Ls Lê Quốc Quân, anh Điếu Cày vào tù vì bị ép tội thiếu thuế hàng triệu đồng, trong khi những đại gia ngoại chưa từng đóng thuế thu nhập cả ngàn tỷ đồng vẫn vô tư hoạt động trong chục năm hơn ?
Doanh thu tăng vọt qua các năm, liên tục đầu tư mở rộng quy mô nhưng hầu hết đều khai báo thua lỗ, nên những ông lớn này chưa từng góp một đồng thuế thu nhập cho Việt Nam.
1. Coca Cola
Chiến lược marketing ghi tên trên lon của Coca Cola đang rất thành công, nhưng tiếp tục bị nhắc đến về chuyện không đóng thuế.
Thành lập tháng 2/1994, đến nay chưa năm nào Coca Cola Việt Nam khai có lãi. Năm 2004 công ty đạt doanh thu 728 tỷ đồng, nhưng báo lỗ 110 tỷ đồng. Năm 2006 doanh thu vọt lên 1.026 tỷ đồng, số lỗ cũng tăng theo lên đến 253 tỷ đồng.
Năm 2010, doanh thu của Coca Cola Việt Nam lên đến 2.529 tỷ đồng, nhưng chi phí khai báo 2.717 tỷ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỷ. Lũy kế đến thời điểm 2010, công ty lỗ tổng cộng 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu 2.950 tỷ đồng.
Năm 2011, công ty này lỗ 39 tỷ đồng. Qua năm 2012 và 2013 vẫn tiếp tục khai báo chưa có lợi nhuận. Vì thua lỗ liên tiếp nên sau hàng chục năm đầu tư vào Việt Nam, Coca Cola Việt Nam chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài, mà chưa đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Lý do để doanh nghiệp này liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình, chi phí nguyên phụ liệu của Coca Cola chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006-2007 lên đến 80-85%. Như năm 2010, chi phí cho khâu này là 1.671 tỷ đồng trên doanh thu 2.329 tỷ đồng.
Khai lỗ nhưng Coca Cola Việt Nam vẫn liên tục tăng vốn đầu tư vào một loạt dự án. Cuối tháng 10/2012, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca Cola, ông Muhtar Kent tới Việt Nam và tuyên bố rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong ba năm tới.
Giữa tháng 6 năm nay, Coca Cola khánh thành 4 dây chuyền sản xuất mới tại Việt Nam. Cơ sở hạ tầng mới này là một phần của gói đầu tư 300 triệu USD tại Việt Nam trong giai đoạn 2013-2015.
2. Metro
Metro dù liên tục tăng doanh thu nhưng 12 năm hoạt động tại Việt Nam
chưa từng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp do khai báo lỗ.
Tháng 3/2002, Công ty Metro Cash & Carry Vietnam (MCC Việt Nam) gia nhập thị trường bằng việc khai trương trung tâm đầu tiên tại TP HCM với số vốn 78 triệu USD. Tháng 7/2003, MCC mở tiếp trung tâm bán sỉ thứ hai, đặt tại Hà Nội. Từ đó đến nay, mỗi năm đơn vị này khai trương đều đặn một đến hai trung tâm. Trong giai đoạn 2010 - 2012, Metro thậm chí còn mở mới 4 đại siêu thị mỗi năm - tốc độ khiến không ít đại gia phân phối trong nước phải giật mình.
Sau 12 năm, Metro Việt Nam có 19 trung tâm tại 14 tỉnh thành, 5 kho trung chuyển với tổng cộng 3.600 nhân viên, kèm theo đó là tốc độ tăng trưởng không ngừng của doanh thu. Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Metro năm 2002, doanh thu của MCC Việt Nam đạt 38 triệu euro, tương đương hơn 600 tỷ đồng (theo tỷ giá lúc đó). Đến năm 2013, doanh thu tăng lên 516 triệu euro, tức vào khoảng 14.731 tỷ đồng. Việt Nam cũng là thị trường có doanh thu lớn thứ 2 tại châu Á, sau Trung Quốc.
Tương phản với tốc độ mở rộng và doanh thu, con số lợi nhuận, theo báo cáo của doanh nghiệp lại không hề khả quan. Báo cáo ngành thuế công bố năm 2013 cho thấy Metro Cash & Carry đứng đầu bảng trong danh mục các doanh nghiệp FDI khai lỗ.
Trong hơn 12 năm hoạt động tại Việt Nam, duy nhất năm 2010, công ty báo lãi 116 tỷ đồng, nhưng do được chuyển lỗ của những năm trước đó nên chưa phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Các năm còn lại, con số lỗ của Metro dao động từ 89 đến 160 tỷ đồng. Do đó, thời gian qua doanh nghiệp này mới chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, môn bài, tiền thuê đất, thuế nhà thầu.
Đầu tháng này, Tập đoàn Metro thông báo đã thỏa thuận bán Metro Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với giá 655 triệu euro (khoảng 18.700 tỷ đồng). Dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2015.
3. Adidas
Adidas cũng đang vào tầm ngắm của cơ quan thuế về
việc chuyển giá, né thuế.
Adidas tham gia thị trường dụng cụ thể thao Việt Nam từ 1993, song đến năm 2009 mới chính thức thành lập Công ty Adidas Việt Nam, được sở hữu 100% vốn bởi Adidas International B.V (Amsterdam, Hà Lan).
Ngành nghề đăng ký kinh doanh của Adidas Việt Nam là bán buôn tổng hợp, tự thực hiện quyền nhập khẩu. Đến đầu 2012, Adidas Việt Nam đã có trên 50 cửa hàng đặt tại các trung tâm thương mại ở các thành phố lớn. Doanh thu lên tới 22.000 tỷ đồng, sử dụng khoảng 80.000 lao động, thế nhưng Adidas Việt Nam thường xuyên báo lỗ.
Năm 2012, Adidas đã bị Cục Thuế TP HCM đưa vào tầm ngắm thanh tra do nghi ngờ có dấu hiệu giao dịch liên kết. Hoạt động theo giấy phép kinh doanh là phân phối bán buôn, nhưng Adidas Việt Nam lại phát sinh hàng loạt chi phí của nhà bán lẻ. Điều này bị cơ quan thuế nghi là cách chuyển giá theo phương thức liên kết giữa công ty mẹ và các công ty con thuộc Tập đoàn Adidas nhằm né thuế thu nhập tại Việt Nam.
Cục Thuế TP HCM cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra và làm rõ các nghi vấn liên kết của Adidas vào đầu năm 2013. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức nào về việc này.
4. Keangnam - Vina
Liên tục khai báo lỗ và đến hết năm 2011, tổng số lỗ lũy kế của
Keangnam-Vina lên tới 277 tỷ đồng.
Tháng 7/2007, Keangnam - Vina (công ty 100% vốn Hàn Quốc) vào Việt Nam và được biết đến là chủ đầu tư tòa tháp cao nhất Việt Nam - căn hộ cao cấp Keangnam Hanoi Landmark Tower tại huyện Từ Liêm (Hà Nội). Trong hơn 5 năm đầu tư từ 2007 đến 2011, Keangnam-Vina báo lỗ vài chục tỷ đồng mỗi năm. Năm 2011, công ty bắt đầu có doanh thu từ dự án Landmark Tower, đạt trên 5.200 tỷ đồng, nhưng vẫn báo lỗ hơn 140 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong 2 lĩnh vực kinh doanh của Keangnam-Vina thì lĩnh vực bán căn hộ cao cấp đã có lãi. Đoàn thanh tra xác định, chi phí giá vốn xây dựng cho khu căn hộ này chỉ chiếm 33% trong tổng gói giá trị hợp đồng EPC trên. Doanh thu bán căn hộ khoảng 3.500 tỷ đồng. Keangnam Vina bị buộc phải nộp truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp cho mảng kinh doanh bán căn hộ với tổng thuế là 95,2 tỷ đồng.
Do khai báo thua lỗ liên tiếp nên Keangnam-Vina sau nhiều năm hoạt động tại Việt Nam vẫn chưa đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, ngoại trừ đóng thuế VAT, thuế sử dụng đất không đáng kể.
5. PepsiCo
Phải 16 năm sau ngày thành lập, PepsiCo Việt Nam mới có lãi.
Pepsi là một trong các công ty giải khát có vốn nước ngoài đầu tiên đặt chân tới Việt Nam. Thời gian đó, cũng như nhiều công ty khác, muốn hoạt động tại Việt Nam, Pepsi phải hoạt động dưới danh nghĩa liên doanh. Ngày 24/12/1991, Công ty Nước giải khát Quốc tế (IBC) được thành lập bởi liên doanh giữa Công ty Thương mại và Du lịch Sài Gòn (SP.Co) và Marcondray-Singapore với tỷ lệ vốn góp 50% - 50%.
Đến tháng 7/2003, SP.Co quyết định bán toàn bộ cổ phần trong Liên doanh nước giải khát quốc tế (IBC) cho Công ty Pepsi. Theo đó, Pepsi IBC đã chuyển từ loại hình liên doanh sang doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Ngày 23/10/2012, Pepsi công bố bán cổ phần của Công ty Pepsi Việt Nam cho Công ty Suntory Holdings Ltd., một công ty đồ uống và thực phẩm dinh dưỡng tại Nhật Bản, để cả hai cùng hợp tác nguồn lực mở rộng thị trường đang tăng trưởng nhanh này.
Giống Coca Cola, kể từ khi thành lập cho tới năm 2006, Pepsi cũng liên tục báo lỗ. Năm 2007 là năm đầu tiên PepsiCo có lãi, với tổng thu nhập chịu thuế là 58 tỷ đồng. Nhưng vì vẫn được điều chỉnh chuyển lỗ, nên công ty chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Năm 2008, Pepsi lại lỗ 58 triệu đồng, sang năm 2009 lãi 141 tỷ đồng. Con số lãi của năm 2010 là 137 tỷ đồng, năm 2011 là 191 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vẫn được điều chuyển lỗ (từ năm 1991, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 là 1.206 tỷ đồng) nên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà công ty này đã nộp từ năm 2009 cho đến 2013 chỉ là 40,2 tỷ đồng.
Theo kinhdoanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét