Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Lê Vĩnh - “Dân chủ là xu thế của thời đại”... chứ đâu phải của Đảng!


Lê Vĩnh - “Dân chủ là xu thế của thời đại”... chứ đâu phải của Đảng!






Nguyễn Tấn Dũng: “Dân chủ là xu thế của thời đại”... chứ đâu phải của Đảng!



Theo cùng cây đũa hòa nhịp của Ban Tuyên Giáo, báo chí Việt Nam đồng loạt cất tiếng ca vang lừng về chuyến đi Âu Châu kéo dài một tuần vào trung tuần tháng 10.2014 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Có báo còn giật tít khá “giật gân” để câu độc giả (1). Tuy nhiên, nếu đọc kỹ những tin tức đó, người ta không thấy thành quả cụ thể nào trong chuyến đi của ông Dũng ngoài những tiếp xúc ngoại giao bình thường. Sau cuộc hội đàm với ông José Manuel Barroso, Chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu ngày 12.10, ông Nguyễn Tấn Dũng không ký kết được Hiệp định Tự do Thương mại giữa EU-VN (EVFTA) như mong muốn. Nước Đức hẳn là quốc gia trọng tâm trong chuyến “du thuyết” của ông Nguyễn Tấn Dũng nên ông đã dừng chân ở đó đến 3 ngày, nhưng theo nhận xét của giới quan sát quốc tế, cụ thể như BBC qua bài ”Đức im ắng về chuyến thăm của ông Dũng” (2), thì giới truyền thông hầu như chẳng đả động gì đến sự có mặt của ông thủ tướng CSVN tại nước họ. Hiện tượng này hẳn nhiên không được các báo tại Việt Nam ghi nhận.



Vẫn chỉ những câu trả lời viết sẵn


Công bằng mà nói thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tạo được một chút chú ý qua cuộc nói chuyện trước một số chính trị gia, doanh nhân và nhà báo Đức do hội bất vụ lợi Körber Stiftung tổ chức tại khách sạn Adlon thuộc thành phố Berlin.

Trong buổi nói chuyện này, ông Nguyễn Tấn Dũng mở đầu bằng bài thuyết trình dài hơn 3500 chữ, tức hơn nửa tiếng. Nội dung đề cập đến 3 điểm chính: (1) Thành quả kinh tế Việt Nam sau gần 30 năm “đổi mới”, (2) Chính sách ngoại giao của Hà Nội nói chung, và tranh chấp với Bắc Kinh trên biển Đông nói riêng, (3) Mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với cộng Đồng Âu Châu, đặc biệt với nước Đức. Ông Nguyễn Tấn Dũng hoàn toàn không nói gì về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Tuy nhiên, khi sang phần thảo luận thì câu chất vấn đầu tiên được Tiến sĩ Paulsen, Giám đốc Thời sự Quốc tế của Körber-Stiftung, đặt ra cho ông Dũng là câu hỏi về việc thực hiện những cải cách chính trị mà ông Dũng hùng hồn đưa ra trong thông điệp đầu năm 2014. Thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi, ông Dũng chỉ đọc một tuyên bố tổng quát đã thuộc lòng: “Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người. Việt Nam không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế này”.

Nếu vài năm trước mà nghe câu đó - như hồi ông Dũng kêu gọi Myanmar hãy mở rộng dân chủ - thế giới hẳn đã vui mừng với câu trả lời. Nhưng ông Dũng đã coi thường trí nhớ của người nghe quá nhiều lần rồi nên lần này cử toạ vặn tiếp: “Vậy từ đó đến nay, ông đã tiến hành những biện pháp gì để tăng cường dân chủ trực tiếp?”. Thế là ông Dũng dùng lại ngay thủ thuật của các phát ngôn viên bộ ngoại giao Nguyễn Phương Nga, Lương Thanh Nghị, Lê Hải Bình. Ông nói trong niềm tin tưởng tất cả sứ quán ngoại quốc tại Việt Nam đều không đọc được tiếng Việt: “Chúng tôi đã sửa đổi Hiến pháp, được Quốc hội thông qua năm 2013, là một bước tiến rất quan trọng trong việc bảo vệ và tăng cường quyền dân chủ và kinh tế thị trường. Tôi nghĩ các ông nên đọc Hiến pháp mới của chúng tôi để hiểu thêm.”

Đến đây thì cử tọa bó tay. Bó tay vì gặp phải một ông thủ tướng quá "bựa".

Điều ông Nguyễn Tấn Dùng không ngờ là các học giả, các luật gia, các sứ quán quốc tế không chỉ đọc bản Hiến Pháp "đổi mới như cũ" của Việt Nam mà còn so sánh nó với Hiến Pháp Bắc Triều Tiên nữa.


Cộng sản Việt Nam và Cộng sản Bắc Hàn


Nếu so sánh hiến pháp của nước CHXHCNVN được sửa đổi năm 2013 và hiến pháp của Bắc Triều Tiên được sửa đổi năm 2009, người ta phải giật mình vì quá nhiều điểm tương tự từ bố cục đến nội dung. Chắc chắn Hà Nội sẽ chối nếu có ai hỏi có phải họ bắt chước Bắc Triều Tiên không, nhưng thực tế vẫn là có 2 bản hiến pháp quá giống nhau và Bắc Triều Tiên sửa hiến pháp trước Việt Nam 4 năm.

Cả 2 bản đều có lời dẫn nhập dài giòng, một bên kể công trạng của đảng CSVN và một bên kể công trạng dòng họ Kim Nhật Thành; một bên ca tụng tư tưởng Hồ Chí Minh và một bên ca tụng tư tưởng Tự Lực của Kim Nhật Thành; mỗi bên có nguyên một chương nói về quyền và nghĩa vụ công dân, trong đó bảo đảm đầy đủ tất cả những quyền tự do căn bản của con người; cả 2 hiến pháp qui định quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước, v.v...

Tóm tắt là thế giới ngán ngẩm cái trò viết hiến pháp để lót ghế ngồi của Hà Nội và Bình Nhưỡng như nhau. Khi các quan chức của 2 nước này nhắc tới hiến pháp tại bất kỳ diễn đàn quốc tế nào, cử tọa đều buồn cười và buồn nôn như nhau.

Và cũng chính vì vậy mà Cộng sản Việt Nam và Cộng sản Bắc Hàn rất giống nhau trong mắt thế giới tại các kỳ Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát về Quyền Con Người” (UPR) của Liên Hiệp Quốc vào năm 2009 và vào tháng 5/2014 vừa qua. Trong kỳ UPR này, Bắc Hàn bị 268 khuyến nghị, bác bỏ 67 và chấp nhận 113; một số khuyến nghị được Bắc Hàn chấp nhận từng phần (4). Việt Nam bị 227 khuyến nghị, bác bỏ 45 và chấp nhận 182. Một điểm chung của 2 quốc gia này là khăng khăng cự tuyệt các khuyến nghị sửa đổi những điều luật mơ hồ về các hoạt động bị coi là “chống lại nhà nước và xã hội” (activities against the State or society), như điều 79, 88 và 258 của bộ luật hình sự Việt Nam (4,5).

Có lẽ ấn tượng đơn giản nhất còn trong đầu giới quan sát là: Cộng sản Việt Nam chỉ đứng sau Cộng sản Bắc Hàn về con số khuyến nghị phải cải thiện nhân quyền. Tình trạng chà đạp giá trị con người dưới chế độ Bắc Hàn tồi tệ và đáng ghê tởm đến mức nào thì đã quá rõ đối với thế giới rồi. Nay Cộng sản Việt Nam đang càng lúc càng tiến tới tiêu chí đó. Chính trong bối cảnh này mà người ta lợm giọng khi nghe câu nói trâng tráo của ông Nguyễn Tấn Dũng: "Nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người. Việt Nam không phải ngoại lệ".

********
Không biết đến bao giờ thì giới lãnh đạo Hà Nội mới hiểu ra rằng loại phát biểu trâng tráo như của ông Dũng không chỉ đã mất hoàn toàn tác dụng bịt mắt thế giới, mà còn lập tức làm biến dạng người nói thành những con quái vật đáng khinh tởm trong mắt những người có mặt.

Cụ thể như thái độ của ông Tom Malinowski, trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, vào cuối tuần trước. Trong cuộc họp báo sau 5 ngày thăm viếng và làm việc ở Hà Nội, ông đã phải ngưng giọng lịch sự ngoại giao để nói thẳng thừng cho Hà Nội biết rằng: “Sẽ không có tiến triển nếu cứ thả một chục người này lại bắt thêm chục người khác”.

Hoá ra, ông Nguyễn Tấn Dũng nói thật: Dân chủ là xu thế của thời đại ngày nay chứ không phải của giới lãnh đạo cộng sản, những người vẫn sống ở mốc điểm 100 năm trước - vẫn ôm chặt cái chủ nghĩa của cuối thế kỷ 19 và mô hình nhà nước độc tài của đầu thế kỷ 20.



Ghi chú:

(1)   Chuyến công du với cường độ “chóng mặt”, http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Chuyen-cong-du-voi-cuong-do-chong-mat/211572.vgp
(2)   Đức im ắng về chuyến thăm của ông Dũng? http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/10/141016_nguyentandung_visit_reactions
(4)   North Korea Responds to the UN Commission of Inquiry, http://38north.org/2014/10/dhawk101614/

(5)   UPR: Việt Nam chấp thuận 182, bác 45 khuyến nghị, http://vi.rfi.fr/viet-nam/20140621-khuyen-nghi-upr-viet-nam-chap-thuan-182-bac-45/






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét