Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

(VNTB) - Khủng hoảng ngân sách trầm trọng và nguy cơ đổ vỡ nền kinh tế



(VNTB) - Khủng hoảng ngân sách trầm trọng và nguy cơ đổ vỡ nền kinh tế







Những con số khác xa


(VNTB) - Đã bắt đầu thời kỳ khủng hoảng ngân sách trầm trọng, đó là hậu quả tất yếu của thời kỳ lãng phí ngân sách, đầu tư ồ ạt vào các dự án kinh tế của nhà nước.

Bội chi ngân sách diễn ra liên tục hàng chục năm qua, kéo theo nợ công cũng gia tăng tương ứng. Mức thâm hụt ngân sách của VN rất cao so với các nước trong khu vực.

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thâm hụt ngân sách của VN không dưới 6%GDP/năm. Các tổ chức quốc tế đưa ra những con số khác xa với báo cáo của Bộ Tài chính. Ví dụ năm 2009, con số thâm hụt ngân sách không bao gồm chi trả nợ gốc theo báo cáo của Bộ Tài chính là 3,7% GDP, trong khi đó con số tương ứng do ADB và IMF công bố cao hơn nhiều, lần lượt là 6,6% và 9,0% GDP.


Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng 411 tỉ đồng


Ngân sách lãng phí vào việc gì?


Thứ nhất, lãng phí chi phí hội họp. Không biết trên thế giới có nước nào họp hành nhiều bằng VN hay không? Cán bộ nhà nước từ cấp xã đến cấp trung ương họp hành liên miên, những cuộc họp lê thê với những phát biểu kiểu ‘định hướng’ dài dòng mất thời gian cứ lập đi lập lại. Việc lãng phí như thế nào, tiêu tốn ngân sách bao nhiêu chắc không cần phải nhắc lại. Tình trạng này kéo dài suốt mấy chục năm và trở thành đặc trưng của bộ máy công quyền.

Thứ hai, lãng phí chi phí cho cán bộ nhà nước đi học. Đủ các hình thức học: học nâng cao trình độ văn hóa, học bồi dưỡng nghiệp vụ, học quản lý hành chính, học lý luận chính trị và ra nước ngoài học tập…

Thứ ba, lãng phí chi phí xây dựng tượng đài. Tượng đài mọc lên khắp nơi, nhiều nhất là những tượng đài để ‘ghi chiến công’ của cách mạng, đặc biệt có rất nhiều tượng đài rất lớn. Một sự thật đắng lòng: Tượng đài là loại công trình bị rút ruột, tham nhũng nhiều nhất.


Thứ tư, lãng phí chi phí xây dựng trụ sở, nhất là trụ sở đảng ủy, thành ủy, huyện ủy, ban dân vận, ban tuyên giáo, trung tâm bồi dưỡng chính trị…Bộ máy cồng kềnh khiến ngân sách phải cõng chi phí xây dựng trụ sở quá mức.

Thứ năm, lãng phí cho quỹ lương. Ai cũng hiểu cán bộ công chức nhà nước làm việc năng suất thấp, đánh cắp thời gian làm việc. Nhiều cán bộ sáng cấp ô đi, chiều cấp ô về, chẳng làm được bao nhiêu việc, vào cơ quan đùa giỡn, chơi game, tán gẫu…

Thứ sáu, lãng phí mua sắm. Mua sắm ô tô, văn phòng phẩm, sửa chữa…

Còn bao nhiêu lãng phí nữa? Chắc chắn còn nhiều.

Tham nhũng, tham ô đã làm thất thoát ngân sách không ít. Ai cũng đã hiểu, nên cũng không kể thêm ở đây. Tôi muốn nhấn mạnh một tổn thất to lớn cho ngân sách song hành với vấn nạn tham nhũng chính là chi đầu tư phát triển.


Đầu tư phát triển cái gì?


Một thời kỳ kéo dài trước đây, các địa phương ra sức ‘thi đua’ đầu tư và tăng trưởng, nhưng hiệu quả kém và thiệt hại nặng cho nền kinh tế cũng như môi sinh. Còn nhớ những năm 2000-2010 các địa phương đua nhau xây dựng nhà máy mía đường, đốn rừng xây dựng nhà máy xi măng, xây dựng thủy điện, khai thác boxit, rất nhiều DNNN đầu tư trái ngành như Công ty cao su lại đầu tư bất động sản, Công ty điện lực lại đầu tư viễn thông, Công ty dầu khí lại đầu tư ngân hàng!

Cụ thể năm 2011, số tiền đầu tư trái ngành: Tập đoàn Dầu khí chiếm vị trí đầu với 6.690 tỷ đồng. Tập đoàn Cao su xếp thứ hai với 3.700 tỷ đồng. Tập đoàn Điện lực xếp thứ ba với 2.100 tỷ đồng…

Tại sao các địa phương, các ngành, các DNNN lại đua nhau làm dự án bất kể hiệu quả như thế nào? Thứ nhất, họ có chỉ tiêu về tăng trưởng, việc làm để báo cáo. Thứ hai, họ có % hoa hồng, có lót tay, có thu nhập bất chính từ những dự án này.

Hệ lụy của việc lãng phí ngân sách, đầu tư ồ ạt không chỉ dẫn đến thâm hụt ngân sách, vỡ nợ công mà còn gây nên lạm phát, phá hủy môi trường, tiêu tốn nguồn lực tài chính của nền kinh tế, đẩy nợ quá hạn lên cao khiến ngân hàng khốn đốn (dự án thường vay thêm vốn ngân hàng) và tổn thất ngân sách do tham nhũng, hối lộ, lãng phí.

Những biện pháp mà chính phủ đưa ra nhằm đối phó thâm hụt ngân sách: cắt giảm lao động trả lương từ ngân sách, thắt chặt chi tiêu công, truy thu thuế những doanh nghiệp chuyển giá, bán cổ phần DNNN, tăng giá xăng, thu phí xe máy, tăng phạt vi phạm, …một phần nào đã và đang làm cho nền kinh tế co lại.

Hà Nội vừa chỉ đạo chấm dứt hợp đồng lao động với những nhân viên do các phòng chuyên môn tự ký và trả lương bằng kinh phí từ ngân sách.

KTNN kết luận năm 2013, Bạc Liêu không còn kết dư ngân sách và còn cần đến hơn 1.350 tỉ đồng để trả nợ do mượn nguồn đến hạn phải trả và dự báo thời gian tới “Kho bạc Nhà nước sẽ không còn tồn quỹ để giải ngân cho các nhiệm vụ chi đã được giao dự toán, kể cả chi cho con người” (ý nói việc chi lương).


“Dứt khoát không để vỡ nợ” (!?)


Nợ công VN đã vượt giới hạn đỏ theo cách tính của quốc tế. VN hiện nay cứ mỗi quí ngân sách Nhà nước phải trả nợ nước ngoài khoảng 1 tỷ USD. Năm 2013 chính phủ phải phát hành 60.000 tỷ đồng trái phiếu để đảo nợ, năm 2014 dự kiến là 70.000 tỷ! An toàn là phải có khả năng trả nợ đến hạn. Như vậy tình hình nợ công VN đã rơi vào trạng thái ‘không an toàn’.

Phát biểu tại Đà Nẵng hôm 7/8/2014 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trấn an toàn dân: “Việt Nam dứt khoát không để vỡ nợ” (!?).

Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Hữu Quang, với mức bội chi 5,3% GDP, dư nợ công tính theo luật Quản lý nợ công đến hết năm 2013 là 56,2% GDP. Tuy nhiên, theo cách tính của thông lệ quốc tế, nợ công VN đã chạm tới 100%GDP. (ngưỡng an toàn nợ công VN là 65% theo nghị quyết của quốc hội)

Quá nhiều mầm mống cho khủng hoảng toàn diện.

Do sức ép lạm phát và đời sống công nhân suy giảm mấy năm qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất phương án tăng lương tối thiếu năm 2015 lên 15,1%. Điều này sẽ gây ra lạm phát cao trong năm 2015, trong khi 6 tháng qua vẫn có hơn 33.000 doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể. Cộng với bộ máy nhà nước muốn cắt giảm lao động, như vậy dự đoán thất nghiệp sẽ gia tăng.

Ngân hàng nông nghiệp (Agribank) đang có nợ xấu ‘khủng’. Trong khi doanh nghiệp vay vốn vẫn chưa thoát được khó khăn. Theo Luật các TCTD và Quy chế cho vay của Ngân hàng nhà nước VN thì Agribank không được đảo nợ và phải trích lập dự phòng rủi ro số tiền rất lớn (tùy thuộc nhóm nợ và TSTC). Nếu Agribank thực hiện đúng pháp luật thì có nguy cơ bị rơi vào trạng thái ‘kiểm soát đặc biệt’ cần phải giải cứu.

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước vừa “bêu' tên những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lỗ khủng tới mức báo động đỏ, và danh sách các công ty kinh doanh tới mức âm vốn chủ sở hữu. 5/50 công ty do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư thua lỗ 3.702 tỷ đồng, 11/31 công ty do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư thua lỗ 6.342 tỷ đồng, 7/24 công ty do Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) đầu tư lỗ lũy kế 339,6 tỷ đồng; 6/57 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lỗ 118,3 tỷ đồng…

Dự án boxite Tây Nguyên (Nhân Cơ và Tân Rai) vẫn tiếp tục lỗ lã, dự kiến năm 2014 sẽ lỗ trên 500 tỷ đồng và còn tiếp tục lỗ tương đương trong 2015.

Kinh tế ảm đạm, thất nghiệp gia tăng, vật giá leo thang, thâm hụt ngân sách, nguy cơ vỡ nợ ngân sách…là bức tranh kinh tế từ đây đến hết 2015 và có khả năng làm đổ vỡ nền kinh tế trước thềm Đại hội XII của Đảng.

Giặc Trung cộng đang tiếp tục những hành động gây hấn cho mưu đồ thôn tín biển đông. Thoát Trung tất yếu phải thoát dần từ kinh tế. Điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của VN sang Trung Quốc.

Tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là cứu cánh cho nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ đang nỗ lực đàm phán, nhưng nếu VN không đạt thỏa thuận sớm tất sẽ đối mặt khủng hoảng trong sự vô vọng bởi năm 2015 nước Mỹ bước vào cuộc chạy đua bầu cử tổng thống, không ai còn tâm trí để đàm phán TPP với Việt Nam.

Có quá nhiều mầm mống cho cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Mong rằng Đại hội XII sẽ cải cách triệt để về chính trị, đó là giải pháp lâu dài và bền vững cho VN trong tương lai.





Nguồn tham khảo:


Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét