Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Cưỡi Lên Sấm Sét


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Cưỡi Lên Sấm Sét


Việt Báo Xuân Giáp Ngọ 2014

Một bút ký chiến trường đầy nhân bản



* Bìa sách Ride the Thunder của Richard Botkin *



Trong năm Giáp Ngọ, chúng ta sẽ được xem một cuốn phim hiếm hoi về cuộc chiến Việt Nam trong đó vai trò oai hùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà được mô tả với sự trung thực. Tác phẩm điện ảnh này dựa trên những dữ kiện thật, được trình bày trong cuốn "Ride the Thunder – A Vietnam War Story of Honor and Triumph" của Richard Botkin. Chủ biên Nguyễn-Xuân Nghĩa của Giai phẩm Xuân Việt Báo đã hàn huyên cùng tác giả và ghi lại như sau...



Richard Botkin là người ăn chay.

Vào hoàn cảnh khác, chúng ta có thể gặp ông sau một bàn giấy đồ xộ của tổ hợp tài chánh Morgan Stanley với tấm bảng đồng ngoài cửa chỉ rõ chức vụ là Senior Vice President. Phụ trách phân bộ Quản trị Tài sản trong một tập đoàn đang khai thác gần 400 tỷ Mỹ kim tại hơn bốn chục quốc gia qua cả ngàn văn phòng hoạt động trên toàn cầu, ông là một nhà cố vấn tài chánh mà giới có tiền đầu tư rất nên gặp.

Văn phòng của ông nằm tại miền Bắc, gần thủ phủ Sacramento của California, mà chúng tôi gặp ông ở miền Nam California, và không để nói về đầu tư tài chánh. Đúng hơn, để nói về một dịch vụ đầu tư khác.

Richard Botkin đã từng là sĩ quan Thủy quân Lục chiến, như ta có thể thấy từ cái áo thung màu đỏ mang phù hiệu của binh chủng. Sau nhiều năm trong quân ngũ, ông tiếp tục là sĩ quan trừ bị, tổng cộng 15 năm. Như nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ, sau khi dâng hiến tuổi thanh niên cho Tổ Quốc, từ năm 1995, ông bước qua một ngành hoạt động khác và rất thành công.

Nhưng sau đó, ông đầu tư thêm công sức vào một việc khác thường.

Richard Botkin dành năm năm tìm hiểu, thu thập tài liệu để viết lại một giai đoạn của một cuộc chiến mà ông không tham dự vì còn quá trẻ, cuộc chiến tại Việt Nam.

Người viết này giật mình nghĩ lại về một chủ điểm chiếm 14 chương trong cuốn sách 42 chương.

Thời đó, Hoa Kỳ chuẩn bị triệt thoái theo chủ trương "Việt hoá cuộc chiến". Cuộc tấn công rất quy mô của quân đội Cộng sản Bắc Việt vào đầu năm 1972 được họ gọi là "Chiến dịch Nguyễn Huệ" và nhắm vào ba bốn vùng lãnh thổ của miền Nam. Phía Hoa Kỳ gọi là "Eastern Offensive" – "cuộc Tấn công mùa Phục sinh". Bị tấn công gần như bốn bề, phía Việt Nam Cộng Hoà lại không có tên chính thức!

May là nhờ Phan Nhật Nam mà ký ức của chúng ta được ghi đậm nét với "Mùa Hè Đỏ Lửa". Sau đó là những chiến công tại Quảng Trị, Bình Long, An Lộc... để miền Nam còn tồn tại qua một năm có tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ.



Tác giả Richard Botkin cùng chủ biên Nguyễn-Xuân Nghĩa


Câu chuyện khởi đầu như vậy. Nhìn người khách phong phanh với chiếc áo thung đỏ khi trời đã trở lạnh, chúng tôi có sự tò mò của nhà báo:

Lý do nào khiến ông mất năm năm đi làm chuyện viết sách? Trả lại sự thật cho lịch sử, thế thôi! Ông có gặp trở ngại nào trong việc tìm kiếm và thu thập tài liệu về một giai đoạn mà nhiều người Mỹ muốn quên hay chăng? Thưa rằng ký ức của tập thể thật ra vẫn đầy ắp và những người trong cuộc đều không quên được. Thư khố của quân đội Hoa Kỳ vẫn rộng mở. Vả lại, tâm lý thời nay đã khác xưa. Người ta muốn tìm về sự thật sau nhiều ghi nhận quá thiên lệch về cuộc chiến này.

Nhiều người Mỹ vẫn hiểu lầm mà tự hỏi vì sao mình lại "đánh" Việt Nam khi ngày nay thấy người Việt khắp nơi, kể cả và nhất là những người miền Bắc, vẫn có đầy thiện cảm với Hoa Kỳ! Họ không phân biệt được người dân là nạn nhân ở dưới và chế độ cai trị ở trên.

Với Richard Botkin, cái khó không phải là thu thập dữ kiện, kể cả đi tìm lại chiến trường xưa tại Vùng I, dù là điều ấy đòi hỏi khá nhiều thời giờ. Thách đố ở đây là ghi lại cho đời sau hiểu được tâm cảnh của những người trong cuộc về cuộc chiến đằng đẵng này, và nhất là về những gì xảy ra sau đó cho người bại trận....

Cho đến nay, cuốn sách đã được nhiều người Mỹ điểm lại với lời khen ngợi, kể cả một số tướng lãnh Hoa Kỳ từng là sĩ quan tác chiến tại Việt Nam. Người viết này thì chú ý đến phần kết của cuốn sách, rất lạc quan, có hậu.

Richard Botkin hoàn tất cuốn sách như một bút ký chiến trường dày hơn 600 trang, mỗi chương lại là một tiểu mục như trong một bản phân cảnh kỹ thuật của điện ảnh. Nét độc đáo của tác phẩm không chỉ là một kho dữ kiện khô khan về các khía cạnh quân sự mà là những hình ảnh đầy nhân bản của con người thật ở trong cuộc chiến. Con người thật ở đây là các chiến binh Hoa Kỳ và Việt Nam. Không chỉ là một kho tài liệu về chiến tranh, cuốn sách là một mô tả rất tỉ mỉ về đời sống trong thời chiến.

Với chiến binh Hoa Kỳ, chiến tranh khởi sự khi họ đặt chân lên lãnh thổ nghi ngút khói lửa và chấm dứt khi họ ra về. Ở giữa còn có nhiều chương trình nghỉ ngơi giải trí. Với người chiến binh Việt Nam, chiến tranh là đời sống, là thường trực, triền miên, không có hậu phương hay chiến tuyến. Mà cũng chẳng kết thúc vào năm 1975.

Vì vậy, viết về người lính chiến Việt Nam, Bút ký Chiến trường của Richard Botkin mở đầu với đám cưới của một sĩ quan Thủy quân Lục chiến Việt Nam Cộng Hoà. Ông Lê Bá Bình. Rất người, rất bình thường trong cả chuỗi phi thường tương phản với hoàn cảnh của một chiến binh Mỹ.

Trong câu chuyện, tất nhiên chúng tôi nói về chiến công của một Đại úy Thủy quân Lục chiến Mỹ là John Ripley. Ông len qua mưa đạn với mấy trăm ký thuốc nổ để phá cầu Đông Hà và chặn cơn thác lũ của Cộng quân đang tràn xuống. Nhờ cuốn sách, người đọc biết thêm về gia đình người hùng Ripley và truyền thống đáng kính của nhiều người Mỹ: bảo vệ tổ quốc là nhiệm vụ trên hết. Mà không chỉ có Ripley. Chúng ta có rất nhiều chân dung đã bị lãng quên.

Chiến công phá cầu Đông Hà vắt qua Cam Lộ đã đi vào quân sử Hoa Kỳ với mô hình ba chiều được dựng lại làm chủ đề huấn luyện Thủy quân Lục chiến. Tương tự như nhiều chiến tích khác của quân lực Hoa Kỳ, câu chuyện cây cầu cũng được viết lại thành sách, như trong cuốn "The Bridge at Dong Ha" của Đại tá John Grider Miller.  



Chiến công phá cầu Đông Hà vắt qua Cam Lộ đã đi vào quân sử Hoa Kỳ với mô hình ba chiều được dựng lại làm chủ đề huấn luyện Thủy quân Lục chiến Mỹ.



Cuốn Ride the Thunder còn có nội dung bao quát hơn vậy. Mà không chỉ có những tường thuật sống động về các đơn vị tác chiến của Việt Nam, hay về những người anh hùng như Thiếu tá Lê Bá Bình của Thủy quân Lục chiến. Chi tiết ấy khiến chúng tôi trở lại với Bat-Hai-Một (Bat-21), một chuyện xảy ra ngay từ những ngày đầu tiên của Mùa Hè Đỏ Lửa.

"Bat-21" là mật hiệu của một máy bay trinh sát mà cũng là câu chuyện về việc giải cứu một sĩ quan quân báo Mỹ bị rơi sau phòng tuyến địch. Việc giải cứu được coi như một chiến tích của Quân lực Mỹ, với sự góp sức của một biệt kích của Hải quân Việt Nam. Sau này ông là một trong hai người lính chiến Việt Nam được huy chương Navy Cross rất cao quý của Hải quân Mỹ. Một sĩ quan Không quân hồi hưu là William C. Anderson đã viết cuốn Bat*21, được dựng lại thành phim với các diễn viên khét tiếng là Gene Hackman và Danny Glover....

Trong Ride the Thunder, Richard Botkin nhẹ nhàng nêu vấn đề. Trong vụ này, vì nhu cầu giải cứu một sĩ quan Mỹ, lệnh tấn công bị hoãn mất mươi ngày khiến cả ngàn binh lính Việt Nam hy sinh. Rồi những người lính chiến đã hy sinh còn bị nhục mạ là thuộc về một quân đội hèn nhát của một chính quyền tham nhũng!

Ông không giấu được sự bất bình khi nhắc đến những sai lạc đó và muốn viết về một sự thật khác trong tinh thần bình đẳng giữa các chiến binh Mỹ-Việt, với sự tương kính dành cho người lính chiến Việt Nam. Với người lính Thủy quân Lục chiến Mỹ là Richard Botkin, Thủy quân Lục chiến Việt Nam là những ưu binh rất đáng kính trọng.

Trở lại động lực nguyên thủy để viết sách thì với nghề kinh doanh của ông, Richard Botkin không viết để kiếm tiền. Ông còn dùng một phần của số thu cho Injured Marine Semper Fi Fund, một cơ quan thiện nguyện giúp thương binh Thủy quân Lục chiến Mỹ cùng gia đình. Ông cũng kín đáo giúp cựu chiến binh Thủy quân Lục chiến Việt Nam.

"Cựu chiến binh chúng tôi có nhiều chương trình yểm trợ, kể cả giúp đỡ những người bị hội chứng chấn động tâm thần sau khi tác chiến về. Những người anh em của chúng tôi trong Quân lực Việt Nam thì chẳng có gì. Khi phải bó tay thua trận thì họ mất hết, tự do, gia đình, quê hương...."

Bây giờ thì Richard Botkin còn bỏ tiền túi cùng với bằng hữu sản xuất cuốn phim với hy vọng trình chiếu trong năm 2014. Dựa trên chuyện thật ở ngoài đời, cuốn phim sẽ đem lại cái nhìn công bình hơn về vai trò của các đơn vị tác chiến Cộng Hòa trong cuộc chiến. Cùng lúc đó, một số bằng hữu người Việt cũng đang phiên dịch tác phẩm này sang Việt ngữ cho người Việt.

Nhiều người có thói quen là ít xem truyện mà chỉ xem cuốn phim dựng lên từ cuốn truyện. Họ có thể nhìn toàn cuộc ở những góc cạnh bắt mắt mà thiếu chiều sâu. Chúng ta nên tránh điều ấy.

Vì vậy, ta nên tìm đọc Ride the Thunder và nhất là yêu cầu các thư viện ở địa phương của mình nên có cuốn sách để mọi người Mỹ đều có dịp đọc. Sau đó thì thưởng thức cuốn phim - và nhìn lại Quảng Trị với niềm tự hào.

Cuối phần hàn huyên về một cuộc chiến đã qua, chúng tôi đề cập tới chuyện hiện đại.

Tổ hợp Morgan Stanley có một kinh tế trưởng sau này là Chủ tịch phân bộ Á Châu, nay đã về hưu đi dạy học. Vì theo dõi những phân tích kinh tế và tài chánh của nhân vật này từ vài chục năm qua, chúng tôi hỏi thẳng Richard Botkin về vị đồng nghiệp trong Morgan Stanley. Câu trả lời là một cái lắc đầu rất mạnh!

Không chỉ đồng ý về nội dung Ride the Thunder, chúng tôi còn gật gù với nhau về cái nhìn của chuyên gia kinh tế này khi ông ta hết lời ngợi ca kinh tế Trung Quốc. Trật lấc cả!



***

Khi chuẩn bị một số báo Xuân, người viết có một cái thú đau thương là phải đọc nhiều sách. Đọc nhiều là cái thú, đau thương là khi có rất ít thời giờ. Với cuốn Ride the Thunder thì đây là một cái thú đau thương trong nghĩa đen. Đau thương vì kết cục mà ai cũng biết về cuộc chiến. Cái thú là khi thấy có người nhìn ra và viết lại về những trang sử anh hùng của người lính chiến.

Xin cám ơn Richard Botkin.


___________________

Trích từ trang 61 Xuân Việt Báo Giáp Ngọ - Hãy yêu cầu thư viện địa phương của mình có cuốn sách này để nhiều người Mỹ cùng đọc, và biết về nhiều sự thật bị lãng quên.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét