ĐỌC LẠI HỒ SƠ BÁN NƯỚC: HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ 1990
ĐỌC LẠI HỒ SƠ BÁN NƯỚC: HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ 1990
-Bài 2-
VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM
CỦA NGUYỄN VĂN LINH - LÊ ĐỨC ANH
TRONG QUAN HỆ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC
Hồi ký "Hồi Ức và Suy Nghĩ" của Trần Quang Cơ
nhà báo Trần Quang Thành giới thiệu
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gặp Đại sứ Trương Đức Duy (5-6-1990)
Lời giới thiệu : Trong cái gọi là công cuộc đổi mới, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tâng bốc Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là người khởi xướng ; còn Lê Đức Anh thì được thuộc hạ sủng ái như môt thái thượng hoàng thời cộng sản độc quyền cai trị đất nước. Nhưng trong hồi ký “Hồi ức và Suy nghĩ”,Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh đã bộc lộ một bộ mặt khác: Hèn nhát, bạc nhược đầu hàng quan thầy Trung Quốc.
Chương 10 mang tựa đề “Thuốc đắng nhưng không dã được tật” nhà ngoại giao kỳ cựu Trần Quang Cơ viết :
"Sáng 30.5.90, Bộ Chính Trị họp bàn về đàm phán với Trung Quốc, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thông báo với Bộ Chính trị về cuộc họp với 2 Tổng bí thư Đảng Lào và Đảng Campuchia ngày 20-21/5, nói là dự định sẽ gặp đại sứ Trung Quốc và Từ Đôn Tín khi Từ đến Hà Nội. Cố vấn Phạm Văn Đồng và một số trong Bộ Chính trị tỏ ý phải thận trọng trong xử sự với Trung Quốc.
Anh Tô nói: Mấy nghìn năm Trung Quốc vẫn là Trung Quốc, không nên cả tin. Ta cần thăm dò thúc đẩy nhưng phải cảnh giác, đừng để hớ. Đỗ Mười cũng khuyên anh Linh không nên gặp đại sứ Trung Quốc và Từ Đôn Tín trước cuộc đàm phán. Nhưng Lê Đức Anh lại tỏ ra đồng tình với dự định của anh Linh, cho rằng phải thăm dò và phân tích chiến lược của Trung Quốc, xử lý mối quan hệ của 3 nước lớn và 5 nước thường trực Hội đồng bảo an, tranh thủ thế giới thứ ba, ủng hộ các nước XHCN.
Đa số trong Bộ Chính trị đều cho rằng không nên nói đến “giải pháp Đỏ” với Trung Quốc nữa. Cuối cùng Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh kết luận lại là anh sẽ chỉ gặp đại sứ Trung Quốc, còn không gặp Từ Đôn Tín; về phía lãnh đạo ta, chỉ có anh Thạch tiếp Từ. Nguyễn Văn Linh còn nói khi gặp Trương Đức Duy anh sẽ chỉ nói về hợp tác hai nước và đề nghị gặp cấp cao, không nói đến “giải pháp Đỏ”. Nhưng trên thực tế trong cuộc gặp đại sứ Trung Quốc vài hôm sau, Nguyễn Văn Linh đã lại nêu vấn đề đó.
Ngày 5.6.90, vài ngày trước khi Từ Đôn Tín đến Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã mời đại sứ Trương Đức Duy (vừa từ Bắc Kinh trở lại Hà Nội) đến Nhà khách Trung ương Đảng nói chuyện thân mật để tỏ lòng trọng thị đối với Bắc Kinh.
Trong cuộc gặp, như để chấp nhận lời phê bình của Đặng (nói qua Kayson), Nguyễn Văn Linh nói “Trong quan hệ hai nước, 10 năm qua có nhiều cái sai. Có cái đã sửa như việc sửa đổi Lời nói đầu của Hiến pháp, có cái sai đang sửa”.
Anh sốt sắng ngỏ ý muốn sang gặp lãnh đạo Trung Quốc để “bàn vấn đề bảo vệ chủ nghĩa xã hội” vì “đế quốc đang âm mưu thủ tiêu chủ nghĩa xã hội... chúng âm mưu diễn biến hoà bình, mỗi đảng phải tự lực chống lại. Liên Xô là thành trì Xã hội chủ nghĩa , nhưng lại đang có nhiều vấn đề. Chúng tôi muốn cùng các người cộng sản chân chính bàn vấn đề bảo vệ chủ nghĩa xã hội... Tôi sẵn sàng sang Trung Quốc gặp lãnh đạo cấp cao Trung Quốc để khôi phục lại quan hệ hữu hảo. Các đồng chí cứ kêu một tiếng là tôi đi ngay... Trung Quốc cần giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Về vấn đề Campuchia, anh Linh đã gợi ý dùng “giải pháp Đỏ” để giải quyết: “Không có lý gì những người cộng sản lại không thể bàn với những người cộng sản được”, “họ gặp Sihanouk còn được huống chi là gặp lại nhau”.
Sáng 6.6.90, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh lại gặp riêng và mời cơm đại sứ Trương Đức Duy. Cuộc gặp riêng chỉ giữa hai người, Trương Đức Duy vốn là thông dịch, rất thạo tiếng Việt nên không cần có người làm phiên dịch.
Nội dung cuộc gặp này mãi đến ngày 19/6 trong cuộc họp Bộ Chính trị để đánh giá cuộc đàm phán 11-13/6 giữa tôi và Từ Đôn Tín, Lê Đức Anh mới nói là đã gặp Trương Đức Duy để nói cụ thể thêm ba ý mà anh Linh đã nói với đại sứ Trung Quốc hôm trước (gặp cấp cao hai nước; hai nước đoàn kết bảo vệ chủ nghĩa xã hội; hai nhóm cộng sản Khmer nên nói chuyện với nhau).
Nhưng trước đó, từ ngày 6/6, phía Trung Quốc (tham tán Lý Gia Trung và Bí thư thứ nhất Hồ Càn Văn) đã cho ta biết nội dung câu chuyện giữa Lê Đức Anh và Trương Đức Duy.
Còn đại sứ Trung Quốc cho anh Ngô Tất Tố, Vụ trưởng vụ Trung Quốc biết là trong cuộc gặp ông ta ngày 6/6, anh Lê Đức Anh đã nói khá cụ thể về “giải pháp Đỏ”: “Sihanouk sẽ chỉ đóng vai trò tượng trưng, danh dự, còn lực lượng chủ chốt của hai bên Campuchia là lực lượng Heng Somrin và lực lượng Polpot, Trung Quốc và Việt Nam mỗi bên sẽ bàn với bạn Campuchia của mình, và thu xếp để hai bên gặp nhau giải quyết vấn đề. Địa điểm gặp nhau có thể ở Việt Nam, có thể ở Trung Quốc, nhưng ở Trung Quốc là tốt hơn cả. Đây là gặp nhau bên trong, còn bên ngoài hoạt động ngoại giao vẫn như thường... Ngày xưa Polpot là bạn chiến đấu của tôi...”
Trưa ngày 9/6/90, Đại sứ Trương Đức Duy nói với Vụ Trung Quốc Bộ Ngoại giao ta rằng, trong cuộc gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, phía Trung Quốc rút ra được 3 ý kiến:
Đồng chí Nguyễn Văn Linh nói về quan hệ hai nước rất đậm đà. Nói 10 năm qua có nhiều cái sai. Có cái sai như lời nói đầu của Hiến pháp, có cái sai đang sửa. Muốn gặp cấp cao Trung Quốc để trao đổi những vấn đề lớn trong quan hệ hai nước.
Về tình hình quốc tế: tình hình Liên xô, Đông Âu có nhiều thay đổi. Liên Xô trước đây là thành trì của chủ nghĩa xã hội, nay thành trì này cũng lung lay rồi. Trung Quốc cần giương cao ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin. Việt Nam kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin. Những mgười cộng sản chân chính phải đoàn kết để bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa đế quốc luôn tấn công vào chủ nghĩa xã hội. Chúng tuyên bố đến cuối thế kỷ này sẽ làm cho chủ nghĩa xã hội biến mất.
Về Campuchia: tại sao những người cộng sản không hợp tác với nhau ? Polpot và Hunxen phải hợp tác với nhau.
Chiều 10/6/90, Bí thư thứ nhất sứ quán Trung Quốc Hồ Càn Văn nói với anh Vũ Thuần, Vụ phó vụ Trung Quốc Bộ Ngoại giao: “Từ Đôn Tín tuy là trợ lý ngoại trưởng nhưng là người có thực quyền trong việc giải quyết các vấn đề châu Á. Trên khía cạnh nào đó có thể nói còn có thực quyền hơn cả cấp thứ trưởng. Việc Từ sang Việt Nam lần này là có sự quyết định của cấp cao nhất của Trung Quốc, chứ không phải Bộ Ngoại giao.”
Theo Hồ Càn Văn, ngày 23/5/90 Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam Vũ Xuân Vinh đã mời Tuỳ viên quân sự Trung Quốc Triệu Nhuệ đến để thông báo là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh sẽ tiếp Từ Đôn Tín khi Từ đến Hà Nội. Chính những động thái bất thường và vượt ra ngoài khuôn khổ ngoại giao này của ta đã làm cho Trung Quốc hiểu rằng nội bộ Việt Nam đã có sự phân hoá và vai trò của Bộ Ngoại Giao không còn như trước.
Ngày 8/6/90, khi được biết là lần này tôi sẽ là người đứng ra thay anh Đinh Nho Liêm đàm phán với Từ Đôn Tín. Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh còn điện thoại dặn tôi tránh chủ động nói đến “giải pháp Đỏ”:
Việc hai bên Đỏ tiếp xúc với nhau là chuyện lâu dài, cần cho ổn định lâu dài. Trung Quốc sẽ tác động với phía Campuchia thân Trung Quốc, ta sẽ tác động với phía Campuchia thân ta để hai bên kiềm chế việc thù địch nhau. Việc này phải có thời gian, không thể nhanh được, không thể đòi họ trả lời ngay. Đừng thúc họ, cứ để họ chủ động, khi nào trả lời được thì họ trả lời... Phải rất bí mật. Lộ ra rất nguy hiểm. Chỉ nói khi gặp riêng chứ không nói khi đàm phán. Việc anh Nguyễn Văn Linh đặt vấn đề với đại sứ Trương Đức Duy nói sẵn sàng đi Trung Quốc gặp cấp cao nhất, cũng không nên hỏi lại nếu họ chưa nói tới.”
Những lời dặn dò này đối với tôi thực ra là không cần thiết, không phải vì tôi sẵn ý thức bảo mật cao, mà bởi vì ngay từ đầu tôi đã khó chịu với cái ý nghĩ gọi là “giải pháp Đỏ”, với ý nghĩ bắt tay với bọn diệt chủng – dù chỉ là gián tiếp - để làm vừa lòng Trung Quốc.
Nhưng sự việc trở nên phức tạp khi trưa ngày 11/6/90 sau đàm phán phiên đầu với Từ Đôn Tín tôi về Bộ Ngoại Giao hội báo lại với anh Thạch. Anh Thạch lúc này đang họp Hội nghị ngoại giao đánh giá tình hình Đông Âu - Liên Xô.
Nghe tôi phản ánh tình hình đàm phán xong, anh liền gạn hỏi tôi có nói với Từ về “giải pháp Đỏ” không. Tôi nói: “Đồng chí Lê Đức Anh đã dặn phải thận trọng tránh nói đến vấn đề đó khi đàm phán.” Anh Thạch vặn lại: “Vậy đồng chí nghe theo ý kiến Bộ trưởng Quốc phòng hay ý kiến Bộ trưởng Ngoại giao ?”. Tôi đáp: “Là cán Bộ Ngoại giao, tôi sẵn sàng chấp hành ý kiến anh, với sự hiểu biết rằng anh nói với tư cách là Ủỷ viên Bộ Chính trị”.
Lúc ấy tôi thật bất ngờ trước phản ứng của anh Thạch, nhưng đồng thời cũng cảm nhận được vết rạn nứt trong Bộ Chính trị đã khá sâu.
Phía Trung Quốc tất nhiên không để lọt hiện tượng này vì chính họ đang muốn tác động vào nội bộ ta. Chính thái độ quá đặc biệt, quá nhún mình và cũng quá sơ hở của lãnh đạo ta ngày 5 và 6/6/90 đã gây khó khăn không nhỏ cho ngoại giao ta trong đợt đàm phán này.
Ngay từ hôm đầu đến Hà Nội và trong suốt mấy ngày đàm phán, Từ Đôn Tín luôn giở giọng cao ngạo, dùng uy lực của chính lãnh đạo ta để gây sức ép với cán bộ ngoại giao ta. Ngay trong lời đáp từ tại buổi tiệc của tôi chiêu đãi đoàn Trung Quốc tối 9/6/90, Từ đã nói:
“Sau khi nghe đại sứ Trương Đức Duy báo cáo lại, tôi càng tăng thêm lòng tin tưởng, tôi tin rằng đồng chí thứ trưởng Trần Quang Cơ và các đồng chí ở Bộ Ngoại giao Việt Nam nhất định sẽ tuân theo ý nguyện và tinh thần của các đồng chí lãnh đạo Việt Nam, cụ thể hoá vào cuộc trao đổi với chúng tôi để chúng ta nhanh chóng giải quyết xong vấn đề”.
Vào phiên đàm phán đầu tiên, sáng 11/690, Từ đã tìm cách ghim lại những điểm có lợi cho Trung Quốc hoặc ít nhất cũng hợp với ý đồ của họ bằng cách nêu ra “5 nhận thức chung rất bổ ích” mà hai bên đã đạt được trong cuộc gặp ở Bắc Kinh đầu tháng 5/90:
“Hai bên đều cho rằng vấn đề Campuchia cần đạt được một giải pháp toàn diện, công bằng và hợp lý.
Phía Việt Nam bày tỏ đã rút hết quân khỏi Campuchia, chấp nhận sự kiểm chứng của LHQ và cam kết sẽ không quay lại Campuchia.
Hai bên đều cho rằng, trong thời kỳ quá độ ở Campuchia sau khi Việt Nam rút hết quân, chấm dứt viện trợ bên ngoài và thực hiện ngừng bắn, cần thành lập Hội đồng toàn quốc tối cao. Về nguyên tắc, hai bên chúng ta đều tán thành Hội đồng toàn quốc tối cao phải là cơ cấu quyền lực có thực quyền. Còn việc tổ chức Hội đồng đó thế nào, ý kiến của hai bên cơ bản nhất trí với nhau. Ứng cử viên của Hội đồng đó cụ thể là ai thì phải do các bên Campuchia lựa chọn. Trung Quốc, Việt Nam tôn trọng sự lựa chọn đó. Chúng ta tán thành Hội đồng toàn quốc tối cao không loại trừ bất cứ bên nào, cũng không để bên nào nắm độc quyền. Về Hoàng thân Sihanouk, hai bên đều chủ trương Hoàng thân Sihanouk làm Chủ tịch Hội đồng toàn quốc tối cao.
Vấn đề quân sự trong thời kỳ quá độ, hai bên đều cho rằng để tránh xảy ra nội chiến và giữ hoà bình ở Campuchia, cần có sự sắp xếp thoả đáng quân đội 4 bên Campuchia. Dĩ nhiên sắp xếp như thế nào, hai bên chúng ta cần bàn thêm.
Còn một điểm nữa, các đồng chí Việt Nam bày tỏ từ nay về sau sẽ không nhắc đến vấn đề diệt chủng, kể cả trong các văn kiện quốc tế cũng không nêu nữa”.
Vì vậy Từ đề nghị tập trung bàn hai điểm tồn tại của lần gặp trước là vấn đề phạm vi quyền lực của SNC và vấn đề lực lượng vũ trang của các bên Campuchia trong thời kỳ quá độ.
Trong 3 ngày đàm phán, mỗi khi phía Trung Quốc thấy ta không chấp nhận yêu sách vô lý của họ về hai vấn đề thuộc nội bộ Campuchia này, nhất là khi ta kiên trì công thức “hai bên Campuchia” – tức là hai chính phủ PhnomPenh và chính phủ Campuchia Dân chủ, hoặc có thể nói “các bên Campuchia”, nhưng dứt khoát bác công thức “4 bên Campuchia” của họ mang hàm ý chấp nhận vai trò hợp pháp của bọn Khmer đỏ và nhắc đến thoả thuận Tokyo, thì Từ lại lên giọng chê trách tôi làm trái ngược ý kiến của lãnh đạo Việt Nam.
Y đưa ra lập luận là lãnh đạo Việt Nam đã đưa ra ý “hợp tác giữa 2 phái cộng sản Khmer” tức là nhận từ “4 bên Campuchia” (có nghĩa là đưa Khmer đỏ lên ngang với Chính phủ PhnomPenh).
Từ nói: “Phát biểu của các đồng chí không nên trái ngược với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam. ý kiến của Bộ Ngoại giao nên nhất trí với ý của lãnh đạo cấp cao, không nên có hai tiếng nói trái ngược”.
Tôi phải đưa Từ trở về vị trí của y: “Đồng chí có thể yên tâm, không cần lo hộ chúng tôi là Bộ Ngoại giao có tiếng nói khác Trung ương. Đảng chúng tôi nhất trí từ trên xuống dưới. Bộ Ngoại giao là một bộ phận chịu sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính Trị chúng tôi”.
Về vấn đề Hội đồng Dân tộc Tối cao Campuchia, Trung Quốc kiên trì 3 điểm:
a. SNC phải là cơ quan chính quyền tối cao hợp pháp duy nhất, đại diện cho độc lập, chủ quyền, thống nhất của Campuchia. Về mặt đối ngoại, đại diện cho Campuchia trên quốc tế, giữ ghế của Campuchia ở LHQ; về mặt đối nội, thực hiện quyền lập pháp và quản lý hành chính, trực tiếp nắm các ngành quan trọng ảnh hưởng đến tổng tuyển cử tự do, công bằng gồm quốc phòng, ngoại giao, nội vụ, tuyên truyền, tài chính (với hiểu ngầm là xoá 5 bộ này của chính quyền PhnomPenh).
b. Không loại bên nào (tức là không loại Khmer Đỏ), không bên nào độc quyền.
c. Thành phần, số lượng do 4 bên Campuchia bàn bạc và quyết định. Sihanouk làm chủ tịch SNC (thực chất là bác bỏ Thông cáo chung Tokyo đã thoả thuận là Hội đồng gồm 12 người, chia đều cho 2 bên, mỗi bên 6 người).
Tôi khẳng định SNC có trách nhiệm và quyền lực trong việc thực hiện các hiệp định được ký kết về Campuchia, về hoà giải dân tộc và về tổng tuyển cử; hai chính quyền hiện tồn tại không được làm việc gì cản trở trách nhiệm và quyền lực trên đây của SNC. Còn việc các bên Campuchia chấp nhận ý kiến của Trung Quốc đến đâu là quyền của các bên Campuchia, Việt Nam và Trung Quốc không thể thay các bên Campuchia sắp đặt việc nội bộ của Campuchia.
Về vấn đề lực lượng vũ trang, Trung Quốc đòi ghi vào biên bản thoả thuận: quân đội của 4 bên Campuchia phải tập kết vào những địa điểm của Ủỷ ban giám sát của LHQ chỉ định. Còn việc giảm quân hay giải pháp thì để cho SNC hoặc chính phủ sau bầu cử quyết định.
Tôi nói: “Việt Nam tôn trọng thoả thuận giữa các bên Campuchia ở Tokyo là lực lượng vũ trang ở đâu đóng đó. Nguyên tắc về lực lượng vũ trang các bên Campuchia là chấm dứt nội chiến càng sớm càng tốt, duy trì ngừng bắn, không can thiệp vào đời sống chính trị, không can thiệp vào tổng tuyển cử để bảo đảm cho tổng tuyển cử được thực sự tự do và công bằng. Còn các biện pháp để thực hiện các nguyên tắc trên sẽ do các bên Campuchia thoả thuận với nhau”.
Sau khi tỏ phản ứng về lập trường của ta, Từ nói:
“Tôi muốn nói thật rằng nếu lần này chúng ta đi một bước không hay thì sẽ có hậu quả sau này. Không những hai chúng ta thất vọng mà kết quả còn trái ngược với nguyện vọng của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và các đồng chí lãnh đạo khác nói với chúng tôi. Chúng ta đang ở ngã ba đường, lựa chọn thế nào ? Thời gian không cho phép. Trung tuần tháng 7, 5 nước Hội đồng bảo an họp lại. Trung Quốc không thể không tỏ thái độ. Nếu Trung Quốc và Việt Nam không đạt được kết quả giải quyết vấn đề Campuchia thì lòng mong muốn của chúng ta sẽ chịu hậu quả lớn.”
Như để thuyết phục ta chấp nhận lập trường của họ, Từ đưa ra dự kiến của Trung Quốc giải quyết vấn đề Campuchia theo 5 bước:
Trung – Việt đạt được thoả thuận về giải pháp vấn đề Campuchia và ghi nhận lại bằng một biên bản nội bộ;
Họp ngoại trưởng 5 nước Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Inđônêxia, Lào và ra tuyên bố chung;
Họp hội nghị có tính chất khu vực giữa 5 nước trên và 4 bên Campuchia;
Họp 5 nước Hội đồng Bảo an và 4 bên Campuchia.
Họp hội nghị quốc tế Paris về Campuchia.
Từ nói chỉ trao đổi nội bộ với ta dự kiến này ở đây, không nói với 4 nước Uỷ viên thường trực Hội đồng bảo an, cũng không nói với Liên Xô để tránh sự quấy nhiễu của bên ngoài. Tôi tránh bình luận cụ thể, chỉ nói đây là một gợi ý thú vị, rất đáng suy nghĩ, song cần làm sao cho bước khởi động của chúng ta ở đây có kết quả thì toàn bộ kế hoạch mới có khả năng triển khai được.
Chiều ngày 12/6/90, theo yêu cầu của phía Trung Quốc, đã có cuộc họp hẹp giữa hai trưởng đoàn. Qua đó Từ nhờ tôi chuyển tới lãnh đạo Việt Nam trả lời của lãnh đạo Trung Quốc về những ý kiến mà Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh đã nói với đại sứ Trung Quốc ngày 5 và 6/6/90:
“Lãnh đạo Trung Quốc rất coi trọng quan hệ Trung – Việt, Lãnh đạo Trung Quốc cũng rất coi trọng những ý kiến Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và đồng chí Lê Đức Anh đã nói với đại sứ Trương Đức Duy. Phía Trung Quốc cho rằng quan hệ Trung–Việt sớm muộn cũng sẽ bình thường hoá. Hai bên đều cần cùng nhau cố gắng để thực hiện. Vấn đề Campuchia, cuộc chiến tranh Campuchia đã kéo dài hơn 10 năm. Đây là vấn đề toàn thế giới quan tâm, các nước trong khu vực, nhất là ASEAN, cũng rất quan tâm. Đối với hai nước Trung Quốc và Việt Nam, nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết hiện nay là trên cơ sở những nhận thức chung đã đạt được, tiếp tục trao đổi ý kiến về hai vấn đề tồn tại (vấn đề quyền lực của Hội Đồng tối cao và việc xử lý quân đội của các bên Campuchia), làm sao cho có tiến triển hai vấn đề này. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ góp phần vào việc thực sự giải quyết vấn đề Campuchia. Bước đi này là hết sức quan trọng. Chỉ có đi xong bước này, chúng ta mới có thể suy nghĩ đến những bước sau. Cũng có nghĩa là chỉ có đi xong bước này lãnh đạo Trung Quốc mới suy nghĩ về việc gặp cấp cao và việc thúc đẩy hai phái cộng sản Khmer hoà giải với nhau”.
Nghe Từ đọc xong, tôi hỏi lại: “Như vậy có phải là chỉ sau khi giải quyết xong vấn đề quyền lực của SNC và vấn đề lực lượng vũ trang Campuchia thì Trung Quốc mới nghĩ đến việc gặp cấp cao?”
Từ khẳng định đúng là như vậy và nói thêm: “Giải quyết hai vấn đề đó có nghĩa là Trung Quốc và Việt Nam đã nhất trí cơ bản về việc giải quyết vấn đề Campuchia, sẽ làm thành biên bản chung ghi các điều đã nhất trí làm cơ sở để thúc đẩy giải quyết vấn đề Campuchia, tác động đối với bạn bè mỗi bên và mở đầu quá trình bình thường hoá quan hệ hai nước”.
Từ nói: “Nhất quyết phải giải quyết xong hai điểm tồn tại đó để có được giải pháp toàn bộ, không nên vượt qua vấn đề Campuchia. Giải quyết xong vấn đề Campuchia thì các bước tiếp theo về gặp gỡ cấp cao và bình thường hoá quan hệ giữa hai nước sẽ dễ giải quyết”.
Ngay sau đó, tôi sang gặp Thủ tướng Đỗ Mười báo cáo tình hình cuộc đàm phán để chuẩn bị cho việc anh ấy tiếp Từ Đôn Tín chiều hôm sau như đã dự định. Tôi nói:
“Chỉ với việc anh Linh và anh Lê Đức Anh gặp Trương Đức Duy trước khi Từ Đôn Tín tới Hà Nội đã làm cho phía Trung Quốc lên giọng trong đàm phán, nay nếu anh Linh hoặc anh Mười lại tiếp hắn nữa thì rất không nên”.
Nghe tôi trình bày xong, Đỗ Mười bảo sở dĩ anh nghĩ đến chuyện gặp Từ là vì sáng 10/6/90, Lê Đức Anh đến yêu cầu Đỗ Mười gặp Từ, nay như vậy thì không cần gặp nữa. Đỗ Mười bảo tôi cùng đi ngay sang báo cáo sự tình với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vì anh Linh cũng dự định tiếp Từ.
Sau khi nghe tôi trình bày, có một phút lặng đi, tôi nghĩ bụng Tổng bí thư chắc bị bất ngờ về những câu trả lời quá ư lạnh nhạt của lãnh đạo Trung Quốc đối với những điều tâm huyết mà anh và Lê Đức Anh đã thổ lộ với đại sứ Trương Đức Duy. Rồi anh Linh cho ý kiến là trong tình hình này anh Mười hoặc một cấp cao khác của ta không cần tiếp Từ Đôn Tín nữa.
Ba ngày đàm phán với Từ nói chung là căng, nhưng giông tố chỉ nổ ra khi Từ Đôn Tín đến chào Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chiều 13/6/90 trước khi đoàn Trung Quốc rời Hà Nội.
Ngay từ đầu không khí trò chuyện đã không lấy gì làm mặn mà lắm. Nhưng đến khi Từ nói:
“Các đồng chí nói chúng ta nên khuyên hai phái cộng sản Campuchia hoà giải với nhau, (Nói đó là mong muốn chân thành của Việt Nam Nhưng trên thực tế, các đồng chí cố sức tiêu diệt Khmer Đỏ. Nếu lãnh đạo Việt Nam muốn có sự hoà giải giữa hai nhóm cộng sản Khmer thì lẽ dĩ nhiên phải chấp nhận “4 bên”.) Chúng tôi không thể hiểu được trong hai giọng nói đó, cái nào là thật, cái nào là giả. Nghe tiếng nói này thì tiếng nói kia là giả dối, nghe tiếng nói kia thì tiếng nói này là giả dối. Mong rằng sau này các đồng chí không nên làm như vậy”,
Anh Thạch đã phản ứng mạnh: “Chúng tôi không đòi các đồng chí nói chỉ có hai bên Campuchia; các đồng chí cũng không thể đòi chúng tôi nói 4 bên. Chúng tôi nói các bên, không loại bỏ bên nào là đủ rồi. Nếu nói khác đi là chống lại Hội nghị Tokyo. Tôi nói thật, dùng thủ đoạn xuyên tạc thì rất khó đàm phán... Tôi rất trọng đồng chí nhưng rất không hài lòng với những điều đồng chí nói vì đồng chí có những xuyên tạc. Như thế rất khó đàm phán”.
Cuộc nói chuyện kết thúc bằng câu “Chào Ngài ! ” của Từ Đôn Tín. Và anh Thạch cũng đáp lại bằng từ đó thay vào từ “đồng chí”.
Tôi không có mặt trong buổi anh Thạch tiếp Từ Đôn Tín, nhưng khi nghe kể lại chuyện đó tôi không hề ngạc nhiên.
Tôi nhớ như in cái giọng ngạo mạn kiểu “sứ giả thiên triều” của Từ trong buổi gặp ngày 13/6/90: “Lần này tôi sang Hà Nội chủ yếu để bàn với các đồng chí Việt Nam về vấn đề Campuchia, đồng thời cũng xem xét nguyện vọng của các đồng chí, chúng tôi đã chuẩn bị ý kiến về quan hệ hai nước Trung Quốc - Việt Nam”.
Khi nói “nguyện vọng của các đồng chí” là Từ muốn nói đến những điều mà anh Linh và Lê Đức Anh đã nói với đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy ngày 5 và 6/6/90. Đây là cuộc đàm phán giữa hai quốc gia bình đẳng, làm sao Trung Quốc có thể nói đến chuyện “xem xét nguyện vọng” của lãnh đạo Việt Nam được. Thêm vào đó, tâm trạng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong những ngày này lại đang nặng chĩu những suy tư khác.
Sau khi xảy ra va chạm giữa Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và trưởng đoàn Trung Quốc Từ Đôn Tín, sức ép vào nội bộ ta càng mạnh hơn: suốt nửa cuối 1990 đến 1991, Trung Quốc phớt lờ Bộ Ngoại giao, chỉ làm việc với Ban Đối ngoại; Ngoại trưởng Tiền Kỳ Tham từ chối gặp Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch tại kỳ họp Đại hội Đồng LHQ ở Nữu-ước tháng 9.90.
Trước đó, ý đồ Trung Quốc phân hoá nội bộ ta đã bộc lộ rõ: muốn ta phải thay đổi Bộ trưởng Ngoại giao. Không chỉ thế, Trung Quốc còn lợi dụng sự cả tin của lãnh đạo ta để phá hoại uy tín đối ngoại của ta bằng cách dùng thủ đoạn cố ý lộ tin ra với các nước.
Liều thuốc của thày Tàu bốc cho ta thật là đắng, thế nhưng đâu có dã được tật !
Trần Quang Cơ
Hồi ký “Hồi ức và Suy nghĩ” (Trích)
Nguồn: trinhanmedia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét