Hàng ngàn lít hóa chất cực độc đe dọa Vịnh Hạ Long
2014-08-19
Lô hàng có chứa hóa chất cực độc lưu giữ nhiều năm nay
tại cảng cạnh Vịnh Hạ Long.
Courtesy VTC
Di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị hủy hoại bởi mấy ngàn lít hóa chất cực độc lưu giữ suốt 7 năm nay tại cảng cạnh vịnh mà đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể.
Thực trạng
Truyền thông trong nước mà khởi đầu là tờ Tiền Phong loan tin trích dẫn phát biểu của ông Nguyễn Công Thái, phó ban Quản lý Vịnh Hạ Long bày tỏ thái độ giật mình khi được biết có đến 7 ngàn lít dầu chứa loại hóa chất PCB lưu giữ suốt 7 năm qua sát bên di sản thiên nhiên mà cơ quan của ông này đang quản lý.
Theo trích dẫn của tờ Tiền Phong thì ông Nguyễn Công Thái cho rằng ‘hàng nghìn lít từ bao lâu nay chứa ở ngay Cảng Cái Lân nó mà tràn xuống cảng thì Vịnh Hạ Long chết mất.’
Ông này nêu ra trường hợp ở Bỉ mà ông được biết phải tốn cả tỉ đô la Mỹ để khắc phục khi có 25 lít hóa chất PCB bị rò rỉ ra.
Ông Nguyễn Công Thái nêu thắc mắc tại sao một số lượng hóa chất độc hại lớn như thế có thể được lưu ở cảng suốt bảy năm qua, tại sao không được di dời đi xa nơi khác.
“Nếu đúng là PCB thì đó là một chất thải
nguy hại trong dầu biến thế. Khi dầu biến
thế thải ra môi trường có một kênh quản lý riêng.”
-KS Nguyễn Hưng Dũng
Cũng theo thông tin mà các báo trong nước loan tải thì nguồn gốc của lượng hóa chất được gọi là siêu độc PCB đó nằm trong lô hàng thiết bị điện gồm các máy biến thế đã qua sử dụng do Công ty Cổ Phần Đầu tư Cửu Long Vinashin (nay là Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long) nhập từ Hàn Quốc về.
Hàng nhập về để lắp đặt tại Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng ở tỉnh Nam Định mà chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - tên giao dịch là Vinashin.
Tổng cục Hải quan giải thích với báo giới trong nước rằng khi Công ty Cổ Phần Đầu tư Cửu Long Vinashin nhập hàng về chỉ khai là máy biến thế chứ không cho biết có hóa chất PCB, và cơ quan hải quan cửa khẩu đã nhận hồ sơ và đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu.
Tuy nhiên sau khi nhận được công văn của Cục Bảo vệ Môi trường thông tin lô hàng có chứa chất PCB bị cấm vận chuyển vào Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã làm việc với các đơn vị liên quan và không cho thông quan và bị giữ tại cảng Cái Lân.
Một viên chức tại tổ kiểm soát thuộc Chi cục Hải quan Cảng Cái Lân được Báo Đất Việt trích dẫn cho biết suốt 7 năm qua, chiếc máy biến thế có chứa dầu nhiễm PCB ở cảng này chỉ được phủ bạt ở trên mà thôi. Người này nói rằng qua thời gian dưới tác động của thời tiết như mưa bão, máy biến thế đó bị gỉ sét và rò rỉ dầu có nhiễm chất PCB ra ngoài.
Tình trạng rò rỉ được báo cho chủ hàng là Công ty Cổ Phần Đầu tư Cửu Long để có biện pháp xử lý.
Phía chủ hàng lại nói với báo chí là không hề có chuyện rò rỉ và nói thêm từ tháng 5 công ty cho tiến hành biện pháp đóng gói chiếc máy theo qui trình bảo quản một cách cẩn thận. Công ty Cổ Phần Đầu tư Cửu Long còn cho biết đến nay hằng tháng họ vẫn phải trả tiền thuê địa điểm để bảo quản tại Cảng Cái Lân. Khoản phí đó được nói khá lớn nhưng người đại diện của công ty này không nói rõ là bao nhiêu.
Nhà chức trách nói gì?
Gần đây, toàn bộ lô hàng mới được thu gom bảo quản trong container
và được cảnh báo là rất độc. Courtesy vtc.
Viên chức phụ trách vụ việc này của Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Ninh là ông phó giám đốc Hoàng Danh Sơn cho biết việc lưu giữ, bảo quản không theo một tiêu chuẩn nào vì chính sở này không nhận được hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tài Nguyên Môi trường.
Ông này cho biết lô hàng gồm thân máy biến thế, hơn 7.000 lít dầu có chứa PCB, 670 viên gạch và bốn bao mùn cưa nhiễm PCB được đóng vào hai container 40 feet.
Mạng báo Đất Việt trích dẫn phát biểu của ông Hoàng Danh Sơn, phó giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Ninh rằng sở này đã có yêu cầu chủ hàng bằng văn bản lập phương án vận chuyển hai container tại Cảng Cái Lân về kho của công ty tại thành phố Hải Phòng. Sở này cũng có công văn gửi cho Bộ Tài nguyên - Môi trường để có hướng giải quyết cụ thể.
Vào trưa ngày 14 tháng 8, ông Hoàng Danh Sơn cho biết như sau:
“Cái đó thì hiện nay Bộ Tài Nguyên - Môi trường đang hướng dẫn, khi nào có hướng dẫn thì sẽ triển khai thực hiện.”
Ý kiến của Bộ Tài Nguyên - Môi trường được các báo trong nước cho biết chánh văn phòng Vũ Văn Long của Bộ nói rằng vấn đề này thuộc trách nhiệm xử lý của Tổng Cục Môi trường.
“Cái đó thì hiện nay Bộ Tài Nguyên -
Môi trường đang hướng dẫn, khi nào
có hướng dẫn thì sẽ triển khai thực hiện.”
- Ông Hoàng Danh Sơn
Ông phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường, Hoàng Dương Tùng thì nói việc vận chuyển lô hàng mà ông này cho là khổng lồ như thế phải được giao cho một đơn vị có giấy phép vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép. Bộ này đã nhận được văn bản kiến nghị của Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Ninh về việc ra văn bản hướng dẫn chủ lô hàng vận chuyển hai container từ Cảng Cái Lân về kho của công ty tại thành phố Hải Phòng.
Tuy thế, Bộ cũng nói phải có sự đồng ý của Sở Tài Nguyên - Môi trường Thành phố Hải Phòng về điều đó.
Khó khăn trong xử lý lô hàng độc hại này còn được cho biết do lô hàng chưa được thông quan nên doanh nghiệp chủ hàng không có toàn quyền quyết định đối với nó. Phía Tổng Cục Hải quan phải cho thông quan để giải quyết vụ việc; tuy nhiên phải chờ giải pháp xử lý của các bên liên quan đến khi có phương án thích hợp, báo cáo thủ tướng để xin phép thông quan lô hàng đặc biệt này.
Theo Kỹ sư chính Nguyễn Hưng Dũng, trưởng phòng Phân tích Ứng dụng, Viện Hóa học thì ở Việt Nam có qui định về loại dầu chứa PCB như thế:
“Nếu đúng là PCB thì đó là một chất thải nguy hại trong dầu biến thế. Khi dầu biến thế thải ra môi trường có một kênh quản lý riêng.”
Ngành Du lịch cũng có ý kiến về vụ việc dầu chứa hóa chất độc hại PCB đang có mặt bên Vịnh Hạ Long, một di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận.
Theo các chuyên gia về hóa chất thì PCB là loại chất độc hại chứa các đồng vị phóng xạ có hại đến sức khỏe con người. Chất độc này được cho biết chỉ kém loại dioxin cực độc 10 lần mà thôi.
PCB, tiếng Anh là Polychlorinated Biphenyls là một trong 22 nhóm hóa chất hữu cơ khó phân hủy, gọi tắt theo tiếng Anh là Persistant Organic Pollutants (POP). POP lại là các hóa chất hay nhóm hóa chất hữu cơ độc hại bền vững trong môi trường. Những hóa chất hay nhóm hóa chất này có bốn đặc tính chính là độc tính cao, khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, có khả năng di chuyển và phát tán xa, và khả năng tích tụ sinh học cao.
Giáo sư hóa học Trần Mạnh Trí nói về loại hóa chất PCB như sau:
“Nó là hóa chất thuộc loại khó phân hủy nên người ta dùng thì dùng nhưng đưa ra ngoài môi trường rất nguy hiểm. Trong nó có những vòng thơm va phenol nên độc hại. Nó không bị phân hủy mà muốn phân hủy nó phải có những điều kiện đặc biệt.
Những loại hóa chất này là những yếu tố gây ung thư.
Cũng có cách phân hủy nhưng phải dùng những quá trình đặc biệt, rất mạnh mới phân hủy được. Bình thường oxy hóa có thể phá những hợp chất khác, nhưng quá trình này không phải oxy hóa bình thường, mà oxy hóa phải được nâng cao, đẩy mạnh lên bằng các nguyên tác nó mới phân hủy được.”
PCB là loại hóa chất có độc tính với khả năng gây ung thư cho con người. Việc phơi nhiễm PCB có thể qua các đường tiêu hóa, hô hấp và qua da. Mẹ bị phơi nhiễm PCB sẽ truyền qua cho trẻ sơ sinh.
PCB tác động đến các hệ nội tiết, sinh sản, tiêu hóa, miễn dịch và thần kinh của con người. Nó làm phát sinh các khối u ung thư và các bệnh ngoài da.
Theo công ước Stockholm, Việt Nam sẽ dừng sử dụng PCB và năm 2020 và tiêu hủy an toàn vào năm 2028.
Vào trưa ngày 14 tháng 8, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, người thường được gọi là Ông già Ozone, tỏ ra bức xúc trước những thông tin báo chí nêu lên và cách thức quản lý các chất độc hại tại Việt Nam lâu nay như sau:
“Báo chí nói 7.000 nhưng trưa hôm nay TV nói 8.000, con số lệch nhau quá. Thế trong đó là dầu gì, tôi không tin nổi họ nói, ví dụ 10 tấn sương sáo cơ quan xét nghiệm thứ nhất nói là không độc hại, cơ quan xét nghiệm thứ hai lại nói không; thậm chí nước Sông Tô Lịch cơ quan nói độc hại, cơ quan nói không; rồi như amiang ở Ba Lan từ năm 80 người ta đã cấm dùng amiang, trong khi đó tại Việt Nam các bác sĩ nói xét nghiệm không thấy amiang gây hại phổi và Bộ Y tế cũng nói không cấm lợp amiang. Do đó tôi chưa nhìn thấy nên không thể nói gì sâu sắc hơn.
Trước hết nếu nhập hằng nghìn tấn dầu mà số dầu ấy trào ra biển sẽ gây hủy hoại biển, hủy hoại đất, hủy hoại nước. Công ty đó phải xử lý, nhưng tại sao cơ quan chức năng chưa xử lý đến bây giờ mới vỡ ra chuyện này, những người đó cũng phải chịu trách nhiệm. Thứ hai, cần phải có những biện pháp để xử lý, thế thì tại sao cơ quan quản lý là tỉnh, là bộ tài nguyên môi trường, bộ khoa học- công nghệ không nêu lên ai có thể xử lý loại dầu này, xử lý thế nào?
Hãy nhớ rằng việc lưu trữ những chất độc hại trên đất nước mình, việc nhập những chất độc hại về nước mình (mà trên giấy tờ nói là nhập chất gì đó), phải nghiêm trị việc này.”
Như phát biểu của tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, vụ việc dầu máy biến thế chứa PCB được nhập về từ năm 2007 đến nay mới được báo chí nêu lên không phải là cá biệt tại Việt Nam.
Vừa qua những vụ như Công ty Nicotex Thanh Thái ở Thanh Hóa chôn hóa chất thuốc trừ sâu gây hại cho dân chúng và người dân địa phương phản ứng mạnh, nhưng rồi chuyện xử lý cũng không nghe nói đến hay chỉ là đầu voi đuôi chuột.
Với biện pháp quản lý lỏng lẻo như lâu nay trong việc nhập các loại chất thải độc hại, Việt Nam tiếp tục là một bãi rác công nghiệp để các nước thải bỏ những chất như PCB mà chi phí xử lý rất tốn kém thông qua những doanh nghiệp và những cơ quan chức năng tắc trách với vấn đề môi trường đất nước.
Nay trước nguy cơ một di sản thiên nhiên vô giá như Vịnh Hạ Long cơ có thể bị hại bởi hóa chất PCB đó có phải là tiếng chuông khẩn cấp buộc các cơ quan chức năng phải kiên quyết thực thi mọi qui định đã ban hành hay không.
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.
Gia Minh chào tạm biệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét