Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

“Lạc lõng” nho sinh người Mỹ gốc Việt



“Lạc lõng” nho sinh người Mỹ gốc Việt






HOUSTON, Texas (NV) – Có lẽ sẽ chẳng sai khi nói khó lắm mới có một người thứ hai như Daniel Nguyễn. Riêng bản thân chàng trai 20 tuổi này, anh tự mô tả mình là “một cậu nho sinh lạc lõng giữa thế kỷ 21.”

Sinh ra và lớn lên tại Mỹ nhưng tự tìm hiểu các tác phẩm chữ Hán-Nôm thời Nguyễn để dịch sang tiếng Anh cho bạn bè bản xứ cùng đọc, anh chàng “khác người” này đang cố gắng thực hiện những điều mà ít ai nghĩ đến.



alt
Daniel Nguyễn bên những cuốn sách sưu tầm được từ những năm mới 17, 18 tuổi. (Hình: Daniel Nguyễn cung cấp)


Daniel Nguyễn, tên tiếng Việt ba mẹ đặt là Nguyễn Thụy Đan, có bút hiệu là Tử Hạ. Sinh ra và lớn lên tại Sacramento, California, anh cho biết gia đình phía bên ngoại trước đây có người từng là quan triều Nguyễn. Đó cũng là một trong những lý do khiến Daniel bắt đầu mò mẫm tìm hiểu về văn hóa của giai đoạn này.

Trên trang blog và Facebook của Daniel, người ta có thể đọc được những bài giới thiệu về các tác phẩm thơ bằng chữ Hán của nhiều thi nhân ngày xưa, như Phùng Khắc Khoan hay Phan Bội Châu, và tiểu sử tác giả. Trừ những đoạn ngắn chữ Hán, Nôm, hay Việt được trích nguyên văn, tất cả nội dung còn lại được viết bằng Tiếng Anh.

Daniel cũng tự làm thơ bằng chữ Hán-Nôm. Anh gọi sở thích này “thú tao nhã.”

Trọc thế vô phương hoằng thánh đạo. Hỗn trần hà xứ vọng vương tôn,” Daniel ngâm nga vài câu anh thích nhất. Theo bản dịch của một người bạn Việt Nam của Daniel, đoạn thơ có nội dung: “Đời đục khôn mong truyền đạo thánh. Bụi lòa nao chốn ngóng quân vương.”


alt
“Không học Hán-Nôm, không thể hiểu sâu về đất nước và con người Việt Nam.” (Hình: Daniel Nguyễn cung cấp)


Cậu nho sinh hiện theo học một lúc hai ngành, âm nhạc và văn học, tại một đại học ở Texas. Những lúc rảnh rỗi, ngoài việc đọc và viết Hán-Nôm, Daniel dành thời gian để làm thêm như đánh đàn hoặc dạy kèm để kiếm tiền tự trang trải cuộc sống, và gặp gỡ, uống nước cùng bạn bè.

Daniel có giọng nói trầm ấm. từ tốn, rành rẽ cả hai thứ tiếng Anh-Việt, đôi khi lịch sự quá thành ra khách sáo bởi vì cách dùng những từ ngữ cổ mà anh học được từ các bài thơ, văn mấy thế kỷ trước nay ít ai dùng.

Dù gì thì khi trò chuyện với Daniel, người đối diện cũng cảm nhận được một vẻ nho sinh rất dễ mến và một niềm đam mê mạnh mẽ dành cho văn hóa Việt.



alt
Cậu nho sinh trên đất Mỹ giữa thế kỷ 21. (Hình: Daniel Nguyễn cung cấp)


Sau đây là một đoạn trong phần trao đổi của Daniel Nguyễn với phóng viên nhật báo Người Việt.

Người Việt (NV): Tại sao em lại thích học chữ Hán/Nôm?

Daniel Nguyễn: Dạ, có nhiều lý do. Không học Hán-Nôm, không thể hiểu sâu về đất nước và con người Việt Nam. Sống ở hải ngoại mà không muốn bị mất gốc, ắt phải hiểu biết văn hóa quê cha đất tổ. Chưa hiểu biết, lấy gì mà yêu. Em cũng rất tôn sùng đạo đức Khổng Tử, nên phải học chữ Hán mới đọc được kinh truyện thánh hiền. Ngoài ra, sống giữa xã hội tân tiến này, nhiều khi muốn gửi tâm sự vào vần thơ, nhưng lại không muốn thổ lộ tất cả tâm tình. Hán văn có tính súc tích. Muốn cho lời ít mà ý nhiều thì không có gì hay bằng dùng chữ Hán.

NV: Em tự học như thế nào?

Daniel Nguyễn: Em bắt đầu học chữ Hán từ năm 17, 18 tuổi gì đó. Ban đầu thì em hay mua sách hướng dẫn học cổ Hán văn mà học. Dùng cả sách tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Bố mẹ em có giúp mua sách. Sau này toàn mượn sách thư viện về đọc. Em nghĩ em bỏ ra ít nhất là một hai tiếng mỗi ngày. Mấy năm đầu thì em hoàn toàn tự học. Sau này mới quen một hai người qua mạng, nhiều lúc cũng nhờ đến các anh chỉ giáo. Bạn bè thì cũng có dăm ba người thích văn chương, lịch sử… Thích thì thích, chứ không học Hán-Nôm.

NV: Em sử dụng chữ Hán-Nôm vào việc gì?

Daniel Nguyễn: Em học chữ Hán cốt để đọc sách người xưa. Văn liệu nước ta từ đầu thế kỷ XX về trước phần lớn viết bằng văn Hán hoặc văn Nôm. Không biết Hán-Nôm, ắt phải dựa vào bản dịch hoặc bản phiên âm của người khác mà đọc. Song, sách vở vẫn có nhiều loại. Đọc sách thánh hiền để học đạo làm người. Đọc sách sử để biết thêm về văn hóa, lịch sử người Việt. Đọc văn thơ để tiêu sầu khiển muộn… Sau này em quen vài người ngoại quốc cũng quan tâm văn chương và lịch sử nước Việt nên em mới bắt đầu dịch văn liệu Hán-Nôm sang tiếng Anh. Có khi em viết thơ từ, gọi là cái thú tao nhã vậy.

NV: Có khó khăn gì khi theo đuổi bộ môn này?

Daniel Nguyễn: Theo đuổi thì không khó. Bền chí mới khó. Nhưng đối với em, đây là đam mê của riêng mình nên em cũng không thấy khó khăn gì cả. Có khi thấy sách muốn mua, mà đắt tiền quá, không mua được.

NV: Lý do em mở blog Khoái Nhị Trà*?

Daniel Nguyễn: Em mở blog cốt để truyền bá văn hóa và văn chương nước Việt, đặc biệt là văn chương tiếng Hán dưới thời Nguyễn (1802-1945) đến thời hiện đại. Trên mạng cũng có vài trang blog của người Hàn, toàn dịch thơ chữ Hán của người Hàn Quốc sang tiếng Anh. Thơ từ nước ta không phải không nhiều, không phải không hay. Không dịch, há chẳng tiếc sao.

NV: Trong cuộc sống thường ngày, một ngày của em diễn ra như thế nào?

Daniel Nguyễn: Thường thì em dậy đi lễ (em là tín đồ Thiên Chúa Giáo), đi học, rồi về nhà dạy đàn. Sách có chữ, “dục học văn, tiên học du” nghĩa là muốn học làm văn trước hết phải học đi chơi đã. Đương nhiên ở cái tuổi đôi mươi này phải có thời giờ rảnh để ra quán xơi nước với bạn bè, đi đây đi đó, v.v… Ngoài thơ văn, em còn thích đi nghe nhạc, sáng tác nhạc. Tập tạ cũng có khi.

NV: Em có khi nào bị cho là “khác người” khi có sở thích rất lạ? Em phản ứng ra sao?

Daniel Nguyễn: Đương nhiên là bị nhiều lần rồi. Nhưng không phải vì thế mà nản chí. Ông Tản Đà có câu rằng: ”Một tấm thân người nam nhi, không phải của riêng một mình mình mà là của nước tổ Hồng Lạc hơn bốn nghìn năm, của xã hội hai mươi nhăm triệu người, của giang sơn ba mươi tư vạn lý…” Em luôn ghi nhớ. Lui về ở ẩn là việc dễ. Dấn thân hành đạo mới khó.

NV: Em nghĩ như thế nào về những cố gắng gìn giữ văn hóa Việt cho thế hệ trẻ tại Mỹ?

Daniel Nguyễn: Em thấy nhiều người trẻ đã bị mất gốc hoàn toàn. Điều đó không đáng trách bằng sự vô tâm của nhiều người lớn trước cái cảnh thê thảm này. Làm người Việt, làm sao không thể yêu mến tiếng Việt? Làm sao không thể học sử Việt? Làm sao không thể hiểu biết về cha ông? Việc gìn giữ văn hóa Việt là một việc rất cần thiết. Không những chỉ gìn giữ văn hóa, mà còn phải phát triển văn hóa nữa. Nhưng phải lo việc gốc rồi sau mới lo việc ngọn. Việc gốc là làm thế nào cho thế hệ trẻ rành tiếng Việt. Rành tiếng Việt mới hiểu cha ông. Hiểu cha ông mới có tâm huyết với đồng bào và đất nước.

NV: Mong ước cho tương lai?

Daniel Nguyễn: Ngoài những mục đích cá nhân, em chỉ mong có công giúp một tay trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa cha ông mà thôi. Hiện tại em đang sưu tầm tài liệu để dịch tập Hoàng Việt Thi Tuyển của Tồn Am tiên sinh sang tiếng Anh.

NV: Cám ơn em đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét