Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

Phan Lạc Tiếp - Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh



Phan Lạc Tiếp - Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh








LTS: Cách đây hơn một năm, nhân dịp nhà văn Phan Lạc Tiếp viếng thăm Úc Châu, Sàigòn Times đã hân hạnh giới thiệu cùng quý độc giả những bài ký rất cảm động của ông: "Ôi! Những Anh Hồn Bên Giòng Sông Cũ", "Cây Na", "Cây Khế Ngày Xưa"... Là một sĩ quan hải quân, có cuộc đời và tâm hồn gắn bó đặc biệt với hải quân Việt Nam, đồng thời lại là một nhà văn có óc quan sát tinh tế, làm việc một cách khoa học và chu đáo, nên những bài viết, nhất là những bài về hải quân Việt Nam, của nhà văn Phan Lạc Tiếp đều có giá trị của sử liệu, đồng thời cũng tạo nên những rung động sâu xa trong tâm hồn người đọc. Tuần rồi, SGT lại vô cùng hân hạnh được nhà văn Phan Lạc Tiếp ưu ái gửi cho bài viết nhan đề "Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh", trong đó ông đã mô tả một cách trung thực và linh động hình ảnh tướng Hoàng Cơ Minh qua các giai đoạn đầy biến động của lịch sử chiến tranh Việt Nam, mà ở bất cứ giai đoạn nào, tướng HCM cũng là "một vị chỉ huy mẫu mực, một vị tướng can trường, một tấm gương thanh liêm và trong sáng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà".

Sau đây, bài viết trong sáng, khách quan, có giá trị sử liệu của nhà văn Phan Lạc Tiếp sẽ khiến chúng ta thêm kính phục tướng Hoàng Cơ Minh, và cũng giúp chúng ta hiểu rõ thêm: Vì sao sau 1975, tướng Hoàng Cơ Minh đã thản nhiên gạt bỏ tất cả mọi sung sướng vật chất, hạnh phúc gia đình, thuỷ chung một lòng một dạ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho lý tưởng quang phục quê hương; Và vì sao, sau khi ông đã hy sinh cách đây hơn 16 năm, những chiến hữu của ông trên khắp thế giới, vẫn tiếp tục bền bỉ đi tiếp con đường đấu tranh chống CS mà ông đã chọn... Sàigòn Times chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái của nhà văn Phan Lạc Tiếp, và xin trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả bài viết mới nhất của ông.
* * *
Khi tôi ra trường đầu thập niên 60, tổng số sĩ quan trong Hải Quân chưa đến 300 người. Quân số tất cả Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan và Đoàn Viên của Hải Quân vào khoảng 4000 người mà thôi. Do đó hầu như chúng tôi biết tên, biết tuổi và tính tình của tất cả những vị sĩ quan đàn anh. Cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân số của tất cả Hải Quân trên 40 ngàn, trong đó sĩ quan có đến mấy ngàn. Riêng cấp tướng có 10 vị đang tại chức và 1 vị đã về hưu vì đáo hạn tuổi. Trong những sĩ quan cấp tướng này có thể chia ra làm 2 loại. Thứ nhất là những vị sĩ quan xuất thân khoá 1 Nha Trang do Pháp huấn luyện trên Hạm Đội Viễn Đông (Division Navale D Extreme Orient), với thâm niên quân vụ và chức vụ, nên ưu tiên lên tướng trước với cấp bậc 2 sao, 3 sao. Thứ hai là những vị tướng mới lên sau này, 1 sao, khi cuộc chiến ở giai đoạn cam go và Hải Quân bành trướng mau lẹ, bao gồm những sĩ quan xuất thân khoá 1 trường Sĩ Quan Hải Quân Brest, do Pháp huấn luyện; khóa 2, khoá 3, khoá 4 và khoá 5 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Ông Hoàng cơ Minh xuất thân khoá 5, lên tướng, là người độc nhất trong khoá ông được vinh dự này. Đa số những sĩ quan khoá 5 mang cấp bậc đại tá, có người còn đeo trung tá. Như lời Đại Tá Nguyễn văn May cùng khoá với ông, nhận định rằng: "Trừ lon Trung Uý là chúng tôi cùng lên chung, sau đó hầu như cấp bậc nào ông Minh cũng lên trước anh em bởi những công trạng đặc biệt. Ông Minh quả là người xuất sắc, hơn người".

Trong thời gian thụ huấn, là Sinh Viên Chuẩn Uý, chúng tôi nhìn những Sĩ Quan đàn anh đã ra trường bằng một tấm lòng khao khát và ngưỡng mộ. Nói chi đến vị Đại Uý Hạm Trưởng, ba vạch vàng trên vai và huy hiệu Hạm Trưởng gắn trên nắp áo. Các vị ấy cao xa quá, tài giỏi quá. Xung quanh các vị ấy là cả một vùng sương mù của huyền thoại. Ông này khó tính, chì sóng. Ông kia cặp cầu xuôi sóng mà êm như để. Ông khác tuy rất thâm niên nhưng không thích làm việc trên bờ, chỉ thích đi tàu... Lúc ấy Đại Uý Hoàng cơ Minh đang là Hạm Trưởng trục lôi hạm Bạch Đằng II, HQ 116. Chiến hạm tuy nhỏ nhưng mới tinh, trên ống khói có gắn một huy hiệu vẽ một mỹ nhân ngư cầm cái chổi (để quét mìn). Bên trên huy hiệu này là một chữ ƯU bằng đồng thau sáng loáng, chứng tỏ trong kỳ thanh tra thường niên vừa qua, chiến hạm đã đạt được điểm tối đa trên mọi lãnh vực: thi hành tốt các công tác đã được chỉ định; bảo trì toàn hảo tất cả các loại máy móc trên tàu; và tinh thần phục vụ của nhân viên rất cao.

Khi bước chân xuống thực tập trên trục lôi hạm này, chúng tôi thấy khác hẳn những chiến hạm khác. Vì hầu như nơi đâu trên tàu nếu không được sơn phết sáng trưng, đều được đánh đồng bóng lộn. Không có những chỗ hoen rỉ, vàng úa bọng sét. Vì chiến hạm này vỏ bằng gỗ, không rỉ sét, nhưng dễ vỡ. Vận chuyển phải thật khéo léo, tránh va chạm như loại tàu vỏ sắt. Kim loại dùng trên tàu này một phần là sắt, thép đã được khử từ, mà đa số cơ phận làm bằng đồng thau. Lý do đồng thau không bị hút bởi từ lực, tránh nguy hiểm cho chiến hạm đi gần loại mìn từ tính. Ngay trên sân chính là một mặt trống khổng lồ để phá mìn âm thanh. Bên cạnh đó là cả một cuộn giây cable đường kính có đến gần 10 phân, nằm chình ình trong trục quay. Đối với chúng tôi, những sinh viên chưa ra trường, quang cảnh ấy là cả những gì choáng ngợp, khó khăn. Tôi và mấy người bạn cùng khóa đứng nghiêm túc trên đài chỉ huy, quan sát và ghi chép mọi diễn tiến tại đây, chiêm ngưỡng vị Hạm Trưởng, Đại Uý Hoàng cơ Minh đứng điều khiển con tàu.

Còi nhiệm sở vận chuyển kéo lên. Thuỷ thủ đoàn quần xanh đậm, áo xanh xám nhạt, mặc áo phao màu đỏ, mau chóng chạy vào nhiệm sở. Lệnh Hạm Trưởng ban ra sắc, gọn, được nhắc lại và thi hành rất chính xác. Khi con tàu đã ở trên hải lộ, ngoan ngoãn hướng mũi ra cửa biển, Hạm Trưởng đứng một lúc, hướng mắt ra khơi. Ông trở lại ghế dành riêng cho Hạm Trưởng, thong thả châm một điếu Bastos, hít một hơi dài, thở khói mù mịt, rồi ra lệnh: "Giải tán nhiệm sở vận chuyển." Gió thổi bay giây hiệu kỳ chiến hạm lật phật. Một hồi còi dài ré lên. Nhưng tiếp theo ngay là hồi còi nhiệm sở của phiên hải hành. Vị sĩ quan trưởng phiên dơ tay chào Hạm Trưởng, biểu lộ sự sẵn sàng là sĩ quan đương phiên, đứng ngay cạnh la bàn điện, ra lệnh cho phòng lái. Đó là hình ảnh đầu tiên tôi có với niên trưởng Hoàng cơ Minh.

Sau này, khi đã ra trường, công tác và trách nhiệm đòi hỏi, đa số anh em cùng khoá chúng tôi là những ngươi đi tàu tốt. Nhiều người đã là Hạm Trưởng những chiến hạm lớn nhất của Hải Quân: khu trục hạm, tuần dương hạm. Trong trận hải chiến lịch sử chống quân Trung Cộng tại Hoàng Sa, ngày 19 tháng 1 năm 1974, hai trong bốn vị Hạm Trưởng tham dự trận đánh là Sĩ Quan khoá 11. Tôi cũng từng là Hạm Trưởng, chỉ huy một con tàu nhỏ, nhưng hình ảnh Hạm Trưởng Hoàng cơ Minh, vẫn là một mẫu mực đẹp đẽ trong ký ức của tôi.
***
Từ năm 1965, cuộc chiến Việt Nam trở nên mãnh liệt, Quân Lực Mỹ ồ ạt đổ vào Việt Nam. Bên cạnh đó, một số quốc gia đồng minh của VNCH cũng tham gia cuộc chiến, với nhiều sắc thái. Phi Luật Tân gửi Đoàn Y Tế Dân Sự Vụ. Các quốc gia trong vùng gửi bộ binh tham chiến là Úc Đại Lợi, Thái Lan, Đại Hàn. Dân chúng Thủ Đô hẳn không quên tên 2 Sư Đoàn Mãnh Hổ và Thanh Long và vòng đai bảo vệ Sài Gòn là Xa Lộ Đại Hàn, với những sinh hoạt Dân Sự Vụ rất được báo chí nhắc đến của 2 Sư Đoàn kiểu mẫu và thiện chiến này. Bên cạnh đó còn có các Dương Vận Hạm mang quốc kỳ Đại Hàn hoạt động trên lãnh hải Việt Nam, thường đậu ở Bến Bạch Đằng. Các chiến hạm này hiện diện tới những phút cuối cùng của cuộc chiến. Nhiều người dân Thủ Đô vào cuối tháng 4 năm 1975, đã rời khỏi nước trên những chiến hạm này. Trong thời gian quân đội Đại Hàn tham chiến ở Việt Nam, HQ Thiếu Tá Hoàng cơ Minh đảm nhiệm vai trò Tùy Viên Quân Lực của toà Đại Sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Đại Hàn. Đó là trách vụ của một sỹ quan cao cấp, nhưng Thiếu Tá Hoàng cơ Minh đã hoàn tất công tác rất vẹn toàn. Những ý kiến, những sắp xếp và những tài liệu hướng dẫn do ông soạn thảo để tránh những hiểu lầm giữa hai dân tộc Việt Nam và Đại Hàn, chắc chắn đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của các Sư Đoàn và những chiến hạm nói trên. Trong thời gian này tôi được biệt phái qua Nha Hoả Xa để lái tàu dân sự. Ở đây trên 2 năm, nhìn bạn bè trong khoá lên lon vùn vụt, bỗng động lòng trắc ẩn, tôi xin trở về Hải Quân.

Lâu lắm mới mặc lại bộ quần áo nhà binh hồ thẳng nếp cứng quèo, đeo lon cứ thấy ngượng như đeo lon giả. Vừa bước vào sân trại Bạch Đằng, đụng ngay Trung Tá Hoàng cơ Minh ở hàng hiên cao ốc. Ông gọi lớn và hỏi: "Cậu biến đi đâu mấy năm nay". Ông kéo tôi vào văn phòng ông: Văn Phòng Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị ở góc từng trệt toà nhà chính. Tôi trình bày hoàn cảnh của tôi. Ông bảo: "Thôi ở đây làm việc với tôi." Chưa biết sẽ phụ trách công tác gì, nên tôi ngần ngại. Ông bảo: "Để tôi dàn xếp, miễn là cậu thích làm việc với tôi. Coi như xong, về nhà nghỉ thêm vài ngày nữa đi." Mấy ngày sau trở lại, ông Minh nói: "Tôi thua. Đại Tá Ánh xin Tư Lệnh để cậu xuống Cần Thơ làm việc với ông ấy rồi." Qua một vài nhiệm sở, mấy năm sau khi tôi trở về Sài Gòn làm Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến Bộ Tư Lệnh Hải Quân, thì ông Minh đã là một tên tuổi gắn liền với những chiến công ở các vùng lửa đạn.
***
Từ năm 1970, Mỹ chuyển giao cấp tốc chiến hạm, chiến đỉnh và những căn cứ tiếp vận cho Hải Quân Việt Nam. Trong thời gian chưa đầy 3 năm, bắt đầu từ năm 1970, Hải Quân Việt Nam phải tuyển mộ và huấn luyện gần 30 ngàn Sĩ Quan và Đoàn Viên. Những sĩ quan đàn anh của tôi lên lon vùn vụt mà hầu như không kịp với chức vụ và nhu cầu. Trước đó hai tiếng Tư lệnh là một danh xưng độc nhất đầy tôn kính, chỉ để gọi vị Tư Lệnh Hải Quân mà thôi. Bây giờ, từ năm 1970, ngoài vị Tư Lệnh Hải Quân tại Sài Gòn, còn có nhiều vị Tư Lệnh khác: Tư Lệnh Vùng Duyên Hải, Tư Lệnh Vùng Sông Ngòi, Tư Lệnh Lực Lượng.

Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của Miền Nam, ngoài những Giang Đoàn Xung Phong ra, bây giờ có thêm trên 1000 chiến đỉnh đủ loại ngang dọc trên khắp các vùng sông nước. Đó là những chiến đỉnh thuộc 3 Lực Lượng Đặc Nhiệm: Lực Lượng Trung Ương, Lực Lượng Tuần Thám và Lực Lượng Thuỷ Bộ. Đây cũng là nét rất đặc thù của Hải Quân Việt Nam. Vì trên thế giới không có một một quốc gia nào có một lực lượng hải quân trong sông to lớn và đa hiệu như thế. Niên trưởng Hoàng cơ Minh bây giờ là Đại Tá, Tư Lệnh Lực Lượng Thuỷ Bộ. Đó là một lực lượng gồm khoảng 300 chiến đỉnh. Lực Lượng này được coi là dũng mãnh nhất, một mũi nhọn sắc bén nhất trong sông ngòi của Hải Quân Việt Nam. Các chiến đỉnh của Lực Lượng này vỏ dày, hoả lực hùng hậu. Đặc biệt loại chiến đỉnh Tango, nóc bằng, trực thăng có thể đáp xuống dễ dàng, có mặt ở khắp nơi, kể cả những vùng mà từ lâu nay được coi là an toàn khu của địch. Từ Chương Thiện, Cà Mau, Sóc Trăng đến Rạch Sỏi, Sẻo Rô, kinh Đồng Tiến, kinh Cổ Cò hóc hiểm sình lầy, những "hàng không mẫu hạm tý hon" này đều có mặt, tạo ra những phản ứng thần tốc, khốc liệt, kinh hoàng khiến đối phương không kịp trở tay. Vì ngoài hoả lực cơ hữu của các chiến đỉnh và bộ quân tùng đỉnh, khi cần, quân tiếp viện sẽ được trực thăng ào ạt chở tới, đáp trên sàn tàu, mở đường, phản công và tản thương rất hữu hiệu. Nên mỗi khi thấy chiến đỉnh của Thuỷ Bộ xuất hiện, địch chỉ còn có hai cách: nằm im, ẩn mình; hoặc chẳng đặng đừng thì liều lĩnh khai pháo rồi "chém vè" (chạy) để gục chết nát thây mà thôi. Vì thế những vị chỉ huy trưởng bên Bộ Binh đều muốn có những chiến đỉnh của Lực Lượng Thuỷ Bộ hoạt động trong vùng trách nhiệm của mình.

Trong những cuộc hành quân sôi động, với một trực thăng biệt phái, ông Minh hầu như hiện diện khắp nơi thuộc Vùng 4 Chiến Thuật. Những "đứa con" của ông, hễ có đụng là đã thấy tiếng ông trên máy. Và khi khẩn cấp, ngặt nghèo, không gọi, đã thấy ông bay trên đầu theo dõi, chỉ thị, hỗ trợ và tiếp cứu.

Hãy theo dõi một đoạn bút ký của anh Nguyễn Đình Sài, cựu sĩ quan trong Lực Lượng Thuỷ Bộ, diễn tả lại một trong những cảnh bi hùng từng xẩy ra trên bao nhiêu khúc sông oan nghiệt trong cuộc chiến ở đồng bằng sông Cửu Long: "...Tôi đang chỉ thị cho hai chiếc Alpha đến kéo chiếc Monitor bị đạn ra thì bỗng thảm hoạ sẩy ra trước mắt. Thuỷ thủ LVN trên chiếc Tango Bạch Hổ vừa trong ụ súng khẩu đại liên 20mm bước ra ngoài, có lẽ không khí trong thành sắt quá hầm. Một tiếng "phụt" vang lên, thây anh ngã vật xuống sàn, cái đầu văng đâu mất tiêu. Trái B41 không biết từ đâu bay tới hớt gọn cái đầu của anh, rồi lướt qua sàn platform, nổ tung giữa sông... Tôi dùng máy báo cáo với "Thẩm Quyền" đang bay trực thăng ở hướng tây, miệt Kiên Hưng. Qua tiếng nói, tôi nhận ra giọng nói của "Thẩm Quyền", chính là Đại Tá Hoàng cơ Minh... Ông bảo đợi đó, đã có tiếp vận và tải thương đang trên đường đến. Thế là ông bay đi... Khoảng hơn giờ sau thì có tiếng máy tàu vọng đến từ hạ giòng. Một đoàn giang đỉnh 5 chiếc gồm 3 Alpha và 2 Monitor im lặng vô tuyến chạy vào, đến gần mới sang tần số hành quân để liên lạc. Qua ánh đèn pin chiếu xuống sàn tàu hắt lên, tôi giật mình kinh ngạc, nhận ra người đầu tiên nhảy sang tàu tôi chính là Đại Tá Hoàng cơ Minh, Tư Lệnh Lực Lượng Thuỷ Bộ. Ông Minh bước đến xác thuỷ thủ N., lật tấm mền ra, cố ôm cái xác cụt đầu lên, cằm ông bạnh ra như muốn kìm chế nỗi thương tâm người thuộc cấp và lòng oán hận kẻ thù. Mọi người lặng đi trong nỗi xúc động tột cùng. Suốt cả đời tôi không bao giờ quên cảnh tượng bi hùng trong giờ phút ấy..."

Đọc đoạn búy ký này tôi rùng mình kinh sợ, hai tay nổi gai. Nhưng trong Hải Quân, ai đã dấn thân vào những "vùng tử địa" như U Minh Thượng, U Minh Hạ dưới quyền chỉ huy của tướng Minh, đều có những kỷ niệm lạnh mình lo sợ, lẫn sững sờ mừng vui khi thấy vị Tư Lệnh của mình bất ngờ xuất hiện như thế. Những cảnh huống ấy mỗi lúc mỗi nhiều, chồng lớp và biến thể, thêm bớt thành những huyền thoại bao phủ hình ảnh của niên trưởng Hoàng cơ Minh.
***
Nói đến những con kinh quan trọng trong đồng bằng sông Cửu Long, phải nói đến kinh Phụng Hiệp, dài 140 cây số, nối liền ba tỉnh An Xuyên, Ba Xuyên và Cần Thơ. Đặc biệt Ngã Bảy Phụng Hiệp là cửa ngõ, nơi hội tụ và phân chia của ghe thuyền tới những vùng đất mầu mỡ quan trọng của châu thổ Cửu Long, như trái tim chuyển máu đi nuôi toàn thân thể: từ Phụng Hiệp đi Cái Côn đổ ra sông Hậu Giang; từ Phụng Hiệp xuôi kinh Búng Tàu đi Năm Căn, Vĩnh Thuận, Cà mau; từ Phụng Hiệp theo kinh Lái Hiếu qua Trà Bang, Long Mỹ đi Chương Thiện, Rạch Giá... Bốn ngả còn lại nối liền kinh rạch trong phạm vi tỉnh, huyện như Xẻo Môn, Sóc Trang. Vì sự quan trọng này mà máu xương của người lính hai bên trận tuyến đã liên tiếp gặp gỡ, đổ ra để giành giựt sự kiểm soát thuỷ lộ huyết mạch này, như nhận định của Phó Đề Đốc Đinh mạnh Hùng, Phụ Tá Tư Lệnh Hành Quân Sông: "Kinh Phụng Hiệp thuộc hệ thống thuỷ lộ đi từ Hậu Giang, tỉnh Phong Dinh đến Cà Mâu, tỉnh An Xuyên. Quận Phụng Hiệp, Phong Dinh, nơi gặp gỡ của nhiều con kinh, ranh giới của hai tỉnh Ba Xuyên và Chương Thiện. Đây là thuỷ lộ huyết mạch chuyển vận lúa gạo và hàng hoá giữa các tỉnh miền Hậu Giang với miền Đông, nên rất quan trọng cho nền kinh tế quốc gia".

Khi làm Tư Lệnh Lực Lượng Thuỷ Bộ, ông Minh đã có mặt trên những khúc thuỷ trình sắt máu này, như những người lính tiền phong tiến vào vùng lửa đạn. Theo lời kể của anh Lý anh Kiệt, Tham Mưu Phó Hành Quân, kiêm Trưởng Phòng 3 của Lực Lượng này trong các năm 1973-75, như sau: "Dọc theo kinh Phụng Hiệp, từ Cần Thơ đi Sóc Trăng dài hun hút, năm 1974, gần 50 đồn bót bị Cộng Quân san bằng. Tư Lệnh Quân Đoàn 4 ra lệnh: bằng mọi giá phải xây dựng lại. Trong cuộc hành quân này vai trò của Hải Quân rất là nặng nề: Dùng đường thuỷ mở lại đầu cầu. Chở Bộ Binh tái chiếm. Yểm trợ Bộ Binh xây dựng lại đồn bót. Đặc biệt chú trọng đến công tác Tâm Lý Chiến, Dân Sự Vụ, giúp dân xây dựng lại cửa nhà. Như thế trong vùng "xôi đậu" này, dưới nước thuỷ lôi nhiều như dừa khô; Trên bờ địch lẩn trong dân như trấu. Vậy mà trên chiếc xe Jeep chạy dọc theo bờ kinh dài hun hút, tướng Minh vẫn ra lệnh cắm hiệu kỳ 1 sao phấp phới. Khi di chuyển dưới nước, khai diễn cuộc hành quân, ông ngồi trên mui chiếc Fom, đi đầu đoàn chiến đỉnh, ngôi sao bạc vẫn lấp lánh trên vai áo. Mình đi theo ông, thấy ông như thế, chẳng lẽ ngồi trong lòng tàu, đành cũng phải đứng quanh quẩn sau ông. Một tràng đại liên, một quả B40 phụt ra là tất cả Bộ Tham Mưu Lực Lượng bay hết. Không giải thích được. Có lẽ ông Minh tin mạnh mẽ vào cung mệnh của mình trong lá số tử vi. Và có lẽ địch cũng không thể ngờ trên một chiến đỉnh nhỏ bé ấy lại có một ông tướng ngồi trên mui tàu, dẫn đầu cuộc hành quân."

Nói về ăn uống, có nhiều người vẫn cho rằng Hải Quân sang trọng, ăn uống kiểu cách, thừa mứa. Điều ấy có lẽ khá đúng trong thời gian đầu dưới quy chế của Hải Quân Pháp mà thôi. Sau này, nhất là trong giai đoạn cam go của cuộc chiến, mọi quân nhân, bất cứ cấp bậc, và quân binh chủng nào, cuộc sống đều rất kiệm ước, khó khăn. Phó Đề Đốc Đặng cao Thăng, xuất thân từ trường sĩ quan danh tiếng của Pháp, trường Brest, cho hay: "Lương lậu chúng tôi chỉ đủ ăn. Hàng ngày chúng tôi dùng cơm trong Câu Lạc Bộ, kể cả tướng Nguyễn khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn. Tôi đôi khi ăn cơm gánh (tà lọt) mua về từ chợ Cần Thơ."

Tướng Hoàng cơ Minh chẳng những không ra ngoài thông lệ ấy, mà ông còn giản dị hơn nhiều. Anh Lý anh Kiệt cho hay: "Hàng ngày ông Minh ăn trong Câu Lạc Bộ như những sĩ quan khác. Nếu bất ngờ có khách, ông sai mổ ngay một con heo... (hộp). Thuốc thì như lính, rặt Bastos xanh, khét lẹt. Khi bay thị sát chiến trường hay thăm viếng các đơn vị trực thuộc, ông và đoàn tuỳ tùng, mỗi người đem theo một ổ bánh mì dài, hay mấy bị cơm sấy và một bi-đông nước. "Tránh làm phiền những đơn vị", ông luôn nhắc nhở các sĩ quan như thế. Lúc rảnh rỗi ông nghiền ngẫm bộ Tam Quốc Chí. Trong khi tụi tao thì nghiện Cô Gái Đồ Long. Ông bảo: Nhà binh phải thuộc Tam Quốc Chí. Hay lắm, áp dụng vào thực tế vẫn hữu ích vô cùng..."

Nhân câu chuyện này cũng khiến tôi nhớ đến bữa tiệc được tổ chức tại Bộ Tư Lệnh Thuỷ Bộ vào năm 1973, khoản đãi Tư Lệnh Hải Quân và phái đoàn thanh tra.

Bữa tiệc diễn ra đúng nghi lễ. Các sĩ quan chủ cũng như khách mặc tiểu lễ trắng, lon vàng mới óng ánh, giây biểu chương và huy chương cuống rực rỡ. 6 người một bàn. Các bàn kê sát nhau thành một hàng dài, trải khăn bàn trắng tinh. Tư Lệnh Hải Quân ngồi ở đầu bàn, chỗ ngồi danh dự nhất. Đối diện với Tư Lệnh, cuối dãy bàn là vị trí của vị sĩ quan ít thâm niên nhất, và đương nhiên là Sĩ Quan Ẩm Thực. Trước khi vào tiệc, Sĩ Quan Ẩm Thực đứng lên, trịnh trọng đọc thực đơn, đúng theo truyền thống Hải Quân trong những bữa tiệc quan trọng. Nhưng thực đơn hôm ấy chỉ là mấy món ăn đơn giản như một bữa cơm thường trong Câu Lạc Bộ gồm thịt kho, dưa giá. Món canh là một con vịt hầm rất kỹ trong một nồi lớn, đầy nước đang xôi, bốc khói nghi ngút. Bên cạnh đó là một đĩa rau sống khổng lồ, để nhúng vào nồi nước hầm vịt. Vị Sĩ Quan Ẩm Thực hình như đã được học tập, chỉ thị chu đáo, nên đã trình bày khá tỷ mỉ và duyên dáng về món ăn "quan trọng" này. Đó cũng là món chính, món cuối cùng. Vì sau món đó là đồ tráng miệng bằng chuối. (Có nghĩa là bữa ăn chỉ có thế thôi, không còn gì thêm nữa đâu).

Tôi có tham dự bữa ăn này, vì lúc ấy tôi là Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, tháp tùng Đô Đốc Tư Lệnh trong phái đoàn thanh tra. Nghe đọc thực đơn chúng tôi không dám cười. Mọi người không ai dám cười, vì bữa ăn này còn là một nghi lễ, được đánh giá, cho điểm như một sinh hoạt của đơn vị. Sau tôi có hỏi một sĩ quan: Sao lại đơn sơ quá vậy? Vị sĩ quan này cho biết: "Tư Lệnh chúng tôi không đồng ý để các sĩ quan phải đóng nhiều tiền đãi khách. Thuỷ Bộ hành quân liên miên, không có một ngân quỹ nào để khoản đãi phái đoàn."

Việc này, mới đây (tháng 12, 2002), tôi có nhắc lại với anh Lý anh Kiệt. Anh Kiệt nói: "Ông Minh lúc đầu còn chỉ thị tụi tao sẽ thu tiền ăn các người tham dự, trừ Đô Đốc Tư Lệnh Hải Quân mà thôi. Thấy kỳ quá, chính tụi tao bỏ tiền ra đãi khách, ông Minh không biết. Không ai dám cho ông biết sự thật đó cả. Cũng vì thế bữa tiệc cũng không dám bày vẽ gì thêm".

Vẫn lời anh Lý anh Kiệt: "Cũng không biết thế nào mà nói. Ông can trường, giản dị và liêm khiết như tao biết đã đành. Nhưng có những điều tao nghĩ không ra. Như hồi 1974, đoàn convoi do giang đoàn của Quyên (Thiếu Tá Nguyễn ngọc Quyên) khoá mình hộ tống, gặp tụi Việt Cộng tấn công tàn bạo quá ở khúc sông khúc khuỷu Cổ Cò. Quyên kêu cứu tao, là Tham Mưu Phó Hành Quân kiêm Trưởng Phòng 3, tao trình lên ông, ông thuận, rồi tao xỉ một đơn vị thuộc Lực Lượng Thuỷ Bộ đang hành quân gần đó cấp tốc đến tiếp cứu, giải vây. Đoàn giang vận mấy chục chiếc, chở hàng ngàn tấn gạo, cá mắm, khi bị tấn công, chạy tản mát tứ tán, được tụi tao gom lại đầy đủ. Đoàn convoi tiếp tục lên đường về Sài Gòn, không rơi một hạt thóc. Ít tháng sau, nhân Sinh Nhật Một Năm của Lực Lượng, chủ đoàn convoi tìm đến Bộ Tư Lệnh Thuỷ Bộ, với tinh thần hậu phương yểm trợ tiền tuyến, xin ủng hộ Lực Lượng một triệu đồng để Lực Lượng làm lễ liên hoan. Tao mừng, và trình lên ông Minh. Ông không cho nhận, còn xạc tao một trận. Thật không biết sao mà nói."

Từ những can trường, dũng mãnh và hành xử đặc biệt ấy, ông Minh đã thăng hoa, đeo sao ở Lực Lượng Thuỷ Bộ, qua mặt rất đông những vị đàn anh. Từ đó lớp hào quang và huyền thoại quanh ông hầu như mỗi lúc mỗi thêm dày đặc. Có những phỏng đoán, đồn đại: ông Minh sẽ nắm chức vụ này, chức nọ nay mai.

Sau đó là lúc đất nước đến hồi nghiêng ngửa, vào tháng 3 năm 1975, tướng Minh được chỉ định ra Miền Trung làm Tư Lệnh Vùng 2 Duyên Hải. Một vùng duyên hải dài nhất trong 5 vùng, chạy dài từ Quy Nhơn đến Phan Thiết, gồm những duyên đoàn 21 đóng tại Tam Quan, Hải Đội 2 Duyên Phòng đóng tại Quy Nhơn (căn cứ cũ của Duyên Đoàn 22 đã giải tán), Duyên Đoàn 23 tại Sông Cầu, duyên đoàn 25 tại Hòn Khói, duyên đoàn 26 tại Bình Ba, duyên đoàn 27 tại Ninh Chữ và duyên đoàn 28 tại Phan Thiết. Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Duyên Hải đóng tại Cam Ranh, chỉ huy tất cả 6 duyên đoàn, và mấy chục Duyên Tốc Đỉnh của Hải Đội Duyên Phòng, những cơ sở tiếp vận sửa chữa, các đài kiểm báo trong vùng và những chiến hạm của Hạm Đội biệt phái.

Ngày 31 tháng 3, Quy Nhơn địa đầu cực Bắc của vùng 2 Duyên Hải ở trong tình trạng nguy ngập. Ngoài những đơn vị cơ hữu trực thuộc, trên mặt biển ngoài khơi Quy Nhơn có những chiến hạm sau đây từ Sài Gòn biệt phái hiện diện, đặt dưới quyền điều động của tướng Hoàng cơ Minh: HQ 2, HQ 3. HQ 7, HQ 400, HQ 403, HQ 406, HQ 505 và một số những chiến hạm nhỏ. Tướng Minh hiện diện trên Tuần Dương Hạm Trần nhật Duật, HQ 3, do HQ Trung Tá Nguyễn kim Triệu làm Hạm Trưởng, tướng kỳ 1 sao trắng trên nền xanh, phấp phới trên kỳ đài.

Sáng ngày 31 tháng 3, lệnh từ Sài Gòn, chỉ thị cho Hải Quân vào bãi biển Quy Nhơn bốc Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Hai hải vận hạm HQ 403 và HQ 400, dưới sự đôn đốc của HQ Trung Tá Lê thuần Phong, Chỉ Huy Trưởng Hải Đội Chuyển Vận, ủi bãi Quy Nhơn, trước trường Sư Phạm để đón quân của Sư Đoàn 22 đang có mặt trên bãi. Nhưng tàu vừa hướng mũi vào bãi ủi, bị hoả lực của địch bắn ra quá mạnh. B40 nổ tung phía trước. Chiến hạm phải lùi ra, trong nhiệm sở tác chiến, đồng thời thả thang giây và lưới hai bên hông chiến hạm để anh em Bộ Binh leo lên tàu. Do đó quân từ trên bờ của Sư Đoàn 22 Bộ Binh phải liều chết bơi ra tàu. Cuộc vớt người diễn ra trên vùng biển Quy Nhơn suốt ngày đêm rất khó nhọc, bi thương, nhưng không đến nỗi ngập máu như ở Đà Nẵng. Biển êm. Tàu chỉ lùi ra ở độ xa vừa phải, ngoài tầm đạn địch, dùng hoả lực cơ hữu của chiến hạm phản pháo và bắn cản địch đang tiến tới ở trên bờ, phía sau anh em Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Trong số những quân nhân bơi ra biển và được chiến hạm Hải Quân vớt, có cả Thiếu Tướng Phan đình Niệm, Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Lên được chiến hạm HQ 400, tướng Niệm ở trong tình trạng suy nhược nặng nề cả thể chất lẫn tinh thần. Ông được săn sóc đặc biệt, vì HQ 400 vốn là một bệnh viện hạm. Tất nhiên mọi quân nhân của của Sư Đoàn này lên được chiến hạm, ai cũng sũng nước, đói khát nằm lăn ra sàn tàu, không còn hàng ngũ gì nữa. Thiếu Tướng Phạm văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn 2, chỉ định Tướng Minh thay thế tướng Niệm, kiêm nhiệm Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh và Tư Lệnh chiến trường Bình Định.

2 giờ sáng ngày 2 tháng 4, Tướng Minh nhận được lệnh từ Sài Gòn qua Bộ Tư Lệnh Hải Quân và trên Đài Quân Đội thông báo: Tổng Thống Thiệu bổ nhiệm tướng Minh làm Tổng Trấn Quy Nhơn. Tướng Minh có toàn quyền điều động tất cả lực lượng tại địa phương để tái chiếm Quy Nhơn, gồm Sư Đoàn 22 BB, Biệt Động Quân, Địa Phương Quân, Hải Quân. Trung Tá Nguyễn kim Triệu, Hạm Trưởng HQ 3, nhớ lại, cho biết: "Để thi hành lệnh này, sáng sớm ngày 2 tháng 4, ông Minh chỉ thị các chiến hạm hiện diện, túc trực ở sát bờ biển Quy Nhơn, sẵn sàng nhận lệnh cuả ông từ trong bờ. Đích thân tướng Minh và Bộ Tham Mưu nhẹ, rời HQ 3, xuống chiến đỉnh nhỏ vào Bộ Chỉ Huy Hải Đội 2 Duyên Phòng, để trực tiếp nắm vững tình hình trên bộ. Từ đây những liên lạc hàng dọc, cũng như hàng ngang với các đơn vị bạn đã vắng ngắt. Nhất là trên các tần số liên lạc với Sư Đoàn 22 Bộ Binh, không còn ai nghe nữa. Riêng về Tướng Phan đình Niệm, Tư Lệnh Sư Đoàn 22 BB, vì sức khoẻ suy kiệt, được điều trị trên Bệnh Viện Hạm HQ 400, đang ở ngoài khơi Vũng Tàu, trên đường về Sài Gòn. Trước hoàn cảnh này, tướng Minh trở lại HQ 3, tường trình về Sài Gòn. Tất cả các chiến hạm biệt phái cho Vùng 2 Duyên Hải và các chiến đỉnh trực thuộc, theo lệnh tướng Minh, xuôi Nam."

Trên đường xuôi Nam, các chiến hạm nối đuôi nhau, uy nghiêm, thứ tự như diễn hành thao dượt. Vẫn lá cờ xanh, một ngôi sao trắng trên cánh phải của cột cờ, phấp phới tung bay. Biển êm như mặt kính, chưa bao giờ lại êm như thế. Các chiến thuyền của các Duyên Đoàn, nhất là các Duyên Tốc Đỉnh của Hải Đội Duyên Phòng chở theo đầy người, quân nhân và gia đình, chạy dọc theo hai bên đoàn tàu. Những ghe dân túa ra như lá tre. Tướng Minh ra lệnh cho các chiến đỉnh, chiến thuyền của đơn vị thận trọng để tránh địch và những phần tử vô kỷ luật gây xáo trộn; và tuỳ khả năng, các chiến đỉnh cố gắng cứu vớt hoặc trợ giúp mọi người. Nếu vớt được quá đông người thì ghé vào các chiến hạm lớn, san người lên đó. Bất cứ quân nhân nào bước lên chiến hạm, chiến đỉnh, nếu có khí giới, đều phải giao nộp, cất vào kho.

Trở lại Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Duyên Hải tại Cam Ranh, ông Minh dùng trực thăng thị sát mặt trận, theo dõi tình hình trong vùng trách nhiệm, và ra lệnh cho các chiến hạm tận dụng hải pháo bắn ngăn chặn bước tiến của Bắc quân, phá sập những cây cầu quan trọng. Cam Ranh xáo trộn. Ông trở lại HQ 3, tiếp tục xuôi Nam. Ông ra lệnh phá huỷ Trung Tâm Phát Tuyến trên đảo Cam Ranh. Chiều ngày 3 tháng 4, hải đoàn đi ngang Duyên Đoàn 27 ở Ninh Chữ, tướng Minh rời HQ 3, sang Tuần dương Hạm HQ 2, do HQ Trung Tá Đinh mạnh Hùng, khoá 11 (trùng tên với Phó Đề Đốc Đinh mạnh Hùng), làm Hạm Trưởng. Hạm Trưởng Hùng và toán dàn chào đón đợi ở hạm kiều và hướng dẫn tướng Minh lên Trung Tâm Chiến Báo (CIC) của chiến hạm. Tại đây tướng Minh lại tiếp tục theo dõi trận liệt và chỉ huy mặt trận tại địa phương.

Ngày 15 tháng 4, tướng Minh đáp trực thăng vào phi trường Phan Rang, quê hương của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, họp cùng Trung Tướng Nguyễn vĩnh Nghi, Tư Lệnh Mặt Trận Phan Rang; Chuẩn Tướng Nguyễn văn Nhựt (Sư Đoàn 2 Bộ Binh); Chuẩn Tướng Phạm ngọc Sang, Tư Lệnh SĐ 6 KQ và một số sĩ quan khác, để cùng phối hợp hoạt động tại mặt trận này.

Trung Tá Đinh mạnh Hùng cho hay: "Mới xong phần giới thiệu thành phần tham dự, thì có tin phi trường đã bị địch bao vây, buổi họp giải tán ngay. Tướng Minh cấp tốc được trực thăng bốc ra Soái Hạm HQ 3".

Tối 16 tháng 4, tình hình Phan Rang trở nên sôi động. Tăng T54 của địch nằm ngay bãi biển Phan Rang, chĩa súng ra khơi. Dương vận Hạm HQ 503 do HQ Trung Tá Nguyễn văn Lộc, khoá 11, vào gần bờ phản pháo. Khi HQ 503 quay ngang để tận dụng hết khả năng hoả lực bắn vào bờ, Việt Cộng dùng đại bác 105 ly lấy được của mình bắn trực xạ ra chiến hạm. Một trái đại bác trúng đài chỉ huy, nổ tung, Hạm Trưởng Lộc bị thương vào đầu, máu ra sối xả, nhưng ông vẫn bình tĩnh ra lệnh cho tàu rút ra khơi. (Cho đến nay, gần 30 năm, mảnh đạn vẫn trong đầu của Hạm Trưởng Lộc, vì không thể giải phẫu, lấy mảnh đạn ra. Giải phẫu là chết. Ông hiện ở trong tình trạng khi đau, khi tỉnh). HQ 3, HQ 505 và HQ 406 cũng đổi vị thế, lùi ra ngoài tầm bắn của địch.

Ngày 17 tháng 4, HQ 406 chở Cảnh Sát Dã Chiến, dự trù đổ bộ tăng cường cho Phan Rang, không thành, được lệnh về Cát Lở. HQ 505 nằm ngoài khơi vịnh Phan Rang chờ lệnh. HQ 3 được lệnh đưa phó Đề Đốc Hoàng cơ Minh trở lại Sài Gòn. HQ 3 đặt dưới quyền điều động của Phó Đề Đốc Nguyễn hữu Chí, Phụ Tá Hành Quân Biển. Trong khi đó, Trung Tướng Nguyễn vĩnh Nghi, Tư Lệnh mặt trận Phan Rang và Chuẩn Tướng Phạm ngọc Sang, Tư Lệnh SĐ6KQ bị địch bắt. Tin này được loan báo trên đài phát thanh Sài Gòn. Đài phát thanh Hà Nội cũng loan tin này với những lời phát biểu ngắn của chính Trung Tướng Nguyễn vĩnh Nghi. Mặt trận Phan Rang vỡ. Cứ điểm chống cự sống chết của Sài Gòn bây giờ là Xuân Lộc.
***
Từ mặt trận Vùng 2 Duyên Hải trở về, đóng tại Cát Lái, Phó Đề Đốc Hoàng cơ Minh làm việc với Phó Đề Đốc Đinh mạnh Hùng, Phụ Tá Tư Lệnh Hải Quân, đặc trách Hành Quân Sông. Trong hàng tướng lãnh Hải Quân, dưới Phó Đô Đốc Chung tấn Cang, 3 sao, Tư Lệnh Hải Quân, Phó Đề Đốc Đinh mạnh Hùng, 1 sao, là người thâm niên nhất. (Hai vị tướng 2 sao khác là Đề Đốc Trần văn Chơn, cựu Tư Lệnh Hải Quân, thì đã về hưu; Đề Đốc Lâm ngươn Tánh, cựu Tư Lệnh Hải Quân thì được biệt phái sang Phủ Quốc Vụ Khanh, lo cho người tỵ nạn). Tướng Hùng xuất thân khoá 2 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, từng lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Ông cũng được tiếng là một vị sĩ quan cẩn trọng, lịch duyệt, kín đáo, được thượng cấp tin cẩn và thuộc cấp kính trọng.

Trong cuộc nói chuyện với Đô Đốc Chung tấn Cang, chúng tôi có hỏi rằng: "Ai là người có công nhất trong việc đem đoàn tàu ra khơi?" Đô Đốc Cang cho biết: "Hải Quân, như một chiếc tàu, không ai làm việc được một mình. Mọi thành công lớn, nhỏ, đều là công sức của tập thể, của nhiều người. Nhưng riêng trong việc đem đoàn tàu ra khơi, người có công nhất, ngày đêm lo cho đoàn tàu, là ông Hùng. Phó Đề Đốc Đinh mạnh Hùng..."

Trong khi đó, là một sĩ quan Hải Quân di tản trên con tàu Thị Nại, HQ 502, một con tàu hỏng máy, chở theo trên 5000 người lênh đênh, khốn khổ lết ra được ngoài khơi Côn Sơn, khi kêu cứu, liên lạc, chúng tôi chỉ thấy tiếng nói của tướng Hoàng cơ Minh trên máy. Do đó chúng tôi có nêu thắc mắc này với Tướng Đinh mạnh Hùng. Tướng Hùng trả lời đại ý: "Ở trên HQ 3, Soái Hạm, trên hết là Đô Đốc Chung tấn Cang, còn có Phó Đề Đốc Diệp quang Thuỷ, rồi sau đó còn có Phó Đề Đốc Nghiêm văn Phú và một số Đại Tá. Trước khi đoàn tàu lên đường, chúng tôi có mời những vị tướng lãnh, các vị sĩ quan cao cấp ở những tàu khác sang họp. Sau, ai về tàu nấy với gia đình. Còn lại trên tàu, tôi thỉnh ý, nhận lệnh từ Đô Đốc Cang, rồi cùng bàn bạc mà thi hành. Đúng, các anh chỉ nghe thấy tiếng ông Minh trên máy. Vì trong chuyến hải hành đặc biệt này, để tránh ngộ nhận và rối loạn tần số, ông Minh được Đô Đốc Cang chỉ định trách nhiệm về liên lạc chỉ huy từ Soái Hạm, một tiếng nói chính thức và duy nhất. Ông Minh làm việc rất chuyên cần, 24/24, hầu như không biết mệt. Tiếng ông Minh rõ ràng, có hùng lực, được anh em Hải Quân biết tới nhiều và kính trọng."

Chúng tôi cũng đem ý kiến này hỏi Trung Tá Nguyễn kim Triệu, Hạm Trưởng HQ 3, ông Triệu cho hay: "Trong phòng Chiến Báo (CIC), chỉ có ông Hùng và ông Minh luôn túc trực, theo dõi mọi diễn tiến của Hạm Đội, nhận lệnh từ Đô Đốc Cang mà thi hành. Cả hai ông ấy đều làm việc rất nhiều, mỗi người mỗi việc, rất là nghiêm túc. Ông Hùng thì trông nom tổng quát. Ông Minh trực tiếp điều động. Tôi (Hạm Trưởng HQ 3), nhận lệnh từ 2 vị này, lo cho con tàu của mình mà thôi."
***
Bây giờ gần 30 năm giã từ quân ngũ. Tuỳ khả năng và hoàn cảnh, mỗi người phải bắt đầu làm lại cuộc sống từ con số không. Chẳng còn ai to, ai nhỏ nữa. Những tình cảm, kính trọng đối với nhau, tất nhiên không phải là những cấp bậc cao thấp khi xưa, mà là tư cách của mỗi cá nhân còn đọng lại trong trí nhớ của nhau. Tập thể nào cũng có những kẻ bất xứng, lợi dụng đục nước thả câu. Nhưng trong gia đình Hải Quân không thiếu những người đầy tư cách, trong đó có niên trưởng Hoàng cơ Minh. Trong những kỷ niệm đáng nhớ với tướng Minh, tôi đặc biệt nhớ hai sự việc này:
Thứ nhất, khi Hạm Đội Việt Nam Cộng Hoà tới bờ biển Phi Luật Tân, chính tiếng ông Minh trên máy, chuyển công điện cuối cùng của Hải Quân, như sau:
Nhóm ngày giờ:071010H/05/75.
From: của HQ 3.
To: Tất cả các chiến hạm.
Để chuyển giao các chiến hạm cho Hải Quân Hoa Kỳ/ Yêu cầu các nơi nhận chuẩn bị thi hành khi có chỉ thị / Các chiến hạm tự tổ chức làm lễ hạ quốc kỳ Việt Nam và trương quốc kỳ Hoa Kỳ / Tiểu đỉnh của Hoa Kỳ sẽ sơn và xoá tên chiến hạm Việt Nam ở sau lại / Giờ giấc thi hành sẽ thông báo sau / Hết.
Từ công điện này, vào hồi 12 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1975, trên Biển Đông, các chiến hạm của VNCH đã cùng nhau làm lễ chào cờ lần cuối và hạ quốc kỳ VNCH xuống. Những xúc động khôn cùng đã lưu lại trong bao nhiêu trái tim đau khổ. Phút chốc cả đoàn tàu dũng mãnh, nghiêm túc, đủ loại của Hải Quân Việt Nam, giờ đã phấp phới quốc kỳ Mỹ, lần lượt cập cầu căn cứ Subic của Mỹ ở Phi luật Tân.

Đoàn người từ các chiến hạm lũ lượt mang hành lý sang con tàu buôn Green Forrest. Một con tàu chở hàng khổng lồ. Những khoang trống, sâu hun hút rộng thênh, bây giờ được bắc tạm những cầu thang gỗ để lên xuống. Đoàn người như một thứ hàng hoá không còn giá trị, xô bồ, đầy bất trắc, xúc động, rất dễ bùng lên thành những xáo trộn khó lường, khó xử, như mới chỉ vài tuần trước đây đã từng xẩy ra trên chính con tàu này khi di chuyển người từ Đà Nẵng vào Phú Quốc. Theo sự cho biết của Phó Đề Đốc Đặng cao Thăng thì: "Các vị Tư Lệnh, phần lớn là cấp tướng, được Mỹ chở thẳng vào Guam bằng máy bay. Riêng ông Minh, ông tình nguyện đi tàu biển cùng với anh em thuỷ thủ đoàn và dân chúng. Cuộc đi khá dài, cực khổ, tế nhị. Sự hiện diện của ông Minh, theo tôi, đã giữ tinh thần cho anh em rất nhiều."

Kỷ niệm đáng nhớ thứ hai, vào trung tuần tháng 5 năm 1975, trong khu lều vải Orote Point, Guam, với tư cách cá nhân, tướng Minh đã tìm đến đây để sinh hoạt với anh em Hải Quân. Trong bơ vơ và tràn đầy xúc động, nhiều anh em đã ngẹn ngào nêu những thắc mắc, phẫn nộ liên hệ đến một vài tin đồn, những hành động bất xứng của người này, người khác. Ông Minh, rất bình tĩnh giải đáp và khuyên can. Đặc biệt, để kết luận, ông đã nói: "Việc anh nêu lên là thượng cấp không ai có ý kiến gì hướng dẫn anh em. Điều này quả thực tôi cũng có nghĩ đến, nên hôm nay mới tìm đến đây với anh em. Song đó chỉ là ý kiến cá nhân tôi, còn các vị khác, theo như tôi biết, tất cả còn rất bàng hoàng. Mọi việc đã xẩy ra ngoài dự trù của chúng ta. Dù ai có ý kiến gì lúc này chắc cũng không thể nào thi hành được. Một ván cờ đã xoá. Mọi việc đã xong. Điều mà chúng ta phải làm là, ngoài việc định cư trên đất mới, chúng ta phải sáng suốt tìm hiểu mọi diễn tiến của thời cuộc, và đặc biệt giữ lấy mối căm thù mất nước ngày hôm nay. Từ đó chúng ta sẽ đoàn kết lại mưu cầu một vận hội mới sau này."
***
Để có một cái nhìn cụ thể, một nhận định đã trực tiếp ảnh hưởng đến binh nghiệp của ông Minh, bài viết này đã được gửi lên vị cựu Tư Lệnh Hải Quân, người đã phê điểm và đề nghị ông Minh lên tướng, Đề Đốc Trần văn Chơn đã đọc rất kỹ và ghi chú: "Anh viết đúng lắm. Ông Minh là một người tài giỏi. Khi làm Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân, ông Minh đã chứng tỏ được lòng hăng say, nhiều sáng kiến trong lãnh vực tham mưu. Khi được giao trách vụ Tư Lệnh Lực Lượng Thuỷ Bộ, hơn ai hết, ông Minh đã tỏ ra can trường và rất là tháo vát. Lực Lượng của ông không chỉ đã góp công trong việc khai thông kinh Phụng Hiệp, giữ huyết mạch kinh tế giữa Sài Gòn và vùng châu thổ Cửu Long giang, mà Lực Lượng Thuỷ Bộ dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông Minh đã quần nát vùng U Minh Thượng, U Minh Hạ, mật khu an toàn và hậu cần căn bản của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại về nhiều mặt, ảnh hưởng rất lâu dài. Ông Minh khoá 5, khi lên tướng mới 38 tuổi, trẻ nhất trong hàng tướng lãnh Hải Quân, vượt qua nhiều vị đàn anh, chính vì ông Minh đã có đủ Tài, Đức và lòng Dũng Cảm. Trong danh sách, tôi đề nghị ông Minh cùng một vài vị Đại Tá khác thâm niên hơn ông Minh. Tôi nghĩ rằng Tổng Thống Thiệu đã chọn ông Minh chính nhờ lòng dũng cảm hơn người của ông Minh. Nếu vận hội bình thường, Miền Nam còn, tương lai của ông Minh, tôi nghĩ, sẽ vô cùng sáng lạn. Sau này khi ông Minh lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, thì tôi còn ở tù. Việt Cộng tỏ ra rất căm tức và có hỏi tôi rất nhiều về ông Minh. Tôi đã hết lời ca ngợi và nói rằng ông Minh là một vị tướng tài của Hải Quân Miền Nam".
***
Từ 1975 về sau, trong một vận hội mới, Phó Đề Đốc Hoàng cơ Minh là một khuôn mặt xuất hiện trước ánh sáng của thời cuộc, với bao nhiêu vinh quang và hệ luỵ vui buồn. Ông sinh ngày 20 tháng 6 năm 1935, đã hy sinh dũng liệt cùng những chiến hữu tại Nam Lào ngày 28 tháng 8 năm 1987, trên đường trở về mưu cầu giải phóng quê hương. Người viết không phải là thành viên của tổ chức này, không nắm vững vấn đề, nên không dám đề cập, nhận định về những hoạt động sau này của ông. Là một quân nhân cấp nhỏ, có một thời mặc cùng mầu áo với ông, được tin ông nằm xuống, tôi rất bàng hoàng, xúc động và hết lòng kính ngưỡng. Tôi thu góp một số dữ kiện liên hệ trong thời quân ngũ của ông, ghi lại thành bài viết này, thay cho một nén hương tưởng niệm, nghiêng mình kính cẩn trước anh linh của một vị chỉ huy mẫu mực, một vị tướng can trường, một tấm gương thanh liêm và trong sáng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà. Hy vọng bài viết này thay cho lời phân ưu muộn màng gửi tới đại gia đình Hoàng Cơ và phu nhân Phó Đề Đốc Hoàng cơ Minh.

Chúng tôi cũng xin chân thành đa tạ quý vị Đô Đốc, quý niên trưởng và các chiến hữu Hải Quân đã tận tình hỗ trợ, cung cấp những dữ kiện liên hệ, cũng như chỉ cho những sai sót để bài viết này được hoàn tất.



Phan lạc Tiếp
Khởi viết ngày 8 tháng 12 năm 2002.
Viết xong ngày 18 tháng 6 năm 2003.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét