước chân chính, đảng cách mạng chỉ là chiếc ghe để đưa dân tộc Việt Nam qua sông trong khi với Đảng Cộng sản chiếc ghe lại chính là dân tộc.
Hôm nay, sở dĩ đảng CS ca ngợi lòng yêu nước của Nguyễn Thái Học chỉ vì ông đã hy sinh, tuy nhiên, nếu ông còn sống và tiếp tục lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng trong giai đoạn 1945, số phận của Nguyễn Thái Học cũng giống như Bùi Quang Chiêu, Trương Tử Anh, Khái Hưng, Phạm Quỳnh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Thế Nghiệp và hàng ngàn người Việt Nam yêu nước bị CS giết mà thôi.
Nguyễn Thái Học khi sống là Đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng khi chết đã chết như bao nhiêu thanh niên yêu nước khác, thư thái ngâm những vần thơ tuyệt mệnh “Chết vì tổ quốc, chết vinh quang, lòng ta sung sướng, trí ta nhẹ nhàng”. Chàng thanh niên Việt Nam Nguyễn Thái Học chỉ mới 28 tuổi.
Lịch sử mang tính thời đại và tính liên tục. Mỗi thế hệ có một trách nhiệm riêng, nhưng dù hoàn thành hay không, khi bước qua thời đại khác, vẫn phải chuyển giao trách nhiệm sang các thế hệ lớn lên sau. Sức đẩy để con thuyền dân tộc vượt qua khúc sông hiểm trở hôm nay không đến từ Mỹ, Anh, Pháp hay đâu khác, mà bắt đầu từ bàn tay và khối óc của tuổi trẻ. Lịch sử Việt Nam đã và đang được viết bằng máu của tuổi trẻ Việt Nam.
Tranh ViVi - Nguyễn Thái Học và Cô Giang.
Cụ Phan Bội Châu viết bài văn tế cô Giang:
Than rằng:
Sóng nhân đạo ở hai mươi thế kỷ, bạn má hồng toan cướp gái làm trai - Gương nữ hùng trên một góc trời Nam, bọn da trắng phải ghê giòng giống Việt.
Trên quốc sử mực chàm giấy phấn, ong cả đoàn nhan nhản bầy nô, - Dưới Long Thành máu thắm cỏ xanh, gái đến thế rành rành chữ liệt.
Trăng thu mờ mịt, trông những buồn tênh! Người ngọc xa vời, nghĩ càng đau tuyệt.
Nhớ nữ liệt sĩ xưa:
Đất nhả tinh hoa - trời treo băng tuyết.
Vóc quần thoa nhưng chí khí tu mi - Thân khuê các mà can trường khí tiết.
Thuở bé nhờ ơn gia giáo, Hán học vừa thông – Tuổi xanh vào chốn học trường, Pháp văn cũng biết
Tang hải gặp khi xoay cuộc, ngó giang sơn luống những lòng đau - Trần ai tức lôí không người, thâý nô lệ giương đôi tròng ngút.
Xem sách Pháp từng đem óc nghĩ: Dan Đà, La Lan thuở nọ, chị em mình đã dễ ai hơn, - Giở sử nhà bỗng vỗ tay reo: Bà Trưng, Cô Triệu sau này, non nước ấy có đâu hồn chết.
Triều cách mạng đang dâng sùng sục, cát Vệ Tinh ngậm đầy trước miệng, mong thấy bể vùi, - Vai quốc dân nặng gánh trìu trìu, đá Oa Hùng dắp sẵn trong tay, nỡ xem trời khuyết.
Tức tội cường quyền - Thi gan sấm sét.
Khi nhập đảng tuổi vừa mười tám, cơ nữ binh đăng đội tiền phong; - Lúc tuyên truyền sách động ba quân, lưỡi biện sĩ trổ tài du thuyết.
Thổi gió phun mây từng mấy trận, nào Lâm Thao, nào Yên Bái, nữ tham mưu đưa đẩy đội hùng binh;
- Vào sinh ra tử biết bao phen, kia thành huyện, kìa đồn binh, cờ nương tử xông pha hùm rắn rết.
Nguyễn Thái Học trổ tài kiện tướng, nhờ có cô mà lông cánh thêm dài - Phạm thị Hào nổi tiếng trung trinh, em có chị mà xứng danh nữ kiệt.
Khốn nỗi thay!
Vận nước còn truân - Tai trời chửa hết!
Trắc trở buồm xuôi gió ngược, tài anh thư gặp bước gian truân. - Ngại ngùng nước biếc non xanh, tay chức nữ uổng công thêu dệt.
Nhưng hãy còn:
Thiết thạch tâm can, - Châu toàn bách chiết.
Thời như thế, việc đành phải thế, đoạn đầu đài mừng được thấy anh lên. - Sống là còn thác vẫn là còn, súng kề cổ không nhường cho giặc giết.
Tiếng súng lúc vang lên một phát, núi đổ sông nhào! - Hồn anh thư hẹn phút trùng lai, thần gào quỷ thét
Ôi thương ôi!
Khóc nữa mà chi! - Nói không kể xiết!
Một nén hương lòng, - Mấy lời thống thiết!
Bạn nữ lưu ai nối gót theo chân? - Nghĩa đoàn thể, xin từ đây cố kết!
Hỡi ơi! thương thay!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét