Blogger Điếu Cày viếng thăm đài truyền hình SBTN, Trung Tâm Asia và Nhật báo Người Việt
Điếu Cày và Nhạc sĩ Trúc Hồ (ảnh Danlambao)
CTV Danlambao - Vào lúc 1 giờ trưa ngày 28.10.2014 Blogger Điếu Cày đã viếng thăm SBTN, Trung Tâm Asia. Đây là buổi hội ngộ đầu tiên của CLBNBTD với một trung tâm truyền thông hải ngoại và được xem là bước khởi đầu cho những kết nối chặt chẽ hơn giữa truyền thông tự do trong vào ngoài nước.
Tiếp đón anh Điếu Cày là nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc đài SBTN, anh Mai Phi Long trưởng ban tin tức của SBTN cùng nhiều nhân viên của đài.
Trong phần trao đổi thân mật, anh Trúc Hồ đã chia sẻ rằng anh xem blogger Điếu Cày là một người có tầm nhìn xa, tinh thần tranh đấu kiên cường nhưng nhân bản và đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết; với quá trình tranh đấu cho tự do báo chí và toàn vẹn lãnh thổ cũng như tinh thần bất khuất của anh trong suốt 6 năm 6 tháng tù đày, Điếu Cày là một người có khả năng và uy tín để nối kết người Việt trong và ngoài nước, xoá đi những khoảng cách trong ngoài, hiểu nhau hơn và cùng nhau sát cánh tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.
Trong mục tiêu kết nối đó, SBTN và Trung Tâm Asia sẽ hỗ trợ hết sức mình cho những nỗ lực trong tương lai của blogger Điếu Cày và Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Đài SBTN với 12 năm hoạt động và nhiều chi nhánh tại Hoa Kỳ, Canada, Úc châu sẽ đồng hành cùng Điếu Cày cho những vận động của anh về tự do ngôn luận và nhất là sẽ phối hợp cùng CLBNBTD trong một chiến dịch vận động tự do cho blogger Tạ Phong Tần, một thành viên của CLBNBTD mà mẹ của chị đã tự thiêu để phản đối nhà cầm quyền đã đàn áp và cầm tù Tạ Phong Tần một cách bất công và trái phép.
Anh Điếu Cày cũng đã chia sẻ về những câu chuyện trong tù, đặc biệt là trường hợp của Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, về những bài nhạc mà những tù nhân bất khuất này vẫn tiếp tục sáng tác từ ngục tù. Điếu Cày cho biết tinh thần của Việt Khang và Anh Bình vẫn rất tốt.
Trao đổi với Trúc Hồ, anh Điếu Cày cho biết rằng ngay khi ở trong tù chúng ta vẫn có thể sử dụng được sức mạnh truyền thông, người tù vẫn có thể tranh đấu, tạo sự kiện, thông tin vẫn có thể được chuyển tải ra bên ngoài. Và chính nhờ vào sức mạnh truyền thông được lan toả từ bên ngoài mà đã có những kết quả dội ngược lại chốn lao tù dẫn đến những nhượng bộ của cai tù và tình trạng của tù nhân được cải thiện hơn.
Do đó, sự kết nối truyền thông trong và ngoài là một nhu cầu cần thiết và sự gặp gỡ giữa hai người đại diện CLBNBTD và SBTN là một bước đầu vô cùng tốt đẹp cho nhiều kết hợp khác với những cơ quan, tổ chức truyền thông hải ngoại khác.
Anh Điếu Cày đã thắp nhang tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng
và Nhạc sĩ Việt Dũng tại Trung tâm Asia (ảnh DLB)
Ghé thăm SBTN studio (ảnh DLB)
Cùng với anh Mai Phi Long tại phòng thâu (ảnh DLB)
Trong tinh thần kết hợp truyền thông, blogger Điếu Cày cũng đã đến Nhật báo Người Việt vào lúc 3 giờ chiều cùng ngày. Tại đây anh đã trò chuyện với các đồng nghiệp báo chí của Người Việt trong suốt 2 giờ và chia sẻ những thông tin, những mẫu chuyện tranh đấu tại quê nhà trước và trong khi ở trong tù.
Tại tòa soạn báo Người Việt (ảnh DLB)
Trao đổi với bạn đồng nghiệp (ảnh DLB)
Sau cùng blogger Điếu Cày cũng đã gặp gỡ xướng ngôn viên Bích Huyền của đài Bolsa (do nhạc sĩ Việt Dzũng điều hành trước khi anh qua đời. Buổi trao đổi thân tình đã kết thúc một ngày sinh hoạt rất thành công của blogger Điếu Cày cho những bước khởi đầu trong nỗ lực kết nối truyền thông của anh.
Ảnh DLB
Một mẫu chuyện nhỏ rất cảm động là trong buổi ăn tối với những bạn bè truyền thông, một phụ nữ đã bước đến bàn ăn chào anh Điếu Cày và chia sẻ: "Cháu đến Hoa Kỳ lúc còn bé và chỉ lo đi học đi làm, không quan tâm nhiều đến những sinh hoạt cộng đồng, không bao giờ nghe đài, đọc báo Việt ngữ. Nhưng gần đây cháu đã chú ý những tin tức trong nước và cháu nhận ra chú từ những bức ảnh đã nhìn thấy trên mạng. Nên cháu đến để chào chú và xin gửi một chút quà, mong chú nhận."
Cô gái đồng hương, cô Bích Huyền và Điếu Cày (ảnh DLB)
Đây là một minh chứng cảm động về vai trò cần thiết của truyền thông trong việc đánh động sự quan tâm của người dân đối với những nỗ lực tranh đấu cho tự do dân chủ tại Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét