Tại sao Trung Quốc được bội ước lời hứa dân chủ ở Hồng Kông?
Diane M. Francis
“Ông ấy [Đặng Tiểu Bình] lên ngôi và nói: “Nếu tôi có phải bắn 200.000 sinh viên để cứu Trung Quốc khỏi bị thêm 100 năm bất ổn, thì cũng phải bắn thôi.” - Lý Quang Diệu
Hong Kong 2014: Chúng tôi chẳng cần lựu đạn cay. Chúng tôi đang khóc đây. Nguồn: Bloomberg via Getty Images
Tôi đã ở Hồng Kông vào tháng Bảy năm 1997 khi Anh Quốc chuyển giao chủ quyền cho Trung Quốc để đổi lấy lời hứa là Trung Quốc sẽ từ từ dân chủ hóa thuộc địa cũ này. Dân Hong Kong tràn đầy phấn khởi và pháo bông nở suốt hai buổi tối. Nhưng ngay sau những hân hoan đó người dân Hong Kong đã trở nên âu lo khi thấy xe tăng và quân đội Trung Quốc dọc theo một số đường phố chính vào sang hôm sau.
Sự biểu dương lực lượng của lục địa đã gửi một thông điệp và đưa ra những dự đoán về việc liệu Hoa Lục sẽ giữ lời hứa lớn của họ hay không.
Bây giờ chúng ta đã biết.
Năm 1997, Hồng Kông đã hứa là sẽ có phổ thông đầu phiếu vào năm 2017 gồm cả các cuộc bầu cử dân chủ chọn lãnh đạo của thành phố (Giám đốc điều hành, Chief Executive). Ngày 31 Tháng Tám, Trung Quốc đã không giữ lời họ đã cam kết và quay ngoặt hướng đi bằng quyết định chỉ cho có ba ứng cử viên có thể tranh cử vào ghế lãnh đạo của Hồng Kông vào năm 2017 và mỗi ứng cử viên sẽ được Bắc Kinh xét kỹ lưỡng, và Bắc Kinh chọn sau đó chứ không phải được chọn bằng cuộc phổ thông đầu phiếu.
Điều này không những chỉ vi phạm tinh thần và văn thư đã thỏa thuận với Anh Quốc mà còn báo trước một sự tước đoạt quyền lực đột ngột. Bằng cách kiểm soát Giám đốc điều hành của Hồng Kông, Trung Quốc kiểm soát sự bổ nhiệm của cơ quan tư pháp của thành phố này, do đó làm suy yếu hệ thống pháp trị nền tảng của sự thịnh vượng kinh tế của Hồng Kông.
Lý do là Trung Quốc (Canada cần lưu ý) sẽ bất cần và giữ quyền xé hiệp ước, thương mại hay chính trị, khi hợp với lợi ích quốc gia. Bất chấp thực tế này, Canada vừa ký một hợp đồng thương mại 31 năm với Bắc Kinh mở cửa nền kinh tế và tài nguyên của chúng ta cho những công ty của họ, và đổi lại, nghe nói họ cũng mở cửa hàng của họ cho chúng ta.
Sự tàn nhẫn gần đây của Trung Quốc đã gây sốc cho nhiều người trong đó có Emily Lau, một thành viên lâu năm của Hội đồng Lập pháp của Hồng Kông. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, bà Lau nói:
“Những yêu cầu này rất khiêm tốn và hợp lý và những người biểu tình rất là ôn hòa. Không có sự thỏa hiệp. Quả bóng hiện nay đang ở bên sân của Trung Quốc. Người ta đã hứa.”
Sự bội ước của Trung Quốc đã đưa đến các cuộc biểu tình ở Hong Kong cũng như các cuộc biểu tình đồng cảm có đến hàng ngàn người trong cộng đồng lớn của người Hoa ở Canada, Úc, Mỹ và các nơi khác. Người ta cũng đã cảm thấy chấn động tại Đài Loan, đích ngắm kế tiếp trên danh sách phải thanh toán của Hoa Lục, và ở cả Tokyo, một kẻ thù truyên kiếp của TQ.
Thực tế là cả thế giới đang theo dõi – ngoại trừ ở Hoa Lục, nơi mà chính phủ đã ngăn chận mọi phương tiện thông tin để ngăn chặn sự lây lan ủng hộ dân chủ. Tuy nhiên, không giống như vụ thảm sát người biểu tình ở Thiên An Môn vào năm 1989, Bắc Kinh có thể không thể ngăn chặn rò rỉ thông tin qua ngả điện thoại di động, du khách và các trang web của tin tặc ngay tại lục địa. Nghịch lý thay, đây không phải là tin tốt cho Hồng Kông.
Điều này lại là sức ép khiến Trung ương đảng Cộng sản ở Bắc Kinh càng muốn trấn áp Hồng Kông chứ không phải chỉ đơn giản là bỏ qua những người bất đồng chính kiến. Nhưng không ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Năm 1989, Bắc Kinh chơi trò chờ đợi trong vài tuần và bỏ qua cuộc biểu tình Thiên An Môn trước khi đưa xe tăng và quân đội vào quảng trường và giết chết hàng trăm, có thể hàng ngàn người biểu tình.
Nhiều người trong giới bình luận cho rằng Trung Quốc sẽ không dám đi xa như thế một lần nữa. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào lợi ích quốc gia của TQ. Rủi ro lớn nhất của Trung Quốc là bất ổn xã hội sẽ lan tràn rộng rãi và nếu sự dân chủ hóa Hồng Kông sẽ phát động tình trạng bấn ổn đó thì không có gì có thể loại bỏ một khả năng là một Thiên An Môn khác có thể xẩy ra.
Hiện nay, Bắc Kinh, qua Giám đốc điều hành của Hồng Kông, đã tung cảnh sát, hơi cay và dùi cui vào đám đông. Điều này sẽ còn tiếp diễn, cùng với những vụ bắt giữ dựa trên những cáo buộc giả mạo như xô lấn, phá hoại, tụ họp trái phép hoặc vi phạm giao thông.
Bạo lực vô cớ đã bắt đầu. Những người gọi là biểu tình ủng hộ Bắc Kinh đã gây ra xung đột. Được cảnh sát bảo vệ, những kẻ gây bạo động này phi chính trị cỡ như người Ukraine ly khai tay sai của Nga.
Tuy nhiên, rắc rối nhất vẫn là lý do tại sao Trung Quốc lại gây xáo trộn và nuốt lời hứa của mình khi mọi việc tiến hành khá tốt.
Lây lan ảnh hưởng là một nỗi lo lớn, nhưng có lẽ Hồng Kông có thể dùng để đánh lạc hướng sự chú ý ra khỏi những vụ bê bối tham nhũng lớn và nững thanh trừng ở lục địa. Có lẽ vì thế mà công ty thương mại trực tuyến khổng lồ Alibaba đã lên sàn chứng khoán ở New York thay vì Hồng Kông. Có lẽ giới tinh hoa của Bắc Kinh tin rằng Hồng Kông không còn đáng được hưởng đặc quyền mà phần còn lại của TQ không có. Có lẽ Thượng Hải muốn đối thủ chính bị bó tay.
Thiên An Môn, chỉ còn là kỷ niệm hay luôn là lời cảnh cáo?
Nguồn: OntheNet
Dù vì lý do nào đi nữa, mối đe dọa của bạo lực treo trên đầu dân Hồng Kông như đã xảy ra cách đây 25 năm và những điểm tương đồng cũng khiến mọi người phải suy nghĩ. Cả hai đều bắt đầu bằng những cuộc biểu tình ôn hòa bình sau đó tăng lên đến hàng trăm ngàn người cắm trại ở nơi công cộng trước ống kính truyền hình. Sau đó, Bắc Kinh đã dùng bạo lực kết thúc phong trào dân chủ.
Nguyên nhân là do sự ổn định của Trung Quốc đang bị đe dọa, theo quan điểm của chính khách Singapore Lý Quang Diệu. Ông đã từng nói:
“Ông ấy [Đặng Tiểu Bình] lên ngôi và nói: “Nếu tôi có phải bắn 200.000 sinh viên để cứu Trung Quốc khỏi bị thêm 100 năm bất ổn, thì cũng phải bắn thôi.”
Ngày nay, thế giới quan tâm về những sự kiện này vì tầm quan trọng địa kinh tế của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao thị trường đang đảo lộn trên toàn thế giới. Và, điều này không thể tránh được.
Tác giả là Biên tập viên tự do của National Post tại Canada, Giáo sư Lỗi lạc tại khoa Quản trị Ted Rogers thuộc Đại học Ryerson, và là tác giả của 10 cuốn sách.
© 2014 DCVOnline
Nguồn: Why Does China Get To Renege on Its Promise of Democracy in Hong Kong? Diane M. Francis, Huffington Post, 2014/10/10.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét