Tham nhũng, bệnh ung thư của chế độ
2014-08-02
Ảnh minh họa nạn hối lộ, tham nhũng
AFP photo
Tham nhũng được ví như loại bệnh nan y ở Việt Nam, gần đây các nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã không còn né tránh vấn đề này và có sự nhìn nhận trực diện.
“Giặc nội xâm”
Lâu nay nhiều người tự hỏi, với mức lương quá thấp cán bộ công chức làm thế nào trang trải cuộc sống. Thế nhưng trên thực tế những thành phần này vẫn sống khỏe, tài sản tích góp từ các bổng lộc khác ngoài lương mới là phần quan trọng của sự nghiệp làm cán bộ công chức.
Hồi đầu tháng 7/2014 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri Hà Nội rằng tham nhũng chính là “giặc nội xâm” của đất nước. Theo lời ông Tổng Bí thư, nạn tham nhũng liên quan đến người có chức có quyền, đến lợi ích nhóm đã tồn tại và ăn sâu trong guồng máy nên không thể giải quyết dễ dàng.
Người đứng đầu đảng Cộng sản nói cần có thời gian để triệt phá tham nhũng. Nhưng người dân tự hỏi sẽ còn cần bao nhiêu thời gian nữa, trong khi đảng Cộng sản đã thực tế nắm chính quyền và độc quyền cai trị một đất nước thống nhất gần 40 năm qua.
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa, được biết tới như một nhà hoạt động chống tiêu cực trong thi cử và giáo dục từ Hà Nội phát biểu:
“Chuyện công khai tài sản của quan chức
có từ mười mấy năm nay họ còn chưa
thực hiện được thì còn đợi đến bao giờ nữa.”
-Thầy Đỗ Việt Khoa
Chuyện công khai tài sản của quan chức có từ mười mấy năm nay họ còn chưa thực hiện được thì còn đợi đến bao giờ nữa. Là một người dân thường chúng tôi bao giờ cũng mong muốn mọi việc của đất nước phải được công khai minh bạch, giám sát được mọi quyền lực của cơ quan nhà nước, ngăn chặn và xử lý được nạn tham nhũng tiêu cực.”
Tham nhũng ở Việt Nam muôn hình vạn trạng, từ phụ phí cho công an khu vực hay viên chức ở phường, lót tay cảnh sát giao thông cho đến lại quả phần trăm của những dự án trị giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ đô la. Tham nhũng dẫn đến oan sai trong vấn đề thu hồi đất từng là tiền đề của khiếu kiện đông người, của hàng chục ngàn vụ án mỗi năm.
Câu chuyện tham nhũng trong xây dựng cơ bản, rút ruột công trình là thứ mà người dân dễ cảm thấy mình là nạn nhân, vì họ là người đóng thuế. Trước đây các ngành các cấp có liên quan thường chống lưng cho nhau vì tất cả cùng có bổng lộc, có ăn chia. Âm vang của những PMU 18 vẫn còn đây hay mới nhất là vụ ăn hối lộ của ngành đường sắt liên quan tới dự án do Nhật Bản tài trợ.
Bà Lê Hiền Đức, một khuôn mặt tham gia chống tham nhũng
có tiếng lâu nay tại Việt Nam. AFP photo
Một thí dụ điển hình về tham nhũng rút ruột công trình là vấn đề nhiều xa lộ mới xây dựng ở Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn là bị lún, bị lằn bánh xe. Thí dụ quốc lộ 5 Hà Nội-Hải Phòng hay đại lộ Đông Tây ở TP.HCM. Ban ngành có trách nhiệm đổ lỗi cho xe chở quá tải làm đường lún và đề nghị giảm tải. Nhưng các chuyên gia đã chứng minh rằng, cũng những xe tải đó lưu thông trên xa lộ Biên Hòa hay xa lộ Đại Hàn do chế độ cũ xây dựng cách đây hơn 40 năm mà đường không bị lún. Nhưng khi các xe tải này đi vào Đại lộ Đông Tây mới hoàn thành chưa lâu mà lại lún lên lún xuống.
TS kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập từ TP.HCM nhận định:
“Trong xây dựng cơ bản không chỉ là giao thông mà còn các công trình hạ tầng và nhà cửa kiến trúc… cách đây 20 năm tỷ lệ tham nhũng thất thoát ở trong lãnh vực xây dựng cơ bản được báo cáo ở mức còn khiêm tốn là 10%. Nhưng sau đó các số liệu dần dần được công bố và do báo chí phát hiện từ người dân cung cấp cho thấy tỷ lệ này lên tới 30% và đã được một số đại biểu qua một số kỳ họp quốc hội xác nhận. Tuy nhiên 30% vẫn được coi là tỷ lệ bình thường, thậm chí có những công trình tỷ lệ thất thoát lên tới 50%. Trong một số vụ án gần đây không thể tưởng tượng nổi, có lẽ Việt Nam trở thành một nước vô địch về nâng khống giá, có một doanh nghiệp đã nâng khống giá lên 1.300 lần, tức là mua một mà quyết toán là 1.300. Điều đó cho thấy khi vấn đề đã thành bản chất thì rất khó thay đổi và không biết làm sao để thay đổi.”
Rút ruột để có khoản chi
“Trong một số vụ án gần đây không thể
tưởng tượng nổi, có lẽ Việt Nam trở thành
một nước vô địch về nâng khống giá, có một
doanh nghiệp đã nâng khống giá lên 1.300 lần.”
-TS Phạm Chí Dũng
Cũng hiếm có quan chức nào như Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chẳng ngại vạch áo cho người xem lưng. Theo báo Dân Trí điện tử bản tin trên mạng ngày 28/7/2014, khi đi thực tế tại dự án nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói với các giới chức ban ngành về tình trạng chậm tiến độ thi công xin trích một đoạn: “Nếu thực sự là công khai minh bạch thì ký duyệt được ngay, đằng này các ông còn thích lượn rồi lại bày trò giảm cái này tăng cái kia thì phải như thế nào, có khi còn phải ăn chia xong mới ký…” Bộ trưởng Thăng còn vạch rõ thủ đoạn của tư vấn giám sát “vòi tiền” rồi mới ký nghiệm thu công trình. Phê phán đơn vị tư vấn giám sát Bộ trưởng Thăng nói: Nhà thầu làm đến đâu phải giám sát chất lượng cho họ, xong thì phải ký thanh toán! Các ông là hay ‘đánh võng’ lắm đấy, thậm chí còn mặc cả với nhà thầu về khối lượng để ký trước rồi tính lãi suất, khi có thay đổi biện pháp thi công thì ngồi tính toán ăn chia với nhau xong mới ký…”
Có lẽ vì phải hối lộ dày dặc nên các nhà thầu phải rút ruột công trình để có khoản chi. Hoặc bỏ thầu thấp để được tham gia dự án nên để có lời phải rút ruột, và đã rút ruột thì chất lượng công trình không bảo đảm và đương nhiên phải hối lộ để được nghiệm thu. Cả hai hình thái xem ra đều có lý.
Dù rằng tham nhũng xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, nhưng tham nhũng ở Việt Nam có thể ví là bệnh ung thư không có thuốc chữa. Các chuyên gia phản biện cho rằng, chưa thể có giải pháp hiệu quả để phòng chống tham nhũng ở Việt Nam một khi đất nước chưa có nền dân chủ đích thực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét