Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Những sức ép trước đại hội đảng



Những sức ép trước đại hội đảng



2014-08-12
08122014-daihoidang-vh.mp3  Phần âm thanh Tải xuống âm thanh




000_Hkg10088180.jpg
Đại diện cao cấp của EU, bà Catherine Ashton (thứ hai từ trái) họp với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) tại Hà Nội
ngày 12 tháng 8 năm 2014
AFP photo



Việt Hà và Kính Hòa phỏng vấn GS Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn quan hệ quốc tế trường đại học George Mason, Hoa Kỳ.


Việt Hà: Thưa giáo sư câu hỏi đầu tiên muốn hỏi giáo sư là trước đại hội lần này thì những thuận lợi và thách thức của đảng cộng sản Việt Nam là gì?


GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Mình chỉ nên nói đến thách thức thôi. Thách thức của đảng cộng sản là lần đầu tiên đảng cộng sản đứng trước thách thức là sự chính thống của đảng cộng sản bị đe dọa vì người trong nước cho rằng phản ứng của họ với Trung Quốc là chưa đủ. Và cái quan niệm đó tôi nghĩ không phải chỉ ở trong dân chúng, trong những người trí thức, trong những phần tử gọi là bất đồng chính kiến và còn khá nhiều những người trong đảng nữa, bởi tôi nghĩ cơ quan lý luận của đảng cũng có thái độ tôi nghĩ là tương đối cứng rắn hơn với Trung Quốc.


Kính Hòa: Như giáo sư vừa đề cập thì giáo sư có đánh giá cao lá thư của 61 vị đảng viên kêu gọi đảng cải tổ vừa rồi không?


GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi nghĩ là cứ kiến nghị nào thì cũng tốt thôi nhưng người ta có nghe hay không lại là chuyện khác. Tuy nhiên tôi thấy các quý vị đó cũng thúc đẩy, kêu gọi… theo tôi biết là họ còn muốn có nhiều chữ ký hơn nhưng mà chỉ có được 61 chữ ký thôi. Họ có những chữ ký của đảng viên ngay trong đảng nữa cơ nhưng mà người ta chưa ký có lẽ bởi vì hiện nay cái việc quyết định nhân sự chưa xong nên chẳng ai muốn lộ văn bản mình đánh cả.


Việt Hà: Như giáo sư nói thì ngay trong đảng cũng có người ủng hộ cái kiến nghị 61 đó như vậy thì vấn đề chia rẽ trong nội bộ đảng cộng sản trước đại hội đảng này thế nào?


GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Chia rẽ thì thực sự không phải chia rẽ về ý thức hệ. Tôi nghĩ chia rẽ mâu thuẫn… người ta có sự khác biệt về chính sách, một phần nhỏ thôi. Tôi nghĩ không ai hoàn toàn chịu chấp nhận áp lực hay sự lấn lướt của Tàu nhưng có sự tranh giành quyền lực. Sự tranh giành này thể hiện qua cách người ta nói về vấn đề Trung Quốc.


Kính Hòa: Thông thường trước một đại hội lớn như vậy người ta đã chuẩn bị nhân sự rồi. Giáo sư có thấy là vấn đề nhân sự có cái gì thể hiện ra chưa.


GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Thực ra thì còn sớm vì chuẩn bị nhân sự nhiều khi quyết định vào phút cuối. Bây giờ người ta chuẩn bị những người đi họp đảng. Hiện nay chúng ta thấy có một số vấn đề, như là báo cáo chính trị, thường là người ta đưa ra trước cả năm để thảo luận thì lần này còn hai năm nữa. Vấn đề thảo luận nhân sự thì tương đối có sự rục rịch. Gần đây có việc cơ cấu cho những người trẻ giữ những chức vụ mà họ có thể có triển vọng vào trung ương đảng, hoặc dự khuyết hoặc chính thức. Lần này chúng ta có sự cơ cấu cái mà ta gọi là hạt giống đỏ. Chúng ta thấy con của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng được cơ cấu, con rể của ông Nghị cũng được cơ cấu, con ông Đặng Xuân Kỳ, cháu ông Đặng Xuân Khu cũng được cơ cấu… Những người này có thể là những thành phần lãnh đạo trẻ của đảng cộng sản. Nếu nhìn vào những cái đó thì mình thấy một điều là dĩ nhiên là họ phải trẻ hơn rồi, thứ hai là đa số học ở Tây phương. Thứ ba nữa là tuy họ không có kinh nghiệm đấu đá chính trị như các ông cha của họ nhưng sự tương đối về kiến thức chuyên môn của họ có nhiều hơn.


Việt Hà: Thường thì vào lúc này mọi người cũng đã bắt đầu nói về một số gương mặt sáng giá cho các chức vụ quan trọng. Giáo sư đã thấy gương mặt nào sáng giá chưa mà mọi người đang nói đến?


000_Hkg7943250-250.jpg
Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng (giữa), TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng (trái) và Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang (phải). AFP photo


Gs. Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi thấy thì cả ở Việt Nam lẫn ngoại quốc tôi thấy phần lớn là suy đoán nhiều hơn là sự thật. Bây giờ mình nhìn vào những thành phần lãnh đạo mới, có thể gọi là mới thì những ông lãnh đạo hiện tại các ông đều ở tuổi từ 67 đến 70 hay ngoài 70 và đã hai nhiệm kỳ rồi. Trên nguyên tắc là các ông phải đi hết. Nhưng có thể có quyết định ở lại. Một ông ở lại thì ngần ấy ông đều ở lại hết. Chúng ta thấy một người khác mà người ta cứ nói mãi là ông PHạm Quang Nghị có triển vọng thay thế. Tôi nghe không những ở ngoại quốc mà ở cả Việt Nam cũng nhiều. Nhưng trong trường hợp ông Nghị thì ông Nghị cũng đã 67 tuổi rồi, đến lúc đó là ông 67 tuổi rồi. trên nguyên tắc, thể thức của đảng là không đúng để ở lại. Nhưng mà chuyện các ông quyết định ở lại thì đã từng xảy ra chứ không phải là chưa từng xảy ra. Nhưng một ông ở lại thì các ông khác cũng ở lại.


Việt Hà: Vậy thì theo giáo sư, với những sức ép trong nước và những thay đổi ở bên ngoài, vấn đề về Trung Quốc thì chúng ta có thể có hy vọng có đột phá nào trong đại hội đảng lần này như đại hội 6 không?


GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ cái đó nó không mạnh. Năm 1986 thì Việt Nam đã đến đáy rồi. Người ta thường nói khi đảng cộng sản bị dồn vào chân tường thì đảng cộng sản mới hành động. Năm đó thì Việt Nam đã bị rớt đến đáy đến nỗi ông Trường Chinh nói rằng cải tổ hoặc là chết. Hiện nay thì mình chưa thấy nguy cơ đến như vậy. Tình hình kinh tế không được tốt lắm. Tiền ngoại quốc cứ đổ vào cứ 10 tỷ thì họ vẫn sống ngất ngư được. Thành ra nó không nguy hiểm như thế. Nhưng mà có một cái thách thức lớn là Trung Quốc. Trung quốc một đằng bên ngoài lớn mạnh như vậy nhưng bên trong nhân dân và nội bộ đảng viên không thích. Thành ra tôi nghĩ khó mà có thể lờ cái vấn đề Trung Quốc trong cái đại hội. Nếu mà Trung Quốc không có nhân nhượng thỏa đáng thì vấn đề sẽ được đặt ra. Cái đó tôi nghĩ là vấn đề chính. Còn những thay đổi mà thực sự có những đột phá lớn thì cái đó là có tính cách mạng.


Vấn đề nhân sự


Kính Hòa: Giáo sư có nói đến quan hệ với Trung Quốc. Trong quan hệ Việt Nam Trung Quốc thì bao giờ nó cũng được đặt bên cạnh quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Gần đây thì có chuyến thăm của ông Phạm Quang Nghị sang Hoa Kỳ thay vì ông Phạm Bình Minh, thì giáo sư thấy vấn đề đó thế nào?


GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết về ông Minh thì người ta chỉ có thể phỏng đoán thôi. Trước hết ông Minh sang về ngoại giao thì ông phải có một cái gói nào đó. Nếu không có gói điều đình nào đó thì sự thăm đó chỉ có tính cách lễ nghi và kiểu mà ông biểu diễn cho người ta thấy thì người Mỹ không thích chuyện đó. Chuyện ông Nghị sang thì không có tư cách chính thức chính phủ thì có thể ông mang gói quà hay gói hàng nào mà ông điều đình thì mình không biết được. Ông Nghị là người của Bộ chính trị nữa, có khả năng lớn nói chuyện. Ông nói cái gì mình không biết nhưng có điều chắc chắn là hai bên đã đạt được một thỏa thuận tiên khởi nào đó thì ông McCain mới sang Việt Nam bởi ông mới ở Việt Nam về ông lại sang ngay. Cái đó là chỉ dấu là có thể có những bước tiến. Vì ông McCain trong bài diễn văn ở Việt Nam ông có nói ông kỳ vọng về bước nhảy vọt chiến lược trong bang giao giữa Việt Nam và Mỹ.



f6279f21-b1b9-48a9-93de-ba6bac3c7d55-250.jpg
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) nói chuyện tại một buổi họp của ASEAN tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Myanmar (MICC) ở Naypyidaw hôm 09/8/2014. AFP photo

Việt Hà: Giáo sư có nói về chuyến thăm của ông McCain đến Việt Nam, trong chuyến thăm vừa rồi ông McCain có nói đến việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, theo giáo sư khả năng quan hệ Việt Nam Mỹ được nâng lên quan hệ chiến lược thế nào?


GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Hiện nay triển vọng thì có nhưng có nhiều bước tiến trước khi đó lắm. Nói thí dụ bước đầu từ cấm vận bán vũ khí sát thương thì ngay ông McCain cũng nói là phải từ từ, từng bước một. Thành ra cái đó là từ từ. Những cái đó phải từ từ mới tiến đến quan hệ chiến lược. Và những cái đó để chuẩn bị và ông cũng nhắc đến thời điểm rất quan trọng là kỷ niệm 20 năm. Việt Nam cũng muốn mời ông Obama sang. Nếu thời điểm đó xảy ra và một chuyến thăm như vậy thì có thể có kết quả tốt và quan trọng trong mối quan hệ bang giao Việt Nam, có thể đẩy lên tầm quan hệ chiến lược. Nhưng cái đó đòi hỏi một sự chuẩn bị rất lâu, điều đình thương lượng giữa hai bên rất kỹ, và dĩ nhiên phải có sự tương nhượng. Về phía Mỹ thì ta thấy ông McCain thì lần này ông không đi một mình mà ông đi với một đồng nghiệp nữa trong đảng dân chủ, có nghĩa là ông muốn nói là có sự đồng ý của hai đảng ở thượng viện. Nếu mà chúng ta nhìn về chính sách ngoại giao của Mỹ thì ở Syria hay Ukraine cũng chẳng có lưỡng đảng. Riêng trường  hợp Việt Nam ở cái vụ giàn khoan này thì chúng ta thấy cái nghị quyết của thượng viện. Rồi cái vụ đi này của ông McCain thì ít nhất về phía các dân biểu nghị sĩ họ muốn cho thấy là ở Á châu có sự đồng thuận lưỡng đảng để đối phó với Trung Quốc.


Họ nói là họ không vây chặn Trung Quốc nhưng họ không đồng ý với những hành động của Trung Quốc thì cái đó là điểm chính, là cái thông điệp của ông McCain. Tức là ông nói ông sẵn sàng hai điểm mà Việt Nam muốn, thứ nhất là sẵn sàng về TPP, để Việt Nam được công nhận có cơ chế thị trường, thứ hai là đẩy tầm chiến lược lên cao và bán vũ khí. Cái này là những điều này là những điều mà Việt Nam muốn mà Mỹ cũng muốn nhưng nó còn tùy thuộc, mà ông McCain nói rõ và ông đại sứ mới cũng nói rõ là nó tùy thuộc vào tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Ông nói là đã có tiến triển thì mới đi đến đoạn này và ông nói muốn có tiến triển hơn nữa. Trong cái bài của ông McCain ông cũng nhắc luôn thông điệp đầu năm của Thủ tướng Dũng mà trong đó ông Dũng nói không chỉ vấn đề nhân quyền mà còn dân chủ là xu thế của thời đại. Đó là nguyện vọng của Mỹ, cái phối cảnh để Việt Nam đàm phán với họ, để tăng cường quan hệ đến mức chiến lược.


Kính Hòa: Giáo sư nghĩ thế nào về vai trò của ASEAN, vừa kết thúc hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và ngày hôm nay ông Chuck Hagel nói ở bên Úc về khả năng hợp tác quốc phòng giữa Úc, Mỹ Nhật bản và ASEAN thì trong đó giáo sư thấy Việt Nam có thể có vai trò gì không?


GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Nếu mà hợp tác ASEAN  thì Việt Nam là một phần của ASEAN thì hợp tác được. Việt Nam rất biết là nó rất nhạy cảm trong quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam với Mỹ và Việt Nam nói rõ là không có liên minh quân sự với ai, không có ai đặt căn cứ quân sự trong nước mình, nhưng đi một cách gián tiếp qua ASEAN thì tương đối nhẹ nhàng hơn. Vì đó là tổ chức ASEAN và chính Trung Quốc, Mỹ đều muốn có vai trò trung tâm của ASEAN ở Á châu thì cái đó làm được như vậy thì tương đối dễ dàng cho Việt Nam hơn.


Việt Hà: Xin cảm ơn giáo sư.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét