Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Phạm Thanh Nghiên - Đêm đầu tiên ở buồng biệt giam



Phạm Thanh Nghiên - Đêm đầu tiên ở buồng biệt giam










Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Không phải người tù nào cũng nếm trải mùi biệt giam trong một căn buồng rộng chưa đầy 6 mét vuông với sáu lỗ nhòm (to bằng quả trứng chim cút) để nhìn ra khoảng sân và bức tường trước mặt - thế giới của người tù. Và cũng không phải mọi buồng biệt giam đều có khoảng sân để người tù có cơ hội được giải phóng tầm mắt. Nhiều buồng biệt giam mà bên ngoài cánh cửa là một bức tường kín, chừa ra một lối đi hẹp tối tăm, ẩm mốc và hôi hám như một đường cống ngầm. Đấy là nơi ở đầu tiên của tôi trong những tháng bị biệt giam. Sau vài tuần, tôi được chuyển sang buồng có khoảng sân trước mặt.

Sự trừng trị của nhà cầm quyền đối với những người khát khao tự do đôi khi lại là một cơ hội để khám phá bản thân, không chỉ qua khả năng chịu đựng đói rét, bệnh tật mà là bản lĩnh đối mặt với nỗi cô đơn tinh thần. Biệt giam, thực sự là một môi trường tinh thần đủ mọi cung bậc của cùng cực tĩnh lặng, cùng cực sự xáo trộn dữ dội trong tâm trí mà chỉ có thể trải nghiệm giữa chốn ngục tù, nhất là mỗi khi đêm về.

Người tù có thể sẽ yếu đuối, nản lòng hoặc trở nên cứng cỏi, can đảm hơn khi chịu đựng đến cùng sự mênh mông vô tận trong khoảng không gian chật hẹp, u ám mang tên “buồng biệt giam”. Điều đó tùy thuộc vào thái độ tiếp nhận hoặc tư thế của mỗi người tù. Một khi đã không được quyền lựa chọn “nơi ở” cho mình thì tốt nhất là chủ động làm “chủ sở hữu” cho bất cứ nơi nào ta bị quăng quật vào đó.

Bước chân vào buồng biệt giam (1), tôi đã thấy Lý. Nàng ta ngồi thù lù trên bệ xi măng. Đôi mắt sắc như dao trong ánh điện yếu ớt, thản nhiên và không mấy thiện chí nhìn tôi. Tôi nghĩ đến những danh từ nghe được từ lúc còn ở buồng chung, cảm thấy một chút nghi ngờ về người bạn mới. Cô ta có thể là người được công an sắp xếp để “khai thác” tôi.

Một số danh từ như: “rích, ly, ma, chó, ăng-ten...” được sử dụng để gọi một loại tù nhân chấp nhận làm “tay trong” cho công an để đổi lấy những lợi ích cho bản thân. Phần thưởng cho mỗi lần “lập công” có thể được trả bằng tiền, hiện vật, bằng những “đặc ân”, sự ưu tiên trong thời gian thụ án và nhất là rút ngắn những năm tháng ở tù của “rích”. Tất nhiên, trước khi đi làm “nhiệm vụ”, rích cũng được công an hướng dẫn, “huấn luyện” về cách tiếp cận, khai thác, nhất là lấy được cảm tình và lòng tin của “đối phương”. “Rích” thường được điều tra viên và cai tù sắp xếp để gần gũi “con mồi”. Có nhiều khuôn mặt “rích” dễ nhận diện. Có nhiều “rích” ngụy trang khéo đến nỗi kẻ cận kề không phát hiện được.

Tôi biết đến dạng người này nhờ kinh nghiệm bốn năm ở tù, qua quan sát và qua chính một vài người từng là “rích” thừa nhận. Vênh váo tự cho mình là phá án giỏi nhất thế giới, nhưng công an cộng sản Việt Nam luôn phải áp dụng thủ đoạn dùng người tù để khai thác người tù. “Bị can” có thể không khai với công an điều tra, nhưng sẵn sàng kể lể, tâm sự đủ thứ chuyện với người bạn tù mà mình tin cậy. Từ những mánh khóe, mối quan hệ riêng tư, gia đình, xã hội, thói quen, sở thích và nhiều thứ từ liên quan hay không liên quan tới vụ án.

Bọn điều tra viên và bọn cai tù biến người tù thành kẻ thù của nhau, phải sống trong tình trạng nghi ngờ, cảnh giác, giám sát và căm ghét nhau trong cảnh tù đầy vốn đã vô cùng khốn khổ. Đấy là chưa kể đến chuyện mớm cung, ép cung, bức cung, tra tấn, dùng nhục hình, chạy án... trong suốt quá trình tố tụng và nhiều hình thức khác trong thời gian người tù thi hành án.

Không mấy bận tâm về sứ mệnh của người bạn mới, tôi bị thôi thúc bởi mục tiêu tự đặt ra cho mình: phải chung sống hòa bình và thân thiện với cô ta.

Tôi chủ động bắt chuyện và nhờ Lý với tư cách người đến trước, chỉ bảo để tôi quen dần với nếp sinh hoạt mới. Lúc đầu, cô nàng đáp lại với thái độ không mấy nhiệt thành. Rồi không chịu được không khí nặng nề của nhà tù, Lý cũng phải chuyện trò với tôi.

Bị chuyển đi bất ngờ, tôi bị cắt xuất cơm chiều. Lý đưa cho tôi phong bánh lương khô. Tôi chỉ ăn hết một nửa, uống nước vào, cũng ngang dạ.

Buổi tối, tôi loay hoay không biết đi vệ sinh ở đâu. Lý chỉ vào cái bô để góc buồng, tôi đột nhiên rùng mình.

Trong cái hộp đựng tôi và Lý, không có vô tuyến, quạt máy, đồng hồ treo tường, nhà vệ sinh như ở buồng chung, vì thế càng ảm đạm.

Buồn quá! Tôi nhẹ cất tiếng hát.

Tôi cứ hát. Và một giọng hát ban đầu còn khẽ khàng, rụt rè rồi sau cứ lớn dần và hòa vào giọng hát của tôi. Lý, hay bất cứ ai dù mang sẵn một “âm mưu” với bạn tù thì vẫn cứ là một người tù mang trọn vẹn nỗi buồn thương, lo lắng, hoang mang vô tận.

Cô nàng khen tôi hát hay. Được khích lệ, tôi hát to hơn. Chúng tôi cùng hát với nhau. Lý hát dở nhưng cô ta tự nhiên hẳn, khác với thái độ dè dặt có phần khinh khỉnh lúc đầu.

Có tiếng người! Chúng tôi ngừng hát, giỏng tai nghe.

- Mình có hàng xóm chị ơi! Lý reo lên mừng rỡ.

- Hàng xóm nào? Tôi ngạc nhiên hỏi.

- Bên cạnh có người, đàn ông hẳn hoi nhá. Em nghe rõ.

Gương mặt cô nàng rạng rỡ hẳn lên.

Lý dùng gót chân gõ mạnh vào bờ tường. Bên kia, một tiếng gõ trả lời.

- Nhà bên này chào nhà bên đấy nhá! Một giọng đàn ông vang vang.

Tự nhiên tôi thấy ngượng. Thế mà mình hát say sưa như chỗ không người. Bên kia lại tiếp tục còi (2) sang, bắt chuyện.

- Người ta đang hỏi tên chị kìa, trả lời đi! Lý giục.

- Thôi, chị ngại lắm.

Cô nàng khích lệ:

- Ngại gì, có nhìn thấy mặt nhau đâu mà ngại. Vào trong này không có bạn thì chỉ có chết vì buồn chán thôi chị ạ.

Tôi miễn cưởng trả lời:

- Thôi, em cứ giới thiệu đại chị tên là Hoa. Chị bị bệnh viêm thanh quản, không nói to được.

Trong suốt thời gian biệt giam, mọi người đều gọi tôi là Hoa, còn Lý sẽ dùng đại tên Liên, (sau này là Còi) do tôi bịa ra tặng cô nàng để tiện xưng hô với nhà hàng xóm. Từ hôm đó, Lý kiêm luôn vị trí “chủ hộ”, chịu mọi trách nhiệm từ đối nội như lấy cơm, rửa bát, giặt đồ lúc tôi đi cung đến công tác đối ngoại khi giao lưu với nhà hàng xóm. Cô nàng có vẻ phấn chấn với vai trò chủ hộ lắm.

Theo yêu cầu của nhà hàng xóm, tôi tiếp tục hát. Tôi nghĩ đến mẹ. Chắc mẹ sẽ cảm nhận được lời hát của tôi:

“Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ.
Trong căn nhà nhỏ mẹ cũng ngồi chờ.
Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu,
Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù.
Chờ đã bao năm… chờ đã bao năm... chờ đã bao năm...”

Tiếng sụt sịt của Lý làm tôi ngừng hát.

Nhà hàng xóm khen tôi hát hay như một ca sĩ chuyên nghiệp. Chắc tại tôi hát bằng tâm trạng của mình, chạm được đến nỗi buồn của họ nên họ khen vậy thôi.

Lý lại làm người đại diện để cảm ơn. Thời gian đầu, tôi chưa quen với tiếng còi từ nhà hàng xóm nên Lý làm chân phiên dịch.

Hát mãi cũng chán. Hai chị em tôi mỗi đứa một bệ xi măng, nằm nghĩ miên man. Yên ắng quá! Tôi nghe rõ tiếng côn trùng và tiếng thằn lằn chắt lưỡi.

- Mười giờ rồi. Lý nói, giọng buồn tênh.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Sao em biết?

- Em vừa nghe tiếng bọn chòi (3) đổi gác. Ở đây hai tiếng đổi gác một lần.

- À ra thế!

Tôi đáp lại, cũng với giọng buồn tênh.

Phần vì nhớ nhà, phần vì muỗi đốt nên nằm mãi không sao chợp mắt được.

Lý đã cởi mở và gần gũi hơn nhất là sau khi phát hiện ra buồng giam bên cạnh có người. Nghĩ miên man một lúc, tôi lại gợi chuyện. Trong câu chuyện chúng tôi kể cho nhau nghe, cũng có lúc yên ắng như chưa từng có tiếng người.

- Mười hai giờ rồi chị ạ. Giọng Lý thều thào vì mệt và buồn ngủ.

- Ừ, chị cũng vừa nghe thấy tiếng đổi gác.

Tôi nằm quay mặt vào trong, tránh ánh điện. Bên cạnh, Lý vừa đập muỗi, vừa càu nhàu.

Tôi lấy quần áo quấn vào chân và cánh tay cho khỏi muỗi đốt. Nhưng cũng chỉ được một lúc là lại phải bỏ ra vì không chịu được nóng. Bỗng Lý bật dậy, tóc tai rối bù đứng chống nạnh, chửi:

- Tiên sư mấy con đĩ muỗi này, mày có cho các bà ngủ không thì bảo. Bà mà báo công an, chúng mày chết cả lũ.

Vừa nói, Lý vừa đập liên hồi vào không khí. Chẳng biết có trúng con muỗi nào không. Lúc này, tôi mới trông rõ mặt Lý. Hai mí mắt cô nàng sưng húp, không nhìn thấy lòng mắt đâu, môi nổi cục lên như quả chuối mắn. Không nhịn được, tôi phá lên cười.

- Chị cười cái gì mà cười. Chị trông lại mặt chị xem.

Lý đánh đố tôi. Tôi nhìn thấy mặt cô nàng chứ sao có thể tự nhìn thấy mặt mình. Tôi đưa tay lên mũi theo mô tả của Lý. Bọn muỗi ác thật, nó chơi ngay chỗ sống mũi tôi. Mũi tôi vốn tẹt, nó đốt mấy phát vào đó, thì mặt tôi biến dạng là đúng rồi.

Hai chị em cười như mếu, động viên nhau ngủ tiếp.

Chả nhẽ bọn côn trùng đáng ghét ấy không thể chung sống hòa bình với lũ tù chúng tôi hay sao. Da thịt người tự do vừa sạch sẽ vừa thơm tho sao nó không đốt, lại cứ nhằm vào lũ tù khốn khổ, hôi hám chúng tôi. Trong bốn năm tù, nhất là thời kỳ bị biệt giam, tôi không nhớ mình đã giết bao nhiêu con muỗi. Mà có phải mình tôi giết nó đâu. Người tù nào chả sát sinh lũ muỗi. Thế mà lũ ấy vẫn không giảm sút về dân số, vẫn cứ nhắm đến người tù mà hút máu. Có người bị muỗi đốt, nhiễm bệnh sốt rét mà chết.

Đêm biệt giam đầu tiên, rồi cũng qua. Sáng hôm sau, tôi lại đi cung. Trong thời gian ở Trần Phú, tôi chưa thấy người bạn tù nào đi cung nhiều như tôi, đến nỗi bọn cai tù còn ngạc nhiên. Lý bảo “bọn điều tra viên một ngày không gặp chị, chắc nó ăn không ngon ỉa không yên”. Lý đấy, sự gì cô nàng cũng liên tưởng, xiên xẹo sang chuyện thiếu tế nhị kia. Cô nàng bảo, nói thế nó mới sướng cái miệng.



08.08.2016





___________

Chú thích:

(1) Buồng biệt giam: Nhiều nơi còn gọi là “buồng riêng”, dùng để giam giữ từ 1 đến 2 người tù. “Biệt giam”- trong nhiều trường hợp không đồng nghĩa với việc bị giam riêng một mình. Đối với tù nhân chính trị, “người bạn” cùng buồng biệt giam thường là người được sắp xếp để giúp việc cho công an. Mục đích là để giám sát, “khai thác”, hoặc khủng bố người tù chính trị.

(2) Còi: Người từ buồng giam nọ gọi sang, nói chuyện với người ở buồng giam khác.

(3) Chòi: Chòi cao để canh gác, quan sát; nơi canh phòng của cai tù.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét