Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Người Buôn Gió - Đơn gửi các vị tuyên huấn, tuyên giáo ĐCSVN




Người Buôn Gió - Đơn gửi các vị tuyên huấn, tuyên giáo ĐCSVN





Hàng trước từ trái sang: 1) Hoàng Bích Sơn, trưởng ban đối ngoại T.Ư., (3)Phạm Văn Đồng,                          (4) Nguyễn Văn Linh (bên phải Giang Trạch Dân),  5) Giang Trạch Dân (áo xám đứng giữa), 6) Lý Bằng, 7) Đỗ Mười, 9) Hồng Hà (bìa phải)
Hàng trước từ trái sang: 1) Hoàng Bích Sơn, trưởng ban đối ngoại T.Ư., (3)Phạm Văn Đồng, (4) Nguyễn Văn Linh (bên phải Giang Trạch Dân), 5) Giang Trạch Dân (áo xám đứng giữa), 6) Lý Bằng, 7) Đỗ Mười, 9) Hồng Hà (bìa phải)




Kính thưa ông Đinh Thế Huynh, uỷ viên BCT,trưởng ban tuyên giáo trung ương ĐCSVN


Kính thưa ông Phạm Văn Linh, phó trưởng ban tuyên giáo phụ trách thông tin đối ngoại ĐCSVN


Kính thưa ông Bùi Thế Đức, phó trưởng ban tuyên giáo phụ trách tuyên truyền đối nội.


Kính thưa ông  Nguyễn Thanh Tuấn,  trung tướng ,cục trưởng cục tuyên huấn thuộc tổng cục chính trị bộ quốc phòng


Kính thưa các ông nhà báo đi đầu trên lãnh vực phòng chống diễn biến hoà bình, chủ động đấu tranh phản bác với những thông tin sai lệch  là các ông Nguyễn Như Phong, Hồ Quang Lợi, Nguyễn Văn Minh, Bùi Thế Kỷ, Trần Đăng Thanh...



Đầu tiên tôi xin đánh giá cao những thành tựu trong lĩnh vực các ông phụ trách ở các năm vừa qua. Đội ngũ phóng viên, báo chí , tuyên truyền viên đã chủ động kịp thời, cung cấp những thông tin nhanh nhạy và đối phó phản bác kịp thời những thông tin sai lệch trong dư luận.


Hiện nay trong dư luận nhân dân đang có hai bài viết của hai lão thành cách mạng đó là thiếu tướng quân đội Lê Duy Mật và đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang. Nội dung hai bài viết này đều đòi làm sáng tỏ vấn đề mà lãnh đạo ĐCS VN đã cam kết với ĐCSTQ tại Thành , bài viết  được đưa lên trang cá nhân của đại tá Bùi Văn Bồng có đoạn.


'' “ Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị vốn lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp trong quá khứ. Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây….


Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.”. (Hết trích) (1).''


Đoạn trích trên hiện nay đang gây hoang mang cho đại đa số quần chúng nhân dân. Dư luận rất bức xúc, đòi hỏi ĐCSVN phải trả lời rõ xem sự việc này thực hư thế nào. Trái với những phản ứng kịp thời ở nhiều vụ khác, chẳng hạn như những vụ tranh chấp đất đai tôn giáo ở Hà Nội hay Nghệ An. Hoặc gần đây vụ Hội Các nhà báo độc lập và các vụ biểu tình liên quan đến biển Đông. Trong những vụ việc này báo chí và cơ quan tuyên huấn, tuyên giáo đồng bộ cấp tốc có bài trả lời hoặc phản ảnh quan điểm của Đảng và nhà nước CHXHCN Việt Nam.


Thế nhưng đến nay, một việc trọng đại thế này, có ảnh hưởng đến uy tín của Đảng lãnh đạo và tất ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước mà vẫn chưa có lãnh đạo ban, cục, vụ nào có ý kiến hồi đáp.


Nếu thông tin này là sự thật, đề nghị chính phủ đưa gấp chương trình bắt buộc học tiếng Trung Quốc vào giáo trình giảng dạy phổ thông. Chuẩn bị tốt cho nhân dân những kiến thức cơ bản để hội nhập nhanh chóng, hoà mình vào cuộc sống chung của đại gia đình các dân tộc Trung Hoa. Cùng góp sức dưới lá cờ đại nghĩa do tổng bí thư Tập Cận Bình giương cao xây dưng một nước Trung Hoa phồn thịnh, đại cường.


Trong vấn đề hội nhập có đôi chút những mâu thuẫn tư tưởng giữa hai dân tộc, vấn đề này nhìn chung đã được các ban, ngành tuyên giáo, tuyên huấn giải quyết tốt. Nhiều bài viết , thông tin, phát biểu đã định hướng nhân dân ta về mối quan hệ nồng thắm giữa hai đất nước anh em, nghĩa tình sâu đậm. Mặc dù còn đôi chút bất đồng, mâu thuẫn nhỏ trên biển Đông, nhưng cơ bản thì tư tưởng đại bộ phận dân chúng đã được thuyết phục rằng Trung Việt như anh em một nhà.


Về văn hoá nhờ sự nỗ lực phổ cập rộng rãi phim ảnh, sách báo TQ trong nhiều năm qua. Kết quả khá mỹ mãn, đại đa số nhân dân đều hiểu biết sâu sắc văn hoá Khổng Tử, lịch sử , các nhân vật kiệt xuất Trung Quốc.


Về tôn giáo, nhiều chùa chiền đã được xây dựng với kiến trúc Trung Hoa và các sư sãi được gửi đi học tập tại Trung Quốc rất nhiều, họ đã nắm được những vị trí chủ chốt trong giáo hội Phật Giáo VN và không ngừng đưa Phật Giáo Vn hoà nhập với Phật giáo Trung Hoa.


Về kinh tế, mọi hàng hoá, nguyên vật liệu, công nghệ, thiết bị sản xuất, đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhà thầu của TQ  đã chiếm lĩnh gần trọn thị trường kinh tế VN. Người dân Vn đã hoàn toàn quen thuộc với hàng hoá TQ cũng như cung cách làm việc kiểu TQ tại các nhà máy, khu công nghiệp, khi kinh doanh.


Về quốc phòng hai bên đã gắn bó mật thiết, nhiều cuộc trao đổi, họp tập diễn ra đều đặn.


Nếu việc sát nhập vào TQ để thành một tỉnh hoặc khu tự trị là có thật, thì các vấn đề trên đã chuẩn bị tốt, đề nghị biểu dương những ban , ngành, lãnh đạo đã thực hiện. Duy có điều về ngôn ngữ đến nay bộ giáo dục vẫn chưa đưa chương trình dạy tiếng Trung Quốc vào phổ cập trong nhà trường, điều này sẽ gây khó khăn cho nhân dân VN khi gia nhập đại gia đình dân tộc Trung Hoa.


Thắc mắc này là có tính xây dựng, nếu thoả hiệp Thành Đô là có thật. Xin Đảng và Chính Phủ có những biện pháp đồng bộ hơn nữa, cụ thể hơn nữa để giúp nhân dân ta hội tụ các điều kiệp hội nhập Trung Hoa. Đủ bản lĩnh để nắm bắt vận hội mới, thời cơ mới.


Còn nếu việc thoả hiệp là không có thật, xin sớm công bố toàn văn những văn kiện đã ký kết ở Thành Đô. Để nhân dân không thụ động trông chờ , tự lực cánh sinh tiếp tục công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam.


Chúc các vị có sức khoẻ dồi dào, để phục vụ Đảng được lâu dài.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét