Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

GS. NGUYỄN VĂN TUẤN - TÁC HẠI CỦA TUYÊN TRUYỀN



GS. NGUYỄN VĂN TUẤN - TÁC HẠI CỦA TUYÊN TRUYỀN






Loa 2.JPG
Một cột loa tuyên truyền ở làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Lâm Khang




Theo cách hiểu thông thường, tuyên truyền là truyền bá những thông tin lệch lạc để quảng bá một mục tiêu chính trị hay một quan điểm. Theo cách hiểu này tôi thấy ở VN có nhiều hiểu lầm hay lệch lạc về các sự kiện lịch sử chỉ vì những sản phẩm của tuyên truyền.

Năm nay kỉ niệm đúng 50 năm ngày 3 tàu hải quân VN đụng độ với tàu khu trục Maddox của Mĩ (2/8/1964). Báo chí VN mô tả trận đánh đó như là một “chiến thắng giòn giã” của hải quân VN (1) vì đã đuổi được tàu Maddox. Nhưng tôi nghĩ đây là một sản phẩm tiêu biểu của tuyên truyền, và nó sẽ làm lệch lạc sự thật lịch sử.

Trong thực tế, cuộc đụng độ không tương xứng đó làm cho 3 tàu của VN đều bị hư hỏng, 4 thuỷ thủ bị tử vong, 6 người bị thương. Còn tàu của Mĩ chẳng hề hấn gì; họ thậm chí phản công gây nhiều tổn hại cho VN. Tàu Maddox cũng chẳng “chạy trốn” mà nó còn quay lại với một tàu khác cùng máy bay oanh kích và gây tổn thất khá lớn trên đất liền. Đã 50 năm rồi, chẳng có gì phải giấu diếm, nên nói thật cho công chúng biết. Không nói thì họ (cũng như tôi đây) vẫn có thể tìm trên mạng để đọc và biết.

Trong quá khứ, tuyên truyền đã làm sai lệch lịch sử. Một trong những sản phẩm tuyệt vời của tuyên truyền là nhân vật Lê Văn Tám. Đó là một cậu bé được hư cấu hoàn toàn, mà tác giả của nó là Trần Huy Liệu (2), lúc đó (1946) là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và Cổ động của VNDCCH. Ông Liệu sáng tác ra một thiếu niên 18 tuổi tên Lê Văn Tám, vì căm thù giặc Pháp, đã tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè vào ngày 1/1/1946. Người sáng tác câu chuyện Lê Văn Tám cho biết Tám chạy 50 mét để vào đến kho xăng. Nhưng người sáng tác có vẻ hơi cường điệu. Làm sao một đứa bé 10 tuổi, với sức nóng dữ dội của xăng, có thể chạy đến 50 mét? Nhưng sau này chúng ta biết rằng đó chỉ là hư cấu, chứ không có nhân vật Lê Văn Tám. Tác giả của nó thú nhận một cách chống chế: “Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài liệu này, sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa.” Ấy vậy mà Lê Văn Tám đã đi vào lịch sử, vào sách giáo khoa, có tên công viên và đường phố. Mặc cho tác giả trần tình, rất nhiều người vẫn không tin rằng Lê Văn Tám là nhân vật hư cấu!


Tuyên truyền có thể gieo căm thù cho cả một cộng đồng. Ngày xưa ở miền Bắc VN, tôi đoán người ta tuyên truyền nói xấu về chế độ miền Nam VN dữ lắm. Bộ máy tuyên truyền ngoài đó đã thành công gieo được vào đầu óc của người dân thường rằng chế độ Mĩ Nguỵ rất ác ôn; lính Nguỵ chỉ đánh thuê, rất ác ôn đến nỗi họ ăn gan uống máu người; sĩ quan và quan chức Nguỵ sống phè phỡn, bê tha, truỵ lạc, trong khi đó thì người dân đói khổ đến nỗi không có chén để ăn cháo. Có lẽ người dân ngoài Bắc tưởng là thật, nên có lí do để vào Nam giải phóng cho dân miền Nam. Có lẽ tin là quân Nguỵ ác ôn, nên mới có tình trạng khi tù cải tạo từ miền Nam bị áp tải ra ngoài Bắc bị dân chúng quăng đá ném gạch và chửi rủa thậm tệ. Có vài người chết vì đòn thù này. Không biết bao nhiêu là đạo diễn (như thời Cải cách ruộng đất) và bao nhiêu là căm thù thực sự, nhưng hệ quả của tuyên truyền quả là ghê gớm.

Cũng vì tuyên truyền mà đến nay người dân VN vẫn tin rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hoá thế giới do UNESCO công nhận. Sự thật thì UNESCO không có văn bản nào công nhận ông hay bất cứ ai là “danh nhân văn hoá thế giới” (3). Vậy mà báo chí và giới lãnh đạo vẫn cứ dùng cụm từ “danh nhân văn hoá thế giới”. Có lẽ họ đã bị nhập tâm cái sản phẩm tuyên truyền đó và nói như là một quán tính.

Còn rất nhiều tác hại của tuyên truyền mà rất khó liệt kê hết ở đây. Có những câu nói gần như đi vào tâm tưởng của người dân mà khi nói ra họ cũng không để ý đến tính hợp lí của nó. Trước đây, có người phàn nàn về câu “Mừng đảng, mừng xuân, mừng đất nước” người ta mới giật mình thấy có cái gì không đúng. Hay như từ một bài ca “đảng đã cho ta mùa xuân” đi vào câu khẩu hiệu mà chẳng ai để ý mùa xuân là kết tinh của đất trời hội tụ chứ có ai cho đâu. Tương tự, câu “Nước CHXNCN Việt Nam muôn năm” nếu nghĩ kĩ cũng khó có thể vì trên thế gian này chẳng có cái gì tồn tại vĩnh viễn cả. Các hoàng đế Tàu ngày xưa cũng thích “vạn tuế” mà có ai đạt được đâu. Những sản phẩm tuyên truyền đó nó được gieo vào tâm trí của nhiều thế hệ để rồi theo thời gian nó trở thành một loạt sự thật giả tạo.

Có thể nói không ngoa rằng VN là một xứ sở của tuyên truyền. Bật tivi, mở radio, đọc báo, tất cả đều có bóng dáng và cái air của tuyên truyền, đặc biệt là các bản tin và bài viết liên quan đến chính trị, xã hội, sử, văn học. Đó là chưa kể đến những pano nền đỏ chữ vàng xuất hiện trên khắp đường phố từ nông thôn đến thành thị, từ lộ nhỏ đến đường cao tốc đều mang nội dung tuyên truyền. Cái gì cũng tuyên truyền, từ chính trị, đóng thuế đến có con đều tuyên truyền. Tuyên truyền hàng phút, hàng giờ, hàng ngày, và ở bất cứ nơi nào. Thử tưởng tượng, người dân phải bị “exposed” (phơi nhiễm) với cường độ tuyên truyền như thế thì trước sau gì cũng bị nhiễm. Tổ sư về tuyên truyền của Đức Quốc Xã là Joseph Goebbels từng nói rằng một lời nói dối nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành chân lí. Điều này rất đúng với VN.



GS Nguyễn Văn Tuấn
04-08-2014

—–


(2) Ông Trần Huy Liệu được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ nhận ấn kiếm của Vua Bảo Đại vào năm 1945. Bảo Đại mô tả ông Liệu như là “Một người gầy gò trông rất thảm hại, đeo kính đen để giấu cặp mắt lé”. http://www.viet-studies.info/kinhte/BaoDai_HCM_DL.htm

Records of the General Conference Twenty-fourth Session Paris, 20 October to 20 November 1987 (xem trang 135)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét