Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Đỗ thị Minh Hạnh, liều thuốc tinh thần cho cuộc đấu tranh cho dân chủ



Đỗ thị Minh Hạnh, liều thuốc tinh thần cho cuộc đấu tranh cho dân chủ



2014-06-30


06302014-inspi-fr-pris-dtm-hanh.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh



Chị Đỗ thị Minh Hạnh trước lúc bị bắt và ngày được ra tù năm 2014, chị đã hy sinh đổi 4 năm tuổi trẻ cái tuổi đẹp nhất của người con gái, cho dân chủ và nhân quyền....
Chị Đỗ thị Minh Hạnh trước lúc bị bắt và ngày được ra tù năm 2014, chị đã hy sinh đổi 4 năm tuổi trẻ cái tuổi đẹp nhất của người con gái, cho dân chủ và nhân quyền....
RFA files     



Tù nhân lương tâm Đỗ thị Minh Hạnh khi ra tù được nhiều người đang tham đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam đến thăm. Sau khi trở về những người này bày tỏ lòng cảm phục và cho biết Đỗ thị Minh Hạnh tiếp thêm cảm hứng cho họ trên con đường đã chọn đó.



Lo cho tù nhân khác


Đỗ thị Minh Hạnh là một trong số những tù nhân lương tâm nữ hiện nay ở Việt Nam như Tạ Phong Tần, Hồ Bích Khương, Mai thị Dung, Trần Thị Thúy…

Trại tù Thanh Xuân ở Hà Nội là nơi mà Đỗ thị Minh Hạnh bị giam chung cùng một nữ tù chính trị khác là chị Mai Thị Dung, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo theo phái chân truyền bị kết án 11 năm tù giam vì không chịu khuất phục và nhận tội theo qui chụp của cơ quan chức năng. Bà này bị những chứng bệnh gan, mật và tim nên sức khỏe suy kiệt.

Đỗ thị Minh Hạnh là người giúp đỡ cho bà này nhiều khi ở trong tù và dù được ra khỏi trại, mối quan tâm lớn của Đỗ thị Minh Hạnh là người bạn tù lớn tuổi bệnh tật như thế.

Ông Võ Văn Bửu, chồng bà Mai Thị Dung cũng là một cựu tù nhân lương tâm đã mãn án tù, cho biết việc Đỗ thị Minh Hạnh mời ông đến gặp để thông tin về bà vợ:

Minh Hạnh trên đường về có yêu cầu bố nói tôi lên để gặp Minh Hạnh liền. Do đó tôi đến nhà Minh Hạnh khoảng trước đó 3 tiếng đồng hồ. Qua hỏi thì Minh Hạnh cho biết Dung lúc này rất yếu, huyết áp tụt còn 50,60,80; nhưng yêu cầu Trại đo huyết áp để sử dụng thuốc thì Trại từ chối nói hai ngày mới kiểm tra một lần. Họ lấy lý do phải làm sổ sách. Minh Hạnh nói là Dung bảo nếu không làm thì tiếp tục tuyệt thực. Minh Hạnh ngăn nói rằng lúc này sức khỏe chị rất yếu nếu chị tuyệt thực nữa sẽ xảy ra vấn đề. Chị chờ em về, và anh Bửu lên rồi gặp gỡ tính gì thì tính. Minh Hạnh nói rất đau lòng, khi về mà bỏ chị Dung ở lại thì không muốn, nhưng vì Minh Hạnh là một nhân chứng sống nên ra để đấu tranh cho chị Dung.


“Minh Hạnh nói rất đau lòng, khi về mà bỏ
chị Dung ở lại thì không muốn, nhưng vì
Minh Hạnh là một nhân chứng sống nên
ra để đấu tranh cho chị Dung.”
Ông Võ Văn Bửu


Anh Hoàng Văn Dũng, một thành viên của nhóm Con Đường Việt Nam, khi đến thăm Đỗ Thị Minh Hạnh sau khi từ Trại giam về nhà cũng xác nhận mối quan tâm lớn nhất của cô hiện nay:

Hạnh đang rất lo cho chị Mai Thị Dung, tù nhân chính trị ở cùng khu với Hạnh. Em nghĩ rằng thời gian tới Hạnh sẽ tập trung để lên tiếng cho chị Mai thị Dung.


Tinh thần vững chắc


Đỗ thị Minh Hạnh bị kêu án 7 năm tù giam trong phiên xử hồi tháng 10 năm 2010; sau bốn năm chịu tù đày qua năm trại giam từ Trà Vinh, Long An, Bình Thuận, Đồng Nai, đến Hà Nội, khi được ra khỏi tù sớm, tinh thần của cô được những người đến thăm xác nhận là rất vững vàng.

Bạn Nguyễn Nữ Phương Dung, sau khi gặp Đỗ thị Minh Hạnh, cho biết:

Từ trước đến giờ khi đọc thông tin về chị Hạnh, em cũng ngưỡng mộ tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của thị rất lâu rồi; nhưng khi tận mắt đến gặp, trò chuyện, tiếp xúc, nói chuyện với chị em lại càng ngưỡng mộ tinh thần đó hơn nữa.

Anh Võ Văn Bửu, từng bị giam tù 7 năm, nhưng ông cũng bày tỏ lòng khâm phục đối với tinh thần của một nữ tù trẻ tuổi như Đỗ thị Minh Hạnh:

Từ trước đến giờ sau khi nghe Dung kể trong những lần thăm nuôi, tôi đã công nhận Minh Hạnh là một con người rất kiên trì rồi. Nhưng thực chất hôm nay tôi là người chứng kiến, và anh em tâm sự suốt một đêm đó, sau khi Minh Hạnh về. Khi Minh Hạnh mới về thì chỉ có anh em, dòng họ trong gia đình thôi, lúc đó bạn bè chưa tới. Minh Hạnh nói tối nay anh em mình thức, và em sẽ tâm sự với anh để sáng mai anh về. Tâm sự thì thấy Minh Hạnh rất vững vàng, một con người đáng để tôi phục. Dù Minh Hạnh ở tù 4 năm thôi, và trong giai đoạn 4 năm đó việc theo dõi, nắm bắt tình hình bên ngoài không được rõ ràng mấy; nhưng tôi nghĩ trong thời gian gần, Minh Hạnh sẽ hòa đồng sẽ tìm hiểu và trở thành một nhân vật giỏi chứ không phải tầm thường. Khi nói chuyện, tôi thấy lập trường của Minh Hạnh quá rõ ràng.


“Hạnh có nói ‘ngày xưa’ Hạnh đi đấu tranh rất
cô đơn, và gần như không có những người trẻ
như Hạnh...nhưng đến khi ra tù thì thấy đa số
giới trẻ lên tiếng, nên Hạnh cảm thấy không còn
cô đơn nữa....Đó là liều thuốc tinh thần cho Hạnh
để cảm thấy rất vui mừng về những gì Hạnh làm
trước đây nay đã có kết quả.”
anh Hoàng Văn Dũng


Một người hiện đang dấn thân đấu tranh cho dân chủ - nhân quyền tại Việt Nam như anh Hoàng Văn Dũng cũng có nhận xét về Đỗ thị Minh Hạnh qua cuộc gặp sau khi cô này vừa mới từ Trại giam về nhà:

Khi Hạnh ra, cô thấy mọi người ủng hộ và đến thăm, Hạnh rất mừng vì Hạnh có nói ‘ngày xưa’ Hạnh đi đấu tranh rất cô đơn, và gần như không có những người trẻ như Hạnh, làm công việc tương tự. Hạnh chỉ gặp những người lớn tuổi và không có giới trẻ; nhưng đến khi ra tù thì thấy đa số giới trẻ lên tiếng, nên Hạnh cảm thấy không còn cô đơn nữa mà cảm giác con đường mình đi ‘ngày xưa’ rất đúng. Đó là liều thuốc tinh thần cho Hạnh để cảm thấy rất vui mừng về những gì Hạnh làm trước đây nay đã có kết quả.


Nguồn cảm hứng


Về phía những bạn trẻ như Nguyễn Nữ Phương Dung và Hoàng Văn Dũng hiện đang tham gia đấu tranh cho dân chủ và quyền con người tại Việt Nam, thì Đỗ thị Minh Hạnh, từng phải bị tù tội vì lên tiếng theo đúng lương tâm mách bảo, lại là nguồn cảm hứng, động viên để họ tiếp tục con đường lâu nay.

Nguyễn Nữ Phương Dung nói rõ:

Em thấy những trở ngại em đang gặp phải rất nhỏ so với những gì mà chị Hạnh đã trải qua. Em có một số tương đồng cũng như chị Hạnh. Ban đầu khi em tham gia thì gia đình không ủng hộ cho em làm những việc này; chị Hạnh cũng vậy: chị phải chọn cách ra đi để có thể bảo vệ được lý tưởng của mình vì sợ an ninh sách nhiễu gia đình của mình. Chị nói lúc đó chị rất thương gia đình, nhưng vì đặt tình yêu quê hương - đất nước lên đầu nên phải dứt áo ra đi và chị đã khóc rất nhiều. Em thấy đồng cảm với chị và thấy khi chị làm như vậy rất mạnh mẽ và tạo cho em rất nhiều cảm hứng, tiếp sức cho em để có thể đi trên con đường này.

Anh Hoàng Văn Dũng cũng cho biết những điều mà bản thân anh học hỏi được từ một con người như Đỗ thị Minh Hạnh:

Điều đầu tiên mà tôi học được ở Đỗ thị Minh Hạnh là phải yêu nước một cách đúng đắn, một cách trọn vẹn và phải biết có những gian khổ … và phải biết tuổi trẻ phải có trách nhiệm đối với đất nước, phải biết hy sinh những quyền lợi cá nhân, quyền lợi gia đình, những tình cảm riêng của cá nhân để đóng góp vào công cuộc chung của đất nước.

Thực ra chúng tôi đấu tranh công khai rồi, cảm giác mình mạnh mẽ,, nhưng khi gặp Hạnh thì Hạnh lại truyền thêm mạnh mẽ cho mình.

Việc Đỗ thị Minh Hạnh được trả tự do làm nhiều người đang lo lắng đến vận mệnh đất nước vui mừng như tiến sĩ Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn viết “phía trước không phải chỉ là tự do cho chỉ riêng cô mà một chân trời mới đang hé rạng cho các tổ chức xã hội dân sự ở đất nước đầy cam go này, nơi mà mới đây 16 tổ chức dân sự đã tiếp bước Hạnh để ra một tuyên bố về sự cần kíp xây dựng tổ chức công đoàn độc lập cho 5 triệu công nhân Việt Nam”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét