Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Tranh cử Ðịa Hạt 34 làm Little Saigon “hot, hot, hot”



Tranh cử Ðịa Hạt 34 làm Little Saigon “hot, hot, hot”
Saturday, September 27, 2014 3:55:01 PM  

Ðỗ Dzũng/Người Việt


WESTMINSTER, California (NV) - Không khí chính trị ở Little Saigon đang ngày càng “nóng” vì cuộc chạy đua vào chức thượng nghị sĩ Ðịa Hạt 34 của California giữa hai ứng cử viên Janet Nguyễn (Cộng Hòa) và Jose Solorio (Dân Chủ), trong cuộc bầu cử vào ngày 4 Tháng Mười Một tới đây.”




Bảng tranh cử của hai ứng cử viên Janet Nguyễn và Jose Solorio
tại góc đường Euclid và Hazard, Santa Ana.
(Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)



“Nóng” vì đây là cuộc bầu cử lịch sử ở Little Saigon, và xa hơn nữa là California và khắp Hoa Kỳ, vì có thể, lần đầu tiên, cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ có một vị dân cử tại Thượng Viện của tiểu bang lớn nhất nước Mỹ.

Lần này cũng có một sự kiện lịch sử trong việc vận động ở Little Saigon.

Ðó là, lần đầu tiên, một số người Việt Nam, thay vì quảng cáo mình bầu cho ai đó vì những thành tích gì đó, lại tuyên bố “không bầu cho ứng cử viên này” vì một số lý do nào đó.

Trên một số đài truyền hình địa phương, ông Phan Kỳ Nhơn, chủ tịch Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai, tuyên bố, “Tôi không bầu cho Janet Nguyễn vì cô ta làm hại đến uy tín của cộng đồng...”

Trong khi đó, cũng cùng với quảng cáo này, ông Phan Tấn Ngưu, cựu chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, tuyên bố, “Tôi không bầu cho Janet Nguyễn vì cô ta đã tranh giành tổ chức ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư năm 2010...”

Sau ông Ngưu là đến bà Trần Thanh Hiền, một nhân sĩ trong cộng đồng, nói, “Tôi không bầu cho Janet Nguyễn vì cô ta đưa Eric Lê xâm nhập cộng đồng...”

Ngoài ra, ba cá nhân này cũng lên một số đài phát thanh ở Little Saigon tuyên bố không bầu cho bà Janet Nguyễn với những lý do tương tự và khác nữa. Những quảng cáo này đều do nhóm “Small Business Owners and Taxpayers for Jose Solorio for Senate 2014” trả tiền. Ðây là nhóm vận động cho ứng cử viên Jose Solorio.

Phía ứng cử viên Janet Nguyễn cũng tung ra những quảng cáo phản bác các “cáo buộc” này và do nhóm vận động “Janet for Senate” trả tiền.

Cụ thể, trong quảng cáo trên các tờ báo địa phương ra ngày 27 Tháng Chín, “Janet for Senate” chạy dòng tít lớn: Ðây là hậu quả và sự thật việc làm của Jose Solorio. Bên dưới liệt kê một loạt “việc làm” mà phía Janet cho là làm hại đến cộng đồng Việt Nam. Và hiển nhiên, trang quảng cáo này kèm luôn hình của ba vị, Phan Kỳ Nhơn, Trần Thanh Hiền, Phan Tấn Ngưu.

Ngoài ra, Luật Sư Andrew Ðỗ, chánh văn phòng Giám Sát Viên Janet Nguyễn, cũng mở một cuộc họp báo hôm Thứ Bảy, 20 Tháng Chín, để phản bác các “cáo buộc” của ba cá nhân nêu trên. Cuộc họp báo gây xôn xao dư luận khi đã có ngôn ngữ và lời lẽ nặng nề - một số người cho là khiếm nhã - mà ông Andrew dành cho một cử tọa, là ông Nguyễn Tấn Lạc.


Ðánh phá?


Chuyện ba người Việt Nam lên truyền hình nói “không bầu” cho ứng cử viên Việt Nam đang tranh cử với một ứng cử viên gốc Hispanic bị một số đồng hương phản đối, cho là “đánh phá” cộng đồng.

Bà Ngọc Tuyết, cư dân Santa Ana, nói với nhật báo Người Việt rằng, “Tôi rất hãnh diện thấy cộng đồng Việt Nam có một người ra tranh cử. Tôi thấy đánh phá này là sai lầm, có thể phe phái, hoặc có chuyện gì sau lưng.”

Bà Nguyễn Thanh Hà, một cư dân khác của Santa Ana, cũng đồng quan điểm với bà Ngọc Tuyết.

“Nên ủng hộ, nên đoàn kết, không nên đánh phá nhau,” bà Hà nói với nhật báo Người Việt. “Người Nhật luôn đoàn kết, không đánh phá, không bôi xấu nhau.”

Ông Phan Thanh Châu, bí thư Ðảng Vụ Trung Ương Việt Nam Quốc Dân Ðảng, nhận xét, “Họ làm như vậy, nói cho cùng, mọi người thấy hết. Cái này nó rõ ràng lắm. Làm như vậy là không nên, khi không có bằng chứng bà Janet Nguyễn thân Cộng. Tôi không nghĩ gặp một người nào đó là thân Cộng.” Ông Châu đưa ví dụ.

“Trường hợp ông Vũ Quang Ninh bây giờ đã chìm vào quên lãng, mặc dù ông có tiếp tổng lãnh sự Việt Cộng. Chẳng lẽ tiếp xong rồi mới biết người đó là ai? Người ta có câu: 'Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét thì bồ hòn cũng méo.'”

Ông chia sẻ thêm, “Rõ ràng, khi có cảm tình của nhiều người sự việc cũng khác. Nói tóm lại, người Việt mình tại sao không hỗ trợ người Việt?”


“Chú Nhơn, chú Ngưu, cô Hiền làm là đúng.”


Dù bị một số người phản đối, ba nhân vật kể trên cũng được một số người ủng hộ.

Anh Ngô Thiện Ðức hiện là hội trưởng Hội Ðồng Hương Tây Ninh, kiêm trung tâm trưởng Trung Tâm Việt Ngữ Minh Ðức và là trưởng đoàn Ðại Ðạo Thanh Niên Hội Cao Ðài.

Anh nhận xét vấn đề này, với tư cách cá nhân, như sau: “Với tư cách thành viên trong cộng đồng, việc chú Nhơn, chú Ngưu và cô Hiền làm hoàn toàn đúng.”

Anh Ðức nói thêm, “Trong vụ tiền gây quỹ bão Sandy, một thành viên ban tổ chức có sơ sót, lấy tiền của hai chùa Bảo Quang và Liên Hoa đưa qua một tài khoản khác. Người này đã nhận lỗi, nói rằng, vì số tiền quá lớn, nên không dám giữ, phải chuyển vào tài khoản ngân hàng ngay. Nếu Hội Ðồng Liên Tôn có sơ sót trong vấn đề này, Giám Sát Viên Janet Nguyễn đáng lẽ phải tìm hiểu, giúp đỡ. Ðàng này, bà đưa sự việc qua biện lý cuộc, làm rối cộng đồng.”

“Chú Ngưu nói vụ giành tổ chức 30 Tháng Tư là đúng. Ðáng lẽ Giám Sát Viên Janet Nguyễn phải hiểu nhu cầu cộng đồng, tất cả cùng tổ chức thì hợp lý hơn, chứ nếu mình bà tổ chức thì không tròn ý nghĩa. Tôi ủng hộ tuyên bố của ba người này,” anh Ðức nói thêm.


Người Việt bầu cho người Việt?


Từ trước tới nay, các ứng cử viên gốc Việt thường kêu gọi “người Việt bầu cho người Việt.” Tại các cộng đồng sắc dân thiểu số khác, tình trạng cũng tương tự.

Trước đây, cựu Dân Biểu Trần Thái Văn có viết một bài tựa đề “Lá phiếu cộng đồng Việt Nam mùa bầu cử 2012,” đăng trên nhật báo Người Việt.

Ông Văn viết, “Tôi nhớ mãi một câu chuyện, nếu không muốn nói là bài học kinh nghiệm, qua một lời tâm sự đầy ý nghĩa gần 10 năm trước trong một buổi ăn cơm tối với ông Norman Mineta, lúc đó là bộ trưởng Bộ Giao Thông Hoa Kỳ, cùng với vài vị dân cử địa phương gốc Á Châu tại một khách sạn ở thủ đô Washington, DC.”

Theo ông Văn, ngồi chung quanh bàn ăn hình tròn, ông Mineta ví von sự cần thiết của cộng đồng Mỹ gốc Á Châu tham gia vào chính trị dòng chính tại Hoa Kỳ khi ông chia sẻ: “Ở Mỹ, cộng đồng chúng ta cần phải có ghế ngồi, ghế danh dự, tại bàn hội nghị hầu quyết định chính sách liên quan đến quyền lợi và ngân sách của người dân. Sự hiện diện của một đại diện người gốc Á Châu, dù vị này không cần phải nói gì, cũng sẽ có ảnh hưởng đến cung cách hành xử của các thành viên cùng ngồi trong bàn hội nghị. Bởi vậy, cộng đồng chúng ta cần phải có ghế ngồi tại các bàn tiệc chính sách như vậy. Vì nếu chúng ta không được mời như một thực khách danh dự để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng chúng ta, chúng ta sẽ trở thành 'thực đơn' trên bàn tiệc. Vấn đề ở đây là mình muốn làm thực khách hay là thực đơn để các thế lực khác tự do ‘xơi nuốt’ hết quyền lợi của chúng ta?”

“Nói một cách khác, và để áp dụng chân lý chính trị của ông Mineta, cộng đồng Việt Nam chúng ta cần phải có thật nhiều tiếng nói đích thực qua các vị đại diện của mình. Là một cộng đồng tương đối trẻ với số cử tri khiêm nhường, cộng đồng Việt Nam cần phải tiếp tục nỗ lực tham gia vào các cuộc bầu cử đông đảo hơn nữa. Nếu so sánh với sức mạnh lá phiếu và tài chánh từ các cộng đồng gốc Hispanic, gốc Phi Châu, hoặc gốc Do Thái, tiếng nói của người Mỹ gốc Việt có lớn hơn và vang hơn hay không, còn tùy thuộc vào con số và tỉ lệ tham gia của chúng ta vào những năm bầu cử,” Luật Sư Trần Thái Văn viết tiếp.

Anh Ngô Thiện Ðức lại nghĩ khác.

“Lúc nào mình cũng muốn bầu cho người Việt, nhưng Giám Sát Viên Janet Nguyễn không làm mạnh cộng đồng. Tôi từng ủng hộ bà, nhưng bây giờ thấy bà làm bất lợi cho cộng đồng,” anh Ðức nói với nhật báo Người Việt. “Không bỏ phiếu cho Giám Sát Viên Janet Nguyễn không có nghĩa là tẩy chay tất cả ứng cử viên gốc Việt.”


Một lá phiếu chỉ bầu được một người


Mặc dù tuyên bố không bầu cho Giám Sát Viên Janet Nguyễn, ông Phan Kỳ Nhơn, ông Phan Tấn Ngưu, và bà Trần Thanh Hiền luôn khẳng định “chưa bao giờ kêu gọi mọi người bỏ phiếu cho ông Jose Solorio.”

Trên một chương trình phát thanh trên làn sóng 1480 AM ở vùng Little Saigon tối Chủ Nhật, 21 Tháng Chín, có sự hiện diện của cả ba người, bà Hiền khẳng định: “Chúng tôi không kêu gọi bỏ phiếu cho ông Solorio. Chúng tôi chỉ cho biết chúng tôi không bầu cho bà Janet Nguyễn. Là những người ngăn chặn sự xâm nhập của Cộng Sản vào cộng đồng, chúng tôi có bổn phận nói lên điều này.”

Ông Phan Thanh Châu không đồng ý.

Ông nói, “Ba người này có thể được Ðảng Dân Chủ vận động vì biết họ không ưa bà Janet Nguyễn. Không bầu cho người này tức là bầu cho người kia.”

Bà Ngọc Tuyết nhận xét: “Nói như vậy là nói với con nít, đánh phá trực tiếp. Không bỏ phiếu, tức là bỏ phiếu trống, tức là làm cho ông Solorio đắc cử, như vậy là bất lợi cho cộng đồng.”

Có một lần, trên chương trình “Mỗi tuần một vấn đề” của đài truyền hình Little Saigon TV 57.7, khi được ký giả Ðoàn Trọng đặt câu hỏi là nếu không bầu cho bà Janet Nguyễn thì có nghĩa là bầu cho ông Jose Solorio, vì cuộc tranh cử này chỉ có hai người.

Ông Phan Tấn Ngưu đáp, “Tôi rất tiếc phải nói ra điều này (không bầu cho bà Janet Nguyễn), nhưng như vậy không có nghĩa là bầu cho ông Jose Solorio.”

Nhưng khi được mời nói lời cuối trước khi kết thúc chương trình, ông Ngưu lại kêu gọi, “Tôi mong tất cả cử tri gốc Việt tham gia bỏ phiếu vào ngày 4 Tháng Mười Một.”


Tự do ngôn luận


Thực ra, trong mùa bầu cử, tất cả các bên đều có thể dùng bất cứ phương tiện gì để thắng cử, miễn là không vi phạm luật pháp, và các bên có thể tuyên bố cái gì có lợi cho mình.

Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, ủy viên Hội Ðồng Giáo Dục Garden Grove, một dân cử lâu năm ở Little Saigon, từng nhận xét trên chương trình “Mỗi tuần một vấn đề” về chuyện này như sau: “Các bên có quyền tung ra bất cứ điều gì, miễn có lợi cho họ, hoặc không có lợi cho đối thủ, đúng sai tính sau. Và những điều này có thể tạo ra ảnh hưởng.”

“Hơn nữa, tự do ngôn luận là một trong những quyền tối thượng được Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ. Các ứng cử viên, người vận động, có thể tự nguyện kiềm chế lời ăn tiếng nói, tùy theo mỗi người, cử tri là người quyết định,” Luật Sư Lân nói thêm.

Ông Nguyễn Tấn Lạc, cựu chủ tịch Cộng Ðồng Việt Nam Nam California, nói, “Ðó là quyền của người ta, nó như một hình thức tự do ngôn luận, là chuyện bình thường, không cấm được. Không muốn bầu cho ai, người ta có quyền nói ra, và muốn bầu cho ai, cũng có quyền nói ra, nhưng liệu có thay đổi kết quả hay không còn tùy.”

Dù đây là lần đầu tiên có quảng cáo “tôi không bầu” trong cộng đồng Việt Nam ở Little Saigon, ông Lạc cho rằng, “Không có gì đặc biệt, vì nó xảy ra, và như vậy không có nghĩa là không thể xảy ra.”

Bà Nguyễn Thanh Hà nhận xét, “Quyền nói là của họ, nhưng nói làm sao có lý. Người biết suy nghĩ không bao giờ nói 'không bầu' như vậy, để người ngoài không cười chê.”

“Tự do ngôn luận, nhưng đừng làm phương hại cộng đồng,” bà Ngọc Tuyết chia sẻ.

Liên lạc tác giả: DoDzung@nguoi-viet.com



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét