Ngăn thầy giáo Phạm Minh Hoàng dạy học có đúng luật?
VRNs (06.08.2014) – Sài Gòn – Hôm qua, giảng viên Phạm Minh Hoàng đã phải viết thư xin lỗi các học viên lớp Pháp văn miễn phí, vì nhà nước không cho thầy được dạy.
“Thông báo về việc ngưng dạy lớp Pháp văn.
Thưa các bạn,
Trên nguyên tắc, lớp học Pháp văn sẽ bắt đầu vào ngày hôm nay 5/8/2014. Tuy nhiên, tôi rất tiếc phải thông báo cùng các bạn rằng chúng ta phải dời ngày học sang một lúc khác.
Chắc các bạn cũng biết rằng tôi hiện đang trong tình trạng quản chế, và sáng nay 5/8/2014, nhà cầm quyền đã thông báo rằng các đối tượng quản chế không được phép dạy thêm (Thông tư số: 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012, điều 8, chương 2).
Tôi rất tiếc vì đã không được dạy lớp này như chúng ta đã chuẩn bị từ đầu.
Hạn quản chế của tôi sẽ chấm dứt vào tháng 1/2015. Tôi sẽ liên lạc với các bạn sau thời hạn này và ước mong chúng ta sẽ gặp lại nhau trong những hoàn cảnh tốt đẹp hơn.
Mong các em và các bạn thông cảm cho sự việc ngoài ý muốn này.
Sàigòn, ngày 5/8/2014
Phạm Minh Hoàng”.
Cha Giuse Đinh Hữu Thoại, Trưởng văn phòng Công lý và Hòa bình DCCT Sài Gòn, sau khi đã tham khảo ý kiến luật sư cho biết:
“Theo khoản 2 Điều 2 Quy định về dạy thêm, học thêm (ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 6/5/2012) mà Thầy Hoàng trích dẫn có quy định rõ nguyên văn:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ:
1. Dạy thêm, học thêm trong quy định này là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành….”. Khoản 3 Điều 3 Quy định này cũng xác định: “Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm”.
Như vậy, nếu Thầy không thu tiền, hoặc có thu tiền nhưng Thầy dạy nội dung “không theo chương trình giáo dục” của Bộ, và/hoặc đối tượng không phải học sinh thì không bị điều chỉnh bởi quy định này.
Hơn nữa, khoản 2 Điều 92 Luật Thi hành án hình sự quy định: người chấp hành án phạt quản chế có quyền “Lựa chọn việc làm thích hợp, trừ những ngành, nghề hoặc công việc mà người chấp hành án phạt quản chế không được làm theo quy định của pháp luật; được hưởng thành quả lao động do mình làm ra.”
Như vậy, Thầy hoàn toàn có quyền dạy thu tiền học phí, nhưng không dạy các “nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông ” và không dạy học sinh thì không bị cấm”.
Được biết ngày 22.07 vừa qua, thầy Hoàng đã chính thức đăng thông báo sẽ tình nguyện dạy Pháp văn miễn phí cho những ai thích học tại tư gia trên trang facebook Tin Vui. Thông báo này đã nhanh chóng được loan đi, và được cộng đồng chào đón. Có khoảng 30 người ghi danh học chính thức.
Việt Nam hiện đang là thành viên khối Pháp ngữ, và tiếng Pháp càng ngày càng ít người Việt biết hơn. Những ai dám bỏ giờ ra để dạy và học tiếng Pháp lúc này là những người thật sự đi tìm giá trị văn hóa.
Không đúng luật.Phãn đối.Hoan hô Thầy Phạm Minh Hoàng.
Trả lờiXóa