Dân Việt - Từ “I am Hongkonger” đến “Tôi là Người Việt Tự Do”
Trong cuộc biểu tình ở Hong Kong, Một người phụ nữ khoảng tứ tuần nói với các em sinh viên để khuyên họ giải tán: “Dù sao đi nữa, tất cả chúng ta đều có cùng dòng máu Trung Hoa (Chinese). Tại sao các bạn không nhận ra điều này?”. Những người biểu tình trẻ ở độ tuổi 20 đồng thanh la lớn: “ Chúng tôi không phải là người Trung Hoa (Chinese)! Chúng tôi là người Hong Kong (Hongkongers)!”.
Mẩu đối thoại này đã nói lên tất cả những mâu thuẫn nội tại giấc mộng “Đại Hán” của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Câu trả lời tương tự sẽ xảy ra đối với đa số người dân Đài Loan: “I am Taiwanese, not Chinese!”. Đối với nhiều người Đài Loan và Hong Kong, gọi họ là Chinese đã hạ thấp họ!
Cách đây 12 năm, bộ phim Hero của đạo diễn Trung Hoa nổi tiếng Trương Nghệ Mưu, với nhiều tài tử nổi tiếng như Lý Liên Kiệt, Trương Mạn Ngọc, Lương Triều Vĩ, Chung Tử Di… ra mắt khán giả. Nhiều người cho rằng bộ phim này đạo diễn họ Trương đã gởi một thông điệp thay cho lãnh đạo Trung Cộng đến toàn dân Trung Hoa và thế giới: nhóm thích khách đã không giết Tần Thủy Hoàng, vì họ muốn vị bạo chúa này tồn tại để thống nhất Trung Hoa. Ngày nay, người dân Trung Hoa cũng thế. Họ đồng ý cho chế độ độc tài của đảng Cộng Sản Trung Hoa tồn tại, để thống nhất đất nước Trung Hoa, thực hiện giấc mơ Đại Hán!
Không biết ông đạo diễn Trương Nghệ Mưu có đồng ý với thông điệp này hay không?
Có điều chắc chắn, thông điệp từ cuộc biểu tình dân chủ của Hong Kong cho thấy nhiều người dân Hong Kong không đồng ý với quan điểm này. Và có lẽ câu trả lời của đại đa số dân Đài Loan cũng sẽ như thế. Hongkonger và Taiwanese không phải là Chinese!
Người phụ nữ nói trên cũng có một phần đúng. Xét về huyết thống, thì cả người Hoa Lục, người Hồng Kong, người Đài Loan đều là Hán tộc cả. Vậy thì đâu là sự khác biệt giữa họ? Nguyên nhân nào khiến cho người Hong Kong và Đài Loan không muốn gia nhập gia đình Đại Hán của Cộng Sản Trung Hoa? Câu trả lời khá rõ ràng: họ là những người tự do, và họ không muốn từ bỏ tự do đang có của mình. Hình thức mị dân “đảng cử dân bầu”, rồi gọi đó là dân chủ, đã không thuyết phục được giới trẻ Hong Kong, vì họ đã có một khả năng nhận thức cao hơn hẳn so với dân Hoa Lục.
Nhưng đó là chuyện của người Hán. Người Việt mình không có thẩm quyền để bình luận về sự lựa chọn của họ.
Dân tộc Việt Nam mình cũng đang có một vấn đề rất tương tự, mà cũng chưa có câu giải đáp thỏa đáng.
Dân Việt mình, cả trong lẫn ngoài nước, hiện nay đang phân hóa trầm trọng. Danh xưng của người Việt mình khắp nơi trên thế giới để phân loại lẫn nhau hiện nay rất nhiều: người Việt Quốc Gia, người Việt Cộng Sản, người Việt lưu vong, người Việt tị nạn, người Việt tự do … Những phân loại như vậy đã làm chia rẽ sức mạnh của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ, tự do tươi sáng hơn trong tương lai. Đảng CSVN lợi dụng triệt để điều này. Hễ có nhân vật nào đang chống lại CSVN ở hải ngoại, chỉ cần tìm cách chụp mũ họ là “ thân cộng sản”, thì lập tức uy tín của họ bị giảm ngay!
Có cách nào để làm đơn giản hơn sự khác biệt của dân tộc mình, để dân Việt mình xích lại gần nhau, dễ cộng tác với nhau hơn không? Khác với Hongkonger, Taiwanese, Chinese, những danh xưng của chúng ta nêu trên đều bắt đầu bằng “Người Việt”. Điểm khác nhau là những tính từ phân loại đằng sau: “quốc gia, cộng sản, tị nạn…”.
Nhìn cho kỹ một chút, sự khác biệt của dân Việt cũng giống với sự khác biệt giữa người Hồng Kong và Hoa Lục. Đó chính là sự tự do. Chúng ta có thể đơn giản hóa sự khác biệt của dân tộc Việt hiện nay bằng hai nhóm: Người Việt Tự Do và “Nhóm Còn Lại”.
Người Việt Tự Do bao gồm những người đã tin tưởng, chiến đấu, bỏ mình vì lý tưởng tự do. Đó là những chiến sĩ VNCH đã bảo vệ tự do cho tổ quốc. Đó là những người liều mạng sống, dám rời bỏ quê hương ra đi vì tự do. Đó là những người còn ở trong nước, nhưng bất chấp hiểm nguy, dám đứng lên đòi tự do, dân chủ cho người dân trong nước. Trong nhóm này bao gồm cả những người Việt yêu tự do, nhưng vì một số lý do nên chưa có hành động vì tự do rõ ràng. Hầu hết họ còn ở trong nước. Có thể họ là những doanh nhân yêu tự do, nhưng không hoạt động chính trị vì không thích chính trị, hoặc vì ý thức chính trị nguy hiểm đến bản thân và gia đình. Đó có thể là những chiến sĩ của Việt Nam hiện tại. Họ cũng đã từng chiến đấu, bỏ mình để chiến đấu chống Trung Cộng ngoại xâm. Họ chiến đấu bảo vệ đất nước vì đó là nhiệm vụ của người lính, chứ không phải để bảo vệ chế độ. Đó cũng có thể là những đảng viên, những anh công an, cũng yêu tự do, nhưng vẫn phải đàn áp, bắt bớ những chiến sĩ tự do dân chủ trong nước, vì cấp trên buộc họ phải làm. Chống lại lệnh là mất việc, bị trù dập. Hãy nhìn hình ảnh người biểu tình Hồng Kong dùng dù che cho một công an khi trời mưa. Họ tin là có nhiều công an cũng ngầm đồng tình với người biểu tình.
Với một cách nhìn như vậy, Người Việt Tự Do thấy mình đông hơn, có nhiều người ủng hộ hơn. Vấn đề chính là làm sao để những đám đông thầm lặng này dám lên tiếng, dám hành động vì tự do.
Ngược lại với Người Việt Tự Do, “Nhóm Còn Lại” sẽ bao gồm những người Việt không tin là người Việt Nam cần tự do, dân chủ. Dễ thấy nhất họ là nhóm chóp bu của Đảng CSVN, hiện đang nắm cả vận mệnh của dân tộc trong tay mà không qua một cuộc dân cử nào. Họ là những người có đặc quyền, đặc lợi gắn bó với chế độ độc tài, thí dụ như hệ thống công an, mật vụ. Họ tin rằng cách cai trị không dựa trên lòng dân hiện nay vẫn có thể tạo ra một Việt Nam hùng mạnh về kinh tế, chính trị. Nhiều người trong số họ tin rằng dân Việt Nam đại đa số trình độ, ý thức còn kém. Cho người dân tự do, dân chủ sẽ làm loạn lạc đất nước, "mất ổn định chính trị". Cần lưu ý rằng cũng có nhiều người trí thức trong nước, cả những người Việt đang sinh sống ở các quốc gia dân chủ đang tin tưởng vào điều này! Nhiều người hay dẫn chứng Trung Cộng không có dân chủ, mà kinh tế vẫn đứng hàng thứ nhì thế giới. Họ quên không so sánh Trung Cộng với Hong Kong, Đài Loan, và xem thử nếu có tự do dân chủ, liệu sức mạnh của Trung Hoa cũng sẽ thịnh vượng như hai “tiểu Hán” này không?
Một câu hỏi được đặt ra: trong hai nhóm Người Việt Tự Do và “Nhóm Còn Lại” trong nước, nhóm nào chiếm đa số? Chưa có con số chính xác, vì Việt Nam không cho phép trưng cầu dân ý, như nhà dân chủ trong nước Đỗ Nam Hải đã từng đề nghị. Tuy nhiên câu trả lời thì ai cũng biết rõ, kể cả đảng CSVN cầm quyền. Chính vì biết rõ, cho nên họ càng ngăn cấm những người đòi tự do, dân chủ.
Người Việt Tự Do trong nước hãy kêu gọi toàn dân cùng đòi hỏi đơn giản như người Hong Kong: phải có một cuộc bầu cử tự do thực sự, để Người Việt Tự Do và “Nhóm Còn Lại” được quyền tự quyết định hướng đi của dân tộc mình. Chừng nào con số người Việt hưởng ứng phong trào lên đến con số chục ngàn, Việt Nam mình sẽ thay đổi!
Dân Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét