Phạm Đoan Trang - “Nói với mình và các bạn”: Tại sao phải có đảng phái?
Dưới đây là bài thứ 12 trong loạt bài “Nói với mình và các bạn: Vẻ đẹp của chính trị”. Mục đích mà loạt bài hướng tới là góp phần giúp độc giả, nhất là các bạn trẻ, hiểu hơn về chính trị. Bài này sẽ bàn về một vấn đề hết sức cụ thể, căn bản của chính trị, đó là sự cần thiết phải có các đảng phái, và hơn thế nữa, bắt buộc phải đa đảng.
Với bài viết này, bạn sẽ thấy lối nói “đảng nào thì cũng chỉ vì quyền lợi của đảng ấy thôi chứ lo gì cho dân, càng lắm đảng càng chia rẽ quần chúng” chỉ là một ngụy biện ở trình độ thấp. Nhưng trước hết chúng ta cần hiểu những khái niệm căn bản, như đảng là gì và chức năng của các đảng phái trong xã hội?
* * *
Kỳ 12
TẠI SAO PHẢI CÓ ĐẢNG PHÁI?
Hẳn là tất cả chúng ta – những người dân Việt Nam – đều từng nghe lập luận này ít nhất một lần trong đời: “Đảng nào thì cũng chỉ vì quyền lợi của đảng ấy thôi chứ lo gì cho dân, cho nên đa đảng thì chỉ tổ các đảng đấu đá, tranh giành quyền lực, làm loạn xã hội. Thà một đảng (ý nói là Đảng Cộng sản Việt Nam) mà chăm lo cho dân còn hơn”.
Không cần thông minh lắm thì chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi vặn lại: “Đa đảng, có cơ chế cạnh tranh, mà đảng nào cũng chỉ lo quyền lợi của mình. Thế thì làm thế nào mà một đảng, lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, không phải cạnh tranh với ai, lại chăm lo cho dân được? Làm cách nào?”.
Tuy nhiên, bỏ qua cách lập luận phi logic của những người ủng hộ “độc đảng”, thì cũng có thể thấy rằng những người đưa ra lý lẽ như vậy không hiểu đảng nghĩa là gì.
Đảng là gì?
Đố bạn biết đây là cờ của đảng nào?
(Xem chú thích ở dưới)
Một đảng chính trị được định nghĩa là một tổ chức bao gồm những cá nhân cùng nhất trí, chia sẻ với nhau những nguyên tắc, đường lối chính trị nào đó (có người gọi là “cương lĩnh”, “ý thức hệ”…) và họ cùng nhau hoạt động chính trị (xem Kỳ 3, “Tham gia chính trị là làm gì”) với mục đích nắm chính quyền và cai quản xã hội theo đường lối đó của họ.
Xin nhấn mạnh là mục đích của đảng phái là “hoạt động chính trị để tiến tới nắm chính quyền và cai quản xã hội theo đường lối của họ”. Đây chính là điểm làm nên sự khác biệt giữa đảng phái và tổ chức xã hội dân sự – lực lượng mà chính quyền, an ninh và dư luận viên ở Việt Nam hiện nay đang rất ghét vì cho là “phản động đội lốt”. Từ định nghĩa này, các bạn có thể thấy: Tổ chức dân sự có thể tham gia chính trị, tiến hành các phong trào xã hội (như Occupy Central chẳng hạn), các chiến dịch vận động (như vận động cho nhân quyền Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc), v.v. nhưng chừng nào họ không có mục đích nắm chính quyền, chừng đó họ vẫn không phải là đảng phái.
Chỉ khi nào một tổ chức, ví dụ như Hội Anh Em Dân Chủ, Phong trào Liên đới Dân Oan… theo đuổi việc giành chỗ đứng trong chính quyền, kiểm soát chính quyền, họ mới trở thành đảng phái chính trị.
Bởi vậy cho nên, nếu một đảng, ví dụ Việt Tân, nói với bạn rằng họ không có mục đích giành ngôi vị lãnh đạo đất nước, thì bạn đừng tin, vì nếu như thế họ không còn là đảng nữa. Đã là đảng, phải tham gia chính trị nhằm kiểm soát cương vị lãnh đạo, điều hành nhà nước. Họ có thể chấp nhận chia sẻ hoặc không chia sẻ quyền lãnh đạo đó với đảng khác, nhưng việc giành quyền lực chính trị luôn phải là mục đích tối hậu của mọi đảng phái.
Cũng bởi vậy, nên khi Điều 4 Hiến pháp Việt Nam quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam (…) là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”, thì mặc dù không nói trắng ra là cấm đa đảng, nhưng Điều 4 này đã nhẹ nhàng và nghiêm khắc loại bỏ sự tồn tại của tất cả các đảng khác rồi. Bởi vì chẳng có đảng nào lại không hoạt động để giành quyền lãnh đạo cả.
Thế nếu như đảng nào cũng được thành lập và vận hành nhằm theo đuổi quyền kiểm soát đất nước, thì có đúng là họ chỉ vì quyền lợi của họ mà không vì quyền lợi của dân không? SAI. Các đảng phái chính trị vốn đã ra đời từ hàng trăm năm về trước trong các xã hội tương đối tiến bộ so với thế giới lúc đó, và chúng vẫn tồn tại đến bây giờ ở đại đa số các nước trên thế giới (kể cả Trung Quốc – nước này cũng theo chế độ đa đảng dù chỉ là hình thức); điều đó ắt hẳn phải có lý do của nó.
Bà Janet Q. Nguyễn (SN 1976 tại Sài Gòn), người Mỹ gốc Việt, đảng Cộng hòa, đang tranh cử làm thượng nghị sĩ của bang California.
Đảng làm được gì?
Các nhà nghiên cứu khoa học chính trị trên thế giới cho rằng đảng phái có nhiều chức năng:
Chức năng đầu tiên là cung cấp nhân sự lãnh đạo cho bộ máy chính quyền (thông qua cơ chế bầu cử và/hoặc chỉ định). Nói cách khác, đảng là tổ chức sản sinh ra các chính trị gia. Một trong các chức năng của một đảng chính trị là tuyển lựa/ chiêu mộ và đề cử người cho vị trí lãnh đạo các cơ quan cấp cao của nhà nước.
Bạn sẽ hỏi: Vậy các cá nhân có thể tự ứng cử vào vị trí lãnh đạo mà không cần thông qua đảng phái nào, ví dụ một bác sĩ giỏi có thể tự ứng cử vào ghế Bộ trưởng Y tế không? Câu trả lời: Tất nhiên là có, nhưng – như trong bài “Tham gia chính trị là làm gì” đã nói, thường thì bạn nên có tổ chức. Vì lý do đơn giản là bạn không thể tự mình làm hết mọi việc được; chuyện này lại liên quan đến một khái niệm của ngành kinh tế học, là “chi phí cơ hội”.
Nếu bạn vừa phải làm chuyên môn (y tế), vừa lo vận động tài chính, gây quỹ để làm truyền thông, quảng bá mình, vừa tiếp xúc cử tri để lấy lòng họ, lại vừa phải lo cả khoản hình ảnh (trang điểm, phục sức khi xuất hiện trước công chúng v.v.), thì cứ cho là bạn giỏi tất cả mọi việc, bạn cũng sẽ mất rất nhiều chi phí, trong đó có chi phí cơ hội. Chính vì vậy, bạn cần có tổ chức, với các nhân sự chuyên vào các công việc khác nhau, cụ thể là vào công việc mà chi phí cơ hội của họ là thấp nhất: Bạn sẽ có người của đảng lo hộ bạn khâu gây quỹ, người khác lo việc xây dựng hình ảnh cho bạn, người khác nữa làm cố vấn về chuyên môn và chính sách, v.v.
(Cũng cần nói rõ là ở Việt Nam, theo luật pháp Việt Nam, công dân không có quyền ứng cử vào cơ quan hành pháp. Nghĩa là dù bạn có là một bác sĩ vừa giỏi chuyên môn, vừa có năng lực tổ chức và quản lý, bạn cũng không thể tự ứng cử vào chức Bộ trưởng Y tế. Bạn phải được Thủ tướng (là đảng viên Cộng sản) đề cử và được Quốc hội (với 95% thành viên là đảng viên Cộng sản, 5% là đội ngũ dự bị của Đảng Cộng sản) phê chuẩn).
Chức năng thứ hai của đảng phái là cung cấp các giải pháp chính sách. Như đã nói ở trên, các đảng đều có đường lối, cương lĩnh chính trị riêng, và đó là nền tảng để họ ban hành chính sách công. Về điểm này, có thể ví chính trị như một thị trường, mà mỗi đảng phái là một công ty cung ứng sản phẩm, sản phẩm đó là các giải pháp để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vậy.
Bên cạnh việc đưa các giải pháp chính sách ra “chào mời”, các đảng phái cũng có chức năng phản biện chính sách, nhất là đảng đối lập. Và, bạn thấy đấy, đó cũng là lý do tại sao phải đa đảng: Thị trường mà chỉ có một nhà cung cấp thì chắc chắn chất lượng sản phẩm và dịch vụ của nhà cung cấp ấy chẳng ra gì, không sớm thì muộn.
Xin nhấn mạnh chức năng phản biện chính sách này của các đảng phái: Đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, đây là điều bắt buộc phải có. Đảng Cộng sản Việt Nam, với tư cách đảng cầm quyền duy nhất, đã và đang sở hữu quá thừa đội ngũ cố vấn chuyên về minh họa chính sách, giải thích đường lối, chủ trương của đảng và nhà nước cho người dân, mà không có được lực lượng phản biện chính sách chuyên nghiệp - các đảng đối lập.
Chức năng thứ ba của đảng phái là làm cầu nối giữa chính quyền và người dân, mà nói đúng hơn là các nhóm dân khác nhau. Diễn đạt cách khác, đảng phái chính là một cơ chế để thông qua đó, người dân lên tiếng. Trong chế độ đa đảng, tồn tại nhiều đảng đối lập, công chúng dễ dàng có tiếng nói hơn nhiều. Ít nhất, ta cũng có thể thể hiện nhu cầu và nguyện vọng bằng cách bầu cho một đảng có đường lối, chính sách đúng ý mình, và không bầu cho đảng có đường lối, chính sách trái ý mình.
Vân vân. Đảng phái chính trị còn nhiều chức năng nữa, mà chúng ta – những người chưa bao giờ sống trong chế độ dân chủ đa đảng – chưa biết và sẽ cần tìm hiểu thêm, nếu quan tâm. Nhưng từ định nghĩa và một số chức năng nói trên của một đảng phái, chúng ta có thể chắc chắn một điều, rằng:
Đa đảng không đảm bảo dân chủ. Nhưng một đảng thì chắc chắn là độc tài.
hiện chưa được đăng ký chính thức làm đảng,
vì lý do tên gọi không nghiêm túc.
Khi nào đa đảng không đảm bảo dân chủ?
Những nhà nghiên cứu khoa học chính trị trên thế giới cũng cho rằng, tồn tại những thể chế đa đảng mà phi dân chủ hoặc kém dân chủ, như:
- Hệ thống đa đảng, song tất cả các đảng đều phải chịu sự lãnh đạo, quản lý của đảng cầm quyền, như trường hợp Trung Quốc: Một chế độ đa đảng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng phái nhỏ trong một mặt trận thống nhất.
- Hệ thống đa đảng, song đảng cầm quyền liên tục thắng cử, giành hết mọi lợi thế để tiếp tục tạo đà… thắng cử tiếp, đẩy các đảng khác vào thế đã yếu ngày càng yếu hơn. Những tiếng nói đối lập bị o ép nhiều bề, bị trấn áp thông qua nhiều hình thức tinh vi. Đó là trường hợp của Singapore với Đảng Nhân dân Hành động (PAP).
Lại có một loại thể chế, loại chế độ mà bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bảo là “dân chủ gấp vạn lần tư bản”, nhưng vì nó chỉ có một đảng mà suốt hàng chục năm qua không phải chịu sự cạnh tranh hay chí ít là phản biện nào, nên người viết bài này không biết làm cách nào mà nó dân chủ được. Nếu không tin, đố bạn – không phải là đảng viên cộng sản – tham gia vào chính trường trong cái thể chế đó đấy! Chưa kể, trong hệ thống chính trị ấy, nếu bạn thành lập và/hoặc tham gia một đảng nào khác ngoài Đảng Cộng sản, bạn đối mặt với nguy cơ tù tội rất cao (vi phạm Điều 79 Bộ luật Hình sự, “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, hoặc tội khủng bố, thậm chí phản quốc, v.v.).
Ở Việt Nam, hoạt động đảng phái dẫn đến tù tội. Đó là một thực tế. Dù vậy, trên lý thuyết, vẫn phải khẳng định sự cần thiết của các đảng phái chính trị trong mọi xã hội.
-----
Chú thích:
Lá cờ vàng có ngôi sao đỏ ở trên là cờ của đảng Dân chủ thời Việt Nam Cộng hòa. Đảng này do ông Nguyễn Văn Thiệu thành lập tại Sài Gòn năm 1967 và giải tán năm 1969.
Kỳ sau: Kể chuyện xã hội dân sự
***
Góp ý cho bài: - Tại sao phải có đảng phái?
- Cám ơn tác giả Đoan Trang và xin bổ túc thêm với bạn về đảng Việt Tân
Trần Diệu Chân
Trước hết, tôi rất hoan hô nỗ lực của tác giả Đoan Trang để đánh tan mặc cảm, định kiến hay thành kiến về “chính trị” trong cộng đồng dân tộc chúng ta - từ trong nước cho tới hải ngoại - với những hệ quả khôn lường là guồng máy chính trị của đất nước tiếp tục bị một thiểu số thống trị, độc tài thao túng. Cám ơn chị đã bỏ thì giờ và công sức để làm công việc bổ ích này.
Mới đây, tôi được đọc bài thứ 12 trong loạt bài của chị với chủ đề “Tại sao phải có đảng phái”. Tôi đồng ý với chị về mọi điều đã được trình bày, trừ một điểm, đó là ví dụ về đảng Việt Tân trong đoạn:
“Bởi vậy cho nên, nếu một đảng, ví dụ Việt Tân, nói với bạn rằng họ không có mục đích giành ngôi vị lãnh đạo đất nước, thì bạn đừng tin, vì nếu như thế họ không còn là đảng nữa. Đã là đảng, phải tham gia chính trị nhằm kiểm soát cương vị lãnh đạo, điều hành nhà nước. Họ có thể chấp nhận chia sẻ hoặc không chia sẻ quyền lãnh đạo đó với đảng khác, nhưng việc giành quyền lực chính trị luôn phải là mục đích tối hậu của mọi đảng phái.”
Là một đảng viên Việt Tân, tôi xin được thưa chuyện cùng chị và quý vị như sau.
Việt Tân chưa hề tuyên bố “không có mục đích lãnh đạo đất nước”. Câu tuyên bố chính thức của Việt Tân là “Đảng Việt Tân không chủ trương nắm chính quyền bằng mọi giá”. Một đảng phái mà phải cương quyết “giành ngôi vị lãnh đạo đất nước bằng mọi giá”, chắc chắn họ sẽ không từ nan bất cứ một hành động tệ mạt nào như bán nước, thông đồng với ngoại bang, làm tay sai cho giặc, giết hại dân lành, bắn giết đối thủ ... tất cả những điều mà chúng ta thấy đảng Cộng sản Việt Nam đã làm trong suốt mấy thập niên qua.
Thêm nữa đảng Việt Tân cũng “không chỉ” có một mục tiêu lãnh đạo đất nước.
Đảng Việt Tân cho rằng: “Trong một nền dân chủ đích thực, dù ở trong hay ngoài chính quyền, các đảng phái hay các cá nhân hoạt động chính trị đều có thể đóng góp cho quốc gia dân tộc, qua những cơ chế và sinh hoạt của một xã hội công dân.” (viettan.org)
Trong thời điểm hiện tại, Việt Tân có hai mục tiêu quan trọng: a/Chấm dứt độc tài; và b/Canh Tân đất nước. Đây là hai mục tiêu mà đảng Việt Tân đã theo đuổi trên 3 thập niên qua. Điều kiện để canh tân đất nước sẽ dễ hơn, hữu hiệu hơn sau khi chế độ độc tài hiện nay không còn nữa, nhưng việc canh tân con người – tư duy, nhân cách, hành xử - đều có thể bắt đầu ngay từ bây giờ. Mục tiêu canh tân tuy là mục tiêu dài hạn để luôn luôn đổi mới, cập nhật, cải thiện con người và đất nước, nhưng canh tân cũng đóng góp quan trọng vào giai đoạn chấm dứt độc tài; thí dụ ý thức đúng đắn về chính trị sẽ giúp gia tăng nỗ lực chấm dứt độc tài và thiết lập nền dân chủ.
Sau khi độc tài cáo chung, Việt Tân sẽ ra tranh cử cùng với các đảng phái khác trong một thể chế đa nguyên. Nếu được quốc dân tín nhiệm, đảng Việt Tân sẽ lãnh đạo đất nước và coi đó là một vinh dự cũng như một trọng trách, một cơ hội để cùng toàn dân và các đảng phái khác xây dựng lại đất nước. Nếu thất cử, đảng Việt Tân sẽ vẫn cùng toàn dân và các đảng phái khác xây dựng đất nước, nhất là thực hiện mục tiêu lâu dài của Việt Tân, đó là Canh Tân, chỉ khác là ở vai trò lãnh đạo quốc gia, Việt Tân có thể thực hiện được các chính sách và chủ trương của mình một cách rốt ráo hơn mà thôi.
Tóm lại, Việt Tân không chủ trương như tác giả Đoan Trang viết “Việc giành quyền lực chính trị luôn phải là mục đích tối hậu của mọi đảng phái.” Mục tiêu tối hậu của đảng Việt Tân là “đem lại tự do, no ấm, an lành, hạnh phúc cho dân tộc”. Trong hơn 30 năm qua, các đảng viên Việt Tân đã hãnh diện được góp phần nhỏ bé của mình trong đại cuộc chung của dân tộc, được cùng đồng hành với đồng bào để xây dựng ước mơ chung, và chưa bao giờ ước mơ ấy là chiếc ghế quyền lực tại Hà Nội. Tôi tin là nhiều đảng phái Việt Nam cũng chia sẻ lý tưởng phục vụ này. Với cái tâm phục vụ trong sáng, quyền lực chỉ là phương tiện chứ không phải là mục tiêu hay cứu cánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét