Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

TS Nguyễn Hưng Quốc - Khi một cây bút ra đi




TS Nguyễn Hưng Quốc - Khi một cây bút ra đi





image
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng 1970



Một người quen mất: Buồn. Khi người quen ấy lại là một nhà văn/nhà thơ, hơn nữa, một nhà văn/nhà thơ mình yêu thích: càng buồn hơn nữa. Cũng là người quen cả, nhưng với nhà văn/nhà thơ, qua tác phẩm của họ, bao giờ chúng ta cũng cảm thấy gần gũi hơn, thân mật hơn, do đó, việc ra đi của họ, dù muốn hay không, cũng làm chúng ta buồn rầu nhiều hơn.

Không những buồn rầu, tin tức về cái chết của một nhà văn/nhà thơ bao giờ cũng có vẻ gì như bất ngờ. Ngay cả khi chúng ta biết họ đã lớn tuổi hoặc bệnh hoạn lâu ngày, chúng ta vẫn cứ sửng sốt như thường. Lý do chính là vì một người cầm bút dường như không có tuổi. Đọc các tác phẩm của họ, dù chúng được viết lúc họ đã cao niên, chúng ta cũng thường có cảm giác như tâm hồn họ vẫn còn rất trẻ thơ. Để có thể chìm đắm miên man trong thế giới tưởng tượng. Để có thể rung lên những xúc động khẽ khàng và tinh tế trước một cái đẹp có khi rất nhẹ nhàng, thoáng qua trong cuộc sống.



image




Tác phẩm của họ, ở khía cạnh này, cũng chính là con người của họ. Tôi tiếp xúc khá nhiều với giới cầm bút. Nhiều người lớn tuổi hơn tôi, già giặn và uyên bác hơn hẳn tôi, vậy mà, nhiều lúc, tôi có cảm tưởng như họ là em tôi. Ở họ thỉnh thoảng có cái gì như hồn nhiên, như ngơ ngác, như yếu đuối. Trước, lúc tôi còn sống ở Paris, hầu như năm nào, vào đầu mùa thu, nhà văn Mai Thảo cũng tìm cách bay sang Paris, để, theo lời ông, ngắm lá vàng trên các đường phố. Những lúc ấy, tôi và ông hay đi loanh quanh cà phê cà pháo. Mỗi lần chia tay, thường ở một ga xe điện ngầm nào đó, bao giờ tôi cũng dặn dò ông hết chuyện này sang chuyện khác. Tôi biết ông rất giỏi tiếng Pháp. Tôi biết ông rất rành rẽ Paris. Thế nhưng, nhìn gương mặt ông, ánh mắt ông và dáng đi lênh khênh của ông, tôi lại sợ vu vơ là ông sẽ lạc. Nghĩ lại, tôi thấy cái sợ ấy thật buồn cười. Nhưng lần gặp lại sau, tôi lại có cảm giác y như vậy. Dưới mắt tôi, ông như một đứa em còn rất khờ khạo.




image



Với Nguyễn Xuân Hoàng, nhiều khi tôi cũng có cảm giác ấy. Anh lớn hơn tôi gần 20 tuổi. Lúc tôi còn là một đứa học trò trung học ngơ ngác và ngơ ngáo ở Đà Nẵng, anh đã là một thầy giáo và một nhà văn nổi tiếng ở Sài Gòn. Nhưng những lần gặp anh, ngồi lê la cà phê và chuyện trò với anh, tôi vẫn thấy ở anh có nét gì mơ mộng và hồn nhiên như một đứa trẻ.

Từ góc độ thuần tuý văn học, cuộc đời Nguyễn Xuân Hoàng có thể được xem là thành đạt: ở miền Nam, trước năm 1975, mới ngoài 30 tuổi, anh đã là tổng thư ký của Văn, tờ tạp chí văn học xuất sắc nhất hồi ấy; ra hải ngoại, anh lại tiếp tục làm chủ bút những tờ báo, từ thời sự đến văn học, nổi tiếng nhất của cộng đồng. Các cuốn sách của anh cũng được nhiều người khen ngợi. Nhưng anh lại rất khiêm tốn. Trong những lần trò chuyện, tôi chưa bao giờ bắt gặp ở anh một nét tự mãn nào cả. Lúc nào anh cũng than thở là chưa viết được như anh mong muốn. Có lần, sau khi khen Hoàng Ngọc-Tuấn và tôi, anh hạ giọng; “Nhìn bọn em, anh mới thấy thế hệ của bọn anh cái gì cũng lớt phớt, sách tiếng Pháp đọc được một chút, sách tiếng Anh đọc được một chút, chẳng có cái gì biết thật sâu cả.” Tôi không ngạc nhiên về lời khen của anh. Nhưng tôi ngạc nhiên về cách khen. Anh không nhất thiết phải tự hạ mình và thế hệ của mình xuống đến như vậy. Nhưng càng nói chuyện với Nguyễn Xuân Hoàng nhiều, tôi càng nhận ra đó là tính cách của anh. Anh không gồng mình. Thậm chí, nhiều lúc anh tự bêu xấu chính mình. Bởi vậy, bạn bè anh hay đùa là anh có tật hay than thở.




image
Nguyễn Mộng Giác, Trần Dạ Từ, Thảo Trường, Nguyễn-Xuân Hoàng



Bây giờ, Nguyễn Xuân Hoàng đã theo gót Nguyễn Mộng Giác, Thanh Tâm Tuyền và Mai Thảo đi vào cõi khác, nhiều người gọi là cõi vĩnh hằng. Cũng như với mấy người kia, nghe tin anh mất, tôi sửng sốt và buồn nhưng tôi lại không thấy hụt hẫng chút nào cả. Nhiều người hay nói đến những khoảng trống mênh mông để lại sau cái chết của những nhà văn hay nhà thơ lớn. Tôi không nghĩ vậy. Với tôi, cái chết của những cây bút lớn, ngay cả những người tôi ít nhiều quen biết, vẫn không gây nên một sự hụt hẫng nào cả. Lý do là, dù họ mất đi, tác phẩm của họ vẫn còn lại, hơn nữa, còn gần gũi hơn vì chúng không bị ngăn cách bởi tác giả nữa. Trước, đọc sách, có khi chúng ta nghĩ đến con người đã sáng tạo nên những cuốn sách ấy. Sau, chúng ta chỉ thấy sách, chỉ thì thầm tâm sự với sách. Chúng ta được giải phóng khỏi tác giả để được tự do thong dong với chữ nghĩa.




image



Chính vì vậy, nghe tin Nguyễn Xuân Hoàng mất, tôi với tay lên kệ, lấy tập truyện ngắn Căn nhà ngói đỏ của anh để đọc lại. Đó là cuốn sách tôi thích nhất của anh. Trong đó có nhiều truyện ngắn thật hay. Tôi tin truyện “Tự truyện một người vô tích sự” của anh là một trong những truyện ngắn hay nhất trong nền văn  học Việt Nam ở hải ngoại từ sau năm 1975. Hay ở kỹ thuật. Hay ở văn phong. Truyện đầy ắp chi tiết, như một cuốn tiểu thuyết được nén lại.

Với những truyện như thế, tôi nghĩ anh không mất. Tôi tin là chỉ có trong lãnh vực văn học nghệ thuật mới có những người mang kích thước bao trùm cả ba chiều thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Với quá khứ, họ tạo ra được cả một thời đại để chúng ta có thể nhận diện được “những người muôn năm cũ”. Với hiện tại, họ là cả một thế giới mênh mông để chúng ta tha hồ ngao du. Và với tương lai, họ là một tinh tú lúc nào cũng bí ẩn và đầy thách đố để chúng ta phải không ngừng thám hiểm. Hiện diện trong ba chiều như vậy, các nhà văn và nhà thơ lớn vừa ở sau để làm di sản cho chúng ta, vừa là bạn đồng hành của chúng ta đồng thời cũng là những kẻ đứng trước, đâu đó, chờ đợi chúng ta: chúng ta gặp họ trong từng bước chân. Đến lúc chúng ta biến mất, họ vẫn còn.




image


Tôi không muốn gọi Nguyễn Xuân Hoàng là nhà văn lớn. Nhưng tôi tin một số truyện của anh, đặc biệt là truyện ngắn, sẽ còn được đọc và đọc lại. Lâu dài.


Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc

Theo Bảo Mai


***

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng qua đời



SAN JOSE (NV) - Nhà văn, nhà báo, nhà giáo Nguyễn Xuân Hoàng, sinh năm 1940, tại Nha Trang, Khánh Hòa, vừa qua đời tại San José, California, vào lúc 10:50 phút sáng Thứ Bảy, 13 Tháng Chín, 2014.




Di ảnh nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng.
(Hình: Blog Nguyễn Xuân Hoàng/VOA)



Bản tin của baocalitoday.com đưa tin cho biết, hiền thê của ông Nguyễn Xuân Hoàng, bà Trương Gia Vy, nói rằng chồng bà “ra đi rất thanh thản trước sự chứng kiến của gia đình,” gồm vợ, con trai, ba con gái cùng các cháu nội ngoại từ xa về kịp.

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng sinh ngày 7 Tháng Bảy, 1940 tại Nha Trang. Ông từng theo học các trường Võ Tánh (Nha Trang), Petrus Ký (Sài Gòn).

Ông theo học và tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm, Ban Triết, tại Ðại Học Sư Phạm Ðà Lạt, năm 1961. Sau đó ông giảng dạy bộ môn này tại các trung học Ngô Quyền (Biên Hòa) và Petrus Ký (Sài Gòn).

Trong thời gian 2 năm, từ 1972 đến 1974, ông đảm nhiệm vị trí Thư Ký Tòa Soạn tạp chí Văn tại Sài Gòn.

Ông sang Hoa Kỳ định cư từ năm 1985.

Năm 1986, ông làm Tổng Thư Ký nhật báo Người Việt tại Quận Cam, California và đảm nhiệm vị trí này trong hơn 10 năm.

Từ năm 1998 đến 2005, ông chuyển về định cư tại San José và đảm nhiệm vai trò Tổng Thư Ký cho ấn bản Việt Mercury, thuộc San Jose Mercury News.

Nguyễn Xuân Hoàng là nhà văn nổi tiếng từ rất sớm và có sức viết mạnh.

Theo tài liệu từ Wikipedia, các tác phẩm của ông gồm có:


Tập truyện ngắn:
  • Mù sương (1966)
  • Sinh nhật (1968)
Truyện dài:
  • Bụi và rác (1996)
  • Khu rừng hực lửa (1972)
  • Kẻ tà đạo (1973)
  • Người đi trên mây (1987)
  • Sa mạc (1989)
Các thể loại khác:
  • Ý nghĩ trên cỏ (tiểu luận, 1971)
  • Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu (tùy bút, 1974)
  • Căn nhà ngói đỏ (tạp ghi, 1989)

Hiện ông cùng gia đình chủ trương tuần báo Việt Tribune, phục vụ cộng đồng Việt Nam tại vùng San José.

Trong mấy năm cuối đời, ông cũng đảm nhiệm, không liên tục, một blog trên trang nhà của chương trình phát thanh VOA Việt ngữ.

Bản tin của baocalitoday.com dẫn lời bà Trương Gia Vy rằng nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng qua đời tại nhà Dưỡng Lão Mission De La Casa, San Jose, và lễ hỏa thiêu sẽ được thực hiện theo ý nguyện của người quá cố. (Ð.B.)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét