Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Tâm sự của cựu sinh viên Thiên An Môn



Tâm sự của cựu sinh viên Thiên An Môn




image
Vương Đan (phải) theo học Đại học Columbia ở New York sau khi bị giam giữ nhiều năm



Quyết định đàn áp phong trào sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn 25 năm trước của lãnh đạo Trung Quốc là “một cơ hội bị bỏ lỡ”, theo một cựu lãnh đạo sinh viên.


Trong khi đó, một nhà cựu hoạt động khác tin rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ cởi mở chính trị và có dân chủ.


Nhằm đánh dấu dịp kỷ niệm 25 năm sự kiện Thiên An Môn, BBC Tiếng Trung phỏng vấn ba người từng là lãnh đạo sinh viên tham gia phong trào: Vương Đan, Sài Linh và Trầm Đồng.


Vương Đan:


Ông theo học Đại học Columbia ở New York sau khi bị giam giữ nhiều năm do vai trò dẫn dắt trong phong trào sinh viên, nay sống và dạy học ở Đài Loan.


Ông nói với BBC Tiếng Trung từ Đài Loan:


“Xem xét các vụ đàn áp vào bất kỳ ngày kỷ niệm 04/06 và việc bắt giữ một vài học giả được biết tới do các quan điểm ủng hộ dân chủ ở Trung Quốc, tôi thấy ít có hy vọng điều chỉnh quan điểm chính thức về phong trào sinh viên năm 1989 trong thời ông Tập Cận Bình nắm quyền.”


Tuy nhiên, ông Vương Đan vẫn tự tin Trung Quốc cuối cùng sẽ đạt được dân chủ, nhưng ý thức rõ rằng đây là quá trình chậm chạp, và có thể sẽ mất rất nhiều thời gian. Chậm đến đâu, ông không thể biết trước.



Trầm Đồng, cựu lãnh đạo sinh viên, nay là doanh nhân:



image
Trầm Đồng, lãnh tụ Thiên An Môn 1989



Vụ đàn áp Thiên An Môn “là một cơ hội bị bỏ lỡ và Trung Quốc đã lỡ mất cơ hội đó,” ông nói với BBC Tiếng Trung.


“Quy mô và tính chất ban đầu xuất phát từ dưới lên của phong trào 1989 mang tới cơ hội khởi động hàng loạt thay đổi lâu dài về chính trị và xã hội. Đây đúng là cơ hội cực hiếm trong lịch sử Trung Quốc. Các sinh viên lúc đó không biết chính xác về những ảnh hưởng lâu dài do hành động của họ tạo ra, tất nhiên, nhưng phong trào rõ ràng là về đổi mới, không phải cách mạng hay lật đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc, lật đổ chính quyền.”


image



Bình luận về sự chia rẽ trong giới lãnh đạo Trung Quốc cao cấp nhất hồi đó, Trầm Đồng nói:


“Trong giới lãnh đạo ưu tú, Thủ tướng Lý Bằng đã chớp lấy cơ hội lịch sử này và tận dụng nó tới cùng để đạt lợi lớn nhất, trong khi những người khác, chẳng hạn cựu Thủ tướng và Tổng Bí thư Đảng, Triệu Tử Dương, trở thành một phần của phong trào bị đè bẹp sau đó.”


Khi nhớ lại, ông cũng thấy có một số sai lầm hoặc ít nhất là sự ngây thơ từ phía các sinh viên do “họ có một số hạn chế về hiểu biết, kỹ thuật và tầm nhìn” và việc kêu gọi có thêm đối thoại với chính quyền là hoàn toàn ngây thơ.



Sài Linh, cựu lãnh đạo sinh viên Thiên An môn, đã cải đạo Cơ đốc bốn năm trước


image
Sài Linh, nay sống tại Hoa Kỳ, tin rằng tôn giáo đem lại câu trả lời cho Trung Quốc



Bà nhắc lại lời kêu gọi “tha thứ cho những kẻ sát nhân”, vốn bị các cựu lãnh đạo sinh viên khác và một số gia đình các nạn nhân chỉ trích nặng nề.

Nay bà nói với BBC Tiếng Trung về quan điểm của bà đối với những người đàn áp:


“Chính phủ Trung Quốc, quan chức và công chức, những người ra lệnh giết chóc, và những người lính thực hiện lệnh đó phải chịu 100% trách nhiệm do để xảy ra thảm kịch đó.”


Sài Linh có vẻ đồng ý với Trầm Đồng rằng ở cấp độ sâu sắc hơn, vụ Thảm sát Thiên An Môn “làm tan vỡ ảo ảnh và giấc mơ mà người Trung Quốc có lẽ đã gìn giữ 25 năm trước về việc mang dân chủ vào Trung Quốc bằng việc cải cách hay cải thiện sự cầm quyền của cộng sản”.


Giờ đây, “không còn ai mơ mộng nữa,” bà Sài Linh nói.


Ngày nay họ nghĩ gì về tất cả những gì đã xảy ra?


Buộc phải rời Trung Quốc nhiều năm trời, Vương Đan cũng hy vọng rằng ông sẽ có ngày được về nhà, và các nhà hoạt động đang phải lưu vong khác cũng vậy. Nhưng một lần nữa, ông không hy vọng điều này sẽ sớm xảy ra.


image



Hơn thế nữa, Vương Đan nói ông có thể sẽ từ bỏ theo đuổi dân chủ mà những người sinh viên đồng lứa và các nhà hoạt động đã sống vì nó, để có được tấm giấy phép quay trở về Trung Quốc.


Sài Linh, một người với niềm tin mới, cho rằng con đường mà Trung Quốc theo đuổi hơn hai thập kỷ qua – tăng trưởng kinh tế không cần tới cải cách chính trị và phát triển tinh thần – khiến toàn bộ đất nước “tự bị đau ốm”.


Trung Quốc cần văn hóa và giá trị mới lấy nhân quyền được Chúa ban tặng làm trung tâm, với tình yêu giành cho Chúa, cho bản thân và cho người khác. Việc cộng đồng người Trung theo Cơ đốc giáo ngày càng mở rộng mang lại hy vọng cho bà, mặc dù cần có thêm tự do tôn giáo,” Sài Linh tin tưởng.


Trầm Đồng từ đó đã dự đoán kết quả của Thiên An Môn:



image
Vẫn chưa rõ chính xác số người thiệt mạng trong vụ thảm sát Thiên An Môn



“Về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sau vụ thảm sát, những gì đã xảy ra là hai ông Đặng và Lý đổ thừa hành động đó lên những người trực tiếp thực hiện nó. Đây là sự tranh giành quyền lực, đấu tranh phe phái nội bộ trong nhóm cầm quyền. Những người theo chính sách cứng rắn từ chối kêu gọi của sinh viên, người dân và các đồng nghiệp ủng hộ chính sách mềm mại hơn trong Đảng.”


Khi tính hợp pháp về sự cầm quyền của họ bị đưa ra xem xét trong thời suy sụp kinh tế 1989 – 1992, họ buộc phải làm gì đó, và điều đó hóa ra lại là quảng bá cho chủ nghĩa dân tộc và tăng trưởng kinh tế cao.”


image



Là một phụ nữ, Sài Linh giờ cho rằng chính sách một con tai tiếng của Trung Quốc “tội lỗi hơn cả Thảm sát Thiên An Môn” và kêu gọi có thêm hành động tôn giáo nhằm giải quyết các vấn đề gốc rễ mà đất nước phải đối mặt.


“Chúa sẽ cho chúng ta câu trả lời về tương lai chính trị Trung Quốc, kể cả việc làm sao thực hiện cải cách chính trị.”


***



Kỷ niệm 25 năm phong trào Thiên An Môn




image



Mùa xuân năm 1989, hơn một triệu sinh viên và công nhân Trung Quốc đã đóng chiếm quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh để mở màn cho phong trào phản đối lớn nhất trong lịch sử nước Trung Quốc cộng sản. Sáu tuần đấu tranh đã bị dập tắt trong cuộc đàn áp đêm ngày 3 rạng sáng ngày 4 tháng 6/1989.


image



Trước đó, hôm 15/4/1989, cái chết ở tuổi 73 của Tổng bí thư Đảng, ông Hồ Diệu Bang, theo xu hướng cải cách đã thu hút đông đảo nhân dân bày tỏ lòng thương tiếc. Họ tụ tập tại Thiên An Môn để để tang ông nhưng cũng để bày tỏ thái độ trước tiến độ cải cách chậm chạp.


image



Số người kéo về quảng trường Thiên An Môn và đường phố Bắc Kinh tăng lên tới hàng nghìn và người dân, công nhân, sinh viên ở nhiều thành phố khác trên cả nước cũng xuống đường.


image



Sinh viên, công nhân viên chức, giảng viên đại học hô to các khẩu hiệu đòi tự do, dân chủ và chấm dứt chế độ họ gọi là 'độc tài', nhưng cũng có các khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm lạm phát, đòi nhà ở.


image



Ngoài Đại lễ đường Nhân dân tại quảng trường Thiên An Môn đã diễn ra lễ tang Hồ Diệu Bang. Hàng chục ngàn người vẫn tụ tập bất chấp cảnh cáo từ chính quyền Bắc Kinh. Họ còn đòi Thủ tướng Lý Bằng ra đối thoại nhưng bị từ chối.


image



Nhân dân Nhật báo đăng bài của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình mang tên "Sự cần thiết phải đứng vững trước bạo loạn", cho thấy ban lãnh đạo Đảng Cộng sản bác bỏ đối thoại. Công an cũng được điều tới giải tán sinh viên và chặn họ không kéo thêm đến Thiên An Môn.


image



Phong trào biểu tình lan ra năm thành phố lớn ở Trung Quốc trong đợt đấu tranh dân chủ chưa từng có từ 40 năm Đảng Cộng sản cầm quyền. Vụ việc cũng xảy ra cùng lúc với đợt kỷ niệm 70 năm phong trào 04/05, một phong trào của giới trí thức muốn xây dựng Trung Quốc lớn mạnh hơn. Nhưng trong một cuộc gặp với các ngân hàng châu Á, ông Triệu Tử Dương từng cho rằng các cuộc biểu tình sẽ dần dần lắng xuống.


image



Trước chuyến thăm của lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, hàng trăm sinh viên tuyệt thực vô thời hạn ở Thiên An Môn, yêu cầuTrung Quốc cải tổ chính trị. Họ cáo buộc chính quyền thất bại trong việc hồi đáp yêu cầu đối thoại của họ. Sự kiện trên thu hút ủng hộ rộng rãi của quần chúng.


image



Ông Gorbachev là lãnh đạo cao nhất của Liên Xô thăm Trung Quốc để dự hội nghị thượng đỉnh Trung - Xô đầu tiên từ 30 năm. Ông gặp lãnh tụ không chức vụ chính thức của Trung Quốc - ông Đặng Tiểu Bình. Chuyến thăm của ông cũng đánh dấu chính thức thời điểm kết thúc nhiều năm thù địch giữa hai quốc gia cộng sản. Biểu tình diện rộng khiến kế hoạch chào đón vị lãnh đạo Liên Xô ở Quảng trường Thiên An Môn phải hủy bỏ, mà Trung Quốc coi là nỗi hổ thẹn lớn của chính quyền


image



Tổng bí thư Triệu Tử Dương ra nói chuyện với sinh viên, nhưng lần đối thoại cuối cùng này đã không thành công. Ông được tháp tùng bởi Lý Bằng, người theo chính sách cứng rắn, và Ôn Gia Bảo, sau này đứng đầu Trung Quốc năm 2002. Ông Triệu từng muốn Trung Quốc cải cách chính trị lâu dài, được cho là đã nói trước đám đông: "Chúng ta đã đến quá muộn". Đây cũng là hoạt động chính trị cuối cùng của ông.


image



Thiết quân luật được tuyên bố áp dụng hôm 20/05 ở một số quận trên thủ đô Bắc Kinh, các nhóm lính bắt đầu tiến vào trung tâm thành phố.


image



Dân chúng tụ tập thành đám đông khổng lồ, thiết lập rào chắn trên đường phố nhằm chặn các đoàn xe quân sự. Lính tráng được lệnh không bắn vào dân thường.



image



Trong tuần tiếp theo, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn mà hầu như không thấy bóng dáng của lực lượng an ninh.


image



Không khí hân hoan bao trùm Quảng trường Thiên An Môn. Nhưng lúc đó, ở trụ sở công quyền, các lãnh đạo Trung Quốc đang bàn kế hoạch hành động nhằm kết thúc các cuộc biểu tình và tình trạng hỗn loạn ở thủ đô. Các đảng viên kỳ cựu cũng thông qua quyết định dùng vũ lực để chấm dứt "bạo loạn phản cách mạng".


image



Gần đến cuối ngày 03/06, xe tăng rầm rầm tiến trên các con phố của thủ đô. Quân đội cũng xông tới quảng trường từ nhiều hướng.


image



Giải phóng Quân bắt đầu vào đến trung tâm Bắc Kinh. Người dân ùa ra phố cố chặn họ lại, và dựng các rào chắn trên đường dẫn tới Thiên An Môn.



image



Quân đội dùng thiết giáp xa chở người phá vỡ các rào cản, một số nhóm lính xả súng giết và làm bị thương rất nhiều thường dân không vũ trang.



image



Người bị thương nhanh chóng được đưa tới bệnh viện bằng xe đạp kéo, trong lúc người dân hoảng loạn và sốc với sự đáp trả bất ngờ và cực đoan của quân đội trước cuộc biểu tình hòa bình trên diện rộng.



image



Quảng trường Thiên An Môn được dẹp sạch sau một đêm đẫm máu tồi tệ nhất từng xảy ra ở Bắc Kinh dưới thời trị vì của những người Cộng sản. Khi ngày mới bắt đầu, tòan thủ đô bao trùm trong hoảng sợ. Hàng ngàn người giận dữ và tò mò, tụ lại trước các dãy lính đứng gác lối vào phía Đông Bắc. Quân lính đôi khi lại tiếp tục xả súng trong suốt hôm 04/06.



image



Sang đến ngày mùng 5, quân đội đã giành kiểm soát toàn bộ Bắc Kinh - nhưng cho tới lúc này họ mới thực sự chứng kiến một sự phản ứng dữ dội đến thế. Vẫn chưa rõ số mệnh của người đàn ông không vũ trang đứng chặn đoàn xe tăng trên Đại lộ Trường An tiến về phía quảng trường.



image



Sau này chính quyền nói không một ai bị bắn chết tại quảng trường này. Số người thiệt mạng chính xác vẫn gây ra tranh cãi. Một số người nói vài trăm, người khác nói vài nghìn.



image


Đã có gợi ý rằng chính cá nhân lãnh đạo Đảng Cộng sản Đặng Tiểu Bình lệnh cho quân đội vào cuộc nhằm củng cố vai trò lãnh đạo của mình. Lần đầu tiên ông Đặng Tiểu Bình xuất hiện kể từ vụ đàn áp dã man, dẫn dắt hàng loạt các lãnh đạo theo đường lối cứng rắn khác trong một buổi tôn vinh Giải phóng Quân hôm 09/06. Trong bài phát biểu giành cho các tướng lĩnh, ông khen ngợi nỗ lực của họ và đổ lỗi bạo loạn lên các phần tử phản cách mạng chỉ muốn lật đổ chế độ cộng sản.


Nguồn: Bảo Mai






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét