Triều Tiên chữa trị đặc biệt cho ông Kim Jong-un?
Lãnh đạo Kim Jong-un phát tướng
Khi lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un được chữa trị, hãng tin Reuters cũng nêu: tình hình y tế gần đây được cải thiện nhưng dân thường vẫn chưa được chăm sóc y tế tốt. Nhưng chi y tế cho giai cấp lãnh đạo thì Bình Nhưỡng không hề tiếc tiền.
Trên lý thuyết, dân thường Triều Tiên được hưởng chăm sóc y tế miễn phí. Nhưng trong nhiều năm, những sai lầm trong chính sách kinh tế thất bại khiến thiếu nguồn cung các dịch vụ cơ bản thường bị thiếu hụt.
Trong bối cảnh đó, chỉ có nhiều người dư tiền mặt mới có thể mua thuốc “chợ đen” mới có thể chữa trị bệnh.
James Hoare, một nhà ngoại giao Anh từng thăm các bệnh viện vùng nông thôn Triều Tiên hồi đầu những năm 2000, nói: “Điều kiện y tế ở khắp nơi rất đơn sơ, thậm chí sơ khai.Họ có nhân viên nhưng ít phương tiện chữa trị. Chúng tôi từng thấy chai bia được tái sử dụng làm bình truyền nước biển”
Bác sĩ Pháp đến Bình Nhưỡng chữa bệnh
Nhưng như đã nói, tích cực chữa trị cho lãnh đạo thì chẳng tiếc tiền. Năm 1993, bác sĩ Francois Xavier-Roux (người Pháp) ở Paris nhận được một cú điện thoại từ một cán bộ Triều Tiên giấu tên.
Lúc đó, ông Kim Jong-il đang chờ thừa nhiệm vai trò lãnh đạo Triều Tiên của cha ông, nhà lập quốc Kim Il-sung (Kim Nhật Thành).
Ông bị chấn thương ở đầu sau khi bị té lúc cỡi ngựa. Cán bộ Triều Tiên muốn nhờ bác sĩ Roux cho lời khuyên.
15 năm sau, họ lại liên hệ bác sĩ Roux, lần này cấp thiết hơn. Họ bí mật đưa máy bay qua Pháp, đón ông Roux đến Bình Nhưỡng, đến độ ông không biết bệnh nhân của mình là ai, cho đến khi gặp Chủ tịch Kim Jong-il bị đột quỵ, ốm yếu, nằm trong khoa hồi sức, xung quanh là các bác sĩ.
Năm 2008 ấy, bác sĩ Roux cũng có gặp Kim Jong-un rất lo lắng trước sức khỏe suy sụp của cha. Ông kể: “Các bác sĩ rõ ràng rất lo lắng trước tình hình.Có lẽ đó là lý do họ cần ý kiến của một bác sĩ ngoại quốc, từ lúc tôi có thể hỏi những câu hỏi với ông Kim Jong-il, hoặc khuyên ông ấy nên làm gì”.
Bác sĩ Roux
Trong những năm cuối đời, cố lãnh đạo Kim Jong-il thường xuyên kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Ponghwa ở trung tâm Bình Nhưỡng. Bệnh viện này có bãi đỗ trực thăng riêng và được đặt dưới sự bảo vệ cẩn mật của quân đội.
Nằm cách quảng trường Kim Nhật Thành khoảng 1,5 km về phía tây bắc và ẩn sau những tán cây dày, đây là nơi bất khả xâm phạm với hầu hết mọi người, trừ giới chức lãnh đạo chủ chốt và gia đình của họ.
Báo Hàn Quốc đưa tin Triều Tiên hồi năm 2009 chật vật nhập khẩu trang thiết bị y tế hiện đại khi tình trạng bệnh của ông Kim Jong-il trở nặng, trong bối cảnh Triều Tiên phải gánh chịu các biện pháp trừng phạt do vụ thử hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006.
Những ảnh chụp vệ tinh trong quá khứ cho thấy cơ sở y tế cao cấp này được sửa chữa lớn trong những năm sau khi ông Kim bị đột quỵ.
Với những trang thiết bị hiện đại khác xa mặt bằng y tế chung ở Triều Tiên và theo “truyền thống”, việc ông Kim Jong-un nhập viện tại Ponghwa là đương nhiên.
Michael Madden, một chuyên gia về lãnh đạo Triều Tiên, nói: “Nếu Kim Jong-un được tư vấn về những chỉ định y tế để ông không xuất hiện ở các sự kiện công, thì có lẽ ông ấy được nhân viên bệnh viện Ponghwa chăm sóc”.
Madden còn nói như cha, ông Kim Jong-un thường đi vi hành với một đoàn bác sĩ-y tá tháp tùng.
Ông Kim Jong-il và con trai Kim Jong-un
Em gái thay anh điều hành Triều Tiên
Năm 2011, ông Kim Jong-il qua đời, sau khi giao việc kế nhiệm cho con trai Kim Jong-un.
Cuối tháng 8.2014, lần đầu tiên giới truyền thông Triều Tiên xác nhận lãnh đạo Kim Jong-un đang “khó ở” vì lý do sức khỏe nhưng không nêu rõ chi tiết, dẫn đến sự đồn đoán về bệnh tình của ông.
Do lãnh đạo Kim, 31 tuổi, chỉ mới có con gái, nên sức khỏe của vị lãnh đạo trẻ gây sự đồn đoán việc ai sẽ kế nhiệm ?
Từ sau ngày 3.9, có ảnh chụp vợ chồng ông Kim đi xem văn nghệ, giới truyền thông không còn có ảnh nào khác.
Khi trả lời phỏng vấn của Reuters ngày 2.10, bác sĩ Roux đề cao khả năng của đội ngũ bác sĩ Triều Tiên tại bệnh viện Ponghwa. “Các bác sĩ bản địa rất thạo nghề, và trong các cuộc thảo luận với họ, cứ như thể tôi đang trao đổi với các bác sĩ châu Âu. Họ có cùng trình độ y khoa như tôi”, ông nhận xét. Liên quan đến trang thiết bị của bệnh viện, ông nói: “Họ có mọi thứ. Họ có cơ sở vật chất tốt”.
Bác sĩ Roux nói ông vẫn chưa hiểu tại sao Triều Tiên chọn ông, và ông không cho biết đã chữa trị ông Kim Jong-il thế nào, ông được trả công ra sao. Ông nại lý do phải bảo vệ bí mật quốc gia và bí mật giữa bác sĩ với bệnh nhân.
Ông lưu ý đã có những thay đổi ở ông Kim Jong-un từ sau lần ông gặp Kim trẻ năm 2008: “Khi tôi gặp ông ấy, Kim là một thanh niên xem ra có những cảm xúc bình thường liên quan cha ông đang bệnh. Xem ra ông ấy rất sốt ruột. Ông ấy rất kín đáo, không thể hiện mình là một lãnh đạo vĩ đại.
Về thể chất, ông Kim ngày ấy khác bây giờ nhiều. Lúc trước, ông ấy là một thanh niên mỏng người”.
Ông Kim xem ra tăng cân quá nhanh, nhiều tháng sau khi ông xử kỷ luật người chú dương Jang Song-thaek (đã bị tử hình) hồi cuối năm 2013.
Theo tổ chức tư vấn NKIS ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 1.10, ông Kim đang được các nhóm bác sĩ Triều Tiên và nước ngoài tận tình chữa trị ở bệnh viện Bonghwa.
Trong khi đó, em gái ông Kim là Kim Yo-jong có thể đang tạm thay anh lãnh đạo Triều Tiên, đưa ra những quyết định quan trọng.
Một nguồn tin cho NKIS biết: Bộ Chính trị ban chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên ngày 6.9 quyết định đưa ông Kim đi trị bệnh, sau một cuộc họp theo gợi ý của cô Kim.
Nghị quyết của cuộc họp gồm 4 điều:
1. Chữa trị đặc biệt cho ông Kim để ông chóng phục hồi sức khỏe.
2.Toàn thể cán bộ cấp cao và đảng viên phải chịu trách nhiệm tuân thủ các chỉ đạo trước đây của ông Kim.
3. Đảng và quân đội phải đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu trong thời gian ông Kim không trong Ban thường vụ.
4. Các vấn đề quan trọng liên quan hoạt động của chính phủ phải báo cáo cô Kim, để ông Kim tập trung trị bệnh.
Nhân vật số 2 Kim Yo-jong
Cô Kim là con gái của cố chủ tịch Kim Jong-il với bà Kim Yong-hui. Người ta lần đầu tiên trông thấy cô khi chụp ảnh các đại biểu dự đại hội đảng Lao động Triều Tiên khóa 3 hồi tháng 3.2010, khi cô đứng cạnh thư ký riêng của cha.
Ngày 9.3.2014, lần đầu tiên cô được nêu danh chính thức, khi cô cùng anh bỏ phiếu bầu Quốc hội nhân dân tối cao. Cô là "cán bộ cao cấp" của ban chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên.
Cô Kim còn được xem là người thay vai trò của cô ruột Kim Kyong-hui, vợ của ông Jang Song-thaek, người chú dượng mà ông Kim từng xử tử hồi năm ngoái.
Lúc ông Kim Jong-il cầm quyền, bà Kim Kyong-hui luôn ủng hộ người anh của bà.
Theo lãnh đạo NKIS Kim Heung-gwang, cô Kim hiện là nhân vật số 2 ở Triều Tiên, chứ không phải ông Hwang Byong-so, chủ nhiệm phòng chính trị đảng Lao động Triều Tiên.
Mai Hà (tổng hợp)
04-10-2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét