Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Việt Dzũng: Giấc mơ chưa thực hiện


Việt Dzũng: Giấc mơ chưa thực hiện



28.12.2013


Nhạc sĩ Việt Dzũng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)



Một nhạc sĩ được nhiều người trong cộng đồng người Việt hải ngoại mến mộ, Việt Dzũng, đã ra đi trong những ngày cuối cùng của năm 2013. Tên tuổi Việt Dzũng gắn liền với Phong trào Hưng ca, anh đã sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng về thân phận người tỵ nạn và tấm lòng của người ra đi đối với quê hương và những người thân còn ở lại. Một người hoạt động lâu năm với Việt Dzũng, nhạc sĩ và MC Nam Lộc, nói Việt Dzũng là một 'con người sắt đá nhưng có trái tim nhân ái'. Trong mục Đời sống Văn hóa do Hoài Hương phụ trách tuần này, Nam Lộc chia sẻ kỷ niệm khi lần đầu ông gặp Việt Dzũng, và những cảm nghĩ của ông về những đóng góp của Việt Dzũng cho làng nhạc của người Việt ở nước ngoài, và hoài bão chưa thực hiện của Việt Dzũng là xây dựng một trung tâm văn hóa của người Việt tại thủ đô của người tỵ nạn ở California.



VOA: Thưa ông, đối với ông, nhạc sĩ Việt Dzũng không những là một người bạn thâm giao mà còn là một nghệ sĩ đồng hành, dùng văn nghệ và âm nhạc như một công cụ đấu tranh, xin ông chia sẻ với độc giả của đài những cảm xúc của ông về sự ra đi của Việt Dzũng?



Nam Lộc: “Dạ vâng, chị diễn tả như vậy thì cũng đã nói lên được sự xúc động của tôi khi mà nghe tin người bạn đồng hành, một người mà tôi cũng ngưỡng mộ, một nhân vật đấu tranh, một nghệ sĩ và đồng thời cũng là một người em mà tôi quý mến từ lâu, vì thế cho nên dĩ nhiên sự xúc động đến với tôi một cách hết sức mạnh mẽ. Đối với tôi đây là một sự mất mát rất lớn lao. Vâng thưa chị, đấy là cảm nghĩ bất chợt đến với tôi khi nghe tin Việt Dzũng qua đời.”



VOA: Thưa ông, ông đánh giá những cái đóng góp của Việt Dzũng cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại như thế nào?



Nam Lộc: “Vâng, Việt Dzũng là một người có lòng và có tâm huyết đối với quê hương đất nước, đối với nhân loại nói chung, và đối với đồng bào của mình nói riêng. Khi hoạt động bên cạnh Việt Dzũng, tôi thấy anh ấy là một người đa tài, hoạt động trong nhiều lãnh vực, luôn luôn quan tâm đến tự do dân chủ và nhân quyền ở quê hương mình, luôn luôn quan tâm đến người thấp cổ bé miệng, không nói lên được tiếng nói của mình. Có thể nói một cách tóm gọn là Việt Dzũng là một con người sắt đá nhưng có trái tim nhân ái. Nhưng bên cạnh đó anh là một người dễ xúc động. Chính 2 điểm đó đã giúp Việt Dzũng nói lên được những bất hạnh trên cuộc đời này, những bất hạnh của đồng hương, của nhân loại, nhưng đồng thời cũng là một người dấn thân để mà tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền nói chung, và cho quê hương mình nói riêng.”  



VOA: Thưa ông xin ông chia sẻ kỷ niệm lần đầu tiên gặp Việt Dzũng trong hoàn cảnh nào và ca khúc nào của Việt Dzũng đã gây nhiều ấn tượng nhất?



Nam Lộc: “Đối với tôi thì một bài hát gây ấn tượng rất là mạnh và có thể là đã tạo cái hình ảnh về Việt Dzũng trong đầu óc của tôi là bài 'Lời Kinh Đêm'. Tôi nhớ mãi đó là thời điểm đầu thập niên 1980. Tôi có nghe tên Việt Dzũng trước đó nhưng đó là lần đầu tiên tôi gặp anh bằng xương bằng thịt là thời gian chúng tôi có một buổi sinh hoạt tôi điều khiển chương trình gây quỹ của sinh viên Đại học Long Beach. Khi tôi giới thiệu Việt Dzũng thì tôi thích ngay bởi vì một người nghệ sĩ trẻ, tóc dài, ôm cây đàn trông rất là nghệ sĩ tính. Anh trình bày một bài hát, giọng rất là ngọt ngào truyền cảm, giọng nói từ tốn, thu hút, tôi thích Việt Dzũng ngay, nhưng khi nghe Việt Dzũng hát thì sự yêu thích quý mến của tôi còn lên gấp bội lần nữa tại vì bài hát anh hát nó ý nghĩa quá. Nhưng mà đến khi tôi biết anh ấy là tác giả bài hát này thì phải nói rằng tất cả sự ngưỡng mộ đưa đến cảm phục quý mến của tôi kéo dài mãi cho đến ngày hôm nay.”



VOA: Dạ thưa ông, sự ra đi của Việt Dzũng ở tuổi 55, hãy còn quá trẻ, đã gây sốc cho một số fan hâm mộ anh, nhưng có lẽ đối với người thân và bạn bè thì có thể không phải là một ngạc nhiên. Như vậy nhạc sĩ Việt Dzũng có thì giờ để tâm sự với ông về những hoài bão mà Việt Dzũng muốn thực hiện trước khi ra đi không ạ?



Nam Lộc: “Chị nói đúng, Việt Dzũng cũng biết là cái tình trạng bệnh trạng của anh cũng không có khả quan, đôi khi tôi tránh đề cập đến, nhưng mà anh em chúng tôi ngồi cạnh nhau cũng không thể không đề cập đến được, nhất là lại có những chương trình, dự án làm việc dự tính làm chung với nhau. Có hai điều, thứ nhất là Dzũng mong mỏi một ngày được trở về quê hương, và những mơ ước của anh không những là anh được về quê hương mà còn được gặp lại đồng bào mình sống dưới một chế độ tự do dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Đó là hoài bão lớn của anh. Đối với Việt Dzũng, anh nghĩ rằng ngày đó không xa. Nhưng mà hoài bão gần nhất đối với anh em chúng tôi có lẽ ít người biết là tôi và Việt Dzũng đã âm thầm hoạt động cùng với một số những người có lòng ở Nam California,chúng tôi chia sẻ hoài bão là làm thế nào để dựng lên một cái trung tâm văn hóa của người Việt tại nơi gọi là thủ đô của người tỵ nạn Việt Nam bởi vì sự thành công của người Việt với những công trình xây dựng hay thương mại rất lớn nhưng hầu như chúng ta chưa có một chỗ nào để tạo ra một trung tâm văn hóa hầu giữ lại cái lịch sử thành lập cái thủ đô tỵ nạn, có thể nói là một nơi mà người Việt Nam chúng ta sinh sống và tạo dựng sự nghiệp. Đấy là những điều mà anh Việt Dzũng rất là mong mỏi, hầu cho thế hệ trẻ đi sau biết được cha ông của họ đã làm những gì, đã hy sinh như thế nào và đã bỏ ra bao nhiêu mồ hôi nước mắt để tạo dựng được. Các em trẻ đến thăm khu Little Saigon, các em không có một địa điểm, có chỗ nào để các em tìm hiểu được lịch sử ở đâu, các em chỉ nhìn thấy khu Phước Lộc Thọ chẳng hạn, rồi thấy cái tượng Phước Lộc Thọ, nhiều khi dẫn những người bạn ngoại quốc hay bản xứ, họ lại hiểu lầm hay là đây là tổ tiên của người Việt? Thì đấy là cái hoài bão và quan tâm rất lớn của Việt Dzũng cũng như của anh em chúng tôi.”



VOA: Dạ thưa xin cám ơn ông đã chia sẻ hoài bão đó, nhưng mà hoài bão đó đã trở thành một dự án chưa, và dự án đó có khả thi hay không dựa trên những điều kiện kinh tế hiện nay?



Nam Lộc: “Dạ vâng thưa chị, dự án đó có lẽ mới đi được 1 phần 3 đường, tức là muốn thực hiện được điều đó, như chị đã nói đó là cần phải có một cái dự án tài trợ rất là lớn. Chúng tôi cũng xúc động là chúng tôi cũng đã tiếp xúc được những người có khả năng tài chính để có thể làm điều này, thậm chí có những người có cả địa điểm, đất đai để có thể cống hiến vào công việc này. Tuy nhiên cái vấn đề quan trọng là chúng ta cần nhiều người nắm tay lại, đây là một dự án có tính cách lưỡng lợi cho những người làm thương mại, họ sẽ đóng góp, chia sẻ những sự tốn kém để tạo dựng nên cái trung tâm này. Anh Việt Dzũng và chúng tôi đã gặp được một số các nhân vật đó, và hiện chúng tôi hy vọng là có thể theo đuổi được cái hoài bão này, đặc biệt những người đó là thuộc thành phần trí thức trẻ, thành công trong sự nghiệp và muốn đóng góp một phần vào việc đó. Họ cũng đồng ý với chúng tôi là nếu không thành lập trung tâm này thì một ngày nào đó, những người đi trước không còn hiện diện nữa thì những chi tiết, những tin tức, những cam kết của họ sẽ mất đi thì khó có thể thực hiện được. Thưa chị trả lời câu hỏi của chị thì đây là một công việc không phải là dễ làm nhưng mà nó đã bắt đầu và đã có những người hỗ trợ, thưa chị.”



VOA: Dạ xin cám ơn ông chia sẻ cái hoài bão đó của ông, và cũng là của nhạc sĩ Việt Dzũng. Thay mặt cho Đài VOA và độc giả của đài, xin cám ơn và chúc ông thành công.



Nam Lộc: “Vâng thành thật cám ơn chị và cám ơn độc giả của Đài VOA.”  



Tin liên hệ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét